Thất Giồng Bốm

GIỒNG BỐM VÀ TÒA THÁNH NGỌC MINH
Cao Bạch Liên

Con sông Mê Kông bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng, dài gần năm ngàn cây số, chảy qua các quốc gia Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Campốt, Việt Nam. Từ bao đời, dòng nước mang các hạt phù sa từ xa xôi, qua cửa chín rồng ra biển, gặp dòng chảy Bắc Nam của Biển Đông xuôi về phương Nam. Bàn tay tạo hóa cho những hạt phù sa gặp những bãi bồi manh nha hình thành, có những cây như sú, vẹt, đước, tràm mới mọc; thiên nhiên ban tặng cho chúng có sức phát triển đặc biệt: trái của chúng rơi xuống là bám vào lớp phù sa để nảy mầm, chúng lại có bộ rể rậm rạp bám chặt vào bờ đất để sinh tồn, tạo nên môi trường bồi lắng lý tưởng cho các hạt phù sa tiếp sau, làm cho mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc Việt Nam, bán đảo Cà Mau lớn dần theo năm tháng.
Giồng Bốm nằm trong bán đảo Cà Mau, trước đây rất lâu nó cũng hình thành từ sự bồi đắp của những hạt phù sa, lâu ngày nó trở nên ở sâu vào đất liền, nhường phần ven biển mới hình thành cho những hạt phù sa đến tiếp sau. Theo những người ở Giồng Bốm lâu đời kể lại: trước đây Giồng Bốm có đủ các loại cây của rừng bãi bồi ngập mặn ven biển, đặc biệt có nhiều cây Bốm nên người dân đặt tên nơi đây là Giồng Bốm, hệ sinh thái thay đổi dần, bây giờ cây Bốm gần như tuyệt chủng, ít khi tìm thấy nó nữa.
Thoạt đầu người ta nghĩ Giồng Bốm là đất trầm tích trẻ mới bồi lắng, nhưng trong sâu thẳm nó được cấu tạo bởi nhưng hạt phù sa cổ từ vùng đất cao nguyên trên nóc nhà thế giới vượt gần ngàn cây số đi qua các quốc gia Phật giáo rồi tới đây cấu kết và lắng đọng tạo nên mảnh đất mà gót chân còn ướt này. Phải chăng đây là vùng đất thiêng được bàn tay tạo hóa xếp đặt sẵn. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Đức Trần Đạo Quang chọn mảnh đất linh thiêng này làm nơi xây dựng Tòa Thánh Ngọc Minh, cái nôi của Minh Chơn Đạo.
Năm 1928, Đức Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang chuyển cơ phổ độ về miền Hậu Giang lập phái Minh Chơn Đạo, mới xây dựng một số cơ sở thờ tự ban đầu. Đến năm 1931, Ngài chọn mảnh đất Giồng Bốm để xây dựng Tòa Thánh Ngọc Minh. Giữa đồng bằng, chung quanh là một màu xanh của lúa và cây rừng. Nổi bật Tòa Thánh Ngọc Minh thật uy nghiêm và tráng lệ, là Tòa Thánh Trung ương của Cao Đài Minh Chơn Đạo Hậu Giang. Lễ lạc thành được tổ chức trọng thể vào ngày rằm tháng Bảy năm Ất Hợi (1935) có hàng chục ngàn người từ các nơi về dự lễ, một điều rất mới ở vùng này. Nơi đây trở thành nơi tín ngưỡng, tu hành của hàng vạn tín đồ Cao Đài ở quanh vùng Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Sóc Trăng. Cư dân đa số là nông dân nghèo khổ, chân chất mộc mạc, rất cần một cuộc sống tâm linh trước gay trở này; Đạo Cao Đài khai mở nơi đây để hầu an ủi vỗ về, những mảnh đời bất hạnh, cứu cánh cho chúng sanh thoát khổ. Ngày sóc vọng có hàng ngàn đạo hữu tề tựu về đây hiến lễ đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng.
Năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân ta đã làm cuộc Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc Tuyên Ngôn Độc Lập khai sinh nước Việt Nam Độc Lập Tự Do Dân Chủ trước quốc dân đồng bào và thế giới, xóa bỏ ách thống trị của Thực dân. Niềm vui Độc Lập của nhà nước non trẻ chỉ được 21 ngày, thì giặc một lần nữa trở lại xâm chiếm nước ta, trước cảnh nước mất nhà tan. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân đoàn kết chống lại kẻ xâm lược. Từ thành thị đến thôn quê người dân Việt Nam có lương tri đã nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước của Bác, đoàn kết trong Mặt Trận Việt Minh kháng chiến chống giặc, bảo vệ độc lập của Tổ Quốc.
