Phân tích tiếng sáo trong Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài - 3 bài văn hay nhất chi tiết

Ai đó từng nói rằng: “ Văn học phải khơi sâu vào đời sống và kiếm tìm hạt bụi vàng lấp lánh trên cuộc đời để đúc thành bông hồng vàng sáng chói” dâng tặng cuộc đời. Hạt nhân của bông hồng đó là xây dựng hình tượng nghệ thuật độc đáo. Nhà văn Tô Hoài cũng vậy. Trong truyện ngắn “ Vợ chồng A Phủ” tác giả gửi gắm thông điệp sâu sắc vào hình tượng tiếng sáo.
Năm 1953, sau chuyến đi gian khổ của nhà văn Tô Hoài và bộ đội vào giải phóng Tây Bắc, tám tháng nghĩa tình với đồng bào chắp cánh cảm hứng sáng tác “ Vợ chồng A Phủ” trích trong tập “ Truyện Tây Bắc”. Nhà văn không chỉ thấu cảm nỗi thống khổ của người lao động chịu sự chà đạp của bọn chúa đất, chúa mường những năm cách mạng chưa về, mà còn cảm nhận vẻ đẹp phẩm chất tiềm tàng của họ. Khi làm bài văn phân tích tiếng sáo- một hình tượng độc đáo trong tác phẩm, các bạn cần thuật dựng tần suất hình tượng đó xuất hiện, phân tích lớp nghĩa thực và nghĩa biểu tượng, qua đó nắm bắt tư tưởng tác giả muốn nhấn mạnh vào nét đẹp văn hóa và thế giới nội tâm phong phú của nhân vật Mị nói riêng, của người dân miền núi nói chung. Trước khi làm bài, các bạn có thể tham khảo bài viết sau đây để triển khai ý. Chúc các bạn học tập hiệu quả!

tieng-sao-trong-vo-chong-a-phu.jpg

BÀI VIẾT SỐ 1 PHÂN TÍCH TIẾNG SÁO TRONG VỢ CHỒNG A PHỦ - CHI TIẾT HAY NHẤT
Benlinxky từng nói rằng: “ Tác phẩm văn học sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả…”, phải chăng để tác phẩm vượt ra ngoài quy luật của sự băng hoại, nhà văn cần xây dựng hình tượng nghệ thuật thay vì mô phỏng cuộc đời vào trang viết? Vậy nên ta có dịp bắt gặp thông điệp sâu sắc của nhà văn Tô Hoài muốn gửi gắm qua hình tượng tiếng sáo độc đáo trong truyện ngắn “ Vợ chồng A Phủ”.

Nhà văn Tô Hoài quan niệm khi kiếm tìm chất liệu cho trang văn cần cái đẹp rất thực giữa trang đời, “ cho dù phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc”. Vậy nên, sau chuyến đi của nhà văn và bộ đội vào giải phóng Tây Bắc, trong suốt tám tháng sống gắn bó, nghĩa tình với đồng bào tạo nên chất men say chắp cánh cảm hứng sáng tác “ Vợ chồng A Phủ” trích trong tập “ Truyện Tây Bắc”(1953).

Ở đó nhà văn khám phá vẻ đẹp, chất ngọc của tâm hồn người lao động và niềm thấu hiểu nỗi thống khổ số phận của họ chịu sự áp bức của thần quyền và uy quyền những năm cách mạng chưa về. Nhà văn đã dụng công xây dựng hình tượng nghệ thuật xuất phát từ những hình ảnh chân thực trong cuộc sống, được lọc qua lăng kính chủ quan của nghệ sĩ và vốn ngôn từ, hình tượng mang tính đa nghĩa trong tâm trí bạn đọc.

Hình tượng tiếng sáo xuất hiện khá nhiều trong đêm tình mùa xuân, có khi “ lấp ló đầu núi”, “ thiết tha bổi hổi”, lúc “ lửng lơ bay ngoài đường”, “ rập rờn trong đầu Mị”. Khi A Sử trói đứng Mỵ ở cột nhà, tiếng sáo vẫn đưa cô vào cuộc chơi trong cơn mơ thức chập chờn, trong tạp âm cuộc sống.

