Phân tích Quê Hương của Tế Hanh

Hướng dẫn học sinh bài văn mẫu: phân tích và cảm nhận bài thơ quê hương-Tế Hanh. Quê hương-hai tiếng thân thương mà thiêng liêng quá đỗi. Có bao giờ bạn vấn lòng quê hương đã cho ta những gì không. Quê hương là nơi ta sinh ra, nơi nựng hồng đôi má và ấm trái tim ta. Quê hương cho ta những con đường que thuộc, đi về mà chẳng ngại nắng mưa. Quê hương cho ta những tấm lòng bình dị, biết nâng niu trân trọng từng mảnh tâm hồn. quê hương là nguồn cội. Vả chăng, ai sống trên đời mà không cần có nguồn cội, cần một bến đỗ để tựa nương, bởi vậy mới nói: quê hương mỗi người chỉ một-như là chỉ một mẹ thôi-quê hương nếu ai không nhớ-sẽ không lớn nổi thành người. Ta chẳng thể vẹn tròn chữ người mà không ấp ủ trong lòng hai tiếng quê hương. Phải chăng văn học muôn đời thấu hiểu ý nghĩa thiêng liêng ấy, nên muốn dùng những trang hoa tờ hoa của mình để bồi đắp thêm những tình cảm ta sẵn có: tình yêu quê hương. Cùng với mạch nguồn ấy, Tế Hang bằng mảnh hồn dạt dào và sâu lắng của mình đã gửi đến người đọc một thi phẩm sẵn sàng làm xôn xao bất cứ ai dẫu họ chẳng phải miền biển. đó là “Quê hương”. Hôm nay mình sẽ giúp các bạn bài văn: phân tích tác phẩm “quê hương” nhé.

BÀI VĂN 1 PHÂN TÍCH “QUÊ HƯƠNG”
“Có một đề tài, trở đi trở lại như một lời khấn khứa, càng viết nhiều, càng hay”. Có lẽ nào, đấy là quê hương. Trong dòng chảy văn học, ta từng nghe một quê hương với ánh trăng, chùm khế, với cảnh diều ngây dại mà thiêng liêng trong thơ Đỗ Trung Quân, từng lặn mình với quê hương của Hoàng Cầm trong “Bên kia sông Đuống” trong những năm kháng chiến máu lửa, đau thương, từng khắc khoải với tấm lòng của người nông dân mộc mạc, chân chất trong “Làng” của Kim Lân. Và nay, giữa đề tài đã được đào xới nhiều lần, thiên hạ đã đi mòn lối cỏ. Ta vẫn thấy một dòng ánh sáng yêu thương, rất riêng trong “quê hương” của Tế Hanh.
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:
Bài thơ mở đầu với những lời kể mộc mạc, giản dị và chân thành rất đỗi tự nhiên về quê hương mình. Nhưng quê hương ấy cũng đẹp biết bao, quê hương của miền sông nước “nước bao vây”, với những người dân “trai tráng” đầy dũng mãnh và cường tráng. Và rồi, tiếp tục dòng chảy cảm xúc về quê hương thân yêu, nhà thơ dồn tâm xoáy cảm xúc của mình vào hình ảnh con thuyền và cánh buồm-biểu tượng của quê hương miền biển:
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...
Chiếc thuyền, nếu trong thơ cổ sẽ là nơi mà những bậc giai nhân tài tử tiễn đưa người bạn tri kỉ của mình, một dòng “Yên ba tam nguyệt há Dương Châu” trong Hoàng hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng, nếu không thì sẽ là nơi người tài tử nghe tiếng đàn mà thổn thức nỗi lòng, với Tỳ bà hành của Lý Bạch “thuyền mấy lá đông tây lạnh ngắt-một vầng trăng trong vắt dòng sông”. Nhưng con thuyền của Tế Hanh, con thuyền của cuộc sống lao động mới, nên gần gũi với cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Là con thuyền của người dân lao động. “Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã”. Một so sánh thật táo bạo của tác giả. Con thuyền hiện lên mang vẻ đẹp dũng mãnh, hào hoa và đầy sức mạnh. Vừa thấy được tốc độ của gió, vừa thấy được khí thế mãnh liệt, hùng dũng và đầy âm vang của con thuyền. Nó “phăng mái chèo mãnh mẽ vượt trường giang”. Động từ “phăng” thể hiện khả năng vượt giông tố và nguy hiểm của con thuyền quê hương. Con thuyền tung mình bọt trắng xóa, vượt những dặm dài tràng giang chói lói để về đích cùng con người. Với những người dân sông nước, con thuyền đã trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy, và nay bằng khả năng mã hóa của mình Tế Hanh một lần nữa giúp ta khẳng định điều ấy. và nếu con thuyền mang vẻ đẹp hào hùng, khí thế thì cánh buồm lại mang vẻ đẹp thật hào hoa, lãng mạn”
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...
Cánh buồm là vật vô tri, là thứ hữu hình lại đươc đặt trong liên tưởng với “mảnh hồn làng”, một sinh thể có tâm hồn, một ấn tượng vô hình, chỉ có trong tâm thức và tiềm thức. So sánh ấy của Tế Hanh đã nâng cánh buồm lên và trao cho nó một linh hồn thực, một sự sống. cánh buồm đã trở thành biểu tượng của mảnh hồn làng, nơi thâu nhận và góp giữ bao nét đẹp của miền sông nước và tâm hồn con người xứ sở này. Cánh buồm vừa được nhân hóa, vừa được so sánh, bởi vậy mà thêm đẹp, thêm lãng mạn bội phần, nó “rướn thân trắng bao la thâu góp gió”. Động từ “rướn” thể hiện tư thế kiêu hãnh, đầy tự tin và chủ động như hình ảnh những người dân làng chài sẵn sàng làm chủ thiên nhiên, làm chủ sóng to biển lớn. gió lộng bốn phương đã được thâu góp và dần thành nên sức mạnh, bản lĩnh của con thuyền, của cánh buồm trắng. Với 4 câu thơ, Tế Hanh đã thổi hồn và nâng tâm hồn của quê hương với những biểu tượng đẹp, tráng lệ, bay bổng.
Và sau những chuyến ra khơi mỏi mệt, con thuyền lại bỗng chốc hóa hiền lành:
Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.
“Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe”,
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.
Sau hành trình dấn thân chinh phục biển khơi, những người dân làng chài đã thu được thành quả là những khoang thuyền đầy cá. Trong niềm vui sướng của thành quả, của lao động hăng say, họ vẫn không quên cảm ơn trời đất. quả là tinh thần người Việt ta, luôn biết ơn những đấng trên cao, luôn ghi nhớ cội nguồn.

Sang đến khổ thơ tiếp, Tế Hanh tiếp tục bộc lộ một tâm hồn thơ mang đậm phong vị quê hương khi ông miêu tả vẻ đẹp của người dân chài lưới:
Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng,
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.
Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng, cái nắng của biển khơi, của sóng gió cuộc đời đã tôi rèn và làm nên nét rắn chắc của con người miền biển. Đó là màu nâu của đất đai, của quê hương dung dị, của tâm hồn mộc mạc, của những nhớ và thương vô ngần trong thơ Tế Hanh. Cả thân hình họ đượm vị biển khơi, nồng thở vị xa xăm. Đó là vị của biển, của đất đai, chất mặn của quê hương như đã thấm dần vào từng hơi thở, từng đường nét, từng nếp nhăn trên da thịt họ. Đó là tình cảm yêu quê hương tha thiết, và cũng là vẻ đẹp truyền thống của người dân miền biển. phải yêu và gắn bó tha thiết với quê hương ra sao Tế Hanh mới đằm mình được những câu thơ như vậy. nhưng đó đâu chỉ còn là của con người nữa, nó cũng thấm vào chiếc thuyền thân thuộc:
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.
Con thuyền cũng mang một linh hồn riêng, sau cuộc hành trình mệt mỏi nơi đại dương xa xăm, nó cũng mệt mỏi và cần đươc nghỉ ngơi. Nhưng cái hay của Tế Hanh là nghe được trong đó, một chất gì đó rất riêng, rất tinh. Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đã giúp con thuyền thực sự trở thành một sinh thể sống, mang trong nó vị mặn mòi của biển khơi, thấm dần qua từng thớ vỏ. Như thế con thuyền cũng mang hơi thở quê hương, cũng mang một linh hồn, một ao ước, một lối sống nơi đây. Tế hanh hẳn phải tha thiết với con thuyền quê hương lắm chăng.

Để rồi theo dòng cảm xúc, từ hồi tưởng về với hiện tại, nhà thơ có thể là đang trong nỗi xa quê nên thảng thốt nghẹn ngào mà cất lên:
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!
Chà, thì ra cái màu nước xanh, cá bạc, chiếc thuyền vôi đã trở thành biểu tượng riêng in sâu trong lòng tác giả. Bằng biện pháp liệt kê, Tế Hanh đã một lần nữa cho thấy vẻ đẹp giàu có của quê hương mình. Và đến đây, có lẽ trong vô thức, tâm hồn nhà thơ đã hóa tâm hồn xứ sở, khi cái mùi vị mặn nồng ấy cứ vương vấn và ám ảnh nhà thơ. Nó ăn sâu vào máu thịt và thấm trong từng giác quan. Một Tế Hanh nồng nàn, sôi nổi, tha thiết biết mấy với quê hương.

Bằng một hình sắc riêng, ấy là cái vị mặn mòi của biển cả quê hương. Tế hanh đã trao gửi hồn mình đến bạn đọc, và chính tấm lòng ấy của nhà thơ đã thức dậy những tình cảm thiêng liêng trong hồn tôi.

BÀI LÀM 2 PHÂN TÍCH QUÊ HƯƠNG- TẾ HANH
Quê hương có lẽ từ lâu đã trở thành nguồn thi hứng bất tận cho nghệ sĩ muôn đời mà càng xa quê con người ta lại càng có những cảm xúc dạt dào muốn giãi bày về quê hương. Đó là lí do để Tế Hanh thể hiện cảm xúc của mình trong bài “Quê hương” một cách chân thành, sâu sắc đến thế khi ông phải tạm xa làng chài gắn bó tuổi ấu thơ để lên đường chiến đấu.
Những dòng giới thiệu về làng chài quê hương Tế Hanh thật thanh bình, yên ả:
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.
Một cách nói thật bình dị mà dễ đi vào lòng người biết mấy: “làng tôi ở” và qua đó ông giới thiệu về nghề nghiệp của người dân quê ông: nghề chài lưới. Đó là một cách rất tự nhiên của một người con xa quê kể cho chúng ta về làng chài quê mình, làng chài ấy nghe thật giản dị, bình thườn như bao làng chài khác nhưng toát lên một không khí chỉ là quê hương của riêng tác giả, không lẫn vào đâu. Và làng chài ấy như một cái cù lao giữa biển, chỉ cách biển “nửa ngày sông”. Và cuộc sống sinh hoạt của người dân vùng này cũng theo nếp đó mà hình thành:
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:
Khi “trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng” là thời điểm thật đẹp để những người ngư dân ra khơi với phông nền trời cao xanh trong trẻo của một buổi sáng có gió nhẹ nhàn nâng cánh buồm và mặt trời còn chưa chịu ló hết, làm đỏ một vùng trước mặt. Có lẽ đó còn là những mong ước trời yên biển lặng để huy vọng về một chuyến ra khơi đầy tôm cá của người ngư dân.
Sau những câu thơ giới thiệu nhẹ nhàng, chúng ta bắt gặp những câu thơ miêu tả bức tranhh lao động của con người:
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...
Hình ảnh so sánh thật độc đáo, con thuyền đang lướt trên mặt biển được so sánh với con tuấn mã làm nổi bật sự mạnh mẽ, kiên cường, mang đầy hiên ngang khí phách. Nó hăng hái, bạo dạn vượt hết lớp sóng này đến lớp sóng nọ mà lướt đi nhẹ nhàng trong những động tác “phăng mái chèo” quyết liệt của con ngời. Đến đây ta như tưởng tượng được khỏe khoắn của những cánh tay rắn rỏi, săn chắc của “dân trai tráng” ở khổ trước. Trong cuộc hành trình ấy đáng chú ý nhất là cánh buồm no gió, giương lên định hướng cho cả con thuyền được nhà thơ so sánh với “mảnh hồn làng” đang “rướn thân trắng” thâu góp gió. Một phép so sánh thật độc đáo khi lấy cái hữu hình là “cánh buồm” so sánh với cái vô hình là “mảnh hồn làng”. Làm sao ta biết mảnh hồn làng ấy là gì, ở đâu, có hình dạng ra sao, đặc điểm thế nào, nhưng có lẽ đối với Tế Hanh thì đó là hồn cốt làng chài, tình cảnh hậu phương, dấu hiệu của những con người quê hương ông. Đi kèm với so sánh, ông đã nhân hóa cánh buồm như một sinh thể biết “rướn thân” để đón gió giống như tâm hồn con người quê hương đang hướng tấm lòng mình đến một thế giới tương lai bao la, tốt đẹp.
Một ngày lênh đênh trên biển kết thúc và:
Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.
Dường như việc ngư dân đi biển về đã trở thành ngày hội của cả làng, mỗi nhà đều có người đi biển, họ tấp nập hớn hở đón người thân từ biển trở về. Và đâu đó ta nghe thấy một lời cảm tạ hết sức chân thành, tự nhiên mà cảm động:
“Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe”,
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.
Đối với những người ngư dân làng chài, trời yên, biển lặng vô cùng quan trọng trong chuyến đi biển, nó không chỉ quyết định xem chuyến đi biển ấy có thu hoạch được hay không mà còn quyết định cả sự an toàn của cả đoàn thuyền. Hiểu điều ấy ta lại càng trân trọng lời cảm tạ trời đất biết bao
Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng,
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.
Hình ảnh người dân chài được đặc tả với đặc điểm của một làn dan ngăm, đã rám nắng biển gợi ra vẻ đẹp khỏe khoắn, vạm vỡ. Đặc biệt, nghệ thuật chuyển đổi cảm giác gây ấn tượng mạnh cho người đọc “thân hình nồng thở vị xa xăm”, có lẽ chúng ta mãi mãi không thể hiểu hết cái vị xa xăm trong tâm thức của nhà thơ là vị như thế nào, chỉ có thể hiểu đây có lẽ là vị mặn mòi xa khơi của biển cả đã thấm vào từng làn da thớ thịt của những người dân chài mà không lẫn vào đâu cũng không bao giơ mất đi. Đó là cái vị phưu lưu quả cảm khi vượt mình trên nhnxgw còn sóng vỗ, vị mặn của biển, của cá nồng nàn. Đó là những mùi vị mà nhà thơ đã nhận thấy ở những người chài lưới và ngay cả con thuyền, sau một ngày trên biển trở về dường như cũng biết mệt mỏi, nằm im trên bến như biện pháp nhân hóa của nhà thơ. Và “nghe” ở đây ta có thể hiểu rằng tác giả đang nhân hóa con thuyền biết lắng nghe những cử động trong lớp vỏ của bản thân mình hay cũng có thể đây là hành động của chính con người, đang nghe thấy chất muối của biển cả thấm nhuần vào từng thớ gỗ. Có lẽ cũng chính vì những cảm giác như thế mà nhà thơ:
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!
Đọc đến đây có lẽ người đọc mới hiểu là tác giả đang xa quê bởi hình ảnh ở những khổ trên hiện ra vô cùng sống động, ấn tượng. Và trong tiềm thức của một người con xa quê, lúc nào cũng mang trong mình những nét riêng hiền hòa nhất của quê hương “màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi” cùng hình ảnh của một con thuyền đang rẽ sóng ra khơi và trên tất cả nhà thơ bộc lộ trực tiếp cảm xúc của mình: “Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!”. Đó là mùi nồng mặn của biển, của cá tôm lấp lánh vẩy bạc, của vị xa xăm nồng thở của người dân chài, vị muốn sâu trong thớ vỏ của những con thuyền,… Và đó tất cả là quê hương!

Một bài thơ thật nhẹ nhàng trong cảm xúc bình yên mà lấy đi của người đọc nhiều cảm xúc. Một bài thơ viết về quê hương riêng tác giả mà không hề đơn độc, cô lập mà hòa quyện với tình cảm của biết bao trái tim độc giả.
 
  • Chủ đề
    bài thơ quê hương phân tích bài thơ quê hương quê hương tế hanh
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,656
    Bài viết
    467,423
    Thành viên
    339,831
    Thành viên mới nhất
    TuanShinhanbank
    Top