Kể từ khi Windows 10 chính thức đến tay người dùng vào tháng 7, đã có vô số những bình luận tiêu cực về việc Microsoft đang sử dụng hệ điều hành mới nhất này để bí mật thu thập thông tin từ người dùng.
Microsoft được cho là đã thiếu sự minh bạch trong việc ghi nhớ thông tin tìm kiếm của người dùng, chia sẻ bí mật dữ liệu thông qua kết nối Wi-Fi, sử dụng kết nối Internet của bạn để giúp những người dùng khác tải về các bản cập nhật, và ngăn không cho khách hàng tắt toàn bộ tính năng chia sẻ thông tin.
Tuy nhiên trước những lời chỉ trích như vậy thì Microsoft lại tỏ ra khá im lặng. Vào ngày hôm qua, hãng công nghệ Mỹ này đã đưa ra câu trả lời chính thức đầu tiên, trong đó nhấn mạnh hãng không làm bất cứ điều gì mờ ám mà có thể ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dùng.
Trên một blog, Terry Myerson, phó Giám đốc của Microsoft phụ trách mảng Windows và Thiết bị thừa nhận rằng Windows 10 đang thu thập dữ liệu cá nhân từ người dùng để giúp phát triển những tính năng trên hệ điều hành này, bao gồm công cụ hỗ trợ cá nhân Cortana. Ngoài ra Windows 10 cũng sẽ đánh giá khả năng hoạt động của máy tính bạn để từ đó phát hiện và sửa chữa những lỗi kỹ thuật có thể xảy ra.
Tuy nhiên ông Terry khẳng định rằng người dùng hoàn toàn có khả năng kiểm soát việc họ muốn chia sẻ những loại thông tin gì với Microsoft.
Ông Terry cho hay trong một cuộc phỏng vấn với CNN “Chúng tôi đang tìm cách giải thích vấn đề này với tất cả người dùng. Những nguyên tắc quyền riêng tư của chúng tôi là tốt, và bây giờ chúng tôi cần tiếp tục lắng nghe và học hỏi”.
Microsoft: Chúng tôi cần thông tin từ người dùng để giúp Windows 10 hoạt động hiệu quả hơn
Trong một cố gắng lấy lại niềm tin từ khách hàng, Microsoft đã đưa ra ví dụ về việc những loại dữ liệu nào sẽ được Windows 10 thu thập và chuyển về máy chủ của Microsoft. Hãng cũng đưa ra lý do cụ thể tại sao mình lại cần loại dữ liệu đó.
Microsoft cho biết hãng sẽ chọn lọc những thông tin mà bạn gõ trên bàn phím để từ đó đưa ra tính năng sửa lỗi chính tả cho riêng bạn. Ngoài ra kết nối Wi-Fi của bạn cũng sẽ được mở cho người khác (chỉ khi bạn đồng ý) để giúp họ tự động kết nối vào đường truyền Wi-Fi của bạn mà không cần liên tục hỏi mật khẩu.
Tuy nhiên trong khi một vài tính năng như trên là có thể tắt được, ông Terry cho hay người dùng sẽ không thể tắt đi tính năng chia sẻ dữ liệu mang tên “Sự an toàn và tin cậy” (Safety and reliability) mà Windows 10 được trang bị. Tính năng này sẽ gửi những phản hồi ngẫu nhiên từ máy bạn đến máy chủ Microsoft. Ông Terry nhấn mạnh công ty ông cần điều này để sửa những vấn đề mà Windows 10 gặp phải.
Ông Terry Myerson
Một trong những lý do khiến cho người dùng Windows 10 nổi giận về câu chuyện quyền riêng tư đó là hệ điều hành này dùng rất nhiều dịch vụ cloud so với các phiên bản Windows đi trước. Và Microsoft vì thế cũng cần nhiều sự cho phép từ bạn hơn để lưu trữ dữ liệu cá nhân của bạn.
Tuy nhiên có một điều lại khá mâu thuẫn ở đây. Điều khoản về quyền riêng tư trên Windows 10 cho hay Microsoft cần phải tiếp cận email của người dùng để sau đó mới chuyển đến cho họ. Trong khi đó ông Terry phản đối quan điểm cho rằng tất cả những ai làm việc cho Microsoft đều có khả năng đọc email của bạn.
Microsoft luôn khẳng định rằng hãng lắng nghe những gì người dùng nói. Một thay đổi mà sẽ sớm xuất hiện đó là một công cụ quyền riêng tư cho gia đình trên Windows 10, sản phẩm sẽ hướng tới nhiều hơn đến việc truy cập và sử dụng Internet của thanh thiếu niên.
Tuy vậy cũng phải thừa nhận rằng vấn đề quyền riêng tư không phải là thứ ngăn cản mọi người nâng cấp máy lên Windows 10. Chỉ trong tháng đầu tiên ra mắt, Windows 10 đã ghi nhận đến 75 triệu lượt tải về, con số tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử của hệ điều hành Windows. Còn ông Terry thì tự hào khi cho rằng con số này thể hiện người dùng đang rất hài lòng với việc trải nghiệm Windows 10.
Cam kết sẽ tiếp tục đón nhận những câu hỏi và thắc mắc về câu chuyện quyền riêng tư trên Windows, ông Terry kết thúc cuộc phỏng vấn với CNN bằng câu nói “Chúng tôi hiểu chúng tôi cần có niềm tin từ phía khách hàng. Và chúng tôi cam đoan với các bạn rằng không có công ty nào lại tận tụy, minh bạch và lắng nghe người dùng nhiều như Microsoft”.
Nguyễn Mai Đức (theo CNN)