Tiếng sáo được coi là linh hồn trong đêm tình khi những chàng trai, cô gái mở hội lòng. Đó cũng là hiện thân của vùng miền văn hóa, phong tục, âm thanh náo nhiệt, lắng sâu của đêm hội. Âm vang ấy thường gắn liền với câu hát gọi bạn yêu, chơi pao, con quay, quyện trong tiếng khèn và tiếng đàn môi. Đó là phương tiện kết nối tiếng lòng thẳm sâu của người miền núi. Trước cây bút Tô Hoài, miền núi từng hiện lên là chốn sơn cùng hiểm họa, không gian xa lạ, hoang vu bí hiểm với những truyền thuyết ghê rợn như “ Vàng và máu”, “ Ngậm ngải tìm trầm”, thì đến Tô Hoài, ông khám phá nét đẹp trong trẻo trở thành chất thơ bay bổng dạt dào trong đời sống tinh thần của con người.

Hình tượng tiếng sáo còn giàu sức gợi khi nó mang lại sự hồi sinh trong tâm hồn nhân vật Mỵ. Trong gian buồng tối, tiếng sáo văng vẳng gọi dậy giác quan của Mỵ sau bao ngày sống không bằng chết. Mắt cô không còn thấy cái mờ mờ trăng trắng không biết là sương hay nắng, mà biết đón nhận sắc màu tươi sáng của những chiếc váy hoa. Tai không còn nghe tiếng chân ngựa đạp vách mỏi mòn mà đón nhận những thanh âm vui tươi: tiếng chó sủa, nói cười…Thân xác rạo rực hơi men rượu ngô. Tiếng sáo cũng đánh thức tiềm thức của Mỵ, khiến nàng chợt nhớ, nhẩm thầm lời ca năm nào:
  • “Mày có con trai, con gái rồi
  • Mày đi làm nương
  • Ta không có con trai, con gái
  • Ta đi tìm người yêu”
Bài hát một thời con gái đắm say đã ngủ sâu trong khao khát, nay tìm về. Âm vang tiếng sáo còn giúp Mỵ “ sống” lại với những kỉ niệm cơ hồ không mảy may biết đến khổ đau hiện tại. Nhận thức của Mị cũng trở về vẹn nguyên, tuổi trẻ Mị “ còn trẻ, trẻ lắm”, quyền sống tự do “ A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau”. Đó là sự trói buộc sức sống, kìm hãm tuổi trẻ của cô. Tiếng sáo gọi dậy khát vọng mạnh mẽ, dẫn nàng tới chuỗi hành động: xắn miếng mỡ bỏ vào đĩa đèn, hành động sửa soạn ngắn, nhịp nhanh, một loạt động từ “ quấn, với tay, xắn” thổi sinh khí cho nhân vật. Mỵ vùng bước đi khi chân tay bị trói bởi sợi dây nghiệt ngã của A Sử, tuy con chim chưa thoát khỏi lồng chật nhưng khát vọng vươn tới cao xanh. Tiếng sáo dìu Mỵ tham gia cuộc chơi ngoài đường nhộn nhịp, thức tỉnh mọi tri giác của Mỵ.

Hình tượng tiếng sáo được xây dựng sống động bởi ngôn từ mang đậm hơi thở cuộc sống, hình ảnh giàu sức gợi, cách dẫn truyện tự nhiên, khiến chữ chữ đứng trên trang giấy. Hình tượng đậm tô vẻ đẹp của con người lao động trong cơ cực vẫn mang tâm hồn trong sáng, giàu khát vọng, đồng thời giúp ta cảm nhận nét phong phú của văn hóa vùng cao và kết tinh tài năng tả cảnh, khắc họa tâm lý nhân vật tài tình. Truyện ngắn “ Vợ chồng A Phủ” quả thực vượt lên sự băng hoại của thời gian bởi những ý nghĩa hình tượng tiếng sáo mang lại.

- Thu Hường-vfo.vn

tieng-sao-vo-chong-a-phu.jpg

BÀI VIẾT SỐ 2 PHÂN TÍCH TIẾNG SÁO TRONG “VỢ CHỒNG A PHỦ” – TÔ HOÀI
Tiếng sáo xưa nay khi cất lên luôn gợi nhớ nhung về hồn quê hương dân tộc, về tình yêu, về những nét đẹp cuộc sống…Một cách tự nhiên, tiếng sáo cũng làm rung động biết bao hồn thi nhân, văn nhân, trở thành chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong những tác phẩm văn học của họ. Tô Hoài khi viết “Vợ chồng A Phủ” năm 1953, cũng gửi tiếng sáo vào trong những trang truyện hấp dẫn mà chứa chan ý nghĩa. Tiếng sáo trong tác phẩm này là một hình ảnh nghệ thuật ấn tượng được nhiều người đọc quan tâm.

