Phân tích Hồn trương ba da hàng thịt làm rõ ý kiến: Khi một nhà văn xuất hiện, đòi hỏi anh ta có mang đến

Đề bài: “Khi một nhà văn xuất hiện, đòi hỏi anh ta có mang đến cho người đọc một cái gì mới không?" (L. Tolstoy). Điều mới mẻ mà Lưu Quang Vũ mang đến cho bạn đọc qua "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"

Vào thập niên 80 của thế kỉ trước, sân khấu của các nhà hát kịch lớn nhỏ trên đất nước không bao giờ thiếu vắng những vở kịch của Lưu Quang Vũ. Ông đã để lại cho cuộc đời những vở kịch bất hủ, mang ý nghĩa và thông điệp lớn lao, mang màu sắc cá tính riêng của nhà viết kịch đại tài. "Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt" là một trong những vở kịch độc đáo và mới lạ của ông như nhà văn L.Tolstoy từng nói: "Khi một nhà văn xuất hiện, đòi hỏi anh ta có mang đến cho người đọc một cái gì mới không?"

Thạch Lam từng nói: "Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp chính ở chỗ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức." Từ xưa, văn học đã đem phong cách làm thước đo tài năng người nghệ sĩ. Một nhà văn muốn ghi tên tuổi của mình vào văn đàn, anh phải có giọng hát của riêng mình để "không có lối đi chung cho hai nhà văn cả". Nhà thơ Nga Lev Tolstoy cũng đã có lần khẳng định: "Khi một nhà văn xuất hiện, đòi hỏi anh ta có mang đến cho người đọc một cái gì mới không?" Thấu hiểu điều đó, Lưu Quang Vũ - một nhà viết kịch trẻ đã làm mới cốt truyện dân gian để đưa cá tính sáng tạo của mình vào từng câu chữ, làm nên sự mới mẻ, một nét rất riêng cho vở kịch "Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt". Bài viết sau đây phân tích rõ hơn để làm nổi bật vấn đề đó.

nha-van-hon-truong-ba-da-hang-thit.jpg

BÀI VĂN MẪU PHÂN TÍCH "HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT" ĐỂ LÀM RÕ Ý KIẾN CỦA L. TOLSTOY
Con chim sơn ca đã ghi dấu ấn vào thế giới tự nhiên nhờ giọng hót hay khó kiếm, loài hoa thược dược được mệnh danh là nữ hoàng các loài hoa vì hương sắc tỏa hương, loài sư tử được ví như chúa tể của núi rừng nhờ tiếng gầm hùng dũng. Một người nghệ sĩ trong hành trình sáng tạo nghệ thuật muốn ghi tên mình vào dòng chảy vĩnh viễn của văn học, đòi hỏi anh ta phải có giọng riêng cho mình như L.Tonstoy từng phát biểu: "Khi một nhà văn xuất hiện, đòi hỏi anh ta có mang đến cho người đọc một cái gì mới không?" Thấu hiểu điều đó, Lưu Quang Vũ đã làm mới và cất lên tiếng nói cá nhân trong vở kịch "Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt".

Câu nói của nhà văn Nga đại tài L.Tonstoy như một lời khẳng định về yêu cầu dành cho các nhà văn khi bước lên văn đàn. Đó là việc đem lại "một cái gì mới" - một con mắt mới, một phát hiện mới, một cách cảm nhận mới, một thể hiện mới. Tức là một khi đã trở thành người nghệ sĩ gắn mình vào sự nghiệp văn chương, anh ta phải có "lối đi riêng" cho mình, cất cao giọng hát của riêng mình để đứng giữa cuộc đời văn học vốn dĩ rộng dài. Nam Cao thu hút người đọc bởi giọng văn sâu sắc và đầy triết lí. Xuân Diệu đi vào lòng người nhờ những câu thơ cách tân độc đáo như thúc giục, như vội vàng. Nguyễn Tuân ghi tên mình vào dòng chảy văn học nhờ nghệ thuật ngôn từ độc đáo, không ưa những thứ nhàn nhạt, tầm thường. Để trở thành một nhà văn chân chính, làm nên những điều mới mẻ chính là yêu cầu và trách nhiệm cho mỗi nhà văn.

