Sơ đồ tư duy “Đồng chí” chi tiết đầy đủ nhất

Bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu nằm trong chương trình Ngữ văn lớp 9 được viết năm 1948, sau khi tác giả cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc (Thu Đông năm 1947), đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của giặc Pháp lên chiến khu Việt Bắc. Bài thơ ca ngợi tình đồng chí, đồng đội thắm thiết, sâu nặng của những người lính cách mạng dựa trên cơ sở cùng chung cảnh ngộ và lí tưởng chiến đấu. Trong suốt hành trình chiến đấu gian khổ, thấm đẫm máu và nước mắt ấy, vẫn luôn rạng rỡ một thứ tình cảm mang tên đồng đội, đồng chí. Giữa cái nắng cái rét, cái chết chóc của chiến tranh đã giúp những con người từ mọi miền Đất Nước đến với nhau, dựng xây tình đồng chí. Đây là một bài thơ hay và xuất hiện nhiều trong những đề thi cuối kì cũng như tuyển chọn học sinh giỏi. Chính vì thế, để giúp các bạn hiểu bài học hơn mỗi khi đến lớp, chúng tôi đã đưa ra một sơ đồ tư duy ngắn gọn và dễ hiểu nhằm giúp quá trình học tập và ghi nhớ của các bạn trở nên dễ dàng hơn. Mong rằng sơ đồ tư duy ngắn gọn này sẽ giúp ích được cho quá trình học và hiểu bài của các bạn!


dong-chi.jpg


SƠ ĐỒ TƯ DUY BÀI THƠ ĐỒNG CHÍ ĐẦY ĐỦ NHẤT
I, Tác giả, tác phẩm
1, Tác giả
- Chính Hữu, tên khai sinh Trần Đình Đắc (1926-2007), quê Can Lộc, Hà Tĩnh - 1946, ông gia nhập Trung đoàn thủ đô và tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ.
- Năm 1947, ông bắt đầu sáng tác thơ và thơ ông chủ yếu viết về người lính và chiến tranh với cảm xúc dồn nén, ngôn ngữ cô đọng.
- Năm 2000, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
-Tác phẩm chính: Đầu súng trăng treo (1966), Ngọn đèn đứng gác...
2, Tác phẩm
- Sáng tác năm 1948 - giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Thời điểm ấy, bộ đội, nhân dân ta sống và chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, gian khổ, thiếu thốn.
- Bài thơ xuất hiện lần đầu tiên trên tờ bích báo của đại hội in trong tập “Đầu súng trăng treo” (1966)
II, Tìm hiểu chung
- Thể thơ: Tự do
- Mạch cảm xúc: “Đồng chí” là bài ca về tình đồng chí, đồng đội gắn bó sâu nặng và hình ảnh người lính Cách mạng trong kháng chiến chống Pháp. Tình đồng chí là tình cảm vô cùng thiêng liêng, là cội nguồn sức mạnh giúp người lính Cách mạng trong kháng chiến chống Pháp “khoét nút, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
- Bố cục: 3 phần
+ Phần 1 (7 câu thơ đầu): Cơ sở hình thành tình đồng chí của người lính
+ Phần 2 (10 câu thơ tiếp): Biểu hiện và sức mạnh của tình đồng chí
+ Phần 3 (3 câu còn lại): Bức tranh đẹp về tình đồng chí, biểu tượng cao cả của cuộc đời người chiến sĩ

III, Nội dung

1, Phần 1
a, 2 câu đầu
- Nội dung: Nguồn gốc xuất thân của những người lính: từ những miền quê nghèo của Tổ quốc. Nay tạm biệt quê hương, tạm biệt gia đình, bạn bè để khoác lên mình màu áo lính, cầm súng sẵn sàng bảo vệ quê hương. Chính từ những hoàn cảnh thân quen ấy đã kéo gần khoảng cách của những người lính nghèo ấy lại với nhau, để họ cùng chung ý chí bảo vệ Tổ quốc
- Nghệ thuật:
+ Thành ngữ “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá” à cùng chung hoàn cảnh khó khăn, xuất thân gian khó. Hóa ra, tình đồng chí cao đẹp lại có thể nảy nở nhanh và mãnh liệt nhất từ những điểm gặp gỡ trong cuộc sống, nhất là hoàn cảnh xuất thân và thói quen đời thường.
+ Cấu trúc sóng đôi, đối ứng “quê hương anh” – “làng tôi”
b, 4 câu tiếp
- Nội dung: Quá trình hình thành tình đồng chí “người xa lạ - chung lí tưởng – tri kỉ - đồng chí”. Từ những người chẳng quen mặt nhớ tên, vì lí tưởng chung của Tổ quốc mà hóa tri kỉ, hóa đồng chí. Họ là những người lính mà từ khi lựa chọn con đường bảo vệ tổ quốc, với họ, không có gì quan trọng hơn sự tự do của mảnh đất quê hương.
- Nghệ thuật:
+ Dùng từ “đôi”
+ Cách viết sóng đôi, điệp từ “súng bên súng đầu sát bên đầu”, “súng bên súng” nghĩa là chung nhiệm vụ, “đầu sát bên đầu” là cùng chung ý tưởng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
c, Câu cuối
- Câu thơ ngắn gọn như dồn nén cảm xúc
- Bản lề khép lại đoạn 1, mở ra đoạn 2. Đây là câu chuyển ý từ cơ sở lí do hình thành nên tình đồng chí để mở ra những vần thơ kể về biểu hiện của tình đồng chí.
- Vừa là nhan đề bài thơ vừa là chủ đề của đoạn thơ

