Phân tích nhân vật cô Hiền trong Một người Hà Nội từ đó hiểu vì sao gọi nhân vật là Hạt Bụi Vàng

Thơ ca cuốn hút ta ở cái vần, cái nhịp, cái cảm xúc dạt dào của nhân vật trữ tình thầm gửi gắm qua từng câu chữ, hình ảnh. Văn xuôi hấp dẫn ta ở tình huống độc đáo, chi tiết ấn tượng và những nhân vật điển hình. Với Nguyễn Khải, ông gọi nhân vật của mình là “hạt bụi vàng”, hình ảnh cô Hiền trong “Một người Hà Nội” là một ví dụ đậm nét giúp ta hiểu hơn cách gọi của nhà văn. Sau đây là bài văn mẫu phân tích nhân vật cô Hiền, ví dụ làm rõ cách gọi “hạt bụi vàng” của tác giả.

“Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu trên mặt đất và in dấu lại trong trái tim người khác”. Đó là ý kiến của Xukhomlinxki như để khẳng định giá trị của con người, những đóng góp của họ trong cuộc đời này. Còn Trịnh Công Sơn, trong bài hát “Cát bụi”, ông đã từng gửi gắm nghĩ suy của mình khi viết: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…” như nhấn mạnh sự hư vô, nhỏ bé, mỏng manh của một kiếp người. Cùng là hình ảnh “hạt bụi”, hai người nghệ sĩ ấy lại có cho mình những liên tưởng và những quan điểm khác nhau. Suy nghĩ về con người trong đời sống là vậy, trong văn chương cũng có những nhà thơ, nhà văn có liên tưởng thú vị khi nghĩ về hình ảnh hạt bụi. Nguyễn Khải cũng từng nói về hạt bụi, đó là khi ông nói về nhân vật trong những trang văn của mình. Ông gọi họ là “hạt bụi vàng”. Dưới đây là bài văn mẫu phân tích nhân vật cô Hiền trong "Một người Hà Nội" để qua đó giúp ta hiểu hơn vì sao nhà văn Nguyễn Khải gọi nhân vật là "hạt bụi vàng" các bạn có thể tham khảo để bài viết của mình đầy đủ và hấp dẫn hơn. Chúc các bạn thành công!

Đề bài chi tiết: Trong "Một người Hà Nội", Nguyễn Khải gọi nhân vật là "hạt bụi vàng". Điều đó được thể hiện như thế nào qua nhân vật cô Hiền
co-hien-hat-bui-vang.jpg


BÀI VĂN MẪU PHÂN TÍCH NHÂN VẬT CÔ HIỀN TRONG "MỘT NGƯỜI HÀ NỘI" ĐỂ TỪ ĐÓ HIỂU VÌ SAO NGUYỄN KHẢI GỌI NHÂN VẬT LÀ "HẠT BỤI VÀNG"
Giáo sư Trần Đình Sử trong cuốn giáo trình Lý luận văn học từng nói rằng: “Nói đến nhân vật văn học là nói đến con người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học…”. Với những phương tiện văn học đa dạng và tinh tế, Nguyễn Khải đã thành công trong việc tạo dựng những nhân vật điển hình với nhiều nét riêng, và ông gọi họ là “hạt bụi vàng”. Đọc “Một người Hà Nội” và cảm nhận về hình ảnh nhân vật cô Hiền, ta càng thấm thía hơn cách gọi sáng tạo này của nhà văn.

Nhà văn Nguyễn Khải gọi nhân vật của mình là một "hạt bụi vàng" - đó là một cách nói hình ảnh về những giá trị cao quý, về phẩm giá, cốt cách của nhân vật, và ở đây là nhân vật cô Hiền, một người Hà Nội. Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có một đánh giá rất cao khi nói về Nguyễn Khải: "Nhân dân ta đã rất mong mỏi và trân trọng sức nghĩ lớn, tình cảm lớn của nhà văn tài năng có trái tim đập cùng nhịp với mạch sống và vận mệnh đất nước". Với nhiều người trong chúng ta, Nguyễn Khải là nhà văn có tư tưởng lớn, tình cảm lớn. Tư tưởng chính trị, xã hội trong ông như một nguồn sáng soi rọi đời viết, được thể hiện rất rõ qua từng trang văn nhiều suy ngẫm. "Một người Hà Nội" cũng là một trong số đó. Những quan niệm, suy nghĩ mới mẻ về con người, về đời sống và xã hội được ông thể hiện rất riêng qua câu chuyện của cô Hiền. Cái cách ông gọi nhân vật của mình là "hạt bụi vàng" cũng là một cách nhìn mới mẻ, đầy trân trọng. Cô Hiền, một người phụ nữ Hà Nội điển hình, đã gắn bó thủy chung với Hà Nội, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử đáng nhớ của mảnh đất này, vẫn luôn giữ cho mình những phẩm chất, cốt cách thật đẹp.

Nhân vật cô Hiền giống như “hạt bụi vàng” của tác phẩm bởi cô là một người phụ nữ tự trọng, luôn dám làm điều mình muốn. Trong hôn nhân, cô ba mươi tuổi mới lấy chồng, “không quan, không văn nhân nghệ sĩ”. Quan điểm ấy thể hiện cô là người hết sức tỉnh táo, thiết thực, là một người phụ nữ không màng vinh hoa phú quý (bởi danh lợi như áng phù vân, nay còn mai mất, táng tụng nhất thời”. Suy nghĩ đó còn thể hiện cô là người không lãng mạn, viển vông, không dễ bị cám dỗ đi theo những cái phù du. Suy nghĩ tác động đến hành động, cô Hiền đã lấy một ông giáo Tiểu học hiền lành, bình thường, giản dị, mẫu mực và quy chuẩn. Đó phải chăng chính là điều kiện tuyệt vời cho sự đảm bảo những quy luật, giá trị trong cô. Nhà văn Nguyễn Khải đã xây dựng nên nhân vật cô Hiền điển hình cho con người biết vượt lên trên cái thói thường của nhân thế.

Trong việc sinh con, sau khi sinh được năm người con, cô đã chủ động chấm dứt chuyện sinh đẻ. Quả thực, ở cái thời xã hội Việt Nam còn nặng nề tư tưởng trời sinh voi thì trời sinh cỏ, con cái là của trời cho, đông cội thì ấm cành…cô Hiền phải rất dũng cảm khi không tin và không theo định kiến ấy. Cô Hiền còn tính khi cô chú sáu mươi, con út hai mươi thì cũng đủ tuổi tự lập, không phải sống bám vào cô chú. Suy nghĩ, tính toán cẩn thận ấy đã thể hiện một tình thương con vô cùng trách nhiệm và tự trọng. Sinh con là vậy, cô Hiền trong cách nuôi dạy con cũng rất văn minh, hiện đại. Khi con còn nhỏ, cô uốn nắn con từ cách ngồi, cách ăn, cách nói chuyện…như để nhắc nhở con là người Hà Nội thì phải có ý thức tự trọng. Khi con lớn hơn, cô tôn trọng từng lựa chọn của các con mình. Rõ ràng, tình yêu con ở cô Hiền đã hòa vào một tình yêu lớn lao, cao cả hơn, đó là tình yêu nước và ý thức trách nhiệm của một công dân. Trong hôn nhân, trong việc sinh con, dạy dỗ con hay trong cách ứng xử với thời cuộc của cô Hiền, tất cả đã góp phần lí giải vì sao Nguyễn Khải gọi nhân vật của mình là “hạt bụi vàng”.

Bên cạnh hình ảnh một người phụ nữ Hà Nội giàu tự trọng, bản lĩnh; nét sang trọng, quý phái ở cô Hiền cũng phần nào chứng tỏ vì sao nhà văn lại gọi nhân vật của mình là “hạt bụi vàng”. Cách mặc, cách ăn, cách bài trí nhà cửa, cách đón Tết rất riêng, rất sang trọng của cô Hiền đã được nhà văn thể hiện rất rõ trong truyện. Mùa đông, cô Hiền mặc áo măng tô cổ lông, đi giày nhung đính hạt cườm. Cái ăn của nhà cô cũng không giống với số đông: “bàn ăn trải khăn trắng, giữa bàn có một lọ hoa nhỏ, bát úp trên đĩa, đũa bọc trong giấy bản và từng người ngồi đúng chỗ đã quy định”.

Hình ảnh cô Hiền còn được khắc họa mang nét đẹp ung dung, rộng lượng và giàu niềm tin. Điều đó được thể hiện rõ nét nhất trong đoạn hội thoại với người cháu – nhân vật tôi. Trong khi nhân vật tôi còn vướng tâm, bận lòng đến chuyện va quệt với anh thanh niên, việc hỏi đường hay việc đến nhà bạn – phần xác, hình tượng bên ngoài, thì cô Hiền lại nhắc đến chuyện cây si đền Ngọc Sơn sau bão “Thiên địa tuần hoàn, cái vào ra của tạo vật không thể lường trước được”. Với cô, đó không phải thảo mộc vô chi mà là nơi tụ linh khí, biểu tượng đất Hà thành – phần hồn thiêng liêng. Nhân vật tôi còn có cái nhìn nông nổi, hời hợt nhưng cô Hiền lại có cái nhìn sâu sắc hơn. Sự tự cao, hoài nghi ở người cháu dường như lại đối lập hoàn toàn ở sự khiêm tốn, rộng lượng và lòng tin tưởng sâu sắc ở người cô. Đặc biệt, khi cháu già nua, cũ kỹ, lạc hậu vì không chấp nhận những cái biến đổi của thời cuộc thì cô lại trẻ trung vì luôn đồng hành với thời cuộc, không lạc hậu, sống lạc thời. Chỉ một cuộc trò chuyện ngắn giữa hai cô cháu thôi cũng đã đủ thể hiện sự tự nhận thức trong tác giả, và có lẽ là với cả người đọc, một sự thức nhận với tinh thần, ý thức phản tỉnh mạnh mẽ.

Nhân vật cô Hiền trong “Một người Hà Nội” không chỉ lưu lại trong trái tim người đọc nhiều dấu ấn, mà còn góp phần làm biểu lộ cái tài văn chương, cái tinh tế trong cách nhìn, cách cảm con người, cuộc sống của nhà văn Nguyễn Khải. Và cũng với hình tượng nhân vật này, mà người đọc văn, cảm văn Nguyễn Khải càng thấm thía hơn ba chữ “hạt bụi vàng” ông dành cho nhân vật văn học của mình.

-Nem-vfo.vn
 
Top