(vfo.vn) Bên cạnh trải nghiệm cầm nắm tốt, Razer Viper V3 HyperSpeed là chuột gaming không dây được trang bị cảm biến quang học Focus Pro 30K, đèn LED thông báo, dùng loại pin AA, hỗ trợ HyperSpeed Wireless và các tính năng công nghệ khác, nâng cấp công nghệ polling không dây lên 8.000Hz[*], với giá bán thực tế khoảng 1.8 – 2 triệu đồng.
Hộp sản phẩm có thiết kế đặc trưng Razer theo tông chủ đạo như chữ màu trắng, logo và biểu tượng màu xanh, nền đen. Hộp này cung cấp các thông tin về tính năng nổi bật và quan trọng khác của Viper V3 HyperSpeed. Do thuộc dòng tầm trung chỉ hỗ trợ kiểu kết nối không dây, bên trong này gồm có Viper V3 HyperSpeed, đi kèm cục pin AA, USB dongle HyperSpeed, sách hướng dẫn và bảo hành.
Tùy theo quan điểm riêng, mỗi người dùng có thể sẽ đưa ra nhận xét Viper V3 HyperSpeed đẹp hoặc “bình thường”. Nếu đã từng sử dụng chuột văn phòng thông thường (giá thấp) được nâng cấp lên Viper V3 HyperSpeed, phần lớn người dùng có thể cảm thấy hài lòng về kiểu thiết kế và tính năng. Theo đó, sản phẩm có kiểu dáng bên ngoài không quá hầm hố, tích hợp đủ các phím bấm cơ bản nhưng quan trọng, phù hợp cho người dùng sử dụng chuột cho nhiều mục đích như làm việc, giải trí, sáng tạo nội dung, chơi game...
Nếu đang sử dụng dòng chuột gaming “chuyên nghiệp” (cao cấp, thiết kế hầm hố, mức giá bán 3 – 4 triệu đồng), nhiều người dùng có thể cảm thấy Viper V3 HyperSpeed chưa đủ hài lòng vì thiếu dải đèn LED RGB và kiểu dáng chưa đủ “độc đáo” như Basilisk V3 Pro – chuột gaming cao cấp của Razer. Thuộc dòng eSport có giá bán thực tế khoảng 1.8 – 2 triệu đồng kết hợp yếu tố dùng viên pin AA, Viper V3 HyperSpeed không có dải đèn LED RGB cũng là điều “bình thường” hoặc ưu điểm nhỏ (tiết kiệm pin) hoặc nhược điểm nhỏ (ảnh hưởng đến chất gaming) – nhận định như thế nào sẽ tùy thuộc vào mục đích sử dụng thực tế của mỗi người dùng. Theo nguồn tin (đại diện) từ Razer, với dòng eSport, các (hầu hết) sản phẩm không có Chroma RGB đặc trưng. Theo cách diễn giải khác, Viper V3 HyperSpeed không có dải đèn LED RGB sẽ hoàn toàn “bình thường”.
Viper V3 HyperSpeed có kích thước lần lượt 127.1 x 63.9 x 39.9mm, trọng lượng 82g (bao gồm cả pin), kết hợp thiết kế đối xứng với các đường bo cong mềm mại giúp người dùng cầm nắm đạt mức tương đối tốt trở lên (bàn tay Tuấn Hà kích thước to, cảm giác cầm nắm chuột này rất tốt). Sản phẩm có các nút bấm cho độ nảy (đàn hồi) tốt, lực bấm vừa phải. Viper V3 HyperSpeed trang bị switch cơ thế hệ thứ 2 (Gen 2) cho khả năng chống mài mòn cao hơn, tuổi thọ có thể lên đến 60 triệu lần bấm. Về mặt đáy, feet của sản phẩm dùng chất liệu PTFE (kiểu nhựa tổng hợp) ở bốn vị trí khác nhau, giúp cảm giác rê thoải mái và tự nhiên hơn.
