PHân tích nhân vật bà cụ tư qua hai chi tiết để làm rõ sự thay đổi của nhân vật - Vợ Nhặt

Đề bài cụ thể: Trong "Vợ nhặt", ở buổi tối hôm trước, Kim Lân để cho bà cụ Tứ " nghĩ đến ông lão... nghĩ đến cuộc đời dài dằng dặc của mình". Buổi sáng hôm sau, nhà văn lại để cho nhân vật "nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau này". Phân tích nhân vật bà cụ Tứ qua hai chi tiết nêu trên để thấy sự thay đổi nhân vật.

Kim Lân là nhà văn của thôn quê làng cảnh Việt Nam. Bằng ngòi bút bình dị nhưng rất mực tinh tế, ông đã để lại cho văn học Việt Nam nhiều tác phẩm đặc sắc, đặc biệt phải kể đến "Vợ nhặt". Truyện ngắn thể hiện sự thay đổi tâm lí của các nhân vật, trong đó nhân vật bà cụ Tứ ở buổi tối hôm trước và sáng hôm sau có sự thay đổi rõ rệt.

Năm 1945, nạn đói xảy ra đã gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân, khiến 2 triệu đồng bào ta chết đói. Nó đã cướp đi mạng sống, cướp đi niềm tin của họ, để lại mảng kí ức đau thương của một thời kì đen tối trong lịch sử. Văn học không thể làm ngơ trước tình cảnh đó, ngọn lửa đời đã đốt cháy những trang văn để ca lên khúc ca ai oán, xót thương nhưng đồng thời cũng vực dậy tinh thần của một dân tộc đã bị kiệt quệ trong cái đói. Lấy bối cảnh của nạn đói năm 1945, "Vợ nhặt" của Kim Lân là tấm gương phản chiếu chân thực sự tang tóc, đau thương của cả một thời kì, đồng thời cũng chính là bài ca ca ngợi sự sống, nhen nhóm khát vọng để con người có thể vượt qua mọi thử thách đến với bến bờ tương lai. Sự thay đổi của nhân vật bà cụ Tứ khi từ việc chỉ "nghĩ về ông lão, về cuộc đời khổ hạnh dài dằng dặc của mình" ở tối hôm trước đến "nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng sau này" ở buổi sáng hôm sau đã làm nổi bật tinh thần ấy.
su-thay-doi-cua-ba-cu-tu.jpg

BÀI VIẾT PHÂN TÍCH NHÂN VẬT BÀ CỤ TỨ QUA HAI CHI TIẾT ĐỂ LÀM RÕ SỰ THAY ĐỔI CỦA NHÂN VẬT
"Vợ nhặt" là truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Kim Lân - người được mệnh danh là nhà văn của thôn quê làng cảnh Việt Nam. Trong "Vợ nhặt", ở buổi tối hôm trước, Kim Lân để cho bà cụ Tứ " nghĩ đến ông lão... nghĩ đến cuộc đời dài dằng dặc của mình". Buổi sáng hôm sau, nhà văn lại để cho nhân vật "nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau này". Sự thay đổi của nhân vật thể hiện tinh thần và khát khao hướng về sự sống, là bài ca về khát vọng được sống.

Bà cụ Tứ trong tác phẩm là người có số phận nghèo khổ, bất hạnh nhưng có phẩm chất tốt đẹp, tấm lòng yêu thương và vị tha. Đó là nhân vật được nhà văn Kim Lân dày công xây dựng với một diễn biến tâm lí phức tạp và đa dạng. Tối hôm trước, Kim Lân để cho bà "nghĩ về ông lão, nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình", nhưng sáng hôm sau bà lại "nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau này". Có ý kiến cho rằng nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật là thước đo tài năng người nghệ sĩ. Qua nhân vật bà cụ Tứ, tài năng của nhà văn càng hiện lên đậm nét, thể hiện ngòi bút vững vàng của ông trong việc hoạt động và sáng tạo nghệ thuật.

Chi tiết đầu tiên xuất hiện trong cảnh buổi tối hôm trước, khi bà cụ Tứ trò chuyện với nàng dâu con. Bà lão thực sự rất ngạc nhiên, không thể tin nổi rằng con mình lấy được vợ, vì vậy mà chi tiết này là suy nghĩ, tâm tư nhân vật bà cụ Tứ sau khi chấp nhận người vợ nhặt về làm dâu con trong nhà. Chi tiết nhỏ là một tiểu tiết nhưng lại mang ý nghĩa lớn lao, làm nổi bật chủ đề tác phẩm. Bà lão nghĩ về người chồng năm xưa đã mất, nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình như thể tái hiện lại số phận nghèo khổ, bất hạnh của một người mẹ luôn mặc cảm vì mình không thể lo chu toàn cho con. Nhà nghèo, bà chẳng đủ tiền lo cho con một chẽ cau làm quà dạm ngõ, không thể chuẩn bị một mâm cơm để kính báo tổ tiên. Cho nên nghĩ về cuộc đời khổ hạnh, bà vừa ai oán, xót thương cho đứa con trai mình, vừa tủi phận mình nghèo lại góa bụa, chẳng những thế bà còn lo lắng cho tương lai của con. Hạnh phúc của chúng nó liệu có bền vững trong thời buổi này không hay lại bất hạnh như cha mẹ của chúng? Rồi thời thóc cao gạo kém thế này liệu gia đình có lo được cho nhau? Người mẹ quê mùa ấy có trăm mối lo lắng, trăm nỗi mặc cảm, dẫu nghèo chẳng phải do bà mà bà mẹ vẫn cảm thấy mình thật tội lỗi. Nhưng suy nghĩ ai oán xót thương ấy lại làm nổi bật phẩm chất và đức hạnh của một người mẹ suốt đời vì con. Bà thương con, thương dâu nên mới dùng cả tấm lòng nhân hậu và vị tha của mình mà ai oán cho con, mà day dứt vì bản thân mình chẳng làm gì giúp đỡ được chúng. "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào...", dẫu có nghèo đói, có gian nan, tấm lòng nhân hậu và vị tha của người mẹ không bao giờ vơi cạn. Chi tiết tuy nhỏ nhưng đã góp phần làm nổi bật số phận và phẩm hạnh của người mẹ trước hạnh phúc đầy bất ngờ của con. Nó như mở ra suy ngẫm cho người đọc về thân phận và hạnh phúc con người trong nạn đói, khơi gợi niềm tin nhen nhóm trong những câu viết tiếp theo.

Chi tiết "bà lão nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau này" nằm trong phần cuối câu chuyện, trong bữa cơm sáng đầu tiên đón nàng dâu mới. Khác hẳn giọng điệu ai oán, xót thương trong mối lo trăm bề ở buổi tối hôm trước, buổi sáng hôm sau bà lão xuất hiện với vẻ mặt rạng rỡ, hành động xăm xắn như hoàn toàn lột xác. Bà không nghĩ đến cuộc đời đau khổ dài dằng dặc của mình, không nhỏ những giọt nước mắt ai oán nữa mà nói toàn những chuyện vui: chuyện mua đôi gà, làm chuồng gà ở góc bếp rồi "chẳng mấy chốc mà có đàn gà con ạ". Niềm vui bé nhỏ về một cuộc sống khấm khá, sung túc, con đàn cháu đống đang hiện ra ngay trên nét mặt rạng rỡ của người mẹ già. Bà lão lúc này không ngược dòng quá khứ để nhìn lại những khổ đau mình đã phải gánh chịu mà xăm xắn hướng tới tương lai nhãn tiền của mình. Một cuộc sống sung túc và đầm ấm hiện ra: gia đình có bà, có cháu, có các con vui vẻ, được ăn những bữa cơm no, được ngủ trong căn nhà ấm cúng, có ánh lửa của niềm tin và sự sống. Chi tiết cực kì đắt đã phản ánh niềm tin của tác giả về tương lai tươi sáng và rạng rỡ của người dân lao động bần hàn bấy giờ. Có lẽ cuộc sống đó không tồn tại trong sự ảo tưởng hão huyền nữa mà chắc chắn sẽ biến thành động lực để họ cố gắng chiến đấu chống lại cường quyền thực dân, để giành lại sự sống cho chính mình. Chi tiết ẩn chứa niềm tin của tác giả về sức mạnh tự thân của người dân miền quê nghèo khổ, họ có thể đánh đổ bất cứ quân thù nào miễn là họ mang trong mình niềm tin và khát vọng sống. Người mẹ đó điển hình cho người dân lao động bấy giờ: dẫu cuộc sống có trăm bề khốn khổ, họ chưa bao giờ thôi tin vào hạnh phúc, chưa từng đánh mất khát vọng sống mãnh liệt. Có lẽ chỉ nay mai thôi, từng đoàn quân sẽ rầm rộ đi phá kho thóc Nhật, sẽ giành lại được cuộc sống vốn dĩ bình yên. Đó cũng là niềm tin của nhà văn Kim Lân vào sức mạnh của người dân lao động, về một tương lai tươi sáng.

Hai chi tiết như một minh chứng cho sự thay đổi tâm lí đặc sắc của nhân vật. Mạch truyện thay đổi theo diễn biến tâm trạng nhân vật từ quá khứ đến hiện tại, từ buồn sang vui, từ nỗi lo lắng xót xa đến niềm tin vào tương lai tươi sáng, từ niềm đắng cay, thất vọng đến hi vọng ngọt ngào. Bà cụ Tứ từ chỗ là nạn nhân của cái đói đã vùng dậy trở thành chủ nhân của cuộc đời, khiến câu chuyện vận động từ bóng tối ra ánh sáng. Đó cũng là nét đặc trưng cho văn học Việt Nam thời kì này, "từ thung lũng đau thương" vươn mình đến "cánh đồng vui". Sự thay đổi ẩn chứa niềm tin tưởng và khát vọng của tác giả vào tương lai tươi sáng, vượt thoát khỏi những đắng cay của nạn đói để vươn mình hướng tới ánh sáng của sự đầm ấm và hạnh phúc.

Với "Vợ nhặt", Kim Lân đã tự hóa mình thành một người nghệ sĩ chân chính. Bởi đó chính là những người mang hương cuộc đời mà góp nên trang nhưng đồng thời cũng trả lại cuộc đời những khát khao, khát vọng tốt đẹp, để củng cố niềm tin, cổ vũ con người hãy đứng lên giành lấy sự sống. Những tác phẩm văn học chân chính sẽ ghi tên mình vào cuộc đời dẫu thời gian có nghiệt ngã bao nhiêu...
-Minh Anh-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    bà cụ tứ kim lân tam trang tu tưởng vợ nhặt
  • Top