Phân tích giá trị nhân đạo của “Vợ chồng A Phủ” - Tô Hoài - 3 bài văn hay nhất chi tiết

vo-chong-a-phu-gia-tri-nhan-dao.jpg

BÀI VIẾT SỐ 1 PHÂN TÍCH GIÁ TRỊ NHÂN ĐẠO CỦA “VỢ CHỒNG A PHỦ” - TÔ HOÀI CHI TIẾT LỚP 12
Nhân đạo là tấm lòng của nhà văn lồng ghép vào tác phẩm, giá trị nhân đạo là giá trị đáng quý của mỗi câu chuyện, mỗi bài thơ. “Vợ chồng A Phủ” là truyện ngắn giàu giá trị nhân đạo, thể hiện tấm lòng của nhà văn. Sau đây là bài viết chi tiết phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm.

Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo là hai giá trị nội dung lớn nhất của một tác phẩm văn học. nếu giá trị hiện thực dựa vào con mắt quan sát thì giá trị nhân đạo lại đòi hỏi nhà văn phải có tấm lòng, phản ánh không chỉ phản ánh mà còn phải biết đau với nỗi đau, biết khóc bởi nỗi buồn mà biết trân trọng những vẻ đẹp cuộc sống. Đó là bản chất văn học và cũng là yêu cầu sáng tạo với mỗi người nghệ sĩ. Nguyễn Du viết đời Kiều mà cũng là khóc thương cho phận bạc hồng nhan cũng như Tô Hoài viết “Vợ chồng A Phủ” để thương cho số phận, để ngợi ca vẻ đẹp tiềm tàng, để tố cáo giai cấp thống trị và để tìm một con đường lối thoát cho phận con dâu cái kiến nơi núi rừng cao nguyên. Dưới đây là bài viết chi tiết cho đề bài yêu cầu phân tích giá trị nhân đạo của “Vợ chồng A Phủ”. Mong rằng bài viết sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho những ai còn đang gặp khó khăn với đề bài này. Chúc các bạn thành công!

Tô Hoài là nhà văn hiện đại nổi bật của nền văn học Việt Nam. Với sức sáng tạo phong phú và bền bỉ, Tô Hoài đã đóng góp cho văn chương cả hai giai đoạn trước và sau cách mạng với các tác phẩm rải hầu khắp các thể loại. “Vợ chồng A Phủ” là truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách của nhà văn. Truyện không chỉ giàu giá trị hiện thực phản ánh cuộc sống mà còn thấm đượm tinh thần nhân đạo mới mẻ, sâu sắc.

“Vợ chồng A Phủ” là một truyện ngắn thành công của Tô Hoài. Tác phẩm là kết quả của chuyến đi thực tế của Tô Hoài cùng đồng đội vào giải phóng Tây Bắc trong tám tháng. Cuộc sống và con người nơi đây là nguồn cảm hứng lớn cho ngòi bút nhà văn. Phản ánh cuộc sống của những con người thấp cổ bé họng nơi cao nguyên, chịu áp bức của những chúa đất chúa mường, tác phẩm còn thể hiện tấm lòng của ngòi bút giàu niềm cảm thông và thấu hiểu. Giá trị nhân đạo là một trong hai giá trị lớn của truyện bên cạnh giá trị hiện thực.

Phản ánh số phận con người, nhà văn không chỉ có tài quan sát mà còn có sự thấu hiểu, thông cảm sâu sắc với những số phận bất hạnh-Mị và A Phủ. Hai con người trẻ nhưng lại bị đày đọa trong địa ngục trần gian-nhà thống lí Pá Tra. Mị là người con gái núi rừng còn trẻ, phơi phới tuổi xuân. Vì món nợ một nương ngô của cha mẹ, Mị bị bắt làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí. Danh là dâu, thân lại là con trâu con ngựa, phận tôi đòi không bằng một đứa con ở có công, có thời hạn. “Mỗi năm mỗi tháng”, Mị “làm đi làm lại: tết xong lên núi hái thuốc phiện; giữa năm thì giặt đay; đến mùa đi nương bẻ bắp. Và dù đi hái củi, bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cách tay để tước sợi”. Bị trói buộc thể xác đã đành, Mị còn bị thủ tiêu cả tuổi trẻ, ước mơ và khát vọng. Không gian cao nguyên với núi non trùng điệp nay chẳng còn trong ánh mắt, cái nhìn của Mị bây giờ chỉ là ‘một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bé bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng”. Ngòi bút nhà văn không chỉ vẽ ra hình ảnh Mị mà còn xoáy sâu vào tâm trạng của Mị, như để chính Mị tự viết lên những nước mắt, tuyệt vọng và khổ đau. Còn với A Phủ, sự khổ đau bắt đầu từ khi còn nhỏ: mồ côi cha mẹ, là trẻ thơ mà lại không có tuổi thơ. Trưởng thành, A Phủ phải sống trong cái nghèo khó và cảnh không nhà không cửa, không bạc lắm nương nhiều. A Phủ Mắc tội đánh A Sử - con quan làng vì A Sử phá đám, phá lệ làng, phá cuộc chơi. A Phủ bị tay chân nhà thống lý bắt làm con ở. Làm không công cho nhà thống lí, A Phủ còn bị đánh đập dã man, phải chịu cảnh “quít làm cam chịu” và bắt đầu phận tôi đòi mãn kiếp. A Phủ bị bóc lột bằng những công việc nặng nề, nguy hiểm, bị nhà thống lí coi tính mạng không bằng một con vật.

Giá trị nhân đạo của tác phẩm còn nằm ở tính tố cáo thế lực phong kiến nơi cao nguyên núi rừng đã chà đạp lên quyền sống của bao kiếp người vô tội. Tại sao Mị lại bị bắt làm dâu gạt nợ?, vì Mị phải gánh món nợ của cha mẹ. Mị không nợ nhưng Mị phải lấy thân mình ra mà trả, đó là hủ tục nợ mãn kiếp tồn tại và đè nặng lên cuộc sống vùng cao. Đó còn là sự tố cáo những món nợ nặng lãi mà bọn quan lại dùng để bóc lột sức người sức của, là cái giá cắt cổ mà chúng bắt phận con dâu cái kiến trả cho thứ hạnh phúc nhọc nhằn. Đánh đập, trói cột là những hình ảnh chẳng lạ gì trong căn nhà thống lí Pá Tra. Mị và A Phủ đều đã trải qua những đêm tăm tối trong địa ngục trần gian ấy, thân thể dập nát, ý thức cũng bị những kẻ cầm quyền nô lệ hóa. Thống lí, tay sai của thống lí và những chúa đất chúa mường đã nô lệ hóa những con người từng đầy nhiệt huyết và khát vọng đến nỗi đôi mắt họ mất đi ánh nhìn cuộc sống, đến nỗi “khổ” mà chẳng kêu khổ nữa vì “quen” rồi, họ mất đi sức phản kháng và sơ tâm thuở đầu. Phân đoạn A Phủ bị bắt về nhà thống lí, bị xử tội trong cảnh quan lại hút thuốc phiện rào rào chính là đoạn tố cáo gay gắt sự lố bịch, sa đọa của bậc làm quan. A Phủ nào có tội, A Sử mới là kẻ gây họa. Nhưng A Sử là con quan, mà đã là con quan thì tội nặng tội nhẹ đều là không có tội. Kẻ bảo vệ lẽ phải thành tội đồ, bị cáo thành kẻ vô can, thành nạn nhân tội nghiệp, bị can lại thành quan tòa và chủ nợ. Nhà văn đã dùng ngòi bút tố cáo bản chất của bọn chúa đất chúa mường dùng chuyên quyền chà đạp lên những phận người thấp cổ bé họng.