Văn học là địa hạt của sự sáng tạo. Văn chương không cần sự sao chép y nguyên, không cần "một người thợ khéo tay làm theo vài kiểu mẫu đưa cho". Văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung là nơi người nghệ sĩ thỏa sức bày tỏ cái tôi của chính mình. Cùng viết về nạn đói năm 1945 nhưng nếu như Nam Cao xoáy sâu vào nỗi đớn đau, bất hạnh của con người bị dồn vào đường cùng đến nỗi phải tự vẫn trong "Nghèo" thì Kim Lân lại thắp lên ngọn lửa của cách mạng, hi vọng sống trong "Vợ nhặt". Con mắt nhìn đời chi phối tới những sáng tác và làm nên tính độc đáo cho mỗi trang văn.

Mỗi nhà thơ, nhà văn chân chính đều mang trong mình những cá tính nghệ thuật riêng để phân biệt mình với bao người khác. Đó là khuôn mặt riêng, giọng điệu riêng của từng người trong thế giới nghệ thuật, là biểu hiện của một tài năng văn học nổi tiếng. Mỗi chạm khắc độc đáo trong tác phẩm nghệ thuật làm nên thế giới riêng trong sáng tác của các nhà văn, khiến họ trở nên khác biệt với những nhà văn khác. Tuy nhiên sự độc đáo đó luôn phải có bản lề từ những giá trị vĩnh hằng của cuộc sống. Cá tính sẽ trở nên vô nghĩa nếu như đi ngược lại đạo lí và truyền thống dân tộc. Cho nên, sáng tạo phải luôn đi liền với những giá trị chân, thiện, mĩ ở đời, hướng cho con người tới cái thiện. Điều đó mới giúp cho nghệ thuật trở nên ý nghĩa.

Người đọc luôn đòi hỏi ở mỗi tác phẩm một "lối đi riêng". Văn chương không có nét riêng sẽ trở nên nhàm chán và dễ bị xóa nhòa trong dòng chảy vô cùng của vũ trụ. Cho nên nếu như muốn sống mãi trong lòng bạn đọc, người nghệ sĩ phải bỏ vào đó tâm huyết và cái tôi riêng của mình, để văn chương không phải những bản sao sáo mòn và vô nghĩa. Lưu Quang Vũ thấu hiểu điều đó và làm nên "Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt". Lấy cốt truyện từ câu chuyện dân gian, nhà viết kịch đã không hề đi theo lối mòn, ông dựa vào thời đại đang sống để thay đổi nó, biến nó trở thành áng văn ngàn đời còn mang ý nghĩa. Những triết lí, những suy tưởng bà bài học rút ra trong câu chuyện thể hiện tầm nhìn vượt thời đại của ông cũng như nét độc đáo và mới mẻ trong cách thể hiện.

Vở kịch của Lưu Quang Vũ vốn xuất phát từ cốt truyện dân gian nhưng đã được làm mới qua ngòi bút tài hoa của ông. Nếu như cốt truyện dân gian đơn thuần chỉ kết thúc với cảnh hồn Trương Ba nhập vào xác anh Hàng Thịt để tiếp tục được sống tiếp,thì vở kịch của Lưu Quang Vũ lại đi sâu vào một loạt các tình huống éo le, khó xử giữa các nhân vật, để rồi kết thúc với việc Trương Ba nguyện chết đi để gìn giữ nhân phẩm cho mình. Sáng tạo mới mẻ của Lưu Quang Vũ đã biến một câu chuyện cổ tích dân gian trở thành áng văn nêu lên những vấn đề của thời đại, quan niệm của ông đã đi xa hơn – ông khai thác quan niệm về linh hồn và thể xác, những vấn đề nhân sinh, xung đột giữa nhu cầu tự nhiên và nhân cách, việc đấu tranh trong bản thân để hoàn thiện chính mình. Vì thế, vở kịch của ông không chỉ là áng văn xuất sắc của nền văn học, mà còn là một đóng góp đặc sắc cho quan niệm nhân sinh nói chung.

