So sánh nhân vật A Phủ và Tnu Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành

“Vợ chồng A Phủ” và “Rừng xà nu”, hai truyện ngắn được viết ở hai thời điểm khác nhau, trong hai hoàn cảnh khác nhau và bởi hai tác giả khác nhau. Điểm chung và nét riêng độc đáo ở hai nhân vật luôn khơi gợi niềm say mê khám phá, tìm hiểu ở người đọc. Dưới đây là bài văn mẫu so sánh hai nhân vật này các bạn có thể tham khảo.

Với hiện thực và cách tiếp cận hiện thực hay con người của văn học Việt Nam trước 1975, quan niệm của các nhà văn có những nét riêng, ảnh hưởng đến những sáng tác nghệ thuật của họ. Với hiện thực, nhà văn tập trung tiếp cận hiện thực lớn của công cuộc bảo vệ đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Họ tiếp cận với hiện thực ấy bằng cách miêu tả thành quả, chiến công với niềm vui, niềm tin, sự lạc quan, những nỗi mất mát đau thương chỉ là cái nền làm nổi bật sự cao cả, anh hùng của con người. Đời sống riêng tư của mỗi cá nhân không được chú ý. Có lẽ vậy nên mỗi tác phẩm văn học thời kỳ này giống như một bài ca ra trận hào hùng, sôi nổi. Với con người, chủ nghĩa sử thi trở thành lý tưởng. Nhà văn tập trung viết về những anh hùng trong cuộc sống, trong lao động và chiến đấu như A Phủ trong “Vợ chồng A Phủ”, Việt, Chiến trong “Những đứa con trong gia đình”, Tnu trong “Rừng xà nu”. Để xây dựng thành công những nhân vật như vậy, các nhà văn đặt nhân vật của mình trong những tình thế thử thách để nhân vật có cơ hội bộc lộ tư cách công dân, làm chủ hoàn cảnh, làm chủ cuộc đời. A Phủ trong “Vợ chồng A Phủ” và Tnu trong “Rừng xà nu” là hai nhân vật tiêu biểu của văn học thời kỳ này, được nhiều người liên hệ, so sánh với nhau. Với đề bài so sánh hai nhân vật này, các bạn có thể tham khảo bài văn mẫu dưới đây để bổ sung những cách nhìn mới, sâu sắc hơn. Chúc các bạn thành công!

a-phu-va-tnu.jpg

A Phủ và Tnu có rất nhiều điểm tương đồng, chỉ khác ở phần địa lý

BÀI VĂN MẪU SO SÁNH NHÂN VẬT A PHỦ TRONG “VỢ CHỒNG A PHỦ” – TÔ HOÀI VÀ TNU TRONG “RỪNG XÀ NU” – NGUYỄN TRUNG THÀNH
Đọc truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” nhà văn Tô Hoài viết năm 1953 và truyện ngắn “Rừng xà nu” nhà văn Nguyễn Trung Thành sáng tác năm 1975, ta bắt gặp hai hình tượng nhân vật A Phủ và Tnu được tái dựng chân thực, cảm động với những số phận, cuộc đời đau thương và phẩm chất cao đẹp. Điểm chung và nét riêng ở hai nhân vật khiến người đọc thêm ấn tượng với tác phẩm và văn phong, tài năng của hai cây bút văn xuôi hiện đại nước nhà này hơn rất nhiều.

Xây dựng hai nhân vật độc đáo A Phủ và Tnu, không hẹn mà gặp, hai nhân vật cũng có những điểm gặp gỡ thú vị. Cả A Phủ và Tnu đều mang một số phận khổ đau với nhiều mất mát. A Phủ mồ côi cha mẹ, mất gia đình từ nhỏ vì làng gặp một trận dịch đầu mùa. A Phủ bị một người làng đem bán cho người Thái ở cánh đồng thấp. Vốn quen với cái bao la, khoáng đạt của thiên nhiên vùng cao, A Phủ đã trốn lên núi cao sống lang thang, vất vưởng nơi lòng thung đầu núi. A Phủ cũng mồ côi từ nhỏ, sống cùng người làng Xô – man, được họ đùm bọc, chở che, chăm sóc. Đó là điểm chung thứ nhất, còn điểm chung thứ hai mà hầu như hai cũng nhận thấy rất rõ qua lời kể của hai nhà văn đó chính là cái nghèo bủa vây cuộc sống vốn đã khốn khó của họ. A Phủ là một trẻ thơ nhưng không có tuổi thơ, lớn lên phải bươn trải tự làm mọi thứ. Không cha, không mẹ, không cửa nhà, bạc vàng, ruộng nương…cái nghèo chính là nguyên do A Phủ không lấy được vợ dẫu “con gái trong làng nhiều cô mê”, nhiều người nói: “Đứa nào được A Phủ cũng bằng được con trâu tốt trong nhà. Chẳng mấy chốc mà giàu”. Không thể hiện trực tiếp qua từng lời văn, hình ảnh nhưng ta cũng có thể cảm nhận được cái nghèo, cái khó khăn trong cuộc sống của Tnu.

Bên cạnh nét chung ở số phận, cuộc đời, hai nhân vật A Phủ và Tnu còn là những chàng trai mang những phẩm chất vô cùng cao đẹp. Ở A Phủ, ta thấy sự mạnh mẽ về thể chất, cường tráng về tinh thần. Cùng với đó là một tâm hồn trong sáng, hồn nhiên. Nhà nghèo, mồ côi cha mẹ, đó là một thiệt thòi, khó khăn lớn nhưng A Phủ không giam mình ở nhà đầy buồn đau mà Tết đến vẫn đi chơi, chơi hết mình và trở thành linh hồn của cuộc chơi náo nhiệt ngày Hồng Ngài vào xuân. Không những thế, A Phủ còn là một chàng trai trung thực, bản lĩnh và chí tình khi sẵn sàng đánh con quan làng – A Sử để bảo vệ lẽ phải, khi bị bắt quỳ chịu đánh thì không kêu, “im như tượng đá” và quyết tâm dám làm dám chịu, dám xin lấy công để chuộc tội. Một nét đẹp tâm hồn sáng tươi Tô Hoài tâm huyết phác họa ở nhân vật này chính là khát vọng tự do, thoát khỏi cuộc sống đọa đày, thống khổ ở nhà thống lí Pá Tra.

Những trang văn trong “Rừng xà nu” cũng gợi lên trong tâm hồn người đọc những hình dung sắc nét, chân thực về hình ảnh một Tnu mang nhiều nét đẹp tâm hồn đáng trân quý. Đó là sự mưu trí, dũng cảm và chí tình Cách mạng. Nhờ lòng dũng cảm và mưu trí, khi bị giặc phát hiện, bị tra tấn dã man, Tnu vẫn không sợ, không khai tin tức và tìm cách vượt thoát khỏi tay giặc. Đứng trước mọi tình huống bất ngờ xảy ra, Tnu có phản ứng rất nhanh. Như khi đang trên đường làm liên lạc cho cán bộ bị địch phát hiện, Tnu đã nhanh trí nuốt ngay lá thư mật vào bụng để thông tin quan trọng không bị lộ với giặc. Biết ở trong rừng đường mòn đã bị địch bao vây mọi ngả, Tnu chọn đi những con đường lắt léo hơn, trèo lên cây, lội qua suối để không để lộ rõ dấu vết của mình. Sự dũng cảm, mưu trí ở Tnu khiến ta cảm tưởng như ở trên rừng, Tnu như chúa tể bầu trời, khi dưới đất lại như chúa tể sơn lâm và ở trong nước lại như một linh ngư linh hoạt.

Với những cách khám phá và cái nhìn phát hiện khác nhau, Tô Hoài và Nguyễn Trung Thành cũng xây dựng và gửi gắm những nét riêng ấn tượng ở cuộc đời cũng như phẩm chất của hai nhân vật. Nếu như A Phủ là nạn nhân của chế độ phong kiến bảo thủ, lợi dụng cường quyền, bạo lực chà đạp lên người lao động nghèo khổ thì Tnu lại là nạn nhân của giặc giã ngoại xâm đặt ách đô hộ lên cuộc sống người dân. Có lẽ vì lý do đó mà ở A Phủ luôn rực cháy khát vọng tự do, khát vọng giải phóng chính mình để đến với cuộc sống hạnh phúc ở tương lai. Trong khi đó, A Phủ cùng dân làng Xô – man lại khát khao độc lập, hòa bình để có cuộc sống yên ấm nơi bản làng, núi rừng Tây Nguyên. Bên cạnh nét riêng trong số phận, cuộc đời, ta còn bắt gặp sự khác nhau trong tâm hồn, phẩm chất. Rõ nét nhất có thể kể đến đó chính là sự chí tình Cách mạng trong con người Tnu. Cùng với dân làng, Tnu hăng hái tham gia nuôi giấu cán bộ bởi lẽ, ở nơi rừng sâu núi thẳm, lòng chí nghĩa chí tình Cách mạng có một gốc rất sâu khi nó được nuôi dưỡng, đắp bồi từ thế hệ cha ông anh hùng đến lớp cháu con. Việc học chữ với Tnu quả là một công việc khó khăn nhưng Tnu đã quyết tâm học để có thể đọc, có thể viết và có thể làm liên lạc cho anh Quyết. Khi trưởng thành, lòng chí tình cách mạng vẫn thắm rực trong trái tim Tnu, vì thế mà Tnu hăng hái lên đường tham gia lực lượng quân giải phóng, góp sức mình vào công cuộc giải phóng buôn làng, đem lại sự tự do cho nhân dân, cho Tây Nguyên đại ngàn.

Cả hai tác phẩm đều mang khuynh hướng sử thi sâu sắc nhưng với nét riêng trong phẩm chất nhà văn, trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, Tô Hoài và Nguyễn Trung Thành đã xây dựng hai nhân vật với những nét đẹp riêng, làm giàu có thêm hình tượng nhân vật văn học trong kho tàng văn xuôi hiện đại Việt Nam.

-Nem-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    a phủ rừng xà nu tnu vợ chồng a phủ
  • Top