Thấu hiểu cho phận con dâu cái kiến, nhà văn còn khám phá và nâng niu, ca ngợi những nét đẹp của con người dù là dưới cảnh bị áp bức bóc lột. Mị là người con gái đang độ xuân thì, đẹp người đẹp cả nết. Mị có tài thổi sáo “có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”. Nét đẹp tâm hồn của Mị còn thể hiện ở tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ, vì cha mẹ mà làm dâu gạt nợ, muốn dùng nắm lá ngón để chết nhưng vì nghe lời cha mà lại trở về địa ngục trần gian. Dù có những lúc muốn kết thúc sự sống, muốn buông xuôi mặc cho dòng nước đưa đẩy cánh hoa, Mị vẫn luôn giữ cho mình sức sống âm ỉ, chỉ cần tác động nhỏ là nó sẽ cháy rực như bông hoa nở rộ giữa đêm đông. Đêm tình mùa xuân là lúc bao khát vọng, ước mơ trở về. Sức xuân của đất trời, sắc cỏ vàng sắc ấm của ngọn lửa về âm thanh tiếng sáo gọi bạn đi chơi đã làm sống lại những ước mơ thuở ban đầu của Mị. Kí ức sống dậy, Mị “sống” về ngày trước. Chén rượu ngô sóng sánh đã đưa tâm trí Mị rời khỏi cái đau khổ của hiện tại để sống trọn vẹn với quá khứ, cơ hồ không hề mảy may đến hiện thực đắng cay. Mị nhận thức được mình “vẫn còn trẻ”, nên Mị không thể chịu ngồi yên nữa, Mị “muốn đi chơi”. Mị sửa soạn đi chơi, bỏ thêm mơ vào đĩa đèn cho sáng. Mị không muốn sống trong bóng tối nữa, thắp sáng ngọn đèn nhà chính là lúc ngọn lửa sống cho ra sống trong Mị lại cháy trở lại. Dù bị A Sử trói đứng vào cột nhà không cho đi chơi, Mị vẫn “vùng bước đi”, đầu Mị không mông lung vô hồn nữa mà Mị để tiếng sáo đưa tâm trí mình đi. Và Mị bắt đầu thấy sợ khi nghĩ đến cái chết của người đàn bà đống phận. Nét đẹp của niềm ham sống trong tâm hồn Mị được nhà văn khám phá ra và thể hiện trên trang giấy bằng niềm ngợi ca, bằng tâm hồn trân trọng và tấm lòng thấu hiểu sâu sắc. Bên cạnh đó, nhà văn còn nhìn thấy bản chất đẹp đẽ của A Phủ. Cuộc sống khó khăn từ nhỏ nhưng A Phủ lớn lên bằng chất hồn nhiên , chất phác của chàng trai núi rừng, A Phủ khỏe mạnh, yêu chính nghĩa, dũng cảm và không chịu khuất phục trước cường quyền. Khi bị đánh A Phủ không khóc, núi rừng đã rèn luyện bản lĩnh gan dạ cho A Phủ. Sức sống của A Phủ còn thể hiện ở dòng nước mắt trong đêm đông, dòng nước mắt khi bị tước mất tự do, dòng nước mắt rơi trên đôi gò má vì biết chính mình khổ, chính mình bất lực và cùng là biểu hiện của lòng ham tự do, khát vọng được sải đôi cánh ay trên những đỉnh núi cao đón nắng chứ không phải chôn vùi tuổi trẻ và cuộc sống ở nơi địa ngục trần gian này. Tô Hoài nâng niu từng biểu hiện nhỏ nhất của sức sống mãnh liệt trong tâm hồn hai con người trẻ.

Tính nhân đạo còn thể hiện qua việc nhà văn đã khám phá ra con đường giải phóng thực sự của người lao động là đi từ bản thân, từ sự tự ý thức và tự giải thoát. Mị giai thoát cho A Phủ và cũng là giải thoát cho mình, vùng bước chân chạy đuổi theo A Phủ để trốn khỏi đại ngục trần gian này. Khát vọng sống đã làm Mị quên đi nỗi sợ hãi, làm rực cháy khát vọng sống trong Mị. Chính khát vọng sống đã mở đường sống cho Mị để Mị tự giải thoát chính mình. Với A Phủ, khi được Mị cởi dây trói, A Phủ đã ngã khuỵu xuống, nhưng rồi lại ‘quật sức vùng lên, chạy”. Chỉ có sự tự giải thoát mới đưa được hai người rời khỏi nơi đây, chỉ có sự tự thân vận động mới cứu được hai thân thể và tâm hồn đang héo mòn khỏi cái chết cận kề.

Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm mang đậm dấu ấn nhân đạo sâu sắc. Nó là sự kết tinh của cái tài thể hiện, và đặc biệt là cái tâm của tâm hồn luôn nhớ luôn thương về con người và vùng đất Tây Bắc. Cùng với giá trị hiện thực và giá trị nghệ thuật, giá trị nhân đạo đã làm cho tác phẩm sáng lên ánh sáng tình thương và làm sáng lên tấm lòng của nhà văn.

-QP-vfo.vn

gia-tri-nhan-dao-truyen-vo-chong-a-phu.jpg

BÀI VIẾT SỐ 2 PHÂN TÍCH GIÁ TRỊ NHÂN ĐẠO CỦA “VỢ CHỒNG A PHỦ” – TÔ HOÀI LỚP 12
Sê – khốp từng nói rằng: “Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”. Hay như Hoài Thanh khi nghĩ về giá trị nhân đạo trong văn học có viết: “Nếu như cảm hứng nhân bản nghiêng về đồng cảm với những khát vọng rất người của con người, cảm hứng nhân văn thiên về ngợi ca vẻ đẹp của con người thì cảm hứng nhân đạo là cảm hứng bao trùm”. Tô Hoài có thể được coi là “một nghệ sĩ chân chính” với những tác phẩm văn học mang đậm giá trị nhân đạo, nổi bật là “Vợ chồng A Phủ”. Giá trị nhân đạo trong truyện là một yếu tố góp phần khẳng định giá trị, sức sống của tác phẩm và tài năng của nhà văn.