Truyện cổ tích dân gian với tư duy một chiều chỉ nhằm đề cao, tuyệt đối hóa vai trò của linh hồn đối với thể xác, con người ta chỉ cần phần hồn để sống cho trọn kiếp mình. Đến với vở kịch Lưu Quang Vũ, những bi kịch của Trương Ba khi phải chịu cảnh “hồn nọ xác kia” mới thực chất đi sâu vào căn nguyên vấn đề để nói lên những triết lí sâu sắc. Đầu tiên là bi kịch bị tha hóa. Trương Ba vốn là người có nhân cách tốt đẹp và được mọi người quý trọng, ông chỉ làm bạn với cỏ cây, với thú vui đánh cờ. Thế nhưng sau cuộc hóa thân vào xác Hàng Thịt, hồn Trương Ba bắt đầu khuất phục trước những dục lạc tầm thường: cũng tiết canh, đầu hũ, khấu đuôi, cũng vũ phu đánh con đến hộc máu mồm. Không những vậy, xác còn ngang nhiên tố cáo Trương Ba là kẻ vô ơn, luôn khinh thường mình, chê bai xác là phường tầm thường dung tục. Hồn và xác đã có cuộc hoán đổi rất ngoạn mục: Trương Ba từ thế chủ động trở nên bị động, từ thế thượng phong lại trở nên cứng họng trước những lời lẽ vô liêm sỉ của xác. Đến đây Lưu Quang Vũ cho ta một bài học cực kì quý báu. Ông cho rằng con người có thể dễ dàng bị phụ thuộc vào hoàn cảnh nhưng không thể bị hoàn cảnh chi phối. Đây là một đóng góp cực kì mới mẻ của nhà văn về lối sống, về cách sống theo một tư duy mở đa chiều.

Sống trong xác anh Hàng Thịt, Trương Ba phải chịu cảnh bị ruồng bỏ bởi chính những người thân yêu của mình. Anh con trai không nghe lời bố, muốn bán quách vườn cây đi khiến Trương Ba cực kì phiền não. Nhưng sự bất kính của đứa con xét cho cùng đã phản ánh sự bất toàn của người cha, khi tiếng nói của ông không còn đủ trọng lượng để làm gương cho cả gia đình. Đứa cháu nội thân yêu rồi cũng coi ông là kẻ thô vụng, không phải ông nội hiền từ ngày xưa của nó, bởi chính tay ông làm gãy cành cam mới chiết, bàn chân giẫm lên cây sâm quý, sự vụng về của ông làm gãy nan diều làm thằng Tí khóc mãi. Cây non, chồi non không phải loài thảo mộc vô tình mà nó cũng có linh hồn cần nâng niu săn sóc. Cánh diều không đơn thuần là món đồ chơi mà là biểu tượng của cả tuổi thơ và khát vọng bay cao mãi. Vậy mà chính bàn tay ông đã hủy hoại tất cả, không giống như ông nội tỉ mỉ, cẩn thận ngày xưa nên cái Gái không chịu nhận. Ngay cả chị con dâu, người luôn thấu hiểu, sẵn lòng cảm thông nay cũng âu lo: “Thầy ơi, con lo lắm, khi mỗi ngày đều thấy thầy ngày một khác đi...” Con trai bất hiếu, cháu nội bất kính, con dâu phai nhạt dần khiến Trương Ba sống giữa mọi người mà như vô thân. Phải chăng Lưu Quang Vũ muốn nói khi con người chiều theo nghịch cảnh và bản năng thì sẽ đánh mất chính mình, bị quay lưng và ruồng bỏ ngay trong chính gia đình mình, để rồi nhắc nhở mọi người phải bảo toàn nhân cách?

