Thảm thực vật ở Sân chim Bạc Liêu

thamthucvat.jpg
THẢM THỰC VẬT SÂN CHIM BẠC LIÊU
* TS. Vũ Nguyên Tự

Sân chim Bạc Liêu là một phần rất nhỏ của khu rừng ngập mặn trước đây còn sót lại (14 loài đại diện cho rừng ngập mặn đã chứng tỏ điều đó). Song do quá trình biển lùi hàng năm làm cho điều kiện tự nhiên thay đổi dần và thảm thực vật cũng biến đổi theo. Những biến đổi quan trọng nhất của thảm thực vật rừng ngập mặn ở đây là các loài đại diện của RNM vẫn còn, nhưng số lượng cá thể và thành phần loài không phong phú so với các khu hệ rừng ngập mặn ở một số nơi khác (xem bảng 1).
Bảng 1: So sánh RNM ở sân chim Bạc Liêu với RNM ở một số nới khác
Stt Địa danh RNM Số lượng loài Tỷ lệ cá thể Đánh giá tính
đặc trưng RNM loài đặc trưng đặc trưng RNM
trong quần thể %
1 Sân chim Bạc Liêu 14 12,5 Không đặc trưng
2 Sân chim Tân Tiến 18 74 Không đặc trưng
3 Huyện Đầm Dơi 24 84 Đặc trưng
4 Gò Công Đông ( Tiền Giang) 17 80 Đặc trưng
5 Duyên Hải (Trà Vinh) 18 81 Đặc trưng

