Phân tích nội dung ý nghĩa của truyện sơn tinh thủy tinh, phân tích ý nghĩa

Hướng dẫn viết:
Truyện cổ tích như những giấc mơ đẹp. Với trí tưởng tượng phong phú, các tác giả dân gian đã tạo nên những câu chuyện hấp dẫn. Cốt truyện phong phú, nhân vật đặc trưng tạo nên các câu chuyện với những lý giải thú vị của người nông dân về những hiện tượng tự nhiên hay những bài học ý nghĩa giúp người đọc tự hoàn thiện nhân cách bản thân. Đến với truyện cổ tích, người đọc được đến với một thế giới tưởng tượng kì thú mà ở đó ta gặp được cô Tấm hiền dịu, chăm chỉ, Thạch Sanh dũng cảm sẵn sàng xuống hang cứu công chúa, nơi đây ở hiền gặp lành, gieo gió ắt gặp bão,… Thế giới ấy đã cuốn hút người đọc tới với truyện cổ tích, tạo nên những thành tựu rực rỡ cho nền văn học dân gian. Nhắc đến truyện cổ tích không thể không nhắc tới truyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh”. Bài văn mẫu dưới đây sẽ nêu lên nội dung ý nghĩa của truyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh” để giúp các bạn hiểu thêm về câu chuyện cổ tích này.


BÀI VĂN MẪU SỐ 1: phân tích ý nghĩa của truyện Sơn Tinh Thủy Tinh
Thiên nhiên là người bạn đồng hành cùng con người thế nhưng nó cũng có sức hủy diệt rất lớn. Mưa gió lớn, bão bùng là kẻ thù ác liệt có thể phá hủy nhiều mùa vụ khiến cho cuộc sống của người nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Người nông dân ta xưa khi chưa có được khoa học kỹ thuật hiện đại đã lý giải hiện tượng này bằng truyện cổ tích “Sơn Tinh, Thủy Tinh”.
Truyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh” kể về cuộc tranh giành vợ giữa hai vị thần Sơn Tinh- thần núi, Thủy Tinh- thần biển. Trước sức mạnh của hai chàng trai, vua Hùng thứ mười tám không biết gả con cho ai đã đưa ra yêu cầu sính lễ nếu ai chuẩn bị xong trước sẽ gả con. Sơn Tinh đến sớm hơn, cưới được vợ về nhà thế nhưng Thủy Tinh không lấy được Mị Nương đã nổi giận đuổi đánh để giành lại. Thủy Tinh dâng nước đánh Sơn Tinh, làm ngập nhà cửa, ruộng đồng. Nhưng Sơn Tinh cũng không chịu thua, nước dâng tới đâu, chàng dâng núi cao tới đó. Cuối cùng Thủy Tinh thua nhưng hàng năm vẫn dâng nước đánh Sơn Tinh.
Từ cuộc chiến ác liệt giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, người nông dân đã tự lý giải nguyên nhân mưa lớn mỗi năm phá hoại mùa màng làm ngập nhà cửa, ruộng vườn trên vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc nước ta. Thủy Tinh chính là đại diện cho sức mạnh của mưa gió, bão lũ khủng khiếp mỗi năm. Sơn Tinh thể hiện sức mạnh, tinh thần kiên trì của người dân luôn cố gắng đắp đê ngăn lũ lụt, đánh lùi thiên tai. Sơn Tinh chiến thắng được Thủy Tinh hay chính là ước mơ thầm kín mà người nông dân gửi gắm qua câu chuyện cổ tích về một sức mạnh siêu nhiên có thể đánh bay được thiên tai nhằm cải thiện cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên câu chuyện cổ tích này còn mang ý nghĩa sâu sắc hơn. Đó là tiếng ca huy hoàng ca ngợi công lao to lớn của các vua Hùng đã có công xây dựng đất nước, là sự biết ơn sâu sắc được nhân dân gửi gắm.
Sau câu chuyện ta như thấy được phần nào những khó khăn của người Việt xưa, luôn phải đối diện với thiên nhiên khắc nghiệt để cầu mong một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trước khó khăn, họ không khuất phục, bằng ý chí nghị lực của mình đã luôn cố gắng khắc phục thiên tai bão lũ, đắp đê ngăn lũ, phòng ngừa thiên tai, gia cố nhà cửa.
Truyện cổ tích “Sơn Tinh, Thủy Tinh” tuy rằng chỉ là một câu chuyện do người nông dân xưa tưởng tượng ra để lý giải hiện tượng mưa lớn bão lũ hàng năm phá hủy ruộng vườn nhưng lại có nhiều ý nghĩa sâu sắc. Từ đó chúng ta cũng rút ra bài học cần phải có biện pháp phù hợp để ngăn chặn bão lũ, bảo vệ mùa màng.
Hana-vfo.vn

