Phân tích sự vận động của hình tượng thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc qua 2 đoạn thơ

Thiên nhiên Việt Bắc những ngày đầu cách mạng: "Mưa nguồn suối lũ những cây cùng mù" và sau đó: "Nhớ khi giặc đến giặc lùng... rừng vây quân thù". Phân tích hai đoạn thơ để thấy sự vận động của hình tượng thiên nhiên

Một trong những hình tượng xuyên suốt cùng với con người trong “Việt Bắc” chính là thiên nhiên. Hôm nay chúng ta cùng phân tích hai đoạn văn: "Mưa nguồn suối lũ những cây cùng mù" và "Nhớ khi giặc đến giặc lùng... rừng vây quân thù" để thấy sự vận động của hình tượng nhé!

Từ lâu, tự nhiên đã là một người bạn của con người, cũng là một trong những đề tài, nguồn cảm hứng, khách thể để nghệ sĩ muôn đời hướng tới. Trong những câu ca dao, thiên nhiên cũng chính là cuộc sống xung quanh của họ, là đất nước, là quê hương mà họ ngợi ca. Trong thơ trung đại, thiên nhiên là nơi để những tao nhân mặc khách về cư ẩn, vui thú thanh nhàn, là một người bạn tương giao. Đến Thơ Mới, thiên nhiên nhuốm màu tâm trạng con người, là nơi kí gửi những nỗi buồn, niềm cô đơn, tâm sự của những kẻ “lạc loài” trên chính quê hương của mình. Nhưng qua Văn học cách mạng, thiên nhiên lại trở về gần gũi, thân thuộc và là người đồng chí, cùng con người sống và chiến đấu vì lí tưởng độc lập tự do. Có thể thấy rõ hình ảnh thiên nhiên qua những câu thơ của Tố Hữu: "Mưa nguồn suối lũ những cây cùng mù" và "Nhớ khi giặc đến giặc lùng... rừng vây quân thù". Từ việc phân tích hình tượng trong hai đoạn mà thấy được sự vận động, phát triển. Sau đây những bài viết mẫu mọi người có thể tham khảo. Chúc các bạn học tập tốt!

thien-nhien-nui-rung-tay-bac.jpg

Núi rừng thiên nhiên tây bắc​

BÀI VIẾT SỐ 1 PHÂN TÍCH HAI ĐOẠN “MƯA NGUỒN SUỐI LŨ NHỮNG MÂY CÙNG MÙ” VÀ “NHỚ KHI GIẶC ĐẾN GIẶC LÙNG… RỪNG VÂY QUÂN THÙ”
Cùng với hình tượng con người: chiến sĩ và đồng bào, một trong những hình tượng xuyên suốt trong “Việt Bắc” của Tố Hữu chính là thiên nhiên Việt Bắc. Ở đó, thiên nhiên không chỉ đơn thuần là cảnh trí mà còn là chiến hữu trong những năm thánh kháng chiến gian khổ của dân tộc. Có thể thấy điều đó qua hai đoạn thơ tiêu biểu:
  • “Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù”

Và:
  • “Nhớ khi giặc đến giặc lùng
  • Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
  • Núi giăng thành luỹ sắt dày
  • Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”


Tháng 7 năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp quay trở lại nước ta đã kết thúc thắng lợi. Hòa bình được lặp lại, nửa đất nước được giải phóng. Tháng 10 năm 1954, Hà Nội được giải phóng, trung ương Đảng và chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô. Lịch sử dân tộc bước sang một trang mới. Ở thời khắc này, người ta có nhu cầu nhìn lại chặng đường vừa qua, đồng thời hướng về con đường tương lai để bước tiếp. Bài thơ “Việt Bắc” ra đời để đáp ứng nhu cầu ấy của xã hội, là tiếng lòng của đồng bào mọi người. “Việt Bắc” là bản trường ca đầy ân tình – tình quê hương, tình đất nước, nghĩa tình giữa con người. Vì thế bài thơ là một bản tổng kết lịch sử bằng tâm tình. Bởi là một chặng đường dài nên từ những câu thơ này đến dòng thơ sau đều có sự phát triển và vận động, mang ý nghĩa riêng của nó.