Thảm thực vật vật rừng ngập mặn là ngôi nhà của các quần xã chim nước, đồng thời là nguồn cung cấp vật chất hữu cơ, trong đó có muối dinh dưỡng nitơ, phốt phát cho các loài thủy sản sống trong các kinh rạch ở sân chim sinh trưởng và phát triển để làm thức ăn cho các loài chim.
Song, ở sân chim Bạc Liêu, tỷ lệ các loài cây RNM ít (bảng 1), ngược lại thuộc các họ thực vật không đặc trưng cho rừng ngập mặn lại có số lượng cá thể chiếm tỷ cao trong toàn bộ thảm thực vật. Vì vậy những số lượng cá thể chiếm tỷ lệ cao trong toàn bộ thảm thực vật. Vì vậy những chất hữu cơ được phân hủy từ thảm thực vật ở sân chim cung cấp không giống như ở các thảm rừng ngập mặn khác. Ngoài ra, do hệ thống kênh rạch nhân tạo trong khu vực sân chim còn chưa thật hợp lý, dễ tạo ra quá trình sinh thái mất cân bằng và môi trường bị ô nhiễm theo hướng tích tụ sulfua, yếm khí, thiếu oxy, giàu H2S, nhưng ô nhiễm đến mức nào thì hiện nay chưa được nghiên cứu đầy đủ. Vì vậy, mặc dù có kênh rạch, song do không lưu thông tự nhiên theo chế độ thủy triều, nên những vấn đề về địa hóa, thủy hóa cần được quan tâm khi tính đến việc bảo tồn và phát triển thảm thực vật cũng như nguồn thức ăn cho chim trong hệ kênh rạch ở đây.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy thảm thực vật ở sân chim Bạc Liêu khá đơn giản về cấu trúc, đồng thời diễn thế phục hồi và phát triển các quần xã thực vật trong những năm qua, đặc biệt là những quần xã thực vật rừng trồng (xen kẽ với các quần xã thực vật phục hồi tự nhiên) quá chậm. Thảm thực vật của sân chim Bạc Liêu được cấu trúc bởi các quần xã sau đây (xem bản đồ 2):
1. Quần xã Tra Bồ đề )Thespesia populnea) + Lâm vồ (Ficus rumphii) + Chà là ( Phoenix papulosa).
Quần xã thực vật này phát triển tốt trên diện tích khoảng 2,88 ha, nằm trên địa phận pháa Tây – Bắc của sân chim, đóng vai trò quan trọng về cấu trúc thảm thực vật ở sân chim, hình thành hai tầng tán cơ bản, thể hiện sự biến đổi của thảm thực vật rừng ngập mặn theo xu hướng mất dần tính đặc trưng của rừng Sác: Tầng 1 gồm các loài lập quần là Tra Bồ đề và các loài Lâm vồ; tầng hai thấp hơn có nhiều loài thực vật khác nhau, nhưng chiếm ưu thế và về số lượng cá thể là loài Chà là. Chúng phân bố xen kẽ với cá thể của hai loài Tra bồ đề và Lâm vồ, tạo ra quần xã thực vật khá thích hợp cho nhiều loài chim nước đến đây làm tổ tụ tập lúc dừng chân, như các loài chim thuộc chi Diệc (Ardea), Cốc (Phalacrocorax), Cò (Agretta)… đồng thời quần xã này có chiều cao cây hơn hẳn các quần xã thực vật khác trong sân chim nên là nơi có thể quan sát với phạm vi không gian xa rộng nhất cho nhiều loài chim định cư ở quần xã thực vật này.
2. Quần xã Tra bồ đề (Thespesia) + Chà là ( Phoenix).
Hai loài thực vật này có số lượng cá thể ưu thế và mọc xen lẫn với nhau tạo thành quần xã thực vật có diện tích lớn trong thảm thực vật rừng ở sân chim (khoảng 26,9 ha). Các loài Tra Bồ đề và Chà là phát triển kém, có độ cây cao không đồng đều trong quần xã, nhưng số lượng các thể của hai loài khá phong phú và nếu không có tác động của con người thì xu hướng diễn thế để hình thành quần xã thực vật với ưu thế thành phần loài là Thespesia populnea trong tương lai chắc chắn sẽ xảy ra. Đây là quần thể thực vật thuận lợi cho các loài chim thuộc chi Cò (Egretta và Ardeola), các loài chim thuộc chi Vạc (Nycticorax)… cư trú và làm tổ.
3. Quần xã Cóc trắng (Lumnitzra racemosa).
Loài cóc trắng được trồng tập trung và còn tồn tại trên diện tích khoảng 2,8 ha, nằm ở trung tâm khu rừng của sân chim và ven kênh phía Tây Nam sân chim. Do không thích hợp với các điều kiện môi trường, (đặc biệt là môi trường nước), hiện nay chúng phát triển rất kém, phân cành sớm, sinh trưởng chậm. Về mặt nguồn gốc địa lý thì đây là một trong những loài cây đặc trưng của rừng ngập mặn và đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc khu hệ cũng như cấu trúc thảm thực vật của vùng Bạc Liêu. Song, vì không hiểu rõ điều kiện sinh thái của loài này mà người ta đã tưởng là có thể đưa loài này vào hệ thống cây xanh của sân chim Bạc Liêu một cách dễ dàng. Chúng ta thấy quần thể thực vật này đang tồn tại rất khó khăn và làm xấu đi cảnh quan chung để hấp dẫn các loài chim nước ở sân chim Bạc Liêu. Đây là một trong những quần xã thực vật cần được thay thế bằng quần xã khác trong quá trình qui hoạch sân chim sau này.
4. Quần xã Chà là ( Phoenix papulosa).
Quần xã này là mái nhà của các loài chim thuộc các giống Ardeola, Egretta, Nycticorax,… So với các sân chim khác, quần xã Chà là ở sân chim Bạc Liêu khá phát triển và còn tồn tại với “tuổi đời” khá cao và mọc tập trung thành các quần xã phân bố rãi rác kiểu da báo từ Tây – Bắc xuống Tây – Nam sân chim, với tổng diện tích của quần xã này chiếm khoảng 4,8 ha, Ưu thế quan trọng nhất cảu quần xã này đối với các loài chim kể trên là có chiều cao cây thích hợp (từ 2,2m – 2,5m trở lên) và tạo thành bụi ken dầy có các quần xã thực vật thân gỗ gần đó che chở. Do vậy việc phát triển thêm diện tích quần xã thực vật này cần thiết, song phải nhìn nhận kỹ lưỡng những yếu tố sinh thái phù hợp cho chúng phát triển trước mắt cũng như lâu dài và cân đối với các thành phần thực vật khác để làm phong phú khu hệ thực vật, các quần xã thực vật khác để làm phong phú khu hệ thực vật, các quần xã thực vật và chính là để làm phong phú khu hệ chim nước ở Bạc Liêu.
5. Quần xã Chà là ( Phoenix) + Giá (Exoearia) + Tra bồ đề (Thespesla).
Quần xã thực vật này nằm trên khu đất phía Bắc của thảm rừng và tạo thành một dải dài với diện tích khoảng 4,96 ha, không khép tán và có độ cao cây không đồng đều. Quần xã phản ánh hiện trạng diễn thế suy thoái của rừng ngập mặn dưới tác động của yếu tố tự nhiên và con người làm cho các thực vật chủ yếu của rừng ngập mặn mất dần và có khả năng phục hồi, ngược lại các cây ưa sáng phát triển lấn át và một số loài thực vật thuộc các họ khác nhau cũng đang hạn chế sự phát triển của các cụm Chà là. Các cá thể của ba loài thực vật này phân bố thưa và không tạo được tán rừng thực sự như các quần xã ở khu vực phía Tây – Bắc hoặc Tây – Nam sân chim. Chính vì vậy việc thu hút chim làm tổ ở quần xã này không cao, thường chỉ là nơi dừng chân của các loài chim trước khi bay về và sau khi rời khỏi sân chim để đi kiếm mồi.
6. Quần xã Tràm Cừ (Melaleuca cajeputi).
Quần xã Tràm cừ phát triển kém. Chúng được trồng tập trung từ năm 1991 với diện tích 9 ha. Nay chỉ còn lại 6,72 ha. Do quan niệm thiếu khoa học cho là ở một số sân chim có nhiều Tràm cừ phát triển tốt và chim cũng thích ứng với quần xã thực vật này (như Tràm chim Đồng Tháp) nên đã trồng loài thực vật này trong điều kiện sinh thái mà nó không thể sinh trưởng và phát triển thích hợp được. Cho đến nay, quần xã thực vật này không có triển vọng trở thành nơi sinh sống và làm tổ của các loài chim Bạc Liêu. Đây là quần xã thực vật nhân tạo cần được thay thế trong quá trình qui hoạch lại sân chim.
7. Quần xã Giá (Excoecaria agallocha).
Quần xã thực vật này còn xót lại sau quá trình mất đi các loài cây gỗ quí của rừng ngập mặn. Giá là loài có khả năng chịu ngập mặn một thời gian nhất định nhưng đồng thời có khả năng chịu phân bố trên đất cao hơn so với các vùng đất ướt. Vì vậy, đối với thảm thực vật rừng ngập mặn, Giá là loài đi sau các loài Mắm. Bần, Đước,… Hiện nay trong sân chim còn lại quần xã Giá khá tập trung, với các cá thể cao 10 – 18m, trên khu đất tương đối trũng, chịu ảnh hưởng của nước mặn trực tiếp và tạo thành một tầng tán rừng khá tốt cho các loài chim thuộc giống Quắm (Plegadis và Threskiomis) và các loài Diệc (Ardea),… Đồng thời các cành khô của loài Giá là một trong những vật liệu để xây tổ của các loài chim nước. Quần xã giá chiếm diện tích khoảng 2,3 ha, đang là nơi sinh hoạt và sinh sống khá nhộn nhịp của các loài Quắm, Diệc,… nhất là vào mùa sinh sản (từ tháng 7, tháng 8).
Quần xã giá phục hồi bằng tái sinh tự nhiên rất kém và nếu không có sự can thiệp của con người để mở rộng diện tích quần xã thực vật này thêm sang các khu trũng lân cận thì nhất định sẽ suy giảm dần trong những năm sau này đối với quần xã Giá.
8. Quần xã Lức (Pluchea indica) + Cóc trắng (Lumnitzera racemmosa).
Loài Lức thuộc họ Cúc (Asteraceae) phát triển khá tốt, ưu thế cả về số lượng các thể lẫn kích thước tối đa của loài trong môi trường đất nhiễm mặn. Nhiều chỗ Lức cao tới trên 2m và ken dày đặc đến mức nhiều loài cò đo được trên ngọn quần xã này. Cùng với Lức, loài Cóc trắng được tồn tại và phát triển rãi rác trong quần xã. Nhưng Cóc trắng tồn tại như là loài sống sót trong quần xã với đa số là loài Lức. Ngoài hai loài lập quần này, còn có một số loài thực vật khác mọc xen, gồm có: Ráng (Acsrostichum aureum), Cỏ lào (Mikania cordata), cỏ đế (Saccharum spontaneum)…
Một số các loài chim nhỏ (trừ chim nước) thường làm tổ và sinh sống ở quần xã thực vật này.
Diện tích của quần xã này chiếm khoảng 13,2 ha, sự có mặt của hai loài cây đó chứng tỏ rừng ngập mặn của khu đất này đã bị tàn phá quá mạnh và khá lâu nên đã tạo điều kiện cho chúng phát triển.
9. Quần xã Lâm vồ (Ficus rumphii) + Tra bồ đề (Thespesia popuinea).
Lâm vồ là loài không đặc trưng cho rừng ngập mặn, song lại là loài có khả năng thích ứng cao với nhiều loài cây khác, do vậy khi trái của này loài được các loài chim mang tới qua đường tiêu hóa thì Lâm vồ đã trở thành loài tạo rừng của sân chim và chúng phát triển khá tốt. Cùng với sự chết đi của một số loài cây gỗ được Lâm vồ làm giá thể, nó đã phát tán mau lẹ và chiếm lĩnh lãnh thổ của một số cây khác để tạo thành quần xã cùng với loài Tra bồ đề thuộc loại Bông (Malvaceae) là cây gỗ ưa sáng, phát triển mạnh cả bề cao lẫn bề rộng.
Quần xã thuận lợi cho các loài Cò, Vạc và một số loài chim khác làm tổ như Cốc (Fhalacrocorax) và các loài Diệc (Ardea)…
Quần xã này chiếm diện tích khoảng 1,83 ha trên vùng đất hơi trũng thuộc khu trung tâm phía Tây – Bắc sân chim.
10. Quần xã Tràm bông Vàng ( Acacia auriculaefomis).
Đây là loài thực vật được di cư từ nơi khác đến nhằm mục đích phủ Xanh đất trống chứ không phải để chim nước định cư. Quần xã này mang ý nghĩa cải tạo đất và tạo bóng mát là chủ yếu. Quần xã thực vật này được hình thành trong thời kỳ chưa qui hoạch cụ thể và không bám sát mục tiêu phục hồi và phát triển đàn chim nước trên vùng đất ngập mặn. Diện tích quần xã thực vật nầy chiếm khoảng 2,8 ha (ban đầu trồng được 3 ha vào năm 1991, nay còn 2,8 ha). Việc để lại hoặc thay thế quần xã nầy bằng một loài thực vật thích hợp với sân chim Bạc Liêu là tùy thuộc vào quá trình qui hoạch phát triển sân chim có định hướng lâu dài đúng với qui luật sinh thái và bảo vệ môi trường trong thời gian tới của tỉnh.
11. Quần xã cỏ Mồm (Ichaemum indicum) + Lác (Cyperus).
Khu vực phân bố của quần xã nầy là nơi đã bị con người tàn phá gần hết các loài cây thuộc rừng ngập mặn trước đây. Vì vậy, các loài cỏ Mồm và các loài thuộc chi Lác đã phát triển ưu thế thể hiện quá trình định cư một thời của con người để khai thác tài nguyên của khu vực nầy. Quần xã thực vật chiếm diện tích khoảng 9,10 ha.
12. Quần xã Tràm bông vàng ( Acacia auriculaermis) + Bạch đàn (Eucalyptus tereticonis) + Cây trồng khác.
Đây là quần xã thực vật được di cư từ nơi khác đến và chiếm diện tích nhỏ, ít có vai trò với đời sống đàn chim trong sân chim, chỉ có vai trò phủ xanh trong khi chưa có qui hoạch thảm thực vật và ít vốn trống rừng.
13. Quần xã lúa nước (Oryza sativa).
Do có việc di dân định cư trong khu vực sân chim, nên việc trồng lúa nước và quần xã thực vật nầy đã trở nên rất quan trọng với cộng đồng dân cư ở đây, đồng thời rất có ích cho một số loài chim nước trong thời gian mùa vụ gieo trồng lúa. Diện tích này chiếm khoảng 127,5 ha. Đây là quần xã thực vật cần được qui hoạch lại và hợp lý hóa cho mục tiêu sân chim là làm gia tăng diện tích cây rừng để phục hồi và phát triển thảm thực vật thật sự là mái nhà của các loài chim nước.
14. Quần xã Lức (Pluchea indica) + cỏ San sát (Paspalum vaginatum)
Quần xã thực vật nầy đặc trưng cho khu vực đất hoang hóa và khả năng phục hồi rừng ngập mặn tương đối khó khăn do đất khô cằn, thường xuyên ngập triều. Do vậy khi trồng cây xanh phải cải tạo đất và nhất thiết phải sử dụng các loài cây tiên phong thuộc họ đậu (Fabaceae).
Như vậy thảm thực vật sân chim Bạc Liêu được cấu trúc bởi 14 quần xã khác nhau. Về khu hệ thực vật chúng ta còn gặp các đại diện của rừng ngập mặn phân bố rải rác ở sân chim. Điều đó thể hiện rõ đây là di sản của rừng ngập mặn đã suy thoái. Nhưng, về cấu trúc của thảm thực vật, chúng ta lại thấy các quần xã thực vật đại diện cho thảm thực vật phát triển và hình thành sau khi rừng ngập mặn đã bị mất đi ít nhiều hoặc bị suy giảm hoàn toàn. Vì thế có thể nói. Thảm thực vật ngập nước đang dần dần bị thay thế nếu không có quá trình qui hoạch phục hồi và phát triển vốn rừng ở sân chim Bạc Liêu.
Kết luận và kiến nghị
Khi đề cập đến sân chim, một số công trình chỉ thống kê thành phần loài của khu hệ chim nước mà không thực sự quan tâm đến mái nhà của đàn chim, đó là thảm thực vật thích hợp với sinh thái và sinh học của mỗi loài chim cũng như mỗi quần thể chim trong sân chim. Chính vì vậy mà nhiều yếu tố sinh thái quan trọng trong quan hệ tương tác với khu hệ chim Bạc Liêu đã và đang không được nghiên cứu đúng mức, trong đó có thảm thực vật và các đặc điểm sinh học các loài chim liên quan đến quá trình bảo tồn và phát triển bền vững. Do đó, tính bất hợp lý trong qui hoạch, trong đầu tư xây dựng và khai thác (cả trước và hiện nay), trong nghiên cứu khoa học, trong bảo tồn và phục hồi, phát triển sân chim Bạc Liêu đang và sẽ còn diễn ra, bởi vì cơ sở khoa học cho các vấn đề nầy vẫn rất hạn chế. Qua nghiên cứu về thảm thực vật ở sân chim Bạc Liêu, chúng tôi đi đến kết luận sau:
1. Do mức độ suy thoái của rừng ngập mặn ở sân chim Bạc Liêu quá lớn so với một số khu rừng ngập mặn khác thuộc bán đảo Cà Mau và cùng ven biển Miền Tây nên cấu trúc thảm thực vật RNM bị phá vỡ, quá trình diễn thế phục hồi các quần xã thực vật quá khó khăn và có nguy cơ sẽ mất thêm những quần xã gỗ lớn đặc trưng cho RNM ở sân chim.
2. Kết quả nghiên cứu cho thấy thảm thực vật ở sân chim có 14 quần xã, trong đó có 8 quần xã (từ quần xã 1 đến 5 và 7 đến 9, trong bản đồ 2) là những đơn vị thảm thực vật thứ sinh được phát triển sau khi thảm thực vật RNM ở đây bị suy thoái nghiêm trọng. Còn lại 6 quần xã thực vật khác là những quần xã thực vật được di về trồng và những quần xã thực vật hoang dại phát triển sau khi mất rừng.
3. Muốn qui hoạch lại thảm thực vật rừng ngập mặn ở sân chim, trước hết phải khái quát hóa các vùng sinh thái đặc trưng RNM hoặc đầu tư tạo ra các khu vực thích hợp cho việc trồng rừng đúng với điều kiện sinh thái cụ thể bằng việc nghiên cứu để phân chia các tiểu khu và đánh giá các yếu tố sinh thái chủ đạo cho mỗi tiểu khu và đánh giá các yếu tố sinh thái chủ đạo cho mỗi tiểu khu nhằm lựa chọn đúng các loài cây thích ứng với điều kiện sinh thái đó.
4. Hơn 100 ha của các quần hợp số 6; 10; 11; 12; 13; 14 cần được qui hoạch và thay thế hợp lý, thích hợp với mục tiêu bảo tồn và phát triển đàn chim nước. Nhưng trước hết phải đầu tư cải tạo và phục hồi rừng trên diện tích của các quần hợp 6; 11; 13 và 14 để sớm có thảm xanh và ổn định dần hệ sinh thái cho sân chim.
 
  • Chủ đề
    bạc bạc liêu bảo cà mau cách cần cơ bản dài hay hóa kết liên liêu miền tây nhất phá phạm phát phố sử dụng thành thể tốt triển với
  • Ðề: Thảm thực vật ở Sân chim Bạc Liêu

    Bạc Liêu mình có rất nhiều loài chim quí hiếm ghê.....Mà mình chưa tận mắt thấy ở ngoài những loài này...:(
     

    Lê Minh

    ✩✩✩✩
    Ðề: Thảm thực vật ở Sân chim Bạc Liêu

    Bạc Liêu mình có rất nhiều loài chim quí hiếm ghê.....Mà mình chưa tận mắt thấy ở ngoài những loài này...:(
    Thế thì còn kém quá anh đã từng nhậu chúng nó vài lần luôn rồi hehe
    Tại ngày trước còn nhiều chứ bây giờ cạn kiệt nên không dám ăn nữa, lo bảo tồn thôi :D
     

    Thống kê

    Chủ đề
    100,746
    Bài viết
    467,573
    Thành viên
    339,849
    Thành viên mới nhất
    chicstore.accessories
    Top