Sân chim ở Bạc Liêu

SÂN CHIM BẠC LIÊU – NHỮNG GIẢI PHÁP CHO VIỆC BẢO VỆ CÁC LOÀI CHIM HIỆN HỮU

* Trần Việt Dũng Viện sinh học nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh
Sân chim Bạc Liêu có vị trí địa lý (9016` vĩ độ Bắc; 1050 43` Kinh độ đông) nằm cách khoảng Bạc Liêu khoảng 8km về phía Đông. Là một sân chim tự nhiên còn tồn tại sau chiến tranh. Năm 1970 nhân dân bắt đầu khôi phục lại rừng. Cho đến nay sân chim Bạc Liêu nằm giữa vùng dân cư sinh sống, đường xá đi lại thuận tiện. Chính vì vậy, nó có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, giáo dục về môi trường cho học sinh phổ thông, giải trí thiên nhiên, du lịch, tham quan,… không những của địa phương mà cả vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như các thành phố lớn trong cả nước và bè bạn quốc tế. Việc gìn giữ, phát triển và bảo vệ môi trường, tính đa dạng sinh học Đất ngập nước như các loài chim hiện có ở sân chim Bạc Liêu trong những năm tới là hết sức quan trọng và cần thiết.

Sân chim Bạc Liêu nằm trong vùng đất bán ngập nước, nguyên là rừng ngập mặn nằm trong vùng đất bán ngập nước của bán đảo Cà Mau. Với diện tích 130 ha (trước khi vào qui hoạch là 40 ha), độ cao so với mực nước biển là 2m. Sinh cảnh rất phong phú và đa dạng, bao gồm rừng ngập mặn, ruộng lúa, vùng đầm lầy và bãi triều văn biển, nguồn thức ăn dồi dào phù hợp cho đời sống của các loài chim. Hơn thế sân chim lại tập hợp một quần thể thực bao gồm các loại cây phổ biến có khả năng chịu phèn tốt như Chà là Phoenix paludusa, Tra Hibiseus tiliaceus, Giá Exocoearia agallocha, Cóc vàng Lumnitzera racemosa… được trồng mọc xen kẽ dày đặc tạo thành khu vực lý tưởng các loài chim nước về đây làm tổ, sinh sống tránh được tác động nhiễu loạn của điều kiện môi trường tự nhiên và con người. Đó là các loài Cốc đế Phalacrocorax carbo, Cốc đế nhỏ Phalacrocorax fuseicollis, Cốc đen Phalacrocorax niger, Diệc xám Ardea cinerea, Diệc lửa Ardea purpurea, Cò ngàng lớn Egretta alba, Cò ngàng nhỏ Egretta nitermedia, Cò ruồi Bubulcus ibis, cò bợ Ardeola bacchus, Vạc Nycticorax nycticorax. Bảo vệ sân chim Bạc Liêu là bảo vệ nguồn gien quý hiếm của một số loài chim hoang dã, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ động vật – lưỡng cư bò sát… Nhận thấy tầm quan trọng đó, UBND Thị xã Bạc Liêu – tỉnh Bạc Liêu đã sớm quan tâm đến công tác bảo tồn sân chim, xây dựng và quy hoạch kịp thời giúp sân chim phát triển đúng hướng, góp phần gìn giữ tài nguyên thiên nhiên quý giá này của đất nước. Đó là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa. Dự án cấp nhà nước “Bảo tồn sân chim Bạc Liêu” đã được hình thành. Trong quá trình tiến hành dự án, được sự đóng góp ý kiến của nhiều nhà khoa học dựa trên tình hình thực tế của sân chim, dự án đã thực sự đem lại hiệu quả cho công tác quản lý và bảo tồn sân chim, tạo điều kiện thuận tiện cho một số loài chim về đây ngày một nhiều hơn. Trong bài tham luận này, dưới góc độ nghiên cứu khoa học chúng tôi mong muốn được tham gia đóng góp ý kiến cho những vấn đề hiện tại còn tồn đọng của sân chim cần được giải quyết một cách thỏa đáng.
1/Bảo vệ sân chim tức là bảo vệ các loài chim:
Theo số liệu được ghi nhận qua các đợt khảo sát và nghiên cứu khoa học năm 1997, hiện sân chim có 50 loài thuộc 11 bộ, 28 họ. trong đó có 19 loài chim nước (là loại tập trung sinh sản chính tại sân chim). Trong số đó có 3 loài được ghi trong sách đỏ của Việt Nam đó là Giang sen (Mycteria leucocephala), Cò Hương (Ixobrychus flavicollis), Cốc đế (Phalacrocorax carbo). Tổng số lượng cá thể có trong quần thể các loài chim ở đâylà khoảng 40.000 con (năm 1990: 70.000 con). Như vậy đã có số lượng đã có phần giảm đáng kể. Các loài chim tập trung về làm tổ và sinh sản tại đây từ cuối tháng 4 đầu tháng 5 cho đến cuối tháng 12 hàng năm. Trong mùa sinh sản, thời gian từng loài chim có mặt khác nhau, chọn cây làm tổ cũng như số lứa số trứng khác nhau tùy từng loài. Các cá thể trong cùng một loài thường chọn khu vực làm tổ tập trung giúp cho công việc bảo vệ bầy đàn được an toàn trong thời gian sinh sản, tránh tác động bên ngoài tác động như thiên tai, dịch bệnh, kẻ thù, thức ăn, nguồn nước làm ảnh hưởng đến đời sống của chúng thì con người cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Một trong những nguyên nhân này là con người tác động đến khu vực làm tổ của chúng, xua đuổi, bắt trứng và chim non, dùng thuốc trừ sâu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, đánh bắt… dẫn đến số lượng của chúng bị giảm sút. Trong sân chim hiện có những con đường mòn đi sâu vào khu vực làm tổ của các loài chim, trước đây được dùng cho công tác tuần tra bảo vệ và du khách tham quan. Sự xâm nhập này gây nhiễu loạn và xua đuổi chim bởi tiếng ồn, ảnh hưởng vệ sinh môi trường (rác thải). Giải quyết vấn đề này cần hướng dẫn khách tham quan đi theo tuyến chính, dọc theo bờ bao xung quanh sân chim và bằng chòi quan sát từ xa bằng ống nhòm, telescope như một số khu bảo tồn hay vườn quốc gia trong nước. Chỉ những người có nhiệm vụ cần thiết mới đi vào bên trong khu vực làm tổ của chim.
Đi sâu vào nghiên cứu chúng tôi thấy đa số các loài chim có biểu hoạt động trong ngày tương đối ổn định về thời gian, khu vực kiếm ăn. Một phần do tập tính sinh hoạt nhưng nếu nơi nào không đáp ứng đủ nhu cầu về thức ăn, nước uống hoặc bị tác động do hoạt động sản xuất nông nghiệp của con người nên đàn chim ngày càng phải kiếm ăn xa hơn và lượng thức ăn luôn không đủ. Trong quá trình đó chúng lại bị đánh bắt ráo riết đôi khi ăn phải thuốc trừ sâu hoặc bị xua đuổi, thiên tai nên số lượng của chúng ngày càng giảm là điều tất yếu. Cụ thể là trận bão năm 1998 đã làm cho sân chim thiệt hại nặng nề. Hầu hết số tổ chim bị rụng xuống đất, trứng và chim non chết rất nhiều chim non và trứng được bày bán ở chợ như gà, vịt hoặc đôi khi chim chết trên cánh đồng trồng lúa và hoa màu. Vấn đề là ngay trong sân chim cần phải có những bãi kiếm ăn bổ sung cho chim, những hồ chứa nước ngọt cho chim uống và các hoạt động nghỉ ngơi, hạn chế đến mức tối đa đàn chim phải di chuyển ra ngoài sân chim. Có thể tận dụng một số ao, đài, kênh mương tự nhiên nằm trong sân chim và vùng điệm vào mùa khô bổ sung thêm thức ăn như tôm cá nhỏ, nguồn nước ngọt được bơm vào những đường dẫn nước xuống hồ chứa nước trong thời kỳ khô hạn. Sân chim hiện có hai hồ đào chứa nước ngọt. Thực tế cho thấy, thời gian đầu do thay đổi sinh cảnh nên đàn chim chưa sử dụng, nhưng theo thời gian chúng đã chấp nhận và ngày một tập trung nhiều hơn có đàn lên đến hàng trăm con. Sân chim cần phải có thêm những hồ chứa nước ngọt loại nhỏ (khoảng 8 cái), diện tích khoảng 90 – 100 mét vuông/ cái, nằm ở vị trí thích hợp thoáng đãng, gần khu vực làm tổ của chúng, hạn chế sự di chuyển trong ngày quá xa của một số loài chim, dành nhiều thời gian cho hoạt động sinh sản, chăm sóc cho con.
Theo như dự án, vùng đệm đã được xác định ranh giới tự nhiên xung quanh bờ bao của sân chim tự nhiên (như bản đồ quy hoạch). Phần diện tích này trước đây thuộc diện tích canh tác nông nghiệp của nông trường Đông Hải, nay được trả lại về sân chim. Thời gian trước, vùng dân cư sống quanh sân chim đã là một vấn đề hết sức nan giải và phức tạp. Thường xuyên lực lượng bảo vệ của sân chim phải đối phó với những xâm nhập sân chim của một số dân địa phương vào bắt trứng và chim non, các hoạt động trong sản xuất nông nghiệp như tiếng ồn máy cày, đánh bẩy chim tránh phá hoại mùa màng, xua đuổi… có tác động bất lợi đối với sân chim. Hiện tại việc giải tỏa khu vực này đang tiến hành. Vấn đề còn lại là một số hộ dân sống dọc theo hai bên tuyến đường dẫn vào sân chim định cư lâu đời tại đây, phương châm là tạo điều kiện cho họ sống hài hòa với môi trường thiên nhiên. Cụ thể đối với hộ có người thu nhập chính hoặc phụ đối với nghề đánh bắt chim phải thông báo nội quy cấm săn bắt chim, giải thích lợi ích của việc bảo vệ các loài chim, hỗ trợ vốn để họ chuyển sang thu nhập thêm bằng nghành nghề phụ như thủ công nghiệp, nếu cần xử lý nghiêm khắc trước pháp luật để có tác dụng răn đe khi họ tái phạm. Nhất là những cán bộ làm công tác quản lý bảo vệ tại chỗ phải thực sự gương mẫu cho người dân nhận thấy tầm quan trọng trong việc bảo vệ các loài chim và môi trường tự nhiên xung quanh.
Đối với vùng đệm phải có ranh giới rõ ràng, phân định bằng cột mốc. Đó là khoảng cách an toàn đối với sân chim và cũng là khoảng cách cần thiết để các loài chim có không gian di chuyển cũng như tránh tác động từ bên ngoài. Mọi biến đổi sinh cảnh nơi đây là không cần thiết, không diễn ra hoạt động sản xuất nông nghiệp. Có thể chọn một số loài cây phù hợp như xêri cho trái mà một số loài chim nhỏ thích, trồng với mật độ thưa. Thảm thực vật là nhân tố quyết định cho các loài chim về đây làm tổ. Một số loài đã được nêu tên ở trên được ưu tiên trong kế hoạch trồng mới hàng năm tăng thêm diện tích rừng của sân chim. Giữ nguyên trạng thảm rừng hiện có, tránh chặt tỉa làm thay đổi cảnh quan tập tính vốn đã quen thuộc đối với một số loài.
Một vấn đề nữa chúng tôi đặt trong tham luận này là dãi rừng ngập mặn ven biển rộng 5000 ha thuộc vùng cửa biển Nhà Mát và bãi triều ven biển. Đó là một sinh cảnh rất thích hợp dùng làm bãi kiếm ăn lý tưởng cho một số loài chim nước và chim di cư. Những bãi lầy này đã cung cấp một nguồn thức ăn phong phú bao gồm các loài tôm cá nhỏ, thủy sinh, cua ốc… mà các loài chim rất ưa thích. Hiện khu này thuộc sự quản lý của Chi cục kiểm lâm. Hoạt động của dân cư trong vùng và một số hoạt động mạnh mẽ đến đàn chim kiếm ăn tại đây vì vậy chúng tôi kiến nghị nơi đây cần được các ban nghành quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt, cắm biển báo cấm săn bắt các loài chim, thường xuyên tuần tra bảo vê, nhắc nhở các hành động vi phạm. Việc tiến hành xây dựng khu nhà nghỉ mát trên bãi biển cần được xem xét một cách nghiêm túc, có sự đóng góp ý kiến của các nhà khoa học và các ban nghành liên quan, với mục đích chủ đạo là tác động ảnh hưởng đến đàn chim và bảo vệ được sân chim trong tương lai. Các hoạt động dịch vụ cũng cần được cân nhắc. Cụ thể việc dự định xây dựng một bãi thả diều phục vụ cho nhu cầu vui chơi giải trí là một mục đích đúng và tốt đẹp song nó lại rất gần khu vực đang đề xuất cần được giữ gìn tránh tác động nhiều loại ảnh hưởng đến đời sống các loài chim. Mùa sắc của các cánh diều đủ loại sẽ làm cho chim sợ và mất đi một vùng kiếm ăn lý tưởng của chúng.
Ngoài ra một số cánh đồng trồng lúa và hoa màu được xác định là có nhiều loài chim thường xuyên kiếm ăn cần có sự phối hợp Phòng nông nghiệp và Ban quản lý sân chim trong công tác quản lý bảo vệ, khuyến cáo nông dân trong việc sử dụng những hóa chất độc hại tránh giết chim cũng như xua đuổi, giúp đỡ họ khắc phục những khó khăn do chim gây nên trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, sử dụng những hóa chất không độc hại đến môi trường, lấy xu hướng chim và con người cùng chung sống hài hòa.
2/ Du lịch sinh thái phù hợp với công tác quản lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Ngày nay du lịch sinh thái đã trở thành một hướng đi mới trong nghành du lịch, đó là cách khai thác một cách hợp lý tài nguyên thiên nhiên mà tất cả các Khu bảo tồn và Vườn quốc gia trong cả nước đều làm. Du lịch sinh thái còn có ý nghĩa trong việc tuyên truyền giáo dục đến mỗi người dân và thế hệ trẻ mai sau việc cần thiết phải bảo vệ môi trường, nguồn tài nguyên quý giá của đất nước cũng như ngược lại thu được nguồn kinh phí nhất định giúp đỡ cho công tác bảo vệ sân chim. Song phải phát triển du lịch sinh thái như thế nào để tránh ảnh hưởng và không có tác hại đến một sân chim rất độc đáo còn sót lại ở miền Tây Nam bộ?
Sân chim Bạc Liêu đã tiến hành phát triển khu du lịch sinh thái nằm trong địa phận sân chim. Dưới góc độ của những nhà nghiên cứu làm công tác khoa học, chúng tôi thấy cần phải đóng góp ý kiến nhằm làm tốt hơn nữa cho sự phát triển của sân chim.