Thiên nhiên trong những ngày đầu đối với người chiến sĩ là:
  • “Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù”


Câu thơ nằm trong khúc dạo đầu của bản trường ca, tái hiện lại những ngày tháng gian khổ khó khăn mà thấm đượm ân tình, ân nghĩa: “Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù”. Tác giả đã vận dụng sáng tạo cách ăn nói, lối diễn đạt dân gian: “mưa nguồn suối lũ”, “mây cùng mù” để tái hiện hình ảnh của thiên nhiên nơi rừng núi. Nếu thiên nhiên miền Tây Bắc hiện lên thơ mộng, lãng mạn trong cái nhìn của Quang Dũng: “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa” thì thiên nhiên đối với những con người nơi đầu nguồn chớp bể thực sự không dễ dàng: “mưa nguồn suối lũ” tưởng như có thể đánh bại và làm con người biến mất bất cứ lúc nào. Sau này, hình ảnh mưa ấy cũng vào trong trang thơ của Phạm Tiến Duật, trên con đường tiến tới lí tưởng: “Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời”. Hơn nữa, lại thêm “những mây cùng mù”- trên mây, dưới mù gợi lên cái gì hoang vu, u lạnh của một vùng thâm sơn cùng cốc nào đó. Nhưng chính cái hoang vu, cái khắc nghiệt ấy mới có thể làm thử thách cho con người. Chính rừng núi hùng vĩ ấy lại càng làm cho con người khao khát chiến thắng, để khẳng định bản lĩnh và sức mạnh của mình, của những con người “không bao giờ khuất”.

Và như thế, từ tư thế đối đầu, thách thức, thiên nhiên đã trở thành người bạn đồng hành, cùng chiến đầu với con người:

  • “Nhớ khi giặc đến giặc lùng
  • Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
  • Núi giăng thành luỹ sắt dày
  • Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”


Trong nỗi nhớ của tác giả, kỉ niệm về những ngày kháng chiến cứ dần dẩn hiện lên trong đó có nỗi nhớ về những ngày tháng cách mạng còn trong trứng nước, về con người Việt Bắc ân tình, thủy chung và cả những nỗi nhớ về những trận đánh. Làm sao có thể quên cảnh càn quét, săn lùng và những tội ác của quân giặc đối với con người và thiên nhiên mỗi vùng đất chúng đi qua. Nhưng càng những khó khăn, những khắc nhiệt ấy lại càng làm tăng thêm sự kiên cường và sức đấu tranh của mọi người. Giờ đây, không chỉ con người mà thiên nhiên cũng tham gia vào cuộc kháng chiến, là một trong những dũng tướng, là một trong những cộng sự đắc lực cho bộ đội:

  • “Núi giăng thành lũy sắt dày
  • Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.”

Núi rừng, nếu ở những câu thơ trước là “những mây cùng mù” âm u, hoang vắng, là một trong những thử thách để con người thể hiện mình thì ở đây lại trở thành “lũy sắt dày”. Những dãy núi trùng điệp trải dài, kiên cố như một thành lũy bất khả xâm phạm che chở bộ đội, dân quân, du kích của ta, hơn nữa còn “vây quân thù”. Đó chính là một trong những yếu tố quan trong làm nên chiến thắng vang dội của quân dân Việt Nam. Núi rừng vừa bao vây quân thù, vừa chở che bộ đội. Dưới con mắt sử thi của Tố Hữu, núi rừng vô tri bỗng trở nên kiên trung, tình nghĩa. Những vách thành tạo dựng từ những tư thế hiên hang, kiêu hùng là điểm tựa cho chúng ta mà cũng khiến kẻ thù phải bất lực.

Như vậy, hai đoạn đều là hình ảnh của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc trong tư thế hào hùng, kì vĩ, lớn lao. Nhưng nếu ở câu thơ trên, cái hùng vĩ đến lạnh lẽo, hoang vu của rừng núi trở thành thử thách để làm nổi bật sức mạnh của con người thì ở những câu thơ sau, đó lại trở thành nguồn sức mạnh cho con người. Thiên nhiên và con người từ thế đối lập thành bạn hữu, đồng chí. Dù có thế nào, nó vẫn hiện lên với những nét hùng vĩ rất riêng, mang hồn thiêng của thiên nhiên đại ngàn và vẻ đẹp đất nước, dân tộc. Những câu thơ lúc bát quen thuộc với những hình ảnh sử thi làm câu thơ vừa gần gũi lại thật hào hùng. Sự vận động của hình tượng thiên nhiên cũng là sự vận động theo quy luật của văn học cách mạng để đi từ bóng tối ra ánh sáng, đi từ khó khăn đến vinh quang chiến thắng. Những câu thơ cũng góp phần thực hiện chức năng của văn học lúc bấy giờ: phục vụ cách mạng, cổ vũ chiến đấu mà không rơi vào giáo điều, khô cứng.

Người ta nói thơ Tố Hữu là thơ của mọi người, của dân tộc, của những lẽ sống lớn là bởi những câu thơ sử thi như thế.

-Bỉ Ngạn-vfo.vn

BÀI VIẾT SỐ 2 PHÂN TÍCH HAI ĐOẠN “MƯA NGUỒN SUỐI LŨ NHỮNG MÂY CÙNG MÙ” VÀ “NHỚ KHI GIẶC ĐẾN GIẶC LÙNG… RỪNG VÂY QUÂN THÙ”

Từ thuở xa xưa, thiên nhiên đã là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà văn, nhà thơ sáng tác. Đã có biết bao nhiêu bài thơ ca tụng cảnh núi non hoa cỏ, tiếng hát, tiếng suối hiện diện trong đời sống thi ca. Thiên nhiên bầu bạn với cụ Nguyễn Trãi khi lui về núi sâu ở ẩn, thiên nhiên nói hộ tấm lòng Kiều thuở ở lầu Ngưng Bích, và đến khi dân tộc ta kháng chiến, thiên nhiên lại ở bên sẻ chia gian khó, dang tay bảo vệ những người lính trong những câu thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu. Vì vậy mà người đọc có thể nhận ra được sự vận động kì diệu của thiên nhiên từ những buổi đầu cách mạng: “Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù” đến khi vùng lên kháng chiến: “Nhớ khi giặc đến giặc lùng...rừng vây quân thù”.

Trong “Văn chương và hành động”, nhà phê bình Hoài Thanh đã từng phát biểu: “Có kẻ nói từ khi các thi sĩ ca tụng cảnh núi non, hoa cỏ; núi non, hoa cỏ trông mới đẹp, từ khi có người lấy tiếng chim kêu, tiếng suối chảy làm đề tài ngâm vịnh, tiếng chim, tiếng suối nghe mới hay. Lời ấy tưởng không có gì là quá đáng.” Lời phát biểu của Hoài Thanh là hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ nhà thơ chính là người phát hiện ra những vẻ đẹp đa dạng, phong phú của thiên nhiên, đưa chúng vào thơ ca để làm nên giá trị thẩm mĩ cho tác phẩm, khiến thiên nhiên đi vào lòng người như một niềm thương. Trong những năm trường kì kháng chiến, Tố Hữu không chỉ nhìn thấy bộ mặt khốc liệt của chiến tranh, ông hòa mình vào cuộc sống nơi núi rừng đại ngàn để phát hiện ra vẻ đẹp tiềm ẩn của thiên nhiên. “Việt Bắc” ra đời như một bức họa về phong cảnh thiên nhiên vùng núi sâu rừng thẳm, là một lời tri ân thầm kín mà thi sĩ dành cho nơi này. Bức tranh thiên nhiên ấy có sự vận động rõ rệt, nương theo sự vận động của chủ thể trữ tình trong bài thơ.

Câu thơ “Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù” nằm trong đoạn đầu của thiên trường ca “Việt Bắc”. Câu thơ miêu tả thiên nhiên qua cái nhìn của người lính, thiên nhiên ấy khắc nghiệt, dữ dội với cơn mưa rừng ào ào đổ xuống, những cơn lũ từ suối đầu nguồn đổ về, mây mù giăng đỉnh sớm khuya. Quán ngữ “mưa nguồn suối lũ” được vận dụng một cách linh hoạt, vừa thể hiện được sự khắc nghiệt của thời tiết, vừa khiến câu thơ mang đậm tính dân gian – một trong những nét nổi bật trong thơ Tố Hữu. Ta đã từng bắt gặp những câu thơ miêu tả sự dữ dội của thiên nhiên: “Mưa nguồn mòn núi Thái Sơn” trong sáng tác của Bùi Giáng, “Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời” trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Và đến “Việt Bắc”, một lần nữa khung cảnh thiên nhiên vừa hoang sơ, vừa khắc nghiệt lại hiện ra trước mắt. Mưa không phải là “Giọt mưa tình rỉ rắc chốn hàng hiên” mà là mưa đầu nguồn, suối không phải là con suối “Côn Sơn suối chảy rì rầm/Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai” mà là suối mang theo lũ đầu nguồn nên càng thêm phần dữ dội. Bức tranh thiên nhiên đó lại được tô thêm vẻ thần bí, huyền hoặc với “những mây cùng mù”. Mây cuộn lại, giăng giăng sương mù tứ phía, đem lại cảm giác vừa mờ ảo, vừa lạnh lẽo, góp vào phong cảnh nơi núi rừng đại ngàn một vẻ hoang sơ, khắc nghiệt. Thiên nhiên ở đây vẫn mang một vẻ gì đó tĩnh lặng như thiên nhiên trong những câu thơ cổ, nó đẹp trong sự hùng vĩ, hoang sơ, trong sự lặng lẽ của cây rừng phía Bắc. Đơn thuần đó chỉ là một bức tranh đẹp mà người thi sĩ – người chiến sĩ đang ngẩn ngơ nhìn trong sự rung động của một trái tim mẫn cảm. Và đằng sau bức tranh đó, phải chăng là ý chí chiến đấu, tinh thần thép sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ của những anh lính bộ đội cụ Hồ hay chăng?

