Phân tích tinh thần bi tráng trong bài thơ Tây Tiến

Tình thần bi tráng đã được khắc họa đậm nét trong bài thơ "Tây Tiến". Sau đây là bài văn tham khảo đề bài:" Phân tích tinh thần bi tráng trong bài thơ "Tây Tiến".

Hình ảnh người lính luôn được phác họa bằng những nét vẽ tráng lệ nhưng cũng rất đỗi chân thực. Dù mỗi nhà văn nhà thơ khi xây dựng hình tượng người lính trong trang viết của mình theo mỗi cách riêng nhưng vẫn nổi bật trong đó là tinh thần bi tráng về một thời khói lửa bấy giờ. Tinh thần bi tráng ấy toát lên từ từng câu chữ, nổi bật cả chủ đề tác phẩm nghệ thuật. Tinh thần bi tráng ấy cũng được thể hiện trong bài thơ " Tây Tiến" của Quang Dũng. Khi viết bài phân tích tinh thần bi tráng trong bài thơ các bạn cần sử dụng nhuần nhuyễn các biện pháp nghệ thuật cùng các phương thức biểu đạt để bài viết thêm sinh động, lôi cuốn người đọc, các bạn cũng cần chú ý làm nổi bật giọng văn của mình. Các bạn cần trích thơ khi đi kèm với những lí luận, phân tích để bài viết thực sự thuyết phục độc giả, có thể liên hệ thêm với những tác phẩm hoặc tác giả cùng viết về chủ đề đó để làm nổi bật cái riêng của Quang Dũng. Dưới đây là bài văn mẫu cho đề bài Phân tích tinh thần bi tráng trong bài thơ " Tây Tiến " của Quang Dũng để các bạn tham khảo và có thêm tư liệu viết bài tốt hơn. Chúc các bạn làm bài thật tốt!
net-bi-trang-trong-tay-tien.jpg
BÀI VIẾT SỐ 1 PHÂN TÍCH TINH THẦN BI TRÁNG BÀI THƠ TÂY TIẾN NGẮN GỌN HAY NHẤT
Ai đã từng là người lính, từng trải qua những năm tháng không thể nào quên của lịch sử dân tộc thì chắc chắn sẽ luôn lưu giữ trong mình những kí ức thân thương ấy bên những người đồng đội, đồng chí nghĩa tình. Quang Dũng cũng vậy. Những tháng năm gắn bó với đoàn quân Tây Tiến đã trở thành miền kí ức khó phai, là tư liệu để ông viết bài thơ " Tây Tiến ". Nét bi tráng được toát lên trong từng câu thơ của toàn bài thơ.

Tây Tiến là tên một đơn vị quân đội được thành lập năm 1947, phối hợp với bộ đội Lào để bảo vệ biên giới Lào- Việt và tiêu hao lực lượng Pháp ở miền Tây Bắc Bộ. Năm 1948, Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. " Tây Tiến " phác họa một cuộc hành trình dài ngày giữa núi rừng hiểm trở. Mở đầu bài thơ là hình ảnh" sương lấp đoàn quân mỏi":

  • "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
  • Mường Lát hoa về trong đêm hơi
  • Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
  • Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
  • Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
  • Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
  • Anh bạn dãi dầu không bước nữa
  • Gục lên súng mũ bỏ quên đời
  • Chiều chiều oai linh thác gầm thét
  • Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu ngươi”.
Chặng hành trình của người lính không hề dễ dàng mà nó luôn chứa đầy những gian nan, thử thách, làm chùn bước chân người lính bất cứ lúc nào. Đó là cái hiểm trở của chặng đường hành quân với những con dốc thăm thẳm, là sự oai linh của rừng thiêng, nước độc, là những con mãnh thú rình rập. Tất cả đều là những khó khăn mà người lính phải trải qua. Họ cũng phải chịu những khó khăn về mặt sức khỏe do lam sơn chướng khí:


  • " Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc"

" Không mọc tóc" chứ không phải tóc không mọc, đây là một lối nói hóm hỉnh của người lính pha sự tếu táo, tinh nghịch. Thật ra tóc không mọc là do những trận sốt rét rừng. Ấy chính là sự bi tráng ngay cả khi khó khăn, vất vả của người lính. Đó là sự đánh đổi quãng đời thanh xuân của những người lính:


  • " Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh".

Nét bi tráng là khí vị chung của toàn bài thơ, đó không phải là sự bi lụy mà bi tráng, một khí vị hào hùng, quả cảm. Người đọc thấy rất xúc động trước hình ảnh đoàn quân mệt mỏi không bước nữa vì rừng núi cheo leo, dốc đèo hiểm trở, vì bụi bặm đường xa:


  • " Anh bạn dãi dầu không bước nữa
  • Gục lên súng mũ bỏ quên đời"

Trên cái nền thiên nhiên hoang sơ, kì vĩ và dữ dội với nhiều đường nét, màu sắc chuyển đổi bất ngờ có vẻ đối lập với thiên nhiên. Nhưng chính sự đối lập ấy đã làm tăng thêm khí phách và đường nét hiên ngang, bất khuất của đoàn quân Tây Tiến:


  • " Heo hút cồn mây súng ngửi trời
  • Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống "

Nét hào hùng còn được thể hiện rõ ở khí thế chiến đấu của họ. Biết bao thanh niên đã dấn thân, đúng như hai chữ Tây Tiến, người chiến sĩ đã hăng hái mà tiến lên miền Tây để chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Dù có trông thấy những nấm mồ nơi biên cương và họ cũng biết rằng giây phút này mình còn tồn tại nhưng biết đâu một lúc nào đấy mình lại trở thành hư vô. Nhưng vượt lên tất cả:


  • " Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

Cái tiếng gầm rung chuyển của dòng sông Mã tỏa ra một sự hùng tráng mà thiêng liêng. Khí phách anh hùng của những chàng trai Tây Tiến gây ấn tượng thật sâu sắc cho người đọc. Khi anh hi sinh, những " tấm áo bào" thay những chiếc chiếu đưa anh về đất mẹ với tất cả niềm trân trọng, biết ơn vô hạn với sự hi sinh mất mát không gì kể xiết của người lính. Nếu không có lòng yêu nước tha thiết thì họ đã có lúc chùn chân và dừng lại. Trái tim ấm nóng của người lính đã giúp họ vượt qua tất cả để đến với lí tưởng Cách Mạng.Tóm lại, hai nét bi và tráng hòa lẫn vào nhau, tạo nên sức hấp dẫn của bài thơ.

Với " Tây Tiến" Quang Dũng đã đưa người đọc ngược lên một miền Tây thăm thẳm, nơi núi rừng, thiên nhiên mang nét đẹp hoang dã, hiểm trở. Và nổi bật trên nền núi rừng thiên nhiên Tây Bắc ấy là tinh thần bi tráng của người lính Tây Tiến vượt lên trên mọi khổ ải, gian lao, tỏa sáng ý chí, khí phách anh hùng. Ba mươi bốn câu thơ " Tây Tiến " đầy hình ảnh sáng tạo thể hiện nỗi nhớ thiết tha của hồn thơ tinh tế, tài thơ tuyệt diệu của Quang Dũng. Đặc biệt nghệ thuật thơ phản ánh những nét bi tráng của người lính Tây Tiến, từ đó cũng đã thể hiện tình yêu nước của nhà thơ. Đó cũng chính là lí do mà sức sống của bài thơ vẫn còn rung động hàng triệu trái tim độc giả đến tận ngày hôm nay. Tinh thần bi tráng đã được khắc họa cách chân thực để lại nhiều suy tư trong lòng độc giả.


-TTT-


BÀI VĂN MẪU SỐ 2 PHÂN TÍCH TINH THẦN BI TRÁNG TRONG BÀI THƠ “TÂY TIẾN”
Tiến sĩ Lê Huy Bắc từng khẳng định: “Nghệ thuật chỉ đạt tới đỉnh cao của nó khi được chắt lọc từ những nỗi đau đích thực của cuộc đời”. Nghê thuật là tấm gương phản ánh cuộc sống, mà ở đó đâu chỉ có những niềm vui và hạnh phúc. Những khổ đau và bất hạnh cũng cần và phải được nói đến, nhưng phải nói một cách nhân văn và đẹp đẽ hay hào hùng. Viết về cái bi nhưng vẫn hùng, đó chính là tinh thần bi tráng được Quang Dũng sử dụng để viết “Tây Tiến”.

