Phân tích hình tượng làng Xô Man để thấy sự vận động của hình tượng trong Rừng xà nu lớp 12

Đề bài cụ thể: Phân tích hình tượng làng Xô Man qua hai chi tiết khi làng xô man chưa đồng khởi "giặc kéo đến làng...vang khắp làng", khi làng xô man nổi dậy "thế là bắt đầu rồi... nổi lửa lên" để thấy sự vận động của hình tượng

Văn học Cách mạng Việt Nam mang trong mình khuynh hướng vận động hướng về phía ánh sáng, về một tương lai tươi đẹp. Hình tượng làng Xô Màn trước và sau khi đồng khởi trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành là một trong những hình tượng thể hiện rõ nhất khuynh hướng ấy.

Hình tượng là chiếc chìa khoá vàng để khai mở cánh cửa nghệ thuật của mỗi tác phẩm văn học. Nói cách khác, hình tượng nghệ thuật được người nghệ sĩ dụng công dựng xây nên bằng ngôn từ được chắt lọc kĩ càng, qua đó gói trọn những tư tưởng, tình cảm, những thông điệp và dụng ý nghệ thuật của mình. Cũng chính sự độc đáo của hình tượng nghệ thuật trung tâm là yếu tố làm nên sự thành công của mỗi tác phẩm văn học. Trong truyện ngắn "Rừng xà nu", Nguyễn Trung Thành đã xây dựng rất thành công hình tượng dân làng Xô Man trước và sau khi đồng khởi. Trước khi cùng nhau cầm giáo đứng lên, làng Xô Man phải chịu biết bao đau thương, mất mát. Nhưng khi đã một lòng đồng khởi, làng Xô Man trở thành làng anh hùng, với những chiến thắng liên tiếp vang dội. Sự vận động của hình tượng làng Xô Man trở thành đại diện cho tinh thần của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Dưới đây là bài văn phân tích tham khảo hình tượng làng Xô Man qua hai chi tiết khi làng Xô Man chưa đồng khởi :"Giặc kéo đến làng... vang khắp làng", khi làng Xô Man nổi dậy:" Thế là bắt đầu rồi... nổi lửa lên". Chúc các bạn học tập thật tốt!

dan-lang-xo-man-rung-xa-nu.jpg

BÀI VĂN MẪU PHÂN TÍCH HÌNH TƯỢNG LÀNG XÔ MAN QUA HAI CHI TIẾT ĐỂ THẤY SỰ VẬN ĐỘNG CỦA HÌNH TƯỢNG
Nguyễn Trung Thành là một nhà văn quân đội gắn bó với Tây Nguyên suốt hai cuộc kháng chiến, có nhiều tác phẩm thành công về mảnh đất và con người nơi đây. "Rừng xà nu" – tác phẩm được xem là hịch tướng sĩ trong kháng chiến chống Mĩ - là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của văn phong Nguyễn Trung Thành. Trong tác phẩm, khi làng Xô Man chưa đồng khởi :"Giặc kéo đến làng... vang khắp làng". Khi làng Xô Man nổi dậy:" Thế là bắt đầu rồi... nổi lửa lên". Hai đoạn trích đã khắc hoạ rõ nét hình ảnh của làng Xô Man trước và sau khi đồng khởi.

Làng Xô Man trước khi cầm giáo là làng Xô Man đau thương dưới một tay đàn áp của thằng Mĩ Diệm. Trong những năm dài đen tối khi quân Mĩ – Diệm kéo tới, suốt đêm ngày, chó của nó và súng của nó “sủa vang cả rừng”, thì dân làng Xô Man vẫn thay nhau vào rừng tiếp tế, bảo vệ cán bộ Đảng. Sự mất mát đau thương của làng Xô Man được thể hiện qua hình ảnh rừng xà nu. Cả một rừng xà nu chẳng cây nào là không bị thương. Từng thế hệ cây xà nu ngã xuống cũng như từng thế hệ dân làng Xô Man phải hi sinh dưới gót giày xâm lược tàn bạo của kẻ thù. Anh Xút bị giặc bắt treo cổ lên cây vả đầu làng, bà Nhan bị giặc chặt đầu, cột tóc treo đầu súng. Mai vì bảo vệ đứa con mà chịu những nhát gậy sắt lạnh lẽo, vô nhân tính của quân địch, mà rồi chính đứa bé vô tội mới lọt lòng cũng bị cướp đi sinh mạng bé nhỏ. Dít bị chúng nó tra tấn doạ nạt, đạn tôm xông cứ thế bắn, sượt qua tai, con bé cứ thế rít lên... Và đặc biệt là Tnú. Ngay từ khi còn nhỏ đi liên lạc cho cán bộ, bị giặc bắt, chúng đã hành hạ, bắt Tnú phải chịu đựng những đòn roi dã man nơi tù ngục. Sau này, Tnú lại phải đau đớn khi gia đình của anh bị lũ giặc giết hại ngay trước mặt mà bản thân lại không thể bảo vệ được. Tnú phải bíu chặt đôi bàn tay mình vào gốc cây, cắn răng nhìn cảnh tượng những người thân thương nhất của mình bị giặc hành hạ. Và mặc cho những lời ngăn cản của cụ Mết, Tnú đã nhảy xổ vào giữa vòng vây của bọn lính, dang hai cánh tay rộng lớn của mình để ôm lấy mẹ con Mai. Nhưng cuối cùng, chính người vợ, chính đứa con lại chết trong vòng tay ấy. Nhưng bấy nhiêu đó vẫn không thể gây ám ảnh trong lòng người đọc bằng chi tiết đôi bàn tay của Tnú bị giặc quấn giẻ tẩm nhựa xà nu và đốt cháy. “Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc. Tnú nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra, trừng trừng. Trời ơi! Cha mẹ ơi! Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa". Hình ảnh đầy thương đau ấy là tiêu biểu cho những mất mát đau thương của dân làng Xô Man. Không có vũ khí trong tay, chỉ có hai bàn tay trắng, Tnú không đủ sức bảo vệ những người thân yêu, bảo vệ vợ con, phải chịu tra tấn man rợ. Rõ ràng, trước khi đồng khởi, làng Xô Man phải chịu biết bao đau thương mất mát tột cùng.

Thế nhưng, ngay trong cái đêm đàn áp man rợ đã cướp đi sự sống của mẹ con Mai, đôi bàn tay Tnú bị đốt cháy, làng Xô Man đã nổi dậy. Trong những giờ phút nghiêm trọng nhất giữa cái sống và cái chết, cụ Mết đã chỉ huy đội du kích từ trong rừng bất ngờ xông lên nhà ưng tiêu diệt lũ ác ôn. Tiếng hô của cụ Mết vang lên: “Chém! Chém hết!”. Những cây rựa sáng loáng vung lên. Dưới lưỡi mác của cụ Mết, thằng Dục chỉ huy nằm gục trên vũng máu. Mười tên giặc bị giết chết, xác ngổn ngang quanh đống lửa xà nu giữa nhà ưng. Chính ” đêm ấy”, tiếng chiêng nổi lên, lửa cháy khắp rừng. Và “cả rừng Xô Man ào ào rung động”. Chính đêm ấy, cụ Mết già làng, người anh hùng bộ tộc trong tư thế lẫm liệt của người chiến thắng đã truyền hịch đánh Mĩ – Diệm vang vọng núi rừng: “Đốt lửa lên! Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây dụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông. Đốt lửa lên!”. Khi lũ làng ào ào xông lên với giáo mác trong tay, lửa đã tắt trên bàn tay Tnú, đau thương ngừng lại, kẻ thù phải trả giá. Ấy là cái chết của 10 thằng ác ôn dưới mũi mác, mũi giáo của cụ Mết và thanh niên làng Xô Man, cái chết của thằng chỉ huy dưới bàn tay tàn tật của Tnú. Khi cầm vũ khí đứng lên, cuộc sống của làng Xô Man đã hoàn toàn thay đổi: âm thanh tiếng chày giã gạo dồn dập của làng Xô Man khi Tnú trở về, câu nói của cụ Mết: "Năm nay làng không đói. Gạo đủ ăn tới mùa suối. Nhưng phải để dành, dự trữ mỗi bếp cho được 3 năm. Mày đi cách mạng, người chỉ huy cũng dạy mày rồi, đánh thằng Mĩ phải đánh lâu dài" chính là biểu hiện cụ thể của sự thay đổi ấy. Khi cầm vũ khí đứng lên, dân làng Xô Man cũng như cánh rừng xà nu trở nên bất diệt: con đường đến làng Xô Man chằng chịt hầm chông, hố chông, giàn thò, những chỗ ác chiến điểm sẵn sàng đợi giặc. Rừng xà nu thì ào ào rung động, đại bác của kẻ thù không ngăn nổi sự sống, sức sống của những mầm cây đang tiếp tục nhú lên. Khi cầm vũ khí đứng lên, con người Xô Man trở nên hoàn thiện hơn: Dít trở nên giống Mai, song con bé còn có thêm cả sự cứng cỏi, hiểu biết và đầy bản lĩnh để bảo vệ những gì mình yêu thương. Thằng bé Heng sẽ đi xa hơn Tnú. Ở tuổi của Tnú ngày xưa, cậu bé Heng đã có tư thế của một người lính thực thụ, có những hiểu biết và ý thức hơn hẳn Tnú ngày xưa.

Với ngòi bút đặc sắc, đậm đà chất sử thi hùng tráng toát lên qua đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật, các chi tiết nghệ thuật, giọng điệu, ngôn ngữ, qua tác phẩm, Nguyễn Trung Thành đã khái quát được con đường đấu tranh đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên từ tự phát đến tự giác, từ bóng tối bước ra ánh sáng, từ nô lệ đến tự do. Tác giả khẳng định được sức sống bất diệt của Tây Nguyên trong cuộc đối mặt với kẻ thù.

-M-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    dân làng xô man nguyên thành trung rừng xà nu
  • Top