2, Phần 2
a, 3 câu đầu
- Nội dung: Sự thấu hiểu và chia sẻ nỗi lòng, tâm tư giữa những người lính
- Nghệ thuật:
+ Từ “mặc kệ”
+ Hình ảnh nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ “giếng nước gốc đa” để nhấn mạnh nỗi nhớ quê nhà của những người lính khi xa quê hương, xa những hình ảnh thân thuộc nơi xóm nghèo. Nỗi nhớ ấy không phải những điều quá xa xôi, qua giọng kể của Chính Hữu, ta thấy một tình cảm yêu quê hương da diết, mãnh liệt của họ. Thế nhưng đối với những người lính này, tình cảm dành cho quê hương có sâu đậm thế nào cũng không bằng tình cảm với đất nước. Thế nên, giờ đây họ phải bỏ lại nỗi nhớ, tạm xa gia đình, tạm biệt mẹ cha lên đường đánh giặc, mong một ngày đất nước yên bình có thể trở về bên với quê hương, với những người thương yêu.
b, 7 câu tiếp
- Nội dung: Sự đồng cam cộng khổ, sự sẻ chia những gian lao thiếu thốn của cuộc đời người lính
- Nghệ thuật:
+ Liệt kê: “cơn ớn lạnh”; “sốt run người”; “áo rách vai”; “quần có vài mảnh vá”; “chân không giày” để nói lên sự vất vả cùng cực của những người chiến sĩ nơi thao trường. Những căn bệnh, những thiếu thốn đã giúp họ xích lại gần nhau hơn, dựng xây tình đồng chí.
+ Sử dụng từ “từng”
+ Hình ảnh “miệng cười buốt giá” cho thấy tinh thần lạc quan của những người lính, dẫu có khó khăn cỡ nào, họ vẫn mỉm cười để tiếp tục gồng mình với những khó khăn phía trước. Đó là một nét lãng mạn trong thơ của Chính Hữu. Rất hào hùng, nhưng cũng rất hào hoa.
+ Hình ảnh “tay nắm lấy bàn tay” là một hình ảnh thể hiện sự đoàn kết của những người đồng chí nơi chiến trường đầy bom đạn. Họ vẫn luôn đồng lòng, sẻ chia sức lực để cùng nhau sống sót, cùng nhau bảo vệ nước nhà, bảo vệ bờ cõi quê hương.

3, Phần 3
- Nội dung: Bức tranh vẻ đẹp tình đồng chí
- Nghệ thuật
+ Hình ảnh “rừng hoang sương muối” => Hoàn cảnh khắc nghiệt với sự rùng rợn của những cánh rừng hoang vu. Nó gợi cho ta cảm giác lạnh lẽo của một đêm đông rét run người, lạnh lẽo thấu xương.
+ Hình ảnh “đứng cạnh bên nhau” cho thấy sự đoàn kết của những người lính. Đây là một bức tranh vô cùng lãng mạn về vẻ đẹp tình đồng chí.
+ Tư thế “chờ giặc tới” => Tư thế chủ động nghênh chiến với quân thù. Dẫu có giặc mạnh thế nào cũng không thể thắng được ý chí của những người lính này. Dù trong hoàn cảnh khó khăn như nào đi nữa, họ vẫn ngạo nghễ, hiên ngang, chủ động đối đầu với quân giặc.
+ Hình ảnh “đầu súng trăng treo” – một hình ảnh đậm chất lãng mạn, gợi cho ta cảm giác vào một đêm hành quân, giữa bóng trăng tà, trăng lơ lửng như treo trên nòng súng. Câu thơ làm ta nhớ đến hình ảnh hành quân của đoàn binh Tây Tiến “ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”. Hình ảnh “đầu súng trăng treo” lãng mạn bởi nó khắc họa được tinh thần lạc quan của người lính trong chiến tranh. Chiến tranh lầm than là thế, khắc nghiệt là thế, chết chóc là thế nhưng không cản được lòng yêu đời và tràn ngập hi vọng vào một tương lai tự do của những người lính.
=> Tổng kết: Bài thơ “Đồng chí” là những vần thơ độc đáo về những người lính bộ đội cụ Hồ. Đó là những con người vô cùng giản dị, xuất thân từ vùng quê nghèo, quen mang áo vải, quen đi chân đất. Nhưng đó cũng là những con người cao cả, thiêng liêng bởi tâm hồn cao đẹp và ý chí không ngại xả thân bảo vệ Tổ quốc.
 
  • Chủ đề
    chính hữu sơ đồ tư duy đồng chí
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,627
    Bài viết
    467,370
    Thành viên
    339,822
    Thành viên mới nhất
    anhITnocode
    Top