Cùng với cảm hứng sử thi hào hùng, “tinh thần bi tráng” cũng là một trong những yếu tố cơ bản thường xuất hiện và là mạch chủ đạo trong những tác phẩm thời chiến, từ cổ chí kim. Nếu cảm hứng sử thi khẳng định, ngợi ca và tôn vinh vẻ đẹp, sức mạnh con người thời đại với giọng điệu hào sảng, hình ảnh lớn lao, kì vĩ; thì tinh thần bi tráng lại hướng cách nhìn vào cái “bi” nhiều hơn, nói đến những gian khổ, khó khăn, thậm chí là hi sinh, mất mát. Nhưng “bi” mà không lụy, “tinh thần bi tráng” dùng cái hùng để viết về cái bi, từ khó khăn gian khổ mà càng thêm trân trọng, mà con người lại càng trở nên đẹp hơn. Vì thế, nghệ thuật vừa chân thực tới từng chi tiết nhưng vẫn làm tròn sứ mệnh phục vụ đời sống, phục vụ cách mạng và tính thẩm mĩ, hướng thiện của nó.

Quang Dũng thật hay viết và cũng viết thật hay về nỗi nhớ - nỗi nhớ dấy lên từ những nẻo đường tha hương, nẻo đường cách mạng và kháng chiến, hướng về “cố quận”, về “Xứ Đoài mây trắng lắm”, về một “ngọn Ba Vì mờ xa” và cả cái tên thân thương “Tây Tiến”. Bài thơ được viết năm 1948, tại Phù Lưu Chanh, trong nỗi nhớ nồng nàn với Tây Tiến – đơn vị chiến đầu cũ – cũng là nỗi nhớ núi rừng rải về miền Tây Tổ quốc có vẻ tuyệt kì mà Quang Dũng một thời gắn bó. Không khí lãng mạn rất riêng của những ngày đầu kháng chiến, tư thế dấn thân đầy kiêu hùng, quả cảm của người con Hà Nội hào hoa, đa tình đã được thể hiện đậm nét ở từng câu thơ chưa đầy chất nhạc, chất họa, vừa trang trọng, cổ kính, vừa tươi tắn, trẻ trung.

Mạch thơ chủ yếu là sự đan dệt của kỉ niệm, của những sực nhớ miên man, của những vụt hiện bất ngờ mà ở đó các địa danh có khi chỉ thoáng một dòng tên, có khi chỉ là một điểm nhấn nào đó của kỉ niệm. Còn kỉ niệm bao giờ cũng chan hòa cảnh với người, cùng song hành và đan dệt cả hai mạch: vừa gian khổ vừa thơ mộng:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

Bút pháp hiện thực đã miêu tả chân thực hình ảnh đoàn quân dãi dầu mệt mỏi, thấp thoáng ẩn hiện trong sương. Và đêm sương ấy trở thành “đêm hơi” bồng bềnh qua cái nhìn lãng mạn của Quang Dũng. Những ngọn đuốc soi đường như những đóa hoa chập chờn, lung linh, huyền hoặc. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên được cảm nhận một cách thật thú vị bởi hình ảnh lãng mạn, hào hoa.

Gian nan bao giờ cũng được xem là ngọn lửa thử vàng. Chẳng thế mà có câu “Lao xao sóng vỗ gợn trùng/ Gian nan là nợ anh hùng phải vay”. Gian nan, thử thách chính là nền để làm nổi bật lên vẻ đẹp và chí khí của con người. Họ đâu có nản chí trước thiên nan vạn nan, họ đương đầu với những dãi dầu thân xác trong dằng dặc thời gian:

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời”

Hai câu thơ tựa như bức họa đầy ấn tượng về người lính. Đây có thể là những giây phút hiếm hoi người lính buông mình vào giấc ngủ; nhưng cũng có thể là một thực tế đau xót là người lính đã ngã xuống và không thể bước cùng đồng đội. Sự hi sinh là có đấy bởi Quang Dũng không bao giờ né tránh hiện thực. Nhưng hiện thực trong mắt ông không bao giờ chỉ giản đơn và tẻ nhạt. Một loạt các từ mang tính chủ động: “không bước nữa”, “bỏ quên đời”. Biến sự mất mát thành sự chủ động đón nhận, chấp nhận một cách tự tin và nhẹ tênh, mang cái ngang tàng, kiêu bại của những người lính trẻ trung, giàu nhiệt huyết.

