Sơ đồ tư duy Chiếc thuyền ngoài xa chi tiết lớp 12

“Chiếc thuyền ngoài xa” là một tác phẩm văn học nổi tiếng của Nguyễn Minh Châu, đồng thời được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn 12. Không chỉ vậy, đây còn là tác phẩm xuất hiện nhiều trong các đề thi của học sinh. Bởi thế, việc nắm vững kiến thức tác phẩm là vô cùng quan trọng. Nắm chắc bài học sẽ giúp chúng ta tự tin và làm bài một cách tốt hơn, sâu sắc hơn. Để có thể hiểu và ghi nhớ kĩ bài học, chúng ta có thể viết sơ đồ tư duy, thống kê lại toàn bộ kiến thức trọng tâm của văn bản. Từ đó không chỉ giúp ta nhớ lâu mà còn có thể biến những sơ đồ tư duy này thành đề cương ôn tập. Với mong muốn được giúp đỡ các bạn học sinh phần nào trong quá trình học tập, chúng tôi đã dẫn ra dưới đây sơ đồ tư duy tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. Hi vọng rằng tác phẩm này sẽ giúp các bạn trong chặng hành trình của mình. Chúc các bạn thành công.

so-do-tu-duy-chiec-thuyet-ngoai-xa.jpg

SƠ ĐỒ TƯ DUY TRUYỆN CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA
A, TÌNH HUỐNG TRUYỆN
1, Bối cảnh của câu chuyện: Phùng được giao cho nhiệm vụ chụp một bộ ảnh thuyền và biển cho cuốn lịch năm sau, câu chuyện gắn liền với chuyến đi của người nghệ sĩ ấy.
2, Sự kiện trong truyện: Những sự kiện trong tác phẩm xảy ra xoay xung quanh những phát hiện của Phùng về những bức ảnh và sự thật câu chuyện cuộc đời phía sau bức ảnh.
* Phát hiện thứ nhất: Câu chuyện về bức ảnh chiếc thuyền ngoài xa và hai bức tranh đời sống.
- Góc nhìn từ xa: Cuộc sống hiện ra qua ống kính của Phùng là một bức tranh nghệ thuật đẹp, thi vị, giống như là “một bức danh họa thời cổ” vậy.
+ Hình ảnh: Một chiếc thuyền lưới vó đang tiến vào bờ, “mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe”. Vài bóng người lớn, trẻ con ngồi im phăng phắc trên chiếc mui.
+ Đường nét, màu sắc: “Bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào” Hài hòa, đạt đến vẻ đẹp đơn giản, toàn bích.
- Góc nhìn ở cự li gần: Cuộc sống lại là một bức tranh đời cơ cực và dữ dội, đó là cảnh tượng bạo lực gia đình, phi lí cùng cực. Người chồng đánh vợ mình như thể đánh kẻ thù, vừa đánh vừa buông lời nguyền rủa. Còn đứa con trai thì lại lao vào đánh bố để bảo vệ. Người mẹ ngồi xệp xuống, vừa đau đớn vừa nhục nhã, vái lấy vái để đứa con trai bé bỏng.
=> Có thể nói rằng hai bức tranh là hai khung cảnh đối lập. Nếu bức ảnh nghệ thuật được chụp từ xa mang vẻ đẹp mơ mộng huyền ảo thì bức tranh cuộc đời ở cự li gần lại tăm tối và gai góc hẳn. Đằng sau vẻ đẹp thiện mĩ hóa ra lại là vẻ quái gở của cái xấu, cái ác.
=> Hai bức tranh cũng đưa Phùng vào hai trạng thái cảm xúc đối nghịch: từ ngỡ ngàng trước cảnh tuyệt sắc đến chỗ bàng hoàng trước cảnh bạo hành. Để từ đó Phùng nhận ra mối liên hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời: người nghệ sĩ phải lặn sâu vào cuộc sống, phải thấy những góc khuất những mặt tăm tối của cuộc đời, đó là hiện thực đa chiều; nếu không thì tác phẩm nghệ thuật sẽ chỉ là kết quả của một cái nhìn hời hợt mà thôi.
* Phát hiện thứ hai: Câu chuyện về gia đình làng chài và hai bức chân dung.
- Nhìn từ bên ngoài:
+ Người đàn bà ấy hiện ra với dáng vẻ xấu xí và thô kệch, khuôn mặt mệt mỏi cùng tấm lưng bạc phếch => Trong mắt Phùng, đó là một người đàn bà tăm tối và thất học, bị chồng đánh cũng không hề phản kháng, kiên quyết không li hôn, van xin Phùng và Đẩu một cách thảm thiết.
+ Thái độ của người đàn bà khiến hai người không sao lí giải được và cảm thấy choáng váng bất lực.
- Nhìn sâu vào bên trong:
+ Phía sau đó là một người vợ, một người mẹ giàu tình yêu thương, đức hi sinh. Bà sống dựa vào niềm tin về thiên chức của người đàn bà mà từ đó quyết định sống vì con chứ không thể vì mình như đàn bà trên đất được. Phía sau hình ảnh ấy là một người đàn bà sắc sảo, từng trải, cho Phùng và Đẩu thấy gã đàn ông đánh vợ kia chẳng phải kẻ ác mà chỉ là nạn nhân của sự cùng quẫn, khốn khổ thôi.
+ Chính câu chuyện của người đàn bà khiến Phùng và Đẩu phải suy nghĩ lại về chính mình, cuộc đời. Cuộc sống thường vốn phức tạp và chứa đựng những nghịch lí mà con người phải chấp nhận.
=> TÌnh huống truyện chính là tình huống nhận thức. Những phát hiện của Phùng chính là những phát hiện nhà văn muốn mở ra với bạn đọc, để từ đó dẫn dắt bạn đọc khám phá những mối liên hệ mới, về các nhìn nhận cuộc sống và con người.
B, NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN
I, Nhân vật người đàn bà
1, Ngoại hình
- Trạc 40 tuổi, thân hình cao lớn thô kệch, điển hình cho người đàn bà hàng chài.
- Khuôn mặt đầy những nốt rỗ, mệt mỏi và tái ngắt sau một đêm kéo lưới.
=> Ngay từ dáng vẻ bên ngoài, ta đã thấy cái cơ cực của số phận.
2, Đời sống
- Nạn nhân của nghèo đói lạc hậu. Là mẹ của một đàn con đông đúc nên niềm vui của bà nhỏ bé đến mức tội nghiệp. Niềm vui của bà là khi được thấy những đứa con ăn no.
- Nạn nhân của bạo lực gia đình. Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng, bà lại bị chồng đưa lên trên bờ đánh, nhận lấy những lời nguyền rủa đầy cay nghiệt từ chính miệng chồng.
=> Người đàn bà ấy là hiện thân của đời sống lam lũ nhọc nhằn, là hình ảnh của đời thường với những nét thô kệch xấu xí mà nếu ta nhìn một cách gần sát thì đó là gương mặt mệt mỏi chứa đựng những bi kịch đau đớn.
3, Tính cách và số phận
* Giàu tình yêu thương và đức hi sinh
- Đối với con:
+ Ý nghĩ: Bà cất giữ cho mình một ý nghĩ đơn giản, tin tưởng vào thiên chức của người mẹ rằng “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ.”
+ Hành động: Bà một mình chịu đựng những đau đớn cơ cực nên xin chồng đưa mình lên bờ để đánh, tránh những đau khổ tổn thương diễn ra trước mặt con mình.
+ Cảm xúc: Bà hóa đá trước những đòn roi của chồng nhưng tâm hồn như bật máu khi thấy đứa con trai bé bỏng lao vào đánh bố để bảo vệ mẹ, tiếng gọi mếu máo. Và hành động đứa con đưa tay sờ lên khuôn mặt mẹ… đó là cảnh tượng vừa cảm động vừa xót xa. Ở đó chân dung người mẹ hiện lên với tất cả cay đắng ê chề nhưng cũng vô cùng thánh thiện.
=> “Người đàn bà hàng chài chính là hiện thân của vẻ đẹp mẫu tính.” (Nguyễn Văn Long)
- Đối với chồng:
+ Đẩu và Phùng nhìn người đàn ông là kẻ bạo lực tàn ác thì người đàn bà lại không oán trách mà còn thương xót. Với bà, người chồng trở nên vũ phu là do khổ quá. Cho nên việc chịu đựng những trận đòn roi cũng là cách để bà sẻ chia những cùng cực của chồng.
+ Sâu trong lòng, bà vẫn coi người chồng ấy là một ân nhân, bởi hắn đã đem đến cho bà một gia đình. Bởi vậy, bà bao dung và độ lượng với cái ác của chồng.
* Từng trải, sắc sảo
- Cách nhìn nhận: Thấu hiểu, cảm thông gã đàn ông thuyền chài chỉ là một nạn nhân hoàn cảnh, hơn nữa còn là ân nhân. => Với cái nhìn ấy, bà đã nhìn vào đúng bản chất con người.
- Cách lựa chọn: Kiên quyết không li hôn vì chiếc thuyền gia đình. Bà vẫn cần một người đàn ông chèo chống trước bão giông vì trong cơ cực, bà vẫn tìm thấy niềm vui nuôi những đứa con khôn lớn.
=> Người đàn bà ấy đã đưa Phùng và Đẩu hiểu được chân lí của đời thường: Cuộc sống và con người vốn không đơn giản. Ngay trong những con người bình thường và sự việc đơn giản vẫn có những phức tạp. Có những lúc con người không thể làm gì khác hơn là chấp nhận những nghịch lí.
=> Với nhân vật người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu đã thành công xuất sắc trong việc khám phá nét đẹp bên trong con người. Nhà văn đã tìm thấy vẻ đẹp ẩn sâu bên trong người đàn bà lam lũ vẻ đẹp giản dị sâu sắc.
II, Nhân vật Phùng
* Một người nghệ sĩ nhạy cảm, say mê cái đẹp
- Nhận nhiệm vụ của trưởng phòng đi chụp một bộ ảnh cho cuốn lịch năm sau. Phùng trở lại vùng biển miền Trung nơi mình đã từng chiến đấu với tâm niệm nghệ thuật là cái đẹp và hành trình sáng tạo nghệ thuật là hành trình đi tìm cái đẹp.
- Khi thu vào cảnh tượng chiếc thuyền ngoài xa trong buổi sớm mờ sáng, Phùng cảm nhận thấy tâm hồn mình dâng lên những cảm xúc mãnh liệt: bối rối, trái tim như bị ai đó bóp thắt lại. Niềm xúc động và cảm giác hạnh phúc ấy phản chiếu tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ lãng mạn tha thiết với cái đẹp và cuộc đời.
* Một người nghệ sĩ mang nặng nỗi lo âu trăn trở về hạnh phúc
- Nỗi đau, sự phẫn nộ trước những nghịch cảnh của đời thường
+ Chứng kiến cảnh bạo lực, Phùng ngạc nhiên bàng hoàng. Phùng đã vất chiếc máy ảnh đi, lao tới can thiệp nhằm chấm dứt cảnh tượng phi lí và tàn nhẫn. Ngay trong giây lát, niềm hạnh phúc trước cảnh đẹp tan biến, nhường chỗ cho những hoang mang trước nghịch cảnh đời thường.
+ Phùng đối diện với Phác, ngơ ngác trên bãi xe tăng, đặt ra những vấn đề nhức nhối của cuộc sống. Bãi xe tăng ấy là chứng tích của một cuộc chiến vừa đi qua. Hình ảnh bé Phác cầm thắt lưng là hình ảnh của một cuộc chiến mới - cuộc chiến với đói nghèo tăm tối trong công cuộc mưu sinh của đời sống thường nhật.
- Sự trăn trở, lo âu trước những nghịch lí: Nghe câu chuyện về người đàn bà ở tòa án, Phùng nhận ra các phức tạp cuộc đời và sâu xa. Từ đó nhận thấy sự hời hợt, phiến diện và nông cạn của chính bản thân mình. Nỗi lo âu trăn trở đã đưa Phùng trở về miền đất hàng ngày, từ đó mà nhận thức những chân lí sâu xa về cuộc đời và nghệ thuật.
+ Nghệ thuật không chỉ đi tìm cái đẹp mà phải còn phản ánh cái thật.
+ Cái đẹp đích thực của nghệ thuật không bao giờ tách rời khỏi đời sống con người.
+ Người nghệ sĩ nói riêng và con người nói chung phải có cái nhìn đa chiều để tiếp cận cuộc sống thật toàn vẹn, sâu sắc.
- Cái nhìn của Phùng về tấm ảnh nghệ thuật - Sự cảnh tỉnh về cách nhìn cuộc sống và con người nói chung
+ Phía sau bức ảnh đen trắng, Phùng vẫn cảm nhận được màu hồng của những ảnh sương mai - gam màu tượng trưng cho vẻ đẹp thi vị của cuộc sống.
+ Phùng vẫn thấy hình ảnh người đàn bà đang bước ra khỏi tấm ảnh, “một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân dậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông.” - hình ảnh của những lam lũ, bi kịch đời thường.
=> Chi tiết bức ảnh nghệ thuật nhắc chúng ta phải biết nhìn rộng hơn, sâu hơn để biết các chiều kích khác nhau và tính đa sắc của cuộc đời.
III, Nhân vật Đẩu, bé Phác và gã đàn ông làng chài
* Nhân vật Đẩu
- Là hình ảnh của người trí thức nhìn đời qua lí thuyết, sách vở. Ý thức trách nhiệm giúp Đẩu nhận ra các quy định pháp luật cũn như sự thiện chí của quan tòa xét đến cùng cũng chỉ là những lí thuyết suông xa rời thực tế.
- Trong công cuộc chống lại đói nghèo lạc hậu, xấu ác thì ý chí và thiện chí là chưa đủ. Đó là cuộc chiến lâu dài phức tạp.
* Nhân vật bé Phác
- Nhân vật được cảm nhận bằng cái nhìn mở, đa chiều dưới ngòi bút của tác giả. Phác vừa là đứa trẻ có cá tính mạnh mẽ, giàu tình yêu thương khi lao vào đánh cha để bảo vệ mẹ và tuyên bố nếu nó có mặt thì mẹ không bị đánh.
- Mặt khác, hành động này cũng chứng tỏ đó là một đứa trẻ dễ hành động theo bản năng, bất chấp các quy tắc, pháp luật.
=> Phác có thể trở thành kẻ vô đạo nhưng cũng có thể trở thành hiện thân của sức mạnh yêu thương và che chở.
* Nhân vật người đàn ông hàng chài
- Nhân vật này được khắc họa bằng cái nhìn đa chiều:
+ Với Phùng, Đẩu, Phác thì đó là kẻ vũ phu và bạo lực
+ Với người đàn bà, hắn chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh khắc nghiệt. Về bản chất lão vẫn là một người hiền lành. Vì vậy dù tất cả quay lưng lại với gã thì chỉ có mình người đàn bà là nhìn sâu vào bên trong để thấu hiểu và cảm thông.
- Qua nhân vật, Nguyễn Minh Châu đã gửi tới bạn đọc một thông điệp: Người ta không có quyền nhìn cuộc đời và con người một cách giản đơn mà phải biết nhìn vào các tầng sâu trong con người và sự việc để nắm bắt bản chất.
 
  • Chủ đề
    chiếc thuyền ngoài xa sơ đồ tư duy
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,649
    Bài viết
    467,414
    Thành viên
    339,830
    Thành viên mới nhất
    TuanShinhanbank
    Top