Trước tiên là về mặt nội quy, những điều cần cấm và hạn chế. Sau khi được xây dựng cây cầu bắt qua dòng kênh và con đường trải nhựa đi tận vào bên trong sân chim đã làm cho việc đi lại trong công tác bảo vệ và khách tham quan dễ dàng hơn. Song chính từ đây xe cộ có gắn máy sẽ đi lại ngày một nhiều hơn, gây ồn ào khung cảnh thiên nhiên, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống các loài động vật nhất là các loài chim. Vì vậy cấm các phương tiện cơ giới đi lại trong sân chim, tạo điều kiện cho khách có thể đi bộ ngắm khung cảnh thiên nhiên hoặc di chuyển trên những phương tiện thô sơ như xe đạp, xe ngựa… Tất cả khách tham quan sẽ được giới thiệu sơ bộ về sân chim tại phòng trưng bày hiện vật có trong sân chim, xem tranh ảnh, áp phích, những đoạn băng video giới thiệu về sân chim tại phòng đa dạng sinh học của sân chim và sẽ đi tham quan thực địa theo sự hướng dẫn của nhân viên theo những tuyến chính đã hoạch định sẵn. Không cho khách tham quan đi sâu vào sân chim những khu vực chim làm tổ. Các tuyến đó là trục chính con đường vào sân chim và dọc tuyến bờ kênh bao vòng xung quanh sân chim, kết hợp với quan sát bằng mắt thường trên các chòi quan sát (4 chòi) tại một số điểm mà khách tham quan có thể nhìn thấy đời sống các loài chim.
Các dịch vụ du lịch giải trí, nhà hàng không đặt trong sân chim. Nó sẽ gây tác động nhiễu loạn, mất vệ sinh môi trường và rất khó kiểm soát các hành động của du khách trong khi tham quan. Tất cả các dịch vụ này nên đặt ở bên ngoài và có hướng dẫn kèm theo. Công tác vệ sinh môi trường cũng thường xuyên được làm sạch, có những thùng rác di động đặt dọc theo đường đi của du khách. Vì sân chim nằm gần trung tâm thị xã nên nhu cầu nhà nghỉ là không cần thiết chỉ dành cho nhân viên phục vụ công tác bảo vệ tại đây, nhà ở được xây dựng theo kiểu nhà trệt và phù hợp với cảnh quan môi trường như sơn xanh có tác dụng ngụy trang, tránh lòe loẹt làm chim hoãn loại và sợ hãi…
Du lịch sinh thái nếu được kết hợp với chương trình tuyên truyền giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng nhất là tầng lớp thanh thiếu niên thì có tác dụng rất thiết thực và hiệu quả. Với mô hình sân chim tự nhiên, phòng đa dạng sinh học cũng như phòng trưng bày sẽ giới thiệu được đầy đủ ý nghĩa của việc giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, giúp cho thế hệ thanh thiếu niên hiểu biết hơn về đời sống của các loài chim, niềm tự hào và kiêu hãnh về địa phương mình. Bên cạnh đó thường xuyên tổ chức các buổi thuyết trình, tuyên truyền, chiếu phim, hội thảo hoặc thi tìm hiểu về bảo vệ môi trường cũng là việc làm cần thiết.
Trở lại vấn đề chúng tôi đã được ghi nhận nhiều ý kiến xung quanh việc bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên sân chim Bạc Liêu. Chính du lịch sinh thái là một cách tốt nhất trong khai thác tiềm năng của sân chim nhưng có hoạch định và phương châm đúng đắn, không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên. Ngân sách thu được sẽ giúp cho sân chim có kinh phí làm tốt công tác bảo vệ và bảo tồn phát triển, đồng thời đóng góp cho ngân sách địa phương và quốc gia. Một vài quan điểm có nên khai thác sân chim theo hướng bắc trứng và chim non một cách hợp lý vẫn không ảnh hưởng đến số lượng đàn chim về đây? Đúng hay sai? Nên làm hay không nên làm?
Chúng ta cần phân tích và bàn luận. Trước hết sân chim Bạc Liêu là một sân chim “tự nhiên” dưới sự quản lý của địa phương và là tài sản chung của quốc gia có giá trị rất lớn về khoa học và xã hội, nó hoàn toàn khác biệt với một số “vườn chim” của tư nhân. Gọi là của tư nhân nhưng thực ra quỹ đất là của nhà nước, tài nguyên các loài chim cũng là của nhà nước mà họ cứ tưởng lầm rằng “chim trời cá nước”, “lộc nhà ai, nhà ấy hưởng”. Đó là một ý nghĩa sai lầm. Đã có nhiều “vườn chim” của tư nhân trước đây chim về nhiều nhưng do khai thác quá mức dẫn đến xóa sổ, không còn được nhắc đến như ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre… Một khi đã khai thác tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát nổi, tạo dư luận và người dân sẽ lấy đó làm chuẩn mực để tình trạng săn bắt chim thú lại có nguy cơ bùng phát. Việc này phải được xem xét một cách nghiêm túc và không thể áp dụng tại sân chim Bạc Liêu. Đối với các loài chim, tình trạng trên sẽ gây nhiễu loạn trong khu vực làm tổ do hoạt động khai thác, chim sợ và sẽ bay đi tìm nơi an toàn hơn để làm tổ, số lượng giảm dần và nguy cơ đàn chim không trở về là không thể không có. Nó khác biệt với một diện tích nhỏ là khu vực làm tổ của 1 đến 2 loài xác định. Trên thực tế chưa có một khu bảo tồn thiên nhiên và Vườn quốc gia nào khai thác theo cách như vậy.
3/ Đội ngũ bảo vệ, nghiên cứu khoa học và phát triển quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế.
Đối với công tác quản lý bảo vệ cần phải xây một đội ngũ nhân viên thực sự có năng lực, trẻ hóa có trách nhiệm. Lực lượng bảo vệ phải được trang bị những dụng cụ phục vụ cho công tác tuần tra. Xây dựng hệ thống chốt canh ở các điểm trọng yếu, trang bị cho anh em những nhu cầu tối thiểu phục vụ cuộc sống, chế độ lương bổng thỏa đáng với công việc được giao có như vậy mới thúc đẩy công tác này được tốt hơn. Hiện sân chim chưa có lực lượng cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học chuyên môn, nhận những người về phục vụ sân chim có tâm huyết, thường xuyên có những báo cáo nghiên cứu khoa học phục vụ tại chỗ cho nhu cầu phát triển của sân chim.
Động lực chính của việc bảo vệ sân chim là bảo vệ các loài chim về làm tổ tại đây vào mùa sinh sản của chúng, nếu mất chúng thì sân chim cũng không còn. Chính vì vậy sự hỗ trợ của các nhà khoa học trong và ngoài nước cũng là một yếu tố không thể thiếu được. Học tập trao đổi kinh nghiệm với một số khu bảo tồn và các vườn quốc gia trong cả nước thông qua hội thảo khoa học, tham quan học tập kinh nghiệm.
Hàng năm, những loài chim phải được kiểm kê về số lượng (tổ chức đếm chim theo những phương pháp khoa học đã có) để lập biểu đồ biến động số lượng, theo dõi và tìm hiểu nguyên nhân. Tập trung tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những loài chim có nguy cơ giảm số lượng hoặc nguy cơ tuyệt diệt cần được bảo vệ, các loài chim trước đây đã từng có mặt nay đã trở lại sân chim làm tổ như Quắm trắng, quắm đen…Chính sự theo dõi thường xuyên này còn có ý nghĩa phục vụ cho du lịch sinh thái của sân chim, kịp thời có những thông tin cần thiết đáp ứng sự tìm hiểu của du khách cũng như các nhà yêu thích thiên nhiên môi trường.
Nghiên cứu và tìm hiểu rõ đời sống các loài chim nhất là những loài chim di cư còn giúp chúng ta phối hợp với các tỉnh bạn, những vùng có đàn chim di trú lên phương án bảo vệ. Có như vậy mới hoàn thành công việc bảo vệ một cách đồng bộ từ trong ra ngoài. Từ đó giới thiệu với khách tham quan, bạn bè quốc tế gần xa giúp đỡ sân chim ngày một tốt hơn cả về số lượng lẫn chất lượng, giữ lại một sân chim đầy hứa hẹn trong tương lai.
 
  • Chủ đề
    bạc bạc liêu bảo cà mau cách hiệu quả hóa hướng dẫn kết khôi phục liên liêu lớp miền tây nhất phát phương pháp thể thị xã thị xã bạc liêu tốt triển văn việt nam đẹp
  • Top