Tô Hoài là một trong những nhà văn tiêu biểu của nền văn học hiện đại Việt Nam với rất nhiều tác phẩm đặc sắc. Vốn hiểu biết sâu rộng về phong tục tập quán, lối kể chuyện tự nhiên, sinh động hay khả năng quan sát sự vật, con người một cách tỉ mỉ, tinh tế…tất cả đã góp phần làm nên một tên tuổi lớn trong nền văn học nước nhà. Những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn có thể kể đến như truyện dài “Dế Mèn phiêu lưu ký”, tập truyện ngắn “Giăng thề”, hồi kí “Cỏ dại”, tập truyện ngắn “Xuống làng”…Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” là một tác phẩm văn xuôi nổi bật của ông. Tác phẩm đã tái hiện một cách chân thực bức tranh văn hóa đời sống vùng cao cũng như số phận bi thảm của người lao động nghèo thấp cổ bé họng dưới ách thống trị của những chúa đất chúa mường. Đồng thời, truyện cũng là một bài ca đầy tin yêu về khát vọng sống, khát vọng tự do mãnh liệt của con người. Tô Hoài tả cảnh thiên nhiên, phong tục, viết về số phận, nét đẹp tâm hồn người lao động, đằng sau những câu văn giàu cảm xúc đó, giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm được khéo léo gửi gắm đến gửi đọc bao thế hệ.

Giá trị nhân đạo là gì? Nó có ý nghĩa như thế nào đối với tác phẩm văn học và quá trình tiếp nhận của độc giả? “Nhân” là người, “đạo” là đạo lý. Ta có thể hiểu đơn giản “giá trị nhân đạo” trong văn học là giá trị cơ bản của một tác phẩm nghệ thuật xuất phát từ sự sẻ chia, cảm thông sâu sắc của nhà văn đối với nỗi khổ con người, đồng thời thể hiện sự trân trọng những nét đẹp tâm hồn cũng như là đặt niềm tin vào khả năng vươn dậy của họ trong bất kì một hoàn cảnh khốn cùng nào. Nói về giá trị nhân đạo trong văn học, M. Gorki có một câu nói vô cùng nổi tiếng: “Văn học là nhân học”. Hay như Nam Cao đã từng gửi gắm quan điểm của mình trong tác phẩm “Đời thừa”: “Một tác phẩm thật giá trị phải vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho tất cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi, nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bằng…Nó làm cho người gần người hơn”. Tô Hoài khi viết “Vợ chồng A Phủ” cũng gửi gắm vào đó những giá trị nhân đạo sâu sắc, góp phần khẳng định sức sống, giá trị cho tác phẩm nghệ thuật của mình.

Giá trị nhân đạo trong “Vợ chồng A Phủ” trước hết được thể hiện ở sự phát hiện và ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn con người vùng cao. Những chàng trai, cô gái Mèo trong trang văn Tô Hoài hiện lên rất đẹp, họ cần cù, chăm chỉ và rất tài năng. Mị là một cô gái vô cùng hiếu thảo. Khi nghe tin Pá Tra đòi dâu gạt nợ, Mị xin cha: “Con đã biết cuốc nương làm ngô, con làm nương ngô trả nợ thay cho bố…”. Câu nói đó đã thể hiện được ý thức biết ghé vai san sẻ, gánh vác trách nhiệm của người con gái hiếu thảo. Bên cạnh đó, Mị còn là người rất ý thức được giá trị của sự sống, Mị xin cha “đừng bán con cho nhà giàu” bởi hơn ai hết, Mị hiểu rằng một khi sa chân vào chốn nhà quan cao sang, quyền quý, Mị sẽ phải đoạn tuyệt với tự do, với tuổi trẻ, với thanh xuân còn đang phơi phới. Đâu chỉ vậy, Mị còn là người có đời sống tâm hồn vô cùng phong phú, sâu sắc khi biết thổi sáo, có tài thổi lá cũng hay như thổi sáo khiến biết bao người mê ngày đêm theo tiếng sáo của Mị. A Phủ cũng vậy, một chàng trai dẫu thân phận nhiều khổ đau, thua thiệt nhưng lại mạnh mẽ về thể chất, cường tráng về tinh thần. Chàng trai ấy luôn trung thực, bản lĩnh và đầy chí tình khi sẵn sàng đánh A Sử để bảo vệ lẽ phải, khi bị bắt quỳ gối chịu đánh cũng không kêu mà im như tượng đá. Chàng trai ấy dám làm, dám chịu, dám xin lập công chuộc tội. Đặc biệt, ở cả Mị và A Phủ, ta đều thấy khát vọng sống, khát vọng tự do tiềm tàng, mãnh liệt. Khám phá ra và trân quý những nét đẹp ấy, đó chính là một giá trị nhân đạo sâu sắc nhà văn gửi gắm vào tác phẩm của mình.

Tố cáo, lên án gay gắt những thế lực độc ác đè nén, chà đạp lên cuộc sống, tinh thần người lao động nghèo vùng cao cũng chính là một giá trị nhân đạo ý nghĩa trong truyện ngắn này. Trước hết, đó là thế lực phong kiến lợi dụng thủ đoạn cho vay nặng lãi, nợ sinh nợ để lừa gạt người dân nghèo. Bố mẹ Mị là nạn nhân điển hình, mà thế lực phong kiến gian ác ở đây chính là nhà thống lí Pá Tra. Thủ đoạn ấy đã phản ánh bản chất bạo tàn của chúa đất, chúa mường vùng cao Tây Bắc. Người lao động nghèo vì vậy mà phải chịu nỗi thống khổ, đớn đau để trả cho hạnh phúc nhọc nhằn, một hệ quả của những hủ tục nặng nề nơi đây. Tô Hoài cũng có cái nhìn đầy châm biếm, lên án khi viết về thói ăn chơi sa đọa cũng như hành động xử oan A Phủ đáng lên án. A Phủ, người đứng ra bảo vệ lẽ phải lại trở thành tội đồ chịu oan ức, bất công ngang trái. A Sử, kẻ gây tội bỗng chốc trở nên vô can. Sau khi chịu đánh đập dã man, A Phủ lại trở thành con ở nhà thống lí, bắt đầu cho một kiếp tôi đòi tủi nhục chẳng khác gì Mị - danh dâu con nhà quan nhưng phận tôi tớ, người làm.

Đi cùng với những lời văn thể hiện sự tố cáo, lên án thế lực độc ác chà đạp người lao động nghèo vùng cao, Tô Hoài cũng bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc với số phận bất hạnh của Mị và A Phủ. Sự trân trọng và niềm tin vào khả năng tự giải phóng để đến với tự do, hạnh phúc của con người ở nhà văn Tô Hoài cũng là một giá trị nhân đạo người đọc ấn tượng và thấm thía. Trong đoạn văn viết về đêm tình mùa xuân và đêm đông cởi trói cho A Phủ, hình ảnh nhân vật Mị và A Phủ được nhà văn tinh tế khắc họa như những điểm sáng nghệ thuật rực rỡ. Dẫu có nhiều khó khăn, nhưng hai con người ấy khi bị đẩy đến đường cùng của sự khổ đau, khốn khó sẵn sàng vùng lên, tự giải phóng cho bản thân để vượt thoát thực tại đến với hạnh phúc, tự do tương lai chờ đón.

“Xét đến cùng, ý nghĩa thực sự của văn học là nhân đạo hóa con người”. Phải chăng Tô Hoài đã chiêm nghiệm và tìm được sự đồng điệu trong suy nghĩ về giá trị nhân đạo với M. Gorki. Với cái nhìn tinh tế về cuộc sống, con người vùng cao cùng ngòi bút linh hoạt, sắc bén, Tô Hoài đã gửi gắm những giá trị nhân đạo thấm thía, sâu xa tới người đọc khi tiếp cận văn chương ông, tiếp cận và sẻ chia với câu chuyện của nhân vật ông phác họa.

-Nem-vfo.vn

gia-tri-nhan-dao-vo-chong-a-phu.jpg

BÀI VIẾT SỐ 3 GIÁ TRỊ NHÂN ĐẠO TRONG VỢ CHỒNG A PHỦ CỦA TÔ HOÀI
Tô Hoài là nhà văn có nhiều cống hiến cho nền văn học Việt Nam hiện đại cả hai giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám. Ông nổi tiếng với nhiều tác phẩm nhưng tiêu biểu nhất là “Dế mèn phiêu lưu ký” và “Vợ chồng A Phủ”. Truyện “Vợ chồng A Phủ” sáng tác năm 1952, in trong tập “Truyện Tây Bắc”. Thông qua cuộc đời hai nhân vật Mị và A Phủ, tác phẩm đã để lại tinh thần nhân đạo sâu sắc, mới mẻ thấm đượm trên mỗi trang sách của ông

Truyện “Vợ chồng A Phủ” được nhà văn Tô Hoài được in trong tập “Truyện Tây Bắc”. Tác phẩm gồm hai phần: phần đầu trích học trong sách giáo khoa là phần nói về cuộc sống đầy tủi nhục của Mị và A Phủ trong nhà thống lý Pá Tra ở Hồng Ngài, kết thúc bằng việc Mị cắt đứt dây trói cứu A Phủ trốn khỏi Hồng Ngài. Phần sau là cuộc sống mới của Mị và A Phủ ở Phiềng Sa. Họ theo Cách mạng giải phóng quê hương.

Giá trị nhân đạo là một giá trị cơ bản của tác phẩm văn học chân chính. Nó được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc đối với nỗi đau khổ của con người, sự nâng niu, trân trọng những nét đẹp trong tâm hồn con người và lòng tin vào khả năng vươn dậy của họ, đồng thời lên án những thế lực tàn bạo, đen tối chà đạp lên quyền sống, ước mơ hạnh phúc và phẩm giá của con người.

Trước hết, giá trị nhân đạo toát lên từ niềm cảm thông sâu sắc của Tô Hoài đối với những số phận bất hạnh, bị tước đoạt quyền sống, bị lăng nhục, đày đọa mà tiêu biểu là Mị và A Phủ. Hai sự sống trẻ trung bị đày đọa khủng khiếp trong tù ngục nhà thống lí Pá Tra đang bị chết dần, chết mòn vì khổ đau. Mị – cô gái trẻ đẹp, mơn mởn như bông hoa rừng nhưng bị bắt cóc về làm con dâu gạt nợ nhà thống lý. Dưới mấy tầng áp bức của cường quyền, thần quyền, lễ giáo, hủ tục phong kiến miền núi. Mị sống âm thầm vật vờ như chiếc bóng, cứ “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Khi thì tưởng “mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa”. Bởi Mị sống mà hầu như mọi quyền lợi bị tước đoạt. Mang tiếng là con dâu nhưng Mị lại là con dâu gạt nợ. Là con nợ hơn là con dâu. Là con nợ nên Mị thành nô lệ để “Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay. Cuối mùa thì đi nương bẻ bắp…lúc nào cũng cài một bó đay ở trong tay để tước thành sợi. Suốt năm, suốt đời như thế”. Bị bóc lột sức lao động đã đành, Mị lại còn bị tước đoạt tuổi xuân, hạnh phúc, bị thần quyền áp chế. Nơi Mị sống chỉ độc “một ô cửa sổ, một lỗ vuông bằng bàn tay trông ra ngoài không biết sương hay là nắng”. Đó là chốn địa ngục trần gian mà tên chồng A Sử đã trói buộc Mị vào đó, vùi dập tuổi xuân của Mị ở đó. Còn A Phủ, một chàng trai khỏe mạnh, gan bướng, sống cuộc sống hồn nhiên, phóng khoáng của tuổi trẻ yêu đời, lao động giỏi. A Phủ không nợ nần gì nhà thống lí mà rốt cục cũng biến thành kẻ trừ nợ suốt đời bị đánh đập, bị trói buộc một cách thảm khốc đến mức gần như tê liệt cả sức phản kháng. Cảnh xử kiện tàn bạo như thời trung cổ được Tô Hoài vẽ nên bằng một trang giấy mà ở đó sự tàn nhẫn, độc ác đã lên ngôi. A Phủ bị đánh đập gần như cả ngày: “đầu, đuôi mắt giập chảy máu” nhưng “chỉ quỳ và im như cái tượng đá”. Đến cả cái cảnh vì để hổ bắt mất một con bò, A Phủ phải bị trói đứng lên cái cột với dây mây quấn từ chân lên đến cổ. Phải chờ chết một cách vô lý trên cái cọc ấy giữa đêm đông rét mướt nếu không có bàn tay cứu giúp của Mị và tấm lòng nhân đạo cao cả của nhà văn.

Không chỉ xót thương, Tố Hoài còn lên tiếng tố cáo gay gắt thế lực phong kiến miền núi tàn bạo đã chà đạp lên quyền sống của nhân dân lao động Tây Bắc mà tiêu biểu là Mị và A Phủ. Chúng đã lợi dụng chính sách cho vay nặng lãi để nô lệ hóa con người mà Mị và A Phủ chính là nạn nhân của chúng. Nợ là sợi dây trói buộc thể xác của Mị và A Phủ vào nhà thống lý nhưng thần quyền mới là sợi dây trói oan nghiệt nhất đã trói buộc tinh thần Mị và A Phủ vào nhà thống lý. Họ đã bị thần quyền làm cho tê liệt về ý thức phản kháng, trở thành những con người cam chịu kiếp sống trâu ngựa. Không chỉ vậy, chúng còn dùng cường quyền, hủ tục và những thủ đoạn bóc lột tàn nhẫn để thỏa mãn sự độc ác. Mị bị bóc lột lao động tàn tệ chỉ biết chúi đầu vào công việc cả đêm cả ngày “suốt năm, suốt đời như thế”. Bị A Sử trói đứng vào cột trong đêm tình mùa xuân chỉ vì Mị muốn đi chơi. A Phủ thì quanh năm chỉ rong ruổi ngoài bìa rừng chăn bò chăn ngựa đến nỗi quên cả việc về thăm làng cũ. Bị trói đứng vào cột chờ chết, thế mạng mình cho mạng của con bò. Qua những số phận ấy, ngòi bút Tô Hoài đã vạch trần bộ mặt tàn bạo của cha con nhà thống lý. Mang đến cho người đọc “tập hồ sơ tội ác” về tội ác tày trời của giai cấp chủ nô phong kiến miền núi ở Tây Bắc trước khi có cách mạng về.