Đóng góp mới mẻ của Lưu Quang Vũ thể hiện đậm nét nhất trong cuộc hội thoại giữa Trương Ba và tiên Đế Thích khi ông bày tỏ khát vọng muốn được là chính mình. Đối với Trương Ba, sống không chỉ là tồn tại một cách vô nghĩa, nhưng Đế Thích đâu có hiểu, vì sự vô trách nhiệm của những bậc bề trên đã khiến một linh hồn phải chịu oan khuất. Thậm chí Đế Thích còn gợi ý Trương Ba hãy nhập linh hồn vào cu Tị hàng xóm, để bắt đầu một cuộc sống mới dài hơn. Nhưng Trương Ba đã nhìn thấy tất cả những bi kịch, rắc rối với chị Lụa, với gia đình, với bà con lối xóm nếu như linh hồn mình nhập vào thân xác trẻ con. Ông sẽ phải sống dài để chứng kiến những người thân yêu ngày một đi mất, để lại mình ông lạc lõng giữa gia đình, lạc lõng giữa hậu thế. Một loạt những tình huống éo le có thể sẽ xảy ra khiến Trương Ba sống không bằng chết, cuộc hoán ngôi giúp Lưu Quang Vũ nói ra nhiều điều mới mẻ, mang ý nghĩa sâu sắc với con người của mọi thời đại. Đó là khi con người gặp nghịch cảnh, phải sống sao cho chính là mình, không được khuất phục trước hoàn cảnh nhưng đôi khi cũng phải tỉnh táo chấp nhận trả giá. Sự hi sinh của Trương Ba là một cuộc vượt thoát khỏi tình cảnh éo le để sống cho chính là mình, để bảo toàn nhân cách và nhân phẩm, nhưng điều đó cũng chứng tỏ sự dấn thân của con người không phải là vô nghĩa, khi Trương Ba vẫn sống mãi trong lòng đứa cháu gái, để tiếng nói trẻ thơ cất lên lời nói của sự kính trọng. Trương Ba đã mất nhưng vẫn như sống giữa mọi người và được làm người. Câu chuyện kết thúc với sự thanh thản của chính nhân vật khi được trở về là chính mình đã để lại cho hậu thế nhiều bài học quý.

Điều mới mẻ của Lưu Quang Vũ trong cách nhìn đời, nhìn người và quan niệm nhân sinh hợp thời đại đã biến một câu chuyện dân gian thông thường thành một triết lí sâu sắc. Không cần đến một tác phẩm mới, chính từ cốt truyện dân gian, nhà văn đã biến hóa linh hoạt để làm nên áng văn hợp với thời đại. Từ triết lý đơn giản trong truyện cổ dân gian về vai trò quan trọng thứ nhất của linh hồn, Lưu Quang Vũ đã sáng tạo nên một vở kịch có sức lôi cuốn mạnh mẽ, gửi tới người đọc một thông điệp sâu sắc về triết lý sống: thể xác và linh hồn có quan hệ hữu cơ với nhau; con người không thể chỉ sống bằng thể xác, mà phải luôn luôn đấu tranh với bản thân để có sự thống nhất hài hòa giữa linh hồn và thể xác, hướng tới một lối sống cao thượng, vươn tới một nhân cách hoàn thiện. Đó chính là “một cái gì mới” mà văn sĩ họ Lưu đã đem đến khi bước lên văn đàn.

Thời gian và sự chảy trôi của vũ trụ sẽ làm mờ đi những gì của cuộc sống. Nhưng văn chương và nghệ thuật chân chính sẽ còn sống mãi dẫu bụi thời gian có khắc nghiệt cỡ nào. Lưu Quang Vũ cùng với những vở kịch sắc bén của ông sẽ còn sống mãi trong trái tim bạn đọc mọi thời đại vì những triết lí sâu sắc mà chúng đem tới.

-Minh Anh-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    da hàng thịt hồn trương ba
  • Top