Nếu như mở đầu thiên trường ca, thiên nhiên chỉ là một bức tranh phong cảnh, thì đến đoạn thơ sau nó đã vùng dậy và trở thành người đồng chí, đồng đội đồng hành với nhân dân ta trong kháng chiến:

  • “Nhớ khi giặc đến giặc lùng
  • Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
  • Núi giăng thành lũy sắt dày
  • Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”

Không còn mang dáng vẻ hoang sơ của vùng đất đại ngàn gió thổi, thiên nhiên trở nên gần gũi, mang ý chí như một lực lượng thứ hai. Khi giặc đến lùng bắt bộ đội trong rừng sâu núi thẳm thì “rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây”. Không chỉ có nhân dân phía Bắc, không chỉ có sức mạnh của con người chiến đấu, mà cả rừng cây, cả núi đá cũng góp sức để đánh lại những đòn hiểm ác của bọn thực dân xâm lược. Thiên nhiên và con người đồng lòng kháng chiến, cùng nhau vượt qua mọi nguy hiểm để bảo toàn lực lượng, để cứu giúp và bảo vệ lực lượng kháng chiến. Núi “giăng thành lũy sắt dày” để ngăn chặn đường hành quân của kẻ thù, không cho chúng vượt qua. Còn rừng cây lại dang rộng tán lá, dang rộng tấm lòng mình để “che bộ đội”, “vây quân thù”. Động từ “che” nằm trong “che chở” vừa diễn tả sự đùm bọc, bảo vệ, vừa vang lên một tiếng yêu thương, một tấm lòng thành dành cho bộ đội. Trong kháng chiến, nếu nói về lực lượng của ta với địch, rõ ràng đây là một cuộc chiến không cân sức. Bởi thế mà ta đã sáng tạo ra nghệ thuật quân sự là đánh du kích, trong đó phải dựa vào địa hình, núi rừng là chủ yếu. Cho nên, cánh rừng không chỉ đóng vai trò như một bức tranh thiên nhiên phong cảnh, nó còn trở thành một lực lượng quan trọng góp phần vào chiến thắng giòn giã của dân tộc. Rừng ôm ấp, che chắn cho bộ đội. Rừng vây kín, đánh lạc hướng quân địch, khiến chúng không thể thoát khỏi trận địa mai phục của bộ đội ta. Có thể nói trang sử vàng dân tộc không thể viết thiếu tên của “người anh hùng không bao giờ cất tiếng” – đó là rừng, là núi, là thiên nhiên vạn vật. Bằng nghệ thuật nhân hóa, thiên nhiên như được sống và hành động, có sức mạnh quật khởi và một tấm lòng thành với Đảng, với dân. Bởi vậy mà cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân ta được coi là chiến tranh toàn dân – tất cả mọi người, vạn vật đều cùng nhau chiến đấu, đều hao tâm tổn sức để gìn giữ độc lập và hòa bình bấy lâu.

Thiên nhiên có sự vận động rõ rệt. Nếu như ở đoạn đầu, thiên nhiên đơn thuần là một bức tranh phong cảnh vừa hoang sơ, khắc nghiệt vừa hùng vĩ, nên thơ khiến người thi sĩ không thể thôi thổn thức, thì ở đoạn thơ sau, thiên nhiên đã vụt dậy trở thành một lực lượng kháng chiến, ra sức đem thân mình giúp đỡ và bảo vệ, làm nên sự đại thắng của một cuộc cách mạng. Thiên nhiên không chỉ là cảnh vật tĩnh thông thường mà trở nên sống động, mạnh mẽ. Đó cũng là nét nổi bật trong phong cách thơ Tố Hữu: có sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng, từ niềm đau thành niềm lạc quan tất thắng, từ thung lũng đau thương đến cánh đồng vui. Từ đó, ông bày tỏ tình cảm gắn bó, thủy chung với thiên nhiên và con người núi Bắc, để rồi Việt Bắc mãi in dấu vào lòng người thi sĩ như một miền kí ức đẹp.

Cuộc sống con người không thể tách rời thiên nhiên. Núi non, hoa cỏ không hề tách rời, xa lạ với con người. Đôi khi, thiên nhiên lại trở thành một người bạn đồng hành cùng ta trong sản xuất và chiến đấu, làm nên sự thành công như cách mà thiên nhiên Việt Bắc đã đóng góp cho sự toàn thắng của dân tộc.

-Minh Anh-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    thiên nhiên việt bắc
  • Top