SỐ và TÔ!

Nhiều người thường ví thời đại bây giờ là thời đại số bởi con người, nhất là giới trẻ, càng lúc càng bị bao vây giữa thiết bị công nghệ số.

Trong balô của một bạn trẻ thường có ba thứ: laptop, điện thoại di động và máy ảnh. Tốc độ phát triển của số lại nhanh hơn phi thuyền. Mua cái máy ảnh dù có giá khủng nhất với cấu hình không chê vào đâu được thì chỉ cần mấy tháng sau chủ nhân đã thấy chán vì những đời liên tiếp ra sau đó còn khủng hơn! Máy tính xách tay giờ đây giống như điện thoại di động mang theo bên người, cần thì mở ra liên lạc, làm việc, không thích thì chơi game.

Người ta cũng nhận thấy “số” đã giúp người già có những ngày vui qua giao thiệp trên mạng, nhưng “số” ngày càng đẩy khoảng cách giữa cha mẹ và con cái tăng theo. Từ đó, người ta cũng nhận thấy số gắn liền với tô. Tại sao vậy?

Khoảng 20 năm trước, bữa cơm gia đình hầu như nhà nào cũng giống nhà nào. Cha mẹ con cái quây quần bên mâm cơm. Mẹ giữ vai trò ngồi nồi, xới cơm cho hết người này đến người khác. Nhà nào con đông, đang tuổi lớn ăn khỏe, vừa hết vòng tua này mẹ lại tiếp tục vòng tua khác và chén cơm của mẹ hầu như vẫn chưa kịp vơi đi miếng nào. Tuy vậy, mẹ bao giờ cũng rất vui vẻ và hạnh phúc khi nhìn “lính tráng” của mình thanh toán sạch thức ăn trên mâm. Bữa cơm gia đình đạm bạc không vì thế mà giảm bớt vị ngon, tiếng cười, những câu chuyện vui rôm rả...

Thời gian dần trôi, chén cơm dần thay thế bằng tô. Nhà có con nhỏ, cho con ăn đủ khẩu phần, mẹ bới mỗi đứa một tô vừa cơm, thịt, cá, rau... Để tô cơm nhanh hết, mẹ bật tivi, con vừa ăn vừa xem. Thậm chí con chưa tự ăn được, đút cơm cho con mẹ cũng cần cái tivi hay máy tính cho con tha hồ click chuột để dỗ con ăn. Con lớn dần, những tưởng sẽ hết cảnh ăn tô, hóa ra không phải! Không chỉ ông chủ gia đình có lý do chính đáng là phải tiếp khách nên không có mặt vào “giờ vàng” mà con cái cũng tùy nghi di tản. Giờ học thêm lại rơi vào giờ cơm chiều. Học tối thì tranh thủ làm tô cơm trước khi đến lớp. Tối về cũng bổn cũ soạn lại, một tô ngồi trước tivi hay máy tính. Ai cũng bận rộn, mẹ ở nhà thui thủi một mình cũng chỉ cần một tô. Vừa ăn vừa coi tivi. Nhờ có vở hài kịch nên vơi đi phần nào nỗi buồn về sự vắng mặt triền miên của đấng phu quân trong bữa cơm gia đình!

Số song hành cùng với tô là vậy! Nhiều cô, cậu về nhà bưng một khay có tô cơm và chai nước lên thẳng trên phòng ngồi trước màn hình vi tính vừa ăn vừa gõ, bao thứ vui tươi hiện ra trước mắt. Ăn cơm một mình nhưng vẫn cảm giác vui vẻ, có nhiều người bên cạnh để nói, cười... Ông chồng đi nhậu về khuya cũng chỉ cần một tô cho xong phận sự hay làm vui lòng bà xã cả buổi chiều chờ cơm. Vội vàng rồi lên giường đánh một giấc cho đến sáng (nhiều khi mệt quá, mắt muốn díp lại rồi, chẳng buồn tắm rửa nói chi ăn uống).

Ngoài xã hội cũng chỉ cần một tô là xong bữa. Buôn bán bận rộn, mỗi người làm một tô vừa ăn vừa làm việc đỡ tốn thời gian bày vẽ mâm bát. Ăn xong, tô ai người nấy rửa khỏi so bì, tị nạnh...

Một bà mẹ than thở về cậu con trai “già đầu” rồi nhưng chưa có ý lập gia đình ra riêng: “Bực nhất là mỗi lần nấu phở, chờ con đi làm về cả nhà cùng ăn cho nóng sốt vậy mà nó làm một tô mang lên phòng, vừa ăn vừa gõ máy tính”. Nhiều người thời hiện đại đặt ra mục tiêu là nỗ lực “cày” để nâng cao chất lượng cuộc sống. Thế nhưng, chẳng những họ không có thời gian dành cho người thân mà còn không có cả thời gian ăn chén, gắp đũa. Nếu có bữa cơm gia đình thì cũng vội vàng cho xong để rút về thế giới riêng với những thiết bị số. Mới thấy phải chăng số ngày càng phát triển thì con người ngày càng cô đơn trong đời thực? Kéo con cái ra khỏi thế giới số quay trở về bữa cơm gia đình đông đủ, sum vầy quả thật chẳng dễ. Nhiều bà mẹ than thở như vậy!

TÂM AN

 
Top