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 PHÂN TÍCH Ý NGHĨA CỦA TRUYỆN “SƠN TINH, THỦY TINH”
Trong kho tàng dân gian Việt Nam, có rất nhiều những câu chuyện truyền thuyết, những câu chuyện cổ tích hay là những câu ca dao thấm đượm chất trữ tình ... Tất cả đều chứa chan những nội dung, ý nghĩa nhân văn, nhân đạo vô cùng sâu sắc. Trong đó, ta không thể không kể đến “Sơn Tinh Thủy Tinh” – một câu chuyện gần gũi với tất cả mọi người dân Việt Nam. “Sơn Tinh Thủy Tinh” cũng là một câu chuyện có ý nghĩa vô cùng sâu sắc.
Trước hết, “Sơn Tinh Thủy Tinh” đã giúp người đọc khám phá ra được tình yêu mà Sơn Tinh, Thủy Tinh dành cho Mị Nương, đồng thời cũng cho chúng ta thấy được sức mạnh cũng như tài năng xuất chúng hơn người của hai vị thần này. Cả Sơn Tinh và Thủy Tinh đều muốn lấy được Mị Nương và sẵn sàng chấp nhận điều kiện thách cưới đầy khó khăn của vua Hùng. Cả Sơn Tinh và Thủy Tinh không ngần ngại, không quản gian lao mà tìm bằng đủ số vật lễ cưới do vua Hùng ban ra, toàn là những của hiếm trên trời dưới bể: voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao... Rồi sau khi Sơn Tinh lấy được Mị Nương vì nhanh chân hơn thì Thủy Tinh đã đuổi theo để cướp lại công chúa. Cuộc chiến ngang sức ngang đã phần nào thể hiện được sức mạnh và bản lĩnh của hai vị thần. Sơn Tinh và Thủy Tinh đều giỏi, kẻ tám lạng, người nửa cân. Người cho nước sông dâng lên cao, kẻ thì cho núi đá vươn tới tận trời xanh.
Nhưng, “Sơn Tinh Thủy Tinh” còn có ý nghĩa sâu sắc hơn như thế, bởi nó đã phản ánh được cuộc sống của nhân dân ta thời xưa khi phải chống chọi lại với những tai họa, thảm họa của thiên nhiên. Nhân dân ta từ thời xa xưa (thời của các vị vua Hùng) đã biết cách ra sức để chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Họ đắp đê thật vững chắc để lũ lụt không thể ập vào đất liền, biết lên chỗ cao hơn mực nước biển để trú. Như vậy, qua trận chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh ta đã thấy rõ được sự thông minh và khéo léo, quả cảm của nhân dân ta từ thời xa xưa.
Như vậy, truyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh” thực sự có rất nhiều ý nghĩa sâu sắc và gợi cho chúng ta ngày nay nhiều bài học có giá trị. Phải biết chăm lo đề điều để phòng chống lại những thiên tai bão lũ bất ngờ ập đến.
Whalien 52 – VFO.VN
 
  • Chủ đề
    sơn tinh thủy tinh y nghia
  • Top