Viper V3 HyperSpeed thiết kế con lăn với kiểu bánh răng gần như tương tự một số mẫu chuột gaming khác của Razer. Sản phẩm hỗ trợ tối đa 30.000 DPI. Viper V3 HyperSpeed chỉ bố trí một nút bấm DPI, do đó lỡ bấm quá con số người dùng mong muốn thì phải bấm thêm vài lần nữa để quay trở lại. Khi người dùng bấm nút bấm DPI, đèn LED nhỏ được bố trí ở phía trên con lăn sẽ chuyển màu sắc tương ứng theo từng độ nhạy để người dùng tiện theo dõi mức độ nhạy phù hợp với họ.
Để khai thác tối đa Viper V3 HyperSpeed, người dùng cần cài đặt ứng dụng Razer Synapse trên máy tính để thiết lập nhanh các tính năng, tiện ích khác nhau, nâng cao trải nghiệm người dùng. Vài tháng một lần (1 – 3 năm đầu tiên), người dùng có thể truy cập trang web Razer để tải các bản cập nhật firmware mới (nếu có) cho Viper V3 HyperSpeed và USB dongle (HyperSpeed Wireless Dongle - USB Receiver) đi kèm bên trong hộp sản phẩm. Với các bản cập nhật mới nhất, sản phẩm có thể hoạt động tốt hơn.
Trải nghiệm thực tế, Viper V3 HyperSpeed hoạt động ổn định, trải nghiệm tốt đối với các tác vụ văn phòng và giải trí thông thường. Về khả năng chơi game, cá nhân Tuấn Hà cảm thấy sản phẩm đáp ứng tốt về độ nhạy, tốc độ phản hồi, độ ổn định... Theo thông tin từ Razer, USB dongle (USB Receiver - HyperSpeed) thông thường cho Polling rate đạt mức 1.000Hz nhưng có thể nâng cấp lên đến 8.000Hz[*] thông qua USB Dongle không dây HyperPolling. Tùy theo hình thức sử dụng HyperPolling hoặc HyperSpeed, Viper V3 HyperSpeed cho thời lượng pin dài hoặc thấp. Nguồn tin Razer còn cho biết Viper V3 HyperSpeed có thể hoạt động từ 50 giờ (HyperPolling 8.000Hz) hoặc lên đến 280 giờ (HyperSpeed 1.000Hz).
Thay cho lời kết
Tính đến thời điểm hiện tại, Viper V3 HyperSpeed chỉ có một phiên bản tùy màu Đen. Với mức độ hoàn thiện sản phẩm tốt, Viper V3 HyperSpeed đến từ thương hiệu Razer có thể đã đủ hài lòng phần lớn (không phải tất cả) người dùng khi xét theo tiêu chí giá bán thực tế khoảng 1.8 triệu đồng. Về mặt công nghệ và hiệu năng, sản phẩm đáp ứng tốt cho người dùng phổ thông cần chuột gaming phục vụ nhiều tác vụ khác nhau, không chỉ mỗi chơi game. Thuộc phân khúc phổ thông, Viper V3 HyperSpeed sẽ bị thiếu vài tính năng “xịn” vốn chỉ xuất hiện trên một số dòng cao cấp của Razer cũng là điều bình thường hoặc nhược điểm nhỏ (tùy theo quan điểm riêng của mỗi người dùng). Nếu bên trong hộp sản phẩm tặng kèm (miễn phí) USB Dongle không dây HyperPolling, cá nhân Tuấn Hà nghĩ Viper V3 HyperSpeed càng nồi bật hơn so với các dòng chuột gaming khác trong cùng phân khúc giá bán.
[*] Razer HyperPolling Wireless Dongle và dây cáp được bán riêng, không được tặng kèm bên trong hộp sản phẩm.
Tuấn Hà cảm ơn đến Razer đã hỗ trợ Viper V3 HyperSpeed để thực hiện bài viết này.
Tuấn Hà – vfo.vn
Sửa lần cuối: