Phân tích hình tượng ngọn lửa trong đoạn văn tả cảnh đêm đông Mị cắt dây mây cởi trói cho A Phủ. Từ đó ch

Vương Trí Nhàn từng khẳng định: “Khi vào truyện, một cái xà tích của một cô gái, một chút ánh trăng thượng tuần đều phải có ý nghĩa. Cái này nương tựa cái kia, chi tiết này soi rọi chi tiết khác”. Những chi tiết, hình tượng khi được tác giả đưa vào trang viết của mình đều có mang theo những dụng ý nhất định của nhà văn. Như “Vợ chồng A Phủ” là câu chuyện về số phận, cuộc đời Mị và A Phủ, ngưng sao người đọc vẫn cảm thấy sự diện diện của tiếng sáo và ngọn lửa xuyên suốt câu chuyện như một “nhân vật” đặc biệt, không thể thiếu vậy. Đặc biệt là hình tượng tiếng sáo đi theo Mị trong đêm tình mùa xuân và ngọn lửa cùng với Mị ở trong đêm đông Mị cắt dây mây cởi trói cho A Phủ. Hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu hình tượng ngọn lửa trong đoạn văn tả đêm mùa đông ấy: về tần suất xuất hiện cũng như đặc điểm và ý nghĩa đối với nhân vật và sự phát triển, ý nghĩa của truyện. Sau đây là bài văn mẫu các bạn có thể tham khảo trước khi viết bài. Chúc mọi người học tập tốt!

Đề bài: Phân tích hình tượng ngọn lửa trong đoạn văn tả cảnh đêm đông Mị cắt dây mây cởi trói cho A Phủ. Từ đó chỉ ra mối quan hệ giữa ngọn lửa và Mị, ý nghĩa mối quan hệ đó

hinh-tuong-ngon-lua-vo-chong-a-phu.jpg

BÀI VĂN PHÂN TÍCH HÌNH TƯỢNG NGỌN LỬA TRONG CẢNH ĐÊM ĐÔNG MỊ CẮT DÂY MÂY CỞI TRÓI CHO A PHỦ
Có một sự gặp gỡ tự nhiên đến bất ngờ, thú vị của các tác phẩm văn học Việt Nam: đều gặp nhau ở hình ảnh ngọn lửa. Từ đốm lửa leo lét nơi phố huyện trong “Hai đứa trẻ” đến đuốc lửa rực sáng chốn lao tù trong “Chữ người tử tù”; từ ngọn lửa mà cha ông ta “truyền qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi” đến bếp lửa của hơi ấm và ánh sáng trong “Ma túc bao hoàn lô dĩ hồng”. Từ ánh lửa chập chờn trong đêm tân hồn đầy tử khí của vợ chồng Tràng đến ánh lửa tái sinh trong đêm đông Mị cứu A Phủ. Với Tô Hoài, trong “Vợ chồng A Phủ”, đó chắc chắn là sự sắp xếp đầy dụng ý nghệ thuật của tác giả.

Tập "Truyện Tây Bắc" là vụ mùa thu hoạch từ chuyến đi thực tế lên Tây Bắc của Tô Hoài năm 1952. Trong số ba truyện ngắn được giải Nhất Giải thưởng của Hội Văn Nghệ Việt Nam 1954 - 1955, "Vợ chồng A Phủ" có lẽ là truyện ngắn đọng lại ấn tượng sâu sắc nhất. Có thể nói: “đất nước và người miền Tây đã để
thương để nhớ cho tôi nhiều quá, tôi không thể bao giờ quên….” chẳng những nhắc
nhớ người nghệ sĩ ấy ngày quay trở lạ mà còn “phải đem trả cho những người
thương ấy” “một tấm lòng mình, một cái gì làm hiện lại cả cuộc đời người Hmông
trung thực, chí tình…”.

Trong tác phẩm, đã có bốn lần tác giả để cho ngọn lửa xuất hiện: Đó là hình ảnh Mị sưởi lửa buổi sớm: “Thường đến gà gáy sáng Mị ngồi dậy ra bếp sưởi một lúc thật lâu thì các chị em trong nhà mới bắt đầu dậy ra dóm lò bung ngô, nấu cháo lợn”… Ngọn lửa được Mị thổi lên trong đêm tình mùa xuân, khi Mị “xắn ống mỡ bỏ vào đèn cho sáng” và muốn được đi chơi. Và dù có những đêm lạnh quá, ngủ thiếp đi bên đống lửa, bị A Sử đi qua đạp cho một cái, “Mị vẫn trở dậy, vẫn sưởi, chỉ biết còn ở với ngọn lửa”. Và đặc biệt là hình ảnh ngọn lửa cùng với Mị trong đêm đông cởi trói cho A Phủ. “Một đêm khuya nữa lại đến, Mị trở dậy, thổi lửa, hơ tay, sưởi lưng”. Ngọn lửa bập bùng sáng lên, soi tỏ cho Mị thấy được: “Một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Và kết thúc tác phẩm là hình ảnh đám than “đã vạc hẳn lửa”, bóng tối ngập tràn không gian. Như vậy, có thể thấy hình ảnh ngọn lửa luôn xuất hiện xuyên suốt và vào những mốc thời gian quan trọng của cuộc đời Mị.

Muôn đời nay, ngọn lửa đã trở thành người bạn đồng hành của con người trong cuộc sống. Ngọn lửa thắp sáng không gian, ngọn lửa đem lại hơi ấm và còn là hình ảnh của văn minh và hạnh phúc. Với Mị, trước hết đó là “ngọn lửa sinh tồn” của mình. Ngọn lửa giúp Mị trong cuộc sống sinh hoạt lao động: để dóm lò bung ngô, nấu cháo cho lợn. Và nếu không có ngọn lửa sưởi ấm, có lẽ Mị đã chết cóng ở một xó nào đó trong nhà rồi. Trong cuộc sống thực, ngọn lửa giúp Mị duy trì sự sống.

Nhưng ngọn lửa còn là biểu tượng của ánh sáng, của hơi ấm và sự sống nữa. Ngọn lửa chính là tác nhân để làm phục sinh sự sống tiềm tàng bên trong Mị. Lúc đầu, ngọn lửa bùng lên khiến Mị bắt gặp cái nhìn “trừng trừng” của A Phủ, nhưng Mị vẫn “thản nhiên thổi lửa, hơ tay”. Lúc ấy “ngọn lửa sưởi bùng lên”, nhưng ngọn lửa lòng nơi Mị thì vẫn nguội lạnh. Lần thứ hai, chính ngọn lửa soi sáng cho Mị thấy được “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má…”. Ngọn lửa làm sáng một vùng kí ức và tiềm thức của Mị, Mị nghĩ về mình, Mị thương cho mình rồi thương cho người: “Cơ chừng này chỉ qua đêm mai là người kia chết, chết đói, chết rét, phải chết”, rôi Mị nghĩ “người kia việc gì mà phải chết thế”. Ngọn lửa sưởi bùng sáng lên và ngọn lửa của sự đồng cảm, trắc ẩn trong Mị cũng đã được nhen nhóm. Ngọn lửa ấy lớn dần lên theo những suy nghĩ: “một lúc nào đó, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cới trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy” nhưng nghĩ thế nào Mị cũng không sợ. Và cuối cùng, ngọn lửa tỏa sáng đẹp đẽ nhất, giải phóng Mị chính là khi Mị quyết định cởi dây trói cho A Phủ rồi “đứng lặng trong bóng tối”, nhưng lập tức chạy theo A Phủ. Đứng trong bóng tối, Mị cảm nhận được ánh sáng nơi tâm hồn, khao khát của mình, Mị biết Mị thích ánh sáng và Mị phải thuộc về ánh sáng. Ngọn lửa khát sống, yêu sống từ một đốm lửa nhỏ đã trở thành đuốc lửa rồi.

Từ ngọn lửa sưởi bên ngoài đã chuyển hóa thành ngọn lửa bên trong tâm hồn, từ ngọn lửa đơn thuần chỉ để duy trì sự tồn tại đến ngọn lửa khát sống và sống cho hạnh phúc. Ngọn lửa không phải là sự vật có thể thấy nữa rồi, nhưng nó có thể cảm nhận và thể hiện qua hành động. Và dù sao đó, đám than vạc đã tắt, chỉ còn lại đó không gian tối đen nhưng trong lòng Mị lại rực sáng, Mị đã tự thắp sáng được cuộc đời của chính mình. Đó chính là khả năng tự giải phóng mình để đến với cuộc sống mới, đến với cách mạng của người nông dân. Từ những chi tiết rất nhỏ nhưng được xây dựng công phu và tâm huyết đã “nói nhiều hơn bản thân nó”, nói về một tác phẩm xứng tầm nhân văn và một “nhà văn lớn”. Miêu tả ngọn lửa của lòng ham sống vẫn nồng nàn và mãnh liệt nơi một tâm hồn tưởng đã tê liệt vì những đọa đầy về thể xác cũng như tinh thần cho thấy một niềm tin mãnh liệt vào con người của nhà văn. Thắp sáng ngọn lửa của khát vọng sống ấy, Tô Hoài cũng làm bừng sáng giá trị nhân văn cao cả của tác phẩm. Đó chính là cái tầm của một nhà văn biết dùng con mắt thấu cảm để nhìn, dùng cái tâm chân thành để hiểu và dùng vốn sống tài hoa để viết.

Hình ảnh ngọn lửa một lần nữa được thắp sáng và lan tỏa không chỉ trong tác phẩm, ở nhân vật mà còn tới khắp người đọc mọi thế hệ rồi…

-Bỉ Ngạn-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    a phủ cởi trói hình tượn ngọn lửa nhân vật mị vợ chồng a phủ
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,722
    Bài viết
    467,532
    Thành viên
    339,842
    Thành viên mới nhất
    tuchungmkt
    Top