Ngày 19, 20/11/1945 (nhằm ngày 14, Rằm tháng 10 Ất Dậu) Anh lớn Cao Triều Phát nhân danh Hội Thánh Minh Chơn Đạo triệu tập chức sắc của toàn phái Cao Đài Minh Chơn Đạo về dự cuộc hội nghị nhân ngày Rằm Hạ ngươn. Anh lớn phổ biến tình hình giặc trở lại xâm chiếm nước ta, tình hình rất nguy cấp, chúng tấn công Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Anh hiệu triệu chức sắc tín đồ toàn phái Cao Đài Minh Chơn Đạo hãy nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, ủng hộ ngày Nam Bộ kháng chiến một cách thiết thực. Người tín đồ Cao Đài không thể viện lý do tu hành, mà cúi đầu chịu nhục đầu hàng kẻ xâm lược dày xéo quê hương, giết hại đồng bào. Bằng câu nói: bàn thờ tôn giáo thì có nhiều, bàn thờ tổ quốc chỉ có một Anh lớn Cao Triều Phát đã hiệu triệu hàng vạn trái tim người tín hữu Cao Đài. Người tín đồ Cao Đài đồng thời là người con của Tổ quốc Việt Nam phải làm nghĩa vụ công dân khi sơn hà nguy biến. Qua hai ngày hội nghị thảo luận: nên rút lui vào rừng tránh giặc, hay ở lại đánh chặn địch trên đường chúng tiến công chiếm các tỉnh cuối cùng của Nam Bộ. Hội nghị đồng thanh quyết nghị thành lập Mặt Trận Kháng Chiến đánh Tây của Cao Đài Minh Chơn Đạo. Đại bản doanh Mặt Trận Giồng Bốm đặt tại Tòa Thánh Ngọc Minh. Đây là quyết định của hội nghị chức sắc toàn phái Minh Chơn Đạo Hậu Giang, không phải quyết định của riêng một ai. Toàn đạo đồng lòng quyết chiến vì Tổ Quốc, vì Đạo giống như Hội Nghị Diên Hồng thuở xưa thề quyết chiến chống quân xâm lược vậy. Khẩu hiệu “Cứu Nước là cứu Đạo” được nêu lên hàng đầu. Thi hành quyết định này toàn phái Minh Chơn Đạo khẩn trương triển khai tổ chức thành lập mặt trận.
Đại hội suy cử Anh Lớn Cao Triều Phát làm Tổng chỉ huy Mặt Trận, Ban Tổng chỉ huy có các phó Tổng chỉ huy kiêm trưởng phó Ban chuyên môn như Giáo hữu Trần Hữu Nam, Giáo sư Nguyễn Hiền Ngô, Đạo hữu Huỳnh Văn Hai, Giáo sư Ngô Văn Phú, Giáo sư Dương Công Hương, Đạo hữu Phạm Văn Thiệt, Giáo hữu Dương văn Luân, Giáo hữu Huỳnh Thị Quỳ, Đạo hữu Nguyễn Thị Quyên, Đạo hữu Phan Thị Lợi…và nhiều vị chức sắc, tín đồ khác trong các Ban chuyên môn của Mặt trận. Dưới Tổng chỉ huy có các Ban chuyên môn: Ban Tham mưu, Ban chỉ huy Quân sự, Ban tiếp tế quân lương, quân trang. Ban cứu thương, Ban vận động ủng hộ mặt trận. . .Mỗi bộ phận có trưởng phó chịu trách nhiệm điều hành; Anh giơ tay chấp nhận; thề sẳn sàng hiến thân, gia đình, sự nghiệp vì Tổ Quốc và nền Đạo, tất cả mọi thứ đã sẵn sàng cho cuộc chiến đấu.
Các chiến sĩ thay áo đạo, khoác chiến bào với vũ khí thô sơ tầm vông vạt nhọn, dáo mác, vũ khí tự tạo và tấm lòng vì Nước, vì Đạo quyết chống lại quân cướp nước; Đối diện với kẻ thù có vũ khí hiện đại, có máy bay tàu chiến...còn ta với những gì sẵn có và một tinh thần hy sinh. Không phải người Cao Đài Minh Chơn Đạo liều mạng, không biết lượng sức mình, mà vì Danh Dự của của Tổ Quốc Việt Nam và Đại Đạo. Từ Tổng chỉ huy cho tới chiến sĩ đều tự cạo đầu và tuyên thệ: cùng quyết tử, cho Tổ quốc quyết sinh, sống anh dũng, thác lưu danh, sanh tướng - tử thần, Xả thân vì Tổ Quốc vì Đại Đạo. Không khí trong Tòa Thánh tuy khẩn trương nhưng vẫn giữ được cảnh trang nghiêm của một Thánh đường Tôn giáo, tiếng chuông vẫn điểm đều đều khoan nhặt, tiếng đọc kinh trầm ấm vẫn vang lên theo thời cúng hàng ngày. Từ chỉ huy tới chiến sĩ đều giữ đúng trai giới, luôn có bộ phận trực ban tuần tra canh gác sẵn sàng chiến đấu.