Những con người đang tuổi thanh xuân, cái tuổi mà Thanh Thảo nói: “Mười tám hai mươi sắc như cỏ/ Dày như cỏ/ Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ” (Trường ca “Những người đi tới biển”) bỗng thoáng chốc, chỉ còn lại:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Câu thơ là một trong những bức tượng đài bi tráng nhất của người lính Việt Nam. Nơi viễn xứ, những con người ấy chỉ còn là áo vải mong manh. Cái chết, nỗi đau, sự mất mát trong chiến tranh là chẳng thể nào chối bỏ. Nhưng “bi” mà không hề “lụy”. Câu thơ sử dụng hệ thống những từ Hán Việt: “biên cương” “viễn xứ”, “chiến trường”, “áo bào”, “độc hành” làm cho không khí trở nên trang giọng, lời thơ trầm lắng, giọng thơ trầm hùng, bi tráng. Lại một cách nói chủ động: “chẳng tiếc đời xanh” khẳng định khí thế ngang tàng của những bậc nam nhi coi cái chết “nhẹ tựa hồng mao”. Hình ảnh “áo bào” gợi về bóng dáng những Kinh Kha bên bờ sông Dịch: “Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn” cùng biện pháp nói giảm nói tránh càng làm cho người lính hiện lên cao đẹp. Cái chết đối với họ, đơn giản chỉ là sự trở về khi mình đã sống và chiến đấu hết mình trong một tâm thế ung dung, nhẹ nhàng.

Trước đây, khi nhắc đến những câu thơ này của Quang Dũng, người ta thường thấy ở đó những biểu hiện tiêu cực của “mộng rớt”, “buồn rớt” hay “yêng hùng tư sản”. Cái khẩu khí của nhà thơ, của những anh bộ đội Tây Tiến ấy, thực ra, vô cùng đáng trọng. Nó là biểu hiện quyết tâm của những con người yêu giống nòi, sẵn sàng đổ máu hi sinh vì những lẽ sống lớn lao. Họ không phải nạn nhân, những con tốt đen vô danh vô nghĩa trên bàn cờ trận mạc mà là những “chủ thể đầy ý thức của lịch sử”, biết sống đẹp từng giây phút, biết ước mơ, hi vọng và khi cần thì sẵn sàng hiến dâng. Những câu thơ của Quang Dũng thực sự ngang tầm vóc với các chiến sĩ đã bỏ mình vì nghĩa lớn. Sự ra đi của họ lại được cất lên thành khúc “độc hành” của sông Mã đầy uy nghiêm và trang trọng. Tầm vóc con người đã sánh ngang tầm vũ trụ. Tôi lại nhớ đến câu thơ của Thanh Thảo, như lời của những người chàng trai đương trẻ tuổi trẻ lòng nhưng biết sống cho xứng đáng với tuổi trẻ, với đất nước:

“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”

(Trường ca “Những người đi tới biển”)

Tinh thần bi tráng được thể hiện qua hình thức cũng mang tính “bi tráng”. Thể “Cổ phong trường thiên” (một thể loại hành cổ”) được sử dụng để những tình cảm, cảm xúc không bị bó buộc mà có thể trải dài theo đầu ngọn bút, trong những con chữ. Hình ảnh thơ giản dị, quen thuộc nhưng khi được ứng hiện vào nhau trong sự sắp xếp của Quang Dũng lại đem đến hiệu quả không ngờ. Bút pháp hiện thực đi liền với lãng mạn đã làm nên vẻ đẹp hào hùng, bi tráng cho những câu thơ. Đó chính là phong vị rất riêng của thơ Quang Dũng: vừa dung dị, vừa bay bổng, không đẽo gọt cầu kì mà mới lạ đến đáng ngạc nhiên! Hát mãi rồi cũng thành “nhàm chán”, những câu hát ca ngợi con người, ca ngợi hiện thực nhiều quá lại khiến con người ta sinh mộng. Văn học cần và trước hết phải là cuộc đời, là những mất mát, là những thương đau nhưng biết đứng lên và tỏa sáng. Đó mới là những áng thơ văn chân chính của mọi thời, mọi người. Những câu thơ của “Tây Tiến”, “Núi đôi”,... một thời đã không được coi trọng bởi những thứ được coi là “buồn rớt tiểu tư sản”. Nhưng qua sự khắc nghiệt của thời gian, những tác phẩm đích thực ấy đã chứng minh được chính mình.

Nghệ thuật là tấm gương phản chiếu đường đời. Mà đường đời thì có nơi khô ráo, có chỗ lầy lội. Tấm gương nghệ thuật sẽ phản chiếu “những nơi nước đọng bùn lầy” để vẫn thấy được bầu trời xanh trong để kia.

-Bỉ Ngạn-
 
  • Chủ đề
    quang dung tây tiến tinh thần bi tráng
  • Top