Biểu hiện thứ ba của giá trị nhân đạo trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ là việc nhà văn phát hiện và nâng niu trân trọng trước những vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất cao đẹp của nhân vật Mị và A Phủ.

Trước hết, nhà văn phát hiện và nâng niu trân trọng trước vẻ đẹp của nhân vật Mị. Mị là cô gái trẻ đẹp, giàu tài năng “Mị thổi sáo hay, thổi lá cũng hay như thổi sáo”. Có tấm lòng hiếu thảo với cha già. Khi bị bắt về làm dâu gạt nợ nhà thống lý, dù cuộc sống nhiều khổ cực, khổ như trâu ngựa nhưng trong Mị luôn ẩn chứa sức sống tiềm tàng mãnh liệt, sức phản kháng mạnh mẽ. Tất cả đã được ngòi bút Tô Hoài trân trọng, nâng niu qua từng phát hiện. Trong đêm tình mùa xuân, sức sống ấy như ngọn lửa bùng cháy dữ dội. Khi nghe tiếng sáo vọng lại “thiết tha bổi hổi”, Mị đã sống lại những phút giây tuổi trẻ ngày nào. Đó là lúc tài năng âm nhạc trong Mị được đánh thức “Mị ngồi nhẩm thầm lời người đang thổi sáo”. Hành động ấy nói lên bao điều. Bấy lâu nay, cô Mị câm lặng, vô cảm, ấy thế mà hôm nay bỗng được sống dậy. Bài hát cũ lâu rồi không hát, điệu sáo ấy lâu rồi không thổi nhưng Mị vẫn nhớ, Mị không quên nghĩa là sức sống trong Mị chưa nguội tắt mà vẫn âm ỉ như hòn than trong lớp tro tàn. Cũng trong đêm tình ấy, ngòi bút Tô Hoài còn chứng kiến được hình ảnh một cô Mị nổi loạn cùng men rượu cay đêm tình. Rượu đã đưa Mị từ cõi quên về với cõi nhớ, rượu và tiếng sáo ngất ngây gọi bạn tình đã làm Mị nhận ra “Mị trẻ lắm. Mẹ còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Khát vọng ấy, là khát vọng của con người yêu tự do, khát vọng tự do mãnh liệt. Và hành động “Mị cuốn lại tóc. Mị với tay lấy chiếc váy hoa vắt ở phía trong vách… Mị rút thêm cái áo” đã cho thấy sự bứt phá của Mị với bản năng sống mãnh liệt bất chấp cả cường quyền, thần quyền. Ngay cả khi bị A Sử trói đứng vào cột “tóc Mị xõa xuống hắn cuốn luôn tóc Mị lên cột làm cho Mị không cúi không nghiêng được đầu nữa”. Nhưng Mị vẫn thản nhiên, Mị không hề biết mình đang bị trói, thậm chí khi tiếng sáo nhập vào hồn Mị, Mị đã “vùng bước đi”. Điều đó cho thấy, sức sống tinh thần trong Mị đã lớn dậy, nó đã lấn át cả nỗi đau về thể xác. Cũng có nghĩa là bóng ma thần quyền, cường quyền đã khuất phục trước sức sống ấy của Mị.

Sức sống mãnh liệt ấy lại một lần trỗi dậy trong đêm cứu A Phủ. Lúc đầu, Mị dửng dưng vô cảm trước cái chết cận kề của A Phủ. Nhưng sau đó, dòng nước mắt của A Phủ “bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” đã thức dậy lòng thương người trong Mị. Lòng thương người ấy đã làm sống dậy trong Mị sức phản kháng mạnh mẽ. Nếu nói đêm tình mùa xuân là “tia lửa nhỏ” thì đêm cứu A Phủ là “đám cháy lớn”. Đám cháy ấy bùng lên khi Mị nhận thức được tội ác cha con nhà thống lý “Trời ơi chúng trói người ta đến chết thì thôi, chúng nó trói chết người đàn bà ngày trước cũng ở trong cái nhà này. Chúng nó thật độc ác”. Nhận thức ấy là nhận thức hoàn toàn bằng lí trí, bằng sự tỉnh táo. Từ nhận thức ấy mà sự nổi loạn thứ hai của Mị mới thật là mong muốn của người đọc. Mị đã cắt đứt dây trói cho A Phủ. Rồi Mị cũng vụt chạy theo A Phủ vì theo Mị “Ở đây thì chết mất”. Hơn một lần trong truyện này Mị sợ chết. Lần đầu là thức dậy sau đêm bị trói nghĩ đến người đàn bà đời trước bị trói đến chết trong căn nhà này “Mị sợ quá. Mị cựa quậy xem mình còn sống hay là đã chết”. Lần thứ hai là lúc Mị cắt đứt xong dây trói cho A Phủ. Như vậy, sợ chết là biểu hiện cao độ nhất của lòng ham sống. Đó là vẻ đẹp sức sống tiềm tàng của con người lao động Tây Bắc và niềm tin của nhà văn vào khả năng vươn dậy của nhân vật.

Bên cạnh đó, nhà văn Tô Hoài còn nhìn thấy bản chất đẹp đẽ của A Phủ, một chàng trai của núi rừng tự do. Anh yêu lao động, giỏi giang: “biết đúc lưỡi cày, biết đục cuốc, lại cày giỏi và săn bò tót rất bạo…”. A Phủ rất khỏe, chạy nhanh như ngựa. A Phủ đã trở thành niềm khát khao của bao cô gái trong làng “ Lấy được A Phủ là bằng được con trâu tốt trong nhà”. Nhưng A Phủ nghèo nên không lấy được vợ. Tuy vậy, vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn, A Phủ vẫn sống một đời sống tâm hồn phóng khoáng, hồn nhiên, yêu đời, yêu chính nghĩa, tự tin của tuổi trẻ. “Đang tuổi chơi, trong ngày Tết đến, dù chẳng có quần áo mới như nhiều trai làng khác, A phủ chỉ có độc một chiếc vòng trên cổ. A Phủ cũng cứ cùng trai làng đem sáo, khèn con quay và quả pao đi tìm người yêu ở các làng trong rừng”. Trong cảnh xử kiện, dù bị đối xử tàn tệ nhưng A Phủ chỉ quỳ và “im như tượng đá” đó là bản tính gan góc rất đáng quý. Lúc được Mị cứu, dừ đã kiệt sức nhưng A Phủ đã “quật sức vùng lên chạy”. Phải chăng ở con người đó luôn tiềm ẩn lòng yêu đời, khát sống, khát tự do. Có lẽ vì vậy mà khi sang Phiềng Sa, A Phủ đã nhanh chóng trở thành tiểu đội trưởng du kích, cùng Mị giải phóng quê hương.

Biểu hiện sau cùng và cũng là biểu hiện mới mẻ nhất của tư tưởng nhân đạo trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ là việc nhà văn đã chỉ ra con đường giải phóng thực sự của người lao động là đi từ tự phát đến tự giác. Mị và A Phủ từ tăm tối đau thương đã vươn lên ánh sáng của tự do và nhân phẩm. Họ đã cùng nhau đạp qua đêm tối, vươn đến ngày mai ở Phiềng Sa, nên vợ nên chồng. Cả hai người đã theo Cách mạng, theo Đảng, đánh giặc, bảo vệ quê hương và thay đổi số phận của mình. Cũng qua đó, tác giả đã bày tỏ thái độ bênh vực quyền sống của con người và là bài ca ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người lao động, đặc biệt là sức sống tiềm tàng và hành động tự giải phóng của nhân vật, đồng thời đặt niềm tin và sự trân trọng, nâng niu đối với khát vọng sống tốt đẹp của con người dù bị đày đọa đau khổ.

Bên cạnh giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo, “Vợ chồng A Phủ” còn có những thành công đặc biệt về phương diện nghệ thuật. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo. Miêu tả phong tục, tập quán, phong cảnh thiên nhiên sinh động. Nghệ thuật kể truyện sinh động, tự nhiên, hấp dẫn. Ngôn ngữ tác phẩm rất tinh tế, mang đậm màu sắc miền núi và thực sự đã để lại dấu ấn của Tô Hoài.

Tóm lại, "Vợ chồng A Phủ" mang ý nghĩa tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Nó được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc với nỗi đau của con người, sự nâng niu nét đẹp tâm hồn mà hơn cả là sự hướng tới giải phóng cho con người tiêu biểu là số phận của Mị và A Phủ. Chính vì những giá trị nhân văn cao đẹp ấy mà nửa thế kỷ trôi qua, tác phẩm của Tô Hoài vẫn giữ được cho mình một chỗ đứng vững chắc trong lòng bao thế hệ bạn đọc.
vfo.vn
 
  • Chủ đề
    giá trị nhân đạo tô hoài vợ chồng a phủ
  • Top