Sau khi giặc chiếm Sài Gòn và các tỉnh Miền Đông, chúng đánh xuống các tỉnh Miền Tây, gặp sự kháng cự yếu ớt. Sau khi chiếm một loạt các tỉnh, tới thị xã Bạc Liêu, thị trấn Vĩnh Lợi, Giá Rai, Cà mau, chúng đánh lấn ra các vùng lân cận nhanh chóng kiểm soát các vùng nông thôn và mở cuộc tiến công tới Giồng Bốm.
Sau ba lần chúng tấn công vào Giồng Bốm đều bị giáng trả quyết liệt, chúng thiệt hại hơn 100 tên, ta hy sinh hơn 100 chiến sĩ các chiến sĩ Giồng Bốm quyết chiến đấu kiên cường cho đến phút cuối cùng, nhưng cuộc chiến đấu không cân sức trong nhiều ngày, vũ khí có hạn lại thô sơ, trận cuối cùng xáp lá cà từ sáng đến trưa số chiến sĩ hy sinh nhiều mà không người đầu hàng giặc; Thấy không còn khả năng bảo vệ mặt trận, Anh Lớn Tổng Chỉ huy ra lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng. Hiếm có một trận đánh nào mà người chỉ huy tuy bị thương vẫn ở lại cho đến phút cuối mới rút lui cùng đồng đội của mình. Sau này tôi có dịp gặp lại một chiến sĩ Giồng Bốm tên “Hai Y” ông kể lại rằng: “Lúc giặc đã tràn vào Tòa Thánh, các anh cửu cá bảo vệ Anh Lớn đã hy sinh gần hết, vài anh còn lại đều bị thương. Tôi thấy Anh Lớn cũng bị thương nên tới kề vai để cõng Anh, nhưng Anh nói hiền đệ cứ rút lui trước đi, tôi phải là người sau cùng rời khỏi nơi này. Tôi van Anh phải để tôi cõng anh, vì Anh đã là thương binh rồi, hơn nữa Anh cần phải sống, Đạo còn cần Anh. Nói xong tôi xốc đại Anh lên lưng kịp chạy khỏi mặt trận dưới làn đạn của truy đuổi của quân thù”.
Trận Giồng Bốm là một trong những trận đánh lớn ở Miền Tây trong những ngày mở đầu của cuộc kháng chiến Nam Bộ. Tuy vũ khí thô sơ nhưng được trang bị lòng quyết tâm và ý chí chiến đấu kiên cường vì tổ quốc đã gây xúc động mạnh mẽ cho các chi phái Cao Đài, các tôn giáo bạn và trong nhân dân. Trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, người Cao Đài bị người đời nhìn bằng cặp mắt nghi kỵ: “Cao Đài phản động”, “Cao Đài phản quốc” do những tàn tích của lịch sử…thì Trận Giồng Bốm là sự minh chứng hùng hồn, rằng người tín hữu Cao Đài cũng có tổ quốc, biết yêu nước và dám quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh một cách tự hào. Thời gian trôi mau nhưng dư âm của Trận Giồng Bốm oai hùng còn vang mãi trong lòng người Cao Đài và các thế hệ kế tiếp. Những Liệt sĩ Giồng Bốm hầu hết đều được chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa công nhận Liệt sĩ và được các Đấng Thiêng Liêng về cơ điểm danh sắc phong Trung Liệt Thánh tử vì Đạo.
Do hoàn cảnh chiến tranh, khó khăn tiếp nối mấy mươi năm Tòa Thánh Ngọc Minh trở nên hoang phế. Sau khi hòa bình lập lại, tín đồ trong vùng dựng tạm một ngôi Thánh Thất bằng cây lá trên nền cũ của Tòa Thánh Ngọc Minh để đạo hữu có chỗ đi về cúng lễ, hương khói những chiến sĩ oai linh, tưởng nhớ đến cội nguồn; Bên cạnh Thánh Thất là đài tưởng niệm liệt sĩ đơn sơ trầm mặc, thời gian sau Thánh Thất được được nâng cấp xây gạch lợp ngói tươm tất hơn. Người Cao Đài Minh Chơn Đạo vẫn luôn canh cánh nổi lòng vì Liệt Sĩ Giồng Bốm chưa có nơi thờ phượng, nên quyết tâm góp sức xây Đền Trung Liệt Thánh, tuy còn giản dị đơn sơ nhưng nói lên nỗi lòng của đoàn hậu tấn đối với công liệt của tiền nhân.
Ngày 14 tháng 3 Bính tuất (1946 – 2006) lễ rút băng khánh thành Đền Trung Liệt Thánh cũng là ngày kỷ niệm sáu mươi năm trận Giồng Bốm, hơn 3.000 người từ muôn nơi về tưởng nhớ những linh hồn tại nơi hỗn chiến này năm xưa, mặc cho đường xa, chỗ ở khiêm tốn, mặc cho tuổi tác oằn vai, những bước chân nặng nhọc họ vẫn cười trong mắt trong với ký ức tràn về những hình ảnh muôn năm trước.
Giồng Bốm ơi ! Giồng Bốm ơi ! Giồng Bốm ơi !...Sáu mươi tư năm đã qua rồi trận chiến năm nao. Người hy sinh gửi thân nơi chiến địa, người còn sống ở rải rác nơi những làng quê nghèo thuộc tận tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá. . . Đa phần các chiến sĩ Giồng Bốm ngày đó là những thanh niên khỏe mạnh, mười chín đôi mươi, buông tay cày cầm vũ khí. Sáu mươi năm sau những cựu binh còn về dự lễ được chưa tới vài chục người là những cụ già lụm cụm, đầu bạc trắng, răng long móm mém, mắt mờ, chân yếu mà tinh thần vẫn nguyên thuở đôi mươi. Sáu mươi năm mới có cuộc trùng phùng bao câu chuyện năm xưa kể sao cho hết, cuộc hội ngộ này có thể là lần cuối trong cuộc đời này, các cụ tay bắt mặt mừng những gương mặt năm xưa mà giọt lệ cứ rưng rưng tràn đầy trên khóe mắt. Nhìn người bạn còn đây mà nhớ những gương mặt đồng đạo năm xưa, vẫn biết không ai tránh được luật sinh tử của tạo hóa, nhưng sao vẫn cứ ngậm ngùi.
Lễ kỷ niệm Sáu mươi năm Trận Giồng Bốm và Lễ khánh thành Đền Trung Liệt Thánh rồi cũng qua, nhiều người trong Đạo cũng như ngoài đời biết đến Trận Giồng Bốm nhiều hơn. Có cái nhìn lịch sử và đánh giá đúng đắn giá trị lịch sử từ Trận Giồng Bốm và vai trò của người Đạo Cao Đài trong lịch sử dân tộc. Xưa kia Tòa Thánh Ngọc Minh tồn tại hơn mười năm góp phần phổ độ chúng sanh nơi cùng trời cuối đất này, tuy thời gian tồn tại ngắn ngủi. Giồng Bốm là niềm tự hào cho người tín hữu Cao Đài trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, còn đó những hồn thiêng sĩ tử, máu của họ nhuộm đỏ trên mảnh đất thiêng, trên màu cờ và đang chảy trong huyết quản những ai yêu mến Tổ quốc này, vùng đất này: Giồng Bốm.
«Ghi trang lịch sử oai hùng,
Tiếng thơm “Giồng Bốm” khắp cùng nước non.
Trung dân hiếu nước giữ tròn
Vì dân, vì đạo sắc son một lòng».
Đức Chánh một chiến sĩ có mặt ở Giồng Bốm từ đầu cho đến kết thúc cảm tác về Mặt trận Giồng Bốm:

Gẫm xem muôn việc trên đời,
Lòng dân có thuận lẽ Trời mới ưng.
Xưa nay hiếu nước trung dân,
Ngàn năm bia tạc,muôn phần quang vinh.
Hậu Giang – Tòa Thánh Ngọc Minh,
Xây nên Giồng Bốm uy linh khắp cùng.
Các nơi đạo hữu xa gần,
Tháng năm chiêm bái ân cần khói hương.
 
  • Chủ đề
    bạc liêu bảo cà mau cách cần hóa hòa bình kết lịch liên liêu lớp miền tây phát quê hương sóc trăng thành thể thế giới thị xã thị xã bạc liêu triển văn việt nam với
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,657
    Bài viết
    467,424
    Thành viên
    339,831
    Thành viên mới nhất
    TuanShinhanbank
    Top