Nhắc đến tiếng sáo trong văn học, ta bắt gặp rất nhiều người nghệ sĩ viết về nó hay mượn hình ảnh tiếng sáo để gửi gắm một câu chuyện, một cảm xúc, nghĩ suy. Lý Bạch trong “Đêm khuya ở thành Lạc Dương nghe thổi sáo” có viết:
  • “Nhà ai sáo ngọc vẳng đêm thanh
  • Theo gió xuân bay khắp Lạc Thành
  • Đêm ấy vẳng nghe bài chiết liễu
  • Làng quê ai chẳng vấn vương tình”

Hay như Bảo Cường – một tâm hồn Huế, một người con xứ Huế nghĩ về tiếng sáo cùng từng gửi sự cảm thán của mình qua thơ rằng:
  • “Sáo ngân ngân mãi bên đời
  • Tiếng rơi cung oán tiếng vời cung thương
  • Tiếng nào theo gió ngàn phương
  • Gởi người tri kỷ dặm trường mờ xa
  • Người đi cách biệt quê nhà
  • Duyên thơ sáo vẫn đậm đà tình quê
  • Gởi hồn theo ngọn gió về
  • Hương Giang khúc hát hồn quê sáo diều”
Dẫu là với ý niệm gì, tiếng sáo xưa nay đi vào văn học đều mang dáng hình rất đẹp. Và tiếng sáo trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài cũng vậy. Trong truyện, chi tiết tiếng sáo được nhà văn khéo léo đưa vào rất nhiều lần, qua đó gửi gắm nhiều ý nghĩ, cảm xúc. Trước hết, tiếng sáo thể hiện nét đẹp phong tục, văn hóa vùng cao Tây Bắc: “ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo gọi bạn đi chơi”. Không chỉ là âm thanh của cuộc sống, âm thanh của văn hóa, khi đi vào trang văn Tô Hoài, tiếng sáo còn là dư vang của tâm hồn nhân vật Mị. Khi “tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng”, Mị đã bắt đầu nhận ra mình còn trẻ, mình muốn đi chơi và đã rất lâu rồi Mị chưa được đi chơi. “Tiếng sáo gọi bạn yêu lơ lửng bay ngoài đường” là âm thanh diệu kỳ khơi dậy trong tâm hồn nhiều khổ đau của Mị một sức sống mới, một tình yêu, niềm khát khao được tự do, được hạnh phúc, được sống chính là mình. Tiếng sáo đã khơi dậy tiềm thức, ký ức, cảm xúc cũng như nhận thức về tuổi trẻ, về tự do, về hạnh phúc cuộc đời mình. Khi mọi thứ trong tâm hồn Mị như được phục sinh, Mị cảm thấy “phơi phới trở lại”. Mị nhận thức về tuổi trẻ, về khát vọng tự do của mình. Không chỉ là một phương tiện đem đến sự hồi sinh về tiềm thức cho nhân vật, tiếng sáo còn đem đến sự hồi sinh về khát vọng sống mãnh liệt của mình. Tiếng sáo đã đưa hồn Mị nhớ về quãng thanh xuân tươi đẹp của mình trước kia, khi chưa bị bắt về làm vợ A Sử, khi chưa phải sống cuộc sống đọa đày cả thân xác lẫn tâm hồn này. Ngày đó, Mị là người thổi sáo giỏi. Ngày đó, Mị được sống cuộc sống tự do, hạnh phúc.

Hình ảnh tiếng sáo xuất hiện xuyên suốt tác phẩm, gắn liền với diễn biến tâm lý, hành động của Mị từ đó nhà văn Tô Hoài có cơ hội gửi gắm những cảm xúc, suy nghĩ sâu sắc. Bên cạnh việc phác họa ra nét đẹp phong tục, văn hóa vùng cao cũng như tài năng con người, tiếng sáo còn ngầm tố cáo hiện thực xấu xa của một xã hội Cách mạng chưa về, nơi cái cường quyền, bạo lực của chúa đất chúa mường lộng hành, chà đạp lên người lao động bé nhỏ, không có tiếng nói. Cảm nhận hình tượng tiếng sáo trong toàn bộ tác phẩm, ta có thể cảm nhận được sự vận động của hình tượng này. Tiếng sáo được nhà văn miêu tả từ xa đến gần, từ bên ngoài cuộc sống đến dư vang bên trong tâm hồn nhân vật. Hơn nữa, tiếng sáo ấy còn di chuyển từ bề rộng ngoại giới đến bờ sâu tâm giới một cách rất linh hoạt và tinh tế. Từ sự vận động của hình tượng tiếng sáo, ta có thể cảm nhận được sự vận động trong tâm hồn nhân vật Mị. Từ vô thức đã chuyển thành nhận thức và dẫn đến hành động vượt thoát khỏi khổ đau, tù túng đến với hạnh phúc, tự do; từ quá khứ đến hiện tại và cuối cùng là vượt thoát khỏi hiện tại.

Hình tượng tiếng sáo trong câu chuyện chính là một chất xúc tác nghệ thuật thay đổi cuộc đời Mị. Cùng với đó, nó còn thể hiện âm vang tâm hồn. Từ vai trò là một tác nhân, tiếng sáo trở thành động lực và sức mạnh giúp cho nhân vật vượt thoát khỏi thực tại khổ đau, vượt thoát khỏi số phận cam chịu áp bức của mình. Nhà văn Tô Hoài đã xây dựng thành công hình tượng tiếng sáo. Không chỉ góp phần thể hiện sự vận động của nhân vật, hình tượng này còn thể hiện sự am hiểu sâu sắc của nhà văn về văn hóa, tâm lý con người vùng cao cũng như tài năng miêu tả phong tục và nội tâm nhân vật.

-Nem-vfo.vn

BÀI VIẾT SỐ 3 PHÂN TÍCH TIẾNG SÁO TRONG “VỢ CHỒNG A PHỦ” - TÔ HOÀI
Giữa những loại hình nghệ thuật chưa bao giờ có ranh giới. Như ta họa trong thơ, thấy thơ trong truyện, và ta thấy cả nhạc trong văn nữa. Âm nhạc cũng như văn học, đều là sự lên tiếng của cảm xúc. Đưa âm nhạc vào văn học, nhà văn cũng đang gửi gắm một điều gì đó. Chẳng thế mà chi tiết tiếng sáo trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, đặt bên cạnh những hình tượng nhân vật trung tâm như Mị hay A Phủ, vẫn để lại những dấu ấn đậm nét và có sức gợi lớn.

Tô Hoài là cây bút văn tài năng và cần mẫn. Các sáng tác của Tô Hoài trải hầu khắp các thể loại. “Vợ chồng A Phủ” là một truyện ngắn thành công của nhà văn. Tác phẩm là kết quả của chuyến đi thực tế của Tô Hoài cùng đồng đội vào giải phóng Tây Bắc trong tám tháng. Cuộc sống và con người nơi đây là nguồn cảm hứng lớn cho ngòi bút nhà văn. Tiếng sáo không phải là hình tượng được nhà văn tập trung khai thác, nhưng nó lại xuất hiện trong suốt chiều dài câu chuyện, gắn liền với số phận và cảm xúc của Mị. Có thể nói, chi tiết tiếng sáo là điểm tựa cho cốt truyện, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cốt truyện.

Chi tiết tiếng sáo có tần suất xuất hiện nhiều trong đoạn trích. Tiếng sáo, khi thì lấp ló ngoài đầu núi: “ tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi”, khi thì “thiết tha bổi hồi trong lòng”, khi lại “rập rờn” trong đầu Mị. Tiếng sáo “đưa Mị theo những cuộc chơi”, tiếng sáo xuất hiện trong cơn nửa tình nửa mê của Mị khi bị trói đừng vào cột nhà. Chi tiết tiếng sao xuất hiện khá dày trong đêm tình mùa xuân, nương theo những nét tâm trạng và đôi tai lắng nghe của Mị mà xuất hiện. Tiếng sáo tựa như con bướm nhỏ, chơi vơi ngoài không gian và rập rờn trong đầu Mị.

Sự xuất hiện của tiếng sáo không quá nổi bật. Nó lẫn trong những quan sát và lắng nghe âm thanh cuộc sống, lẫn trong tâm hồn lúc tỉnh lúc mê của Mị. Tuy vậy nhưng chi tiết tiếng sáo lại mang nhiều ý nghĩa. Tiếng sáo xuất hiện bên cạnh những “nương ngô, nương lúa đã gặt xong”, cùng với “cỏ gianh vàng ửng”, “gió”, và “rét” của tiết xuân nơi núi rừng, lẫn trong “những chiếc váy hoa” . Tiếng sáo mở ra một không gian xa xôi của núi rừng Tây Bắc. Tiếng sáo gọi bạn yêu là một nét đẹp văn hóa của người dân nơi miền núi.

Tiếng sáo, đơn thuần là âm thanh vang vọng trong đêm tình mùa xuân, sâu sắc thì là tiếng vang tâm hồn của Mị. Trước hết, tiếng sáo là đại diện cho tài năng của Mị: “Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đẽ thổi sáo đi theo Mị". Đó là nét đẹp rất nữ tính, rất tình và cuốn hút của nhân vật Mị, rộng hơn là nét đẹp tâm hồn rất riêng của vùng văn hóa Tây Bắc.

Tiếng sáo vang lên trong đầu Mị tựa như tiếng gọi của cuộc sống và tình yêu. Nghe tiếng sáo gọi bạn yêu mà lòng Mị “thiết tha bổi hồi” để rồi hát vang bài hát:
  • “Mày có con trai con gái rồi
  • Mày đi làm nương
  • Ta không có con trai con gái
  • Ta đi tìm người yêu”
Bài hát đó tự nhiên nơi đầu môi của Mị, tựa như là câu hát thoát ra từ quá khứ tươi đẹp được sống trong tự do, được yêu đời, được là người con gái chân chính nơi miền núi hoang sơ. Quá khứ đó bao gồm tự do, cũng có cả niềm hạnh phúc của cô gái khi được các chàng trai theo đuổi: “Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị.”. Khơi dậy trong Mị quá khứ, tiếng sáo còn là làm sống dậy những khát vọng bấy lâu đã ngủ quên trong khổ đau: “Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị theo những cuộc chơi, những đám chơi.”. “Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi.”, nên khi bị A Sử trói đứng vào cây cột nhà, đầu Mị vẫn là tiếng sáo ấy. tiếng sáo đưa tâm hồn Mị theo những cuộc chơi là đưa Mị đến với cuộc sống đích thực ngoài kia, đưa tâm hồn Mị thoát khỏi những khổ đau bởi dây mây, thoát khỏi kiếp sống con trâu con ngựa để vui với bạn, chơi với mây trời thoáng đạt tự do. Nương theo tiếng sáo, tâm hồn khát vọng đã chuyển hóa thành hành động: “Mị vùng bước đi”. Tiếng sáo vang lên cũng là lúc tâm hồn và ý thức, tiềm thức của Mị thức dậy, để Mị “sống” chứ không chỉ “nghĩ” về ngày trước nữa, để nhen lên trong lòng Mị sự tự giải thoát bản thân.

Là chi tiết nghệ thuật nhưng có sức chứa lớn, tiếng sáo còn góp phần thể hiện nội dung chủ đề của tác phẩm. Tiếng sáo cất lên là sự sống và ý thức sống của con người bay cao. Sức sống của họ dù bị chà đạp, bị trói buộc nhưng vẫn luôn âm ỉ, chỉ chờ cơ hội bùng lên tựa như ngọn lửa rực cháy trong đêm đông. Đó không chỉ là Mị mà còn là những con người nơi miền núi Tây Bắc đang chịu cảnh áp bức cường quyền, rộng hơn là những người dân Việt Nam dưới ách thống trị của đế quốc. Chi tiết đã góp phần thể hiện được giá trị nhân đạo cốt lõi của truyện ngắn. Bên cạnh đó thì chi tiết cũng tố cáo bản chất của giai cấp thống trị thực dân phong kiến miền núi với những chúa đất chúa mường đã cự tuyệt quyền sống, quyền làm người của con người. Đặt trong mối liên hệ so sánh với tiếng chân ngựa đạp vách trong tác phẩm, nếu đó là tiếng của hiện thực phũ phàng, của phận tôi đòi cả đời lệ thuộc thì tiếng sáo là hiện diện của những khát vọng sống chính đáng, của nghị lực và sức mạnh vượt lên khổ đau.

“Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Xây dựng thành công chi tiết tiếng sáo, nhà văn Tô Hoài đã chứng tỏ bút lực của mình, thể hiện tài năng trong thể loại truyện ngắn. Chỉ một chi tiết mà làm điểm tựa cho cả một tâm hồn, làm điểm bật cho cả một sự sống và là nguồn năng lượng làm sáng lên tài năng nhà văn.

-QP-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    tiếng sáo vợ chồng a phủ
  • Top