Thấy gì từ vụ cô gái tát cảnh sát giao thông?

Những ngày qua, đoạn video clip quay cảnh một cô gái trẻ vừa la hét vừa tát liên tiếp vào mặt một Cảnh sát Giao thông (CSGT) đang làm nhiệm vụ, rồi nằm lăn ra đường ngất xỉu khiến cư dân mạng hết sức chê trách. Điều đáng khâm phục là thái độ bình tĩnh của 2 CSGT khi xử lý tình huống. Cách mà cô gái hành xử cho thấy “căn bệnh” chống đối CSGT rất trắng trợn. Đây là điều mà cơ quan chức năng và những người tham gia giao thông có lẽ cùng nên suy nghĩ…

Một kiểu ăn vạ!
Khi đoạn video clip lan tràn trên YouTube và các trang báo điện tử, mô tả HYPERLINK “vtc.vn/2-292374/xa-hoi/cu-dan-mang-xon-xao-video-thieu-nu-tat-csgt.htm” \t “_blank” cô gái lao đến tát anh CSGT trẻ ngay giữa giao lộ đông người vào giờ cao điểm ở đường Lê Văn Khương, phường Thới An, quận 12, TP HCM, cũng là lúc cộng đồng mạng phản ứng dữ dội nhất. Cô gái bị chỉ trích vì hành động lỗ mãng. Còn thái độ bình tĩnh của hai CSGT ở hiện trường được đánh giá rất cao. Mặc dù vướng phải tình huống chống đối người thi hành công vụ một cách thô bạo, nhưng hai anh vẫn tập trung lo nhiệm vụ điều tiết giao thông, giúp dư luận có cái nhìn tốt đẹp hơn về hình ảnh người Chiến sĩ Công an Nhân dân.
Qua tìm hiểu, hai CSGT có mặt trong đoạn video clip trên là Thượng sĩ Nguyễn Đức Ánh (23 tuổi, quê Quảng Nam) và thực tập viên CSGT Vũ Quang Long (23 tuổi, quê Hưng Yên, người trực tiếp bị cô gái tát), cả hai thuộc sự quản lý của Đội CSGT trật tự phản ứng nhanh Công an quận 12. Thượng sĩ Ánh vào ngành được khoảng một năm nay. Riêng thực tập viên CSGT Vũ Quang Long đang là học viên của Trường trung học Cảnh sát Nhân dân, vừa thực tập tại Đội CSGT trật tự phản ứng nhanh Công an quận 12 được 2 tuần.
Hinh-1_2-477x357.jpg
Hai chiến sĩ CSGT Nguyễn Đức Ánh và Vũ Quang Long
Về danh tính của cô gái có hành động chống đối, được xác định là Phạm Thị Mỹ Linh (18 tuổi, đang là sinh viên của một trường cao đẳng ở TP HCM). Người phụ nữ đi cùng, xuất hiện trong đoạn clip là bà Trương Thị Hạnh (37 tuổi, mẹ ruột của Linh, trú tại nhà số 113/1, khu phố 2, phường Tân Thới Hiệp, quận 12).
Hồi tưởng lại vụ việc, Thượng sĩ Nguyễn Đức Ánh và thực tập viên CSGT Vũ Đức Long cho rằng đó là một bài học trải nghiệm cho công việc của người chiến sĩ CSGT. “Chúng tôi có nghe những lời thóa mạ từ họ, nhưng do tập trung vào công việc giải tỏa xe ùn tắc trong giờ cao điểm nên không để ý lắm. Hôm đó, nếu chúng tôi không bình tĩnh giải quyết thì rất dễ dẫn đến hậu quả lớn, gây ùn tắc giao thông giờ cao điểm”, Thượng sĩ Ánh nhớ lại. Còn thực tập sinh CSGT Vũ Quang Long thì chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi bị một cô gái tát khi đi làm nhiệm vụ. Khi ở trường, thầy cô cũng nhắc nhở khi làm CSGT phải biết kiên nhẫn, công việc nào cũng có khó khăn, hãy đặt lợi ích phục vụ nhân dân lên trước tiên”.
Theo tường trình của hai CSGT trên, lúc 16giờ ngày 2-7, cả hai tuần tra kiểm soát trên tuyến đường Lê Văn Khương và Nguyễn Ảnh Thủ, thuộc địa bàn phường Thới An, quận 12. Đến khoảng 16giờ30phút cùng ngày, khi đang tuần tra trên tuyến đường Lê Văn Khương, hai chiến sĩ phát hiện một phụ nữ (là bà Trương Thị Hạnh) điều khiển xe Wave biển số 54Y2 – 5845 lưu thông chở 3 (chở thêm 1 nam, 1 nữ). Hai CSGT ra hiệu dừng xe, yêu cầu kiểm tra các loại giấy tờ cần thiết.
Khi bà Hạnh xuất trình giấy đăng ký xe, Thượng sĩ Ánh hỏi có Giấy phép lái xe không thì bà Hạnh trả lời tỉnh queo: “Từ khi tôi mua xe đến giờ không biết bằng lái xe là gì”. Thấy vậy, Thượng sĩ Ánh quyết định lập biên bản vi phạm hành chính, thông báo rằng bà Hạnh sẽ bị giữ xe 10 ngày theo quy định, vì điều khiển xe máy mà không có bằng lái xe. Bất ngờ bà Hạnh giật biên bản rồi lấy lại giấy đăng ký xe, không cho hai anh lập hồ sơ giải quyết. Bà Hạnh còn dùng những lời lẽ nhục mạ cảnh sát, đòi dẫn xe đi nhưng hai chiến sĩ không đồng ý.
Lúc này, cô gái ngồi phía sau xe (Phạm Thị Mỹ Linh) bắt đầu la hét, chửi bới, xô đẩy Thượng sĩ Ánh để bà Hạnh dắt xe đi nhưng hai chiến sĩ vẫn cương quyết giữ xe lại. Bất ngờ Phạm Thị Mