So sánh bài thơ Tây Tiến và Đất nước của Quang Dũng và Nguyễn Khoa Điềm - 2 bài văn hay ngắn gọn

So sánh bài thơ Tây Tiến và đất nước.Cảm nhận của anh/ chị về hai đoạn thơ sau: "Rải rác biên cương...khúc độc hành (Tây Tiến – Quang Dũng) và “Em ơi em ...Làm nên Đất Nước muôn đời” (Đất Nước- Nguyễn Khoa Điềm)
Những năm tháng hào hùng của quê hương đất nước đã trở thành một trong những đề tài bất tận cho văn nghệ sĩ. Trong số đó không thể không kể đến “ Tây Tiến” của Quang Dũng và “ Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm.
Lê Đạt đã từng nói:
  • “Mỗi một công dân
  • Có một vân tay
  • Mỗi một nhà thơ thứ thiệt
  • Có một vân chữ.”
Điều còn lại cuối cùng với mỗi nhà văn là cái giọng riêng của anh ta, thứ giọng khác biệt, không trộn lẫn. Cùng viết về đất nước và con người những năm kháng chiến chống Mỹ đầy cam go, khốc liệt nhưng Quang Dũng và Nguyễn Khoa Điềm lại mang đến những tác phẩm khác biệt về cả nội dung truyền tải cũng như cách thức thể hiện. Nếu như trong “ Tây Tiến” người nghệ sĩ tài hoa khác tạc bức chân dung người lính Tây Tiến với những đặc điểm không thể nào bị hòa lẫn gan dạ, lãng mạn, hào hoa, tinh tế,... thì ở “ Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm, ta lại bắt gặp hình tượng Đất Nước như một sinh thể tồn tại, được tạo dựng và xây đắp từ chính con người và thiên nhiên nơi đây. Cả hai tác phẩm đều mang đến cho người đọc cái nhìn chân thực về cuộc chiến đã qua đi, gợi dậy trong tâm hồn mỗi người một tình yêu quê hương tổ quốc vẫn luôn thường trực. Dưới đây là một số bài làm mẫu hy vọng có thể giúp đỡ các bạn trong quá trình học tập. Chúc các bạn thành công!

tay-tien-dat-nuoc.jpg

2 bài thơ Tây Tiến và Đất nước có khá nhiều điểm tương đồng với nhau​

BÀI VIẾT SỐ 1 SO SÁNH HAI BÀI THƠ “TÂY TIẾN” VÀ “ĐẤT NƯỚC”
Thơ là xúc cảm của người nghệ sĩ. Người viết thơ là người trải lòng với câu chữ. Nếu như Quang Dũng viết “Tây Tiến” để trải nỗi nhớ về một Tây Tiến xa xôi, để thương , để nhớ trong lòng người đi xa, thì với Nguyễn Khoa Điềm, ông đã ghi lại “Đất Nước” bằng tất cả lòng tự hào, gắn bó thân thương. Hai bài thơ, hai tác giả nhưng đã gặp nhau trong tư tưởng và tinh thần Cách Mạng cao đẹp.

Quang Dũng là nhà thơ, nhà soạn nhạc, nhưng cũng đồng thời là người chiến sĩ trực tiếp hành quân cùng binh đoàn Tây Tiến trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Năm 1948, khi rời xa đơn vị tại Phù Lưu Chanh, nhà thơ đã viết “Tây Tiến” để tìm về những năm tháng hào hùng và bi tráng của đời và đồng đội. Đúng như nhà phê bình Đặng Anh Đào từng nhận xét: “Tây Tiến là khúc độc hành để Quang Dũng và những người đồng đội tìm về đoạn đời chiến binh gian khổ mà hào hùng.” Bước sang giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta được tiếp cận với tác phẩm “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ . Ông xuất thân từ một gia đình trí thức cách mạng ở Huế, bản thân ông tham gia trực tiếp vào phong trào đấu tranh sinh viên nên thơ Nguyễn Khoa Điềm rất giàu chất suy tư, cảm xúc dồn nén mang tâm tư của người trí thức….Đất nước là phần đầu chương V của trường ca Mặt đường khát vọng, viết năm 1971 tại chiến khu Trị Thiên giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ đang hết sức khốc liệt. Hai bài thơ ra đời đánh dấu hai cột mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc.

Ra đời giữa không khí hào hùng, máu lửa của cuộc chiến tranh giành độc lập, Quãng Dũng và Nguyễn Khoa Điềm đều thổi vào hai bài thơ linh hồn của non sông đất nước cùng tư tưởng cao đẹp: cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp gìn giữ hòa bình, tự do cho Tổ quốc. Cảm hứng chủ đạo của Tây Tiến” là nỗi nhớ, nhớ về đồng đội và địa bàn hoạt động của đoàn quân, nhớ về vùng đất mà bước chân hào hùng mà đoàn binh Tây Tiến đã đi qua – Tây Bắc. Đó là mảnh đất vùng cao của Tổ quốc với đèo cao núi dốc, non nước mênh mông, và cũng chính là nơi đóng quân của binh đoàn Tây Tiến. Họ hàng ngày hành quân trên những cung đường gập ghềnh, gian khổ, sẵn sàng đe dọa tính mạng của bất kì bước chân lỡ nhịp nào.
  • “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
  • Mường Lát hoa về trong đêm hơi
  • Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
  • Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
  • Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
  • Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Nhưng không vì gian khổ mà nản chí, vì khó khăn mà chùn bước, những người lính của binh đoàn Tây Tiến vẫn không ngừng nỗ lực, sẵn sàng cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ cho độc lập, tự do của đất nước. Đó là ý chí chiến đấu vượt lên thử thách, bệnh tật: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm”, là tinh thần lạc quan ngay cả khi ngã gục vì bom đạn chiến tranh: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời!” và trên tất cả đó là tư tưởng cao đẹp dâng hiến sức trẻ, hi sinh vì lý tưởng cao đẹp của Đảng, của đất nước.
  • “Rải rác biên cương mồ viễn xứ
  • Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
  • Áo bào thay chiếu anh về đất
  • Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Đoạn thơ sử dụng rất nhiều từ Hán Việt mang sắc thái trân trọng, thể hiện không khí trang nghiêm, lòng thành kính thiêng liêng của nhà thơ trước sự hi sinh của đồng đội, đồng thời cũng gợi liên tưởng đến sự hi sinh oanh liệt của những anh hùng, dũng tướng sẵn sàng chấp nhận cảnh “da ngựa bọc thây” đầy bi tráng trong văn học trung đại. Những chiến binh Tây Tiến đều là những chàng trai trẻ, rời xa giảng đường, rời xa những hoài bão tuổi trẻ để lên đường đi cứu nước. Bước vào trận chiến, không ai chắc còn hay mất, những họ vẫn kiên quyết cất bước ra đi, và có lẽ không ít người đã bỏ mạng nơi xứ người. Họ nằm xuống giữa mảnh đất xa lạ, nhưng đó là sự hi sinh đáng quý cho một điều thân quen và cao cả- đất nước. Không cất niệm, an táng, tất cả những gì theo họ ngay khi nằm xuống cũng chỉ có manh chiếu cuốn vội của những đồng đội cùng chung lý tưởng. Họ đắp cho nhau manh chiếu nhỏ, cũng là đắp cho nhau tình thương, lời chia tay chân thành nhất. “Anh về đất”-ba chữ nghe thật giản dị và thân quen. Họ không chết, họ chỉ đang quay trở về với đất mẹ, với nơi đã sinh thành gắn bó với cuộc đời mình mà thôi. Đoạn thơ kết thúc bằng một âm hưởng hào hùng. Dường như linh hồn người tử sĩ đã hòa cùng sông núi, con sông Mã đã tấu lên khúc nhạc đau thương, hùng tráng để tiễn đưa người lính vào cõi bất tử. Nỗi nhớ Tây Tiến trong Quang Dũng luôn cuồn cuộn dâng trào, thổn thức cả hình cả tiếng, gợi về một thời oanh liệt với lý tưởng chiến đấu, hi sinh vĩ đại của thế hệ thanh niên trẻ yêu nước.

Cùng chung tư tưởng cao đẹp ấy, Nguyễn Khoa Điềm đã viết nên “Đất nước” với những vần thơ dung dị, giàu giá trị biểu đạt sâu sắc. Nhà thơ gợi ra những băn khoăn và miệt mài đi tìm về cội nguồn của quê hương, đất nước.
  • “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
  • Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể
  • Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
  • Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”
Tác giả tìm về từ cổ tích, sự tích đến những thần thoại lưu trang vàng lịch sử dân tộc, từ đó giúp bạn đọc có cái nhìn rõ nét về chiều sâu lịch sử và thêm trân trọng, nâng niu bề dày văn hóa đó. Tình yêu nước của Nguyễn Khoa Điềm gắn liền với sự hiểu biết, gắn bó sâu nặng với quê hương, đất nước. Bởi lẽ, ông không chỉ hiểu, chỉ biết mà còn coi đất nước là một phần xương máu của chính mình.
  • “Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
  • Phải biết gắn bó và san sẻ
  • Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
  • Làm nên Đất Nước muôn đời”
Nguyễn Khoa Điềm đã dựng nên cuộc trò chuyện thân mật giữa “anh” và “em”, giữa đôi lứa yêu nhau góp phần làm lời thơ mềm mại, nhẹ nhàng hơn. Sự sáng tạo độc đáo của nhà thơ nằm trong chính cách xưng hô đặc biệt này, khi mượn chuyện tình cảm đôi lứa để nói vấn đề chính luận. Phải chăng tình yêu nam nữ đã hòa nhịp cùng tình yêu đất nước, làm nên cái đằm thắm, nồng say của men tình? Phải chăng, cái tôi cá nhân đã hòa nhập trọn vẹn với cái ta chung cộng đồng. Bên cạnh đó, Nguyễn Khoa Điềm đã khám phá một định luật rất mới “Đất Nước là máu xương của mình”. Hình ảnh so sánh độc đáo ấy có hàm ý khẳng định: Đất nước là sự sống thiêng liêng đối với mỗi con người.
  • “Ôi Tổ quốc ta ơi, ta yêu như máu thịt
  • Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
  • Ôi Tổ quốc, nếu cần ta chết
  • Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…”
  • (Chế Lan Viên)
Từ hành trình đi tìm cội nguồn đất nước, Nguyễn Khoa Điềm đã cất lên tiếng nói nhắc nhở thế hệ trẻ về ý thức tự tôn dân tộc sâu sắc. Đó là sự “gắn bó, san sẻ ” và “hóa thân cho dáng hình đất nước”. Thế hệ mai sau phải luôn gần gũi, gắn bó với mảnh đất quê hương, luôn thắp lên cho mình ngọn lửa của tình yêu nước và ý thức cống hiến sức người, sức của, hòa nhập vào bóng hình đất nước. Lý tưởng cao đẹp ấy luôn được Đảng soi đường chỉ lối, hướng dân tộc ta, đồng bào ta đến bến bờ ấm no, hạnh phúc.

Tuy gặp nhau trong tư tưởng, nhưng bằng cái “tôi” cá nhân độc đáo của mỗi thi sĩ cùng hoàn cảnh lịch sử của hai cuộc kháng chiến khốc liệt, “Tây Tiến” và “Đất nước” đã lưu dấu những ấn tượng riêng đặc biệt trong cả nội dung và nghệ thuật. Nếu như Tây Tiến được viết bằng thể thơ thất ngôn, có sử dụng nhiều từ Hán Việt trang trọng với giọng điệu thơ dứt khoát, mạnh mẽ, âm hưởng hào hùng để tô đậm hiện thực khốc liệt của chiến tranh và khẳng định sự bất tử của những người lính vô danh, thì “Đất Nước” được viết bằng thể thơ tự do, giọng điệu tâm tình trò chuyện, từ ngữ giản dị, gần gũi nhằm khẳng định vai trò to lớn của nhân dân vô danh. Nếu như “Tây Tiến” với cảm hứng đất nước được gợi lên từ nỗi nhớ của người lính vùng cao về những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thì bước sang những vần thơ của Nguyễn Khoa Điềm, “Đất Nước” được hoàn thành trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ tại mặt trận Trị Thiên bộc lộ cảm hứng đất nước qua cái nhìn tổng quát đưa đến những chiêm nghiệm mới mẻ, sâu sắc về đất nước: Đất nước là tất cả những gì gắn bó máu thịt với mỗi con người.

Hai bài thơ “Tây Tiến” và “Đất nước” , mỗi tác phẩm ra đời trong một thời khắc riêng, được chắp cánh bởi hai tâm hồn có cá tính riêng đều mang trong mình sức sống riêng bền lâu, sâu sắc trong lòng mỗi thế hệ bạn đọc. Qua đó, thắp lên trong lòng đọc giả tình yêu cùng ý thức trách nghiệm cao đẹp với quê hương, đất nước.

_TN_

so-sanh-tay-tien-va-dat-nuoc.jpg

Thông qua 2 bài văn của vforum chắc các bạn sẽ có những ý văn và sự lựa chọn những chi tiết hình ảnh để so sánh 2 bài thơ với nhau

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 SO SÁNH “TÂY TIẾN” CỦA QUANG DŨNG VÀ “ĐẤT NƯỚC” CỦA NGUYỄN KHOA ĐIỀM VĂN LỚP 12 HAY ĐẦY ĐỦ
Đất nước trong mỗi người, chỉ có một nhưng lại mang hình hài khác nhau, mang theo những câu chuyện khác nhau. Với Quang Dũng, đó là hình ảnh:

  • “Rải rác biên cương mồ viễn xứ
  • Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
  • Áo bào thay chiếu anh về đất
  • Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
  • (“Tây Tiến” – Quang Dũng)

  • “Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
  • Phải biết gắn bó và san sẻ
  • Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
  • Làm nên Đất Nước muôn đời”
  • (“Đất Nước”- Nguyễn Khoa Điềm)

Quang Dũng và Nguyễn Khoa Điềm được coi là những thế hệ nhà tiêu biểu của hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc: kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nếu Quang Dũng là bông hoa nở rộ giữa rừng thơ chân thực, dân dã với vẻ đẹp hào hoa, kiêu hùng thì Nguyễn Khoa Điềm lại nổi bật giữa những áng thơ gân guốc, bụi bặm bởi phong cách trữ tình, chính luận rất riêng. Quang Dũng viết “Tây Tiến” từ nỗi nhớ, bằng nỗi nhớ và trong nỗi nhớ. Tây Tiến là tên một đơn vị quân đội thành lập năm 1947, có nhiệm vụ cùng quân đội Lào bảo vệ vùng biên giới Việt-Lào và miền Tây Bắc Bộ Việt Nam. Cuối năm 1948, khi buộc phải rời quân đoàn đi làm nhiệm vụ khác, nỗi nhớ về Tây Tiến và núi rừng, con người Tây Bắc đã giúp ông viết lên bài thơ. Còn Nguyễn Khoa Điểm viết “Đất nước” bởi sự ý thức, bằng tinh thần trách nhiệm và hướng tới sự thức tỉnh. “Đất nứơc” là phần đầu chương V của trường ca Mặt đường khát vọng, viết năm 1971 tại chiến khu Trị Thiên giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ đang hết sức khốc liệt, tư tưởng của lớp thanh niên trí thức ở miền Nam đang dần bị lung lay. Bài thơ như một sự khẳng định, thức tỉnh và cảnh tỉnh con người.

Đầu tiên, ta có thể cảm nhận được hình ảnh đất nước thật hào hùng mà cũng bi tráng trong sự hi sinh anh dũng của con người:
  • “Rải rác biên cương mồ viễn xứ
  • Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
  • Áo bào thay chiếu anh về đất
  • Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”

Câu thơ là một trong những bức tượng đài bi tráng nhất của người lính Việt Nam. Nơi viễn xứ, những con người ấy chỉ còn là áo vải mong manh. Cái bi, cái mất mát trong chiến tranh là chẳng thể nào chối bỏ. Vì thế, Nguyễn Duy từng đúc kết một cách đau xót: “Kì quan nào chẳng hắt bóng xót xa” (“Đứng trước tượng đài Kiev). Nhưng bi mà không hề lụy. Câu thơ sử dụng hệ thống những từ Hán Việt: “biên cương” “viễn xứ”, “chiến trường”, “áo bào”, “độc hành” làm cho không khí trở nên trang giọng, lời thơ trầm lắng, giọng thơ trầm hùng, bi tráng. Lại một cách nói chủ động: “chẳng tiếc đời xanh” khẳng định khí thế ngang tàng của những bậc nam nhi coi cái chết nhẹ tựa hồng mao. Hình ảnh “áo bào” gợi về bóng dáng những Kinh Kha bên bờ sông Dịch: “Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn” cùng biện pháp nói giảm nói tránh càng làm cho người lính hiện lên cao đẹp. Cái chết đối với họ, đơn giản chỉ là sự trở về khi mình đã sống và chiến đấu hết mình trong một tâm thế ung dung, nhẹ nhàng. Trước đây, khi nhắc đến những câu thơ này của Quang Dũng, người ta thường thấy ở đó những biểu hiện tiêu cực của “mộng rớt”, “buồn rớt” hay “yêng hùng tư sản”. Cái khẩu khí của nhà thơ, của những anh bộ đội Tây Tiến ấy, thực ra, vô cùng đáng trọng. Nó là biểu hiện quyết tâm của những con người yêu giống nòi, sẵn sàng đổ máu hi sinh vì những lẽ sống lớn lao. Họ không phải nạn nhân, những con tốt đen vô danh vô nghĩa trên bàn cờ trận mạc mà là những “chủ thể đầy ý thức của lịch sử”, biết sống đẹp từng giây phút, biết ước mơ, hi vọng và khi cần thì sẵn sàng hiến dâng. Những câu thơ của Quang Dũng thực sự ngang tầm vóc với các chiến sĩ đã bỏ mình vì nghĩa lớn. Sự ra đi của họ lại được cất lên thành khúc “độc hành” của sông Mã đầy uy nghiêm và trang trọng. Tầm vóc con người đã sánh ngang tầm vũ trụ.

Nhận thức được điều đó, Nguyễn Khoa Điềm đã khẳng định một lần nữa:
  • “Em ơi em
  • Đất Nước là máu xương của mình
  • Phải biết gắn bó và san sẻ
  • Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
  • Làm nên Đất Nước muôn đời”
Đoạn thơ mở đầu bằng đại từ xưng hô “Em”- một người vô danh, là người en gái, những “em gái hái măng một mình” trong thơ Tố Hữu? Hay là tất cả những thế hệ đi sau, phía sau? Cũng là lời gửi gắm đến chính mình. “Em ơi em” là cho câu thơ như mềm ra, nhẹ nhàng như những lời tâm sự, dặn dò ân cần của “anh” cho “em”. Chính điều đó giúp cho thơ của Nguyễn Khoa Điềm viết về chính trị mà không khô khan, là chính luận nhưng cũng đậm chất trữ tình. Em phải nhớ: “Đất nước là máu xương của mình”. Một cách định nghĩa rất cụ thể và rất mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm: ý niệm phi hình thể được hữu hình như “máu xứng của mình” – là một phần cơ thể, không thể thay thế, không thể cắt bỏ, tách rời; đồng thời cũng là máu xương, mồ hôi và cả linh hồn của những người lính như người lính Tây Tiến phải chịu cảnh “rải rác biên cương mồ viễn xứ”. Vì thế chúng ta “phải biết gắn bó và san sẻ” – sự yêu thương và sẻ chia, đoàn kết; “hóa thân cho dáng hình xứ sở”- biết bỏ cái tôi, cái ích kỷ để làm một phần của đất nước, sẵn sàng hi sinh, sẵn sàng dâng hiến. Điệp từ “Phải biết”, không chỉ đơn giản là sự gợi nhắc mà đã trở thành yêu cầu, là sự thức nhận ý thức trách nhiệm của mỗi công dân, thể hệ trẻ đối với hai tiếng “Đất nước” đã cưu mang mình để làm nên “đất nước muôn đời” mãi mãi vững mạnh.

Như vậy, đối với cả Quang Dũng hay Nguyễn Khoa Điềm, đất nước là tất cả những gì rất thiêng liêng và cao cả nhưng cũng rất đỗi gần gũi, giản dị. Với Quang Dũng, đất nước là sự hào hùng, bi tráng của những con người đã dũng cảm “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Hiểu được Điều đó, Nguyễn Khoa Điềm đã tái khẳng định cũng như xác nhận trách nhiệm của thế hệ trẻ với đất nước. Cuối cùng, đều chính là tư tưởng đóng góp, dâng hiến hết mình cho Tổ quốc. Nhưng nếu “Tây Tiến” đã trở thành địa chỉ của thương nhớ với những từ Hấn Việt trang trọng, giọng thơ dứt khoát, âm hưởng hào hùng thì “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm lại là cái nhìn mới mẻ, sâu sắc, toàn hiện về những khái niệm tưởng như đã quá quen thuộc được viết bằng thể thơ tự do, từ ngữ giản dị, giọng điệu tâm tình thủ thỉ. Dòng chảy của văn học Việt Nam đã qua được ngàn đời và còn tiếp tục chảy dài bởi sự tiếp thu và cách tân, bởi những điểm gặp gỡ và độc đáo riêng như vậy.

Bom đạn đã qua đi, những chiến tuyến được lập lên rồi lại san bằng nhưng những câu thơ kia còn sống mãi. Đó là câu thơ của một thời, của chân lí thời đại.

-Bỉ Ngạn-
 
  • Chủ đề
    nguyễn khoa điềm quang dung tây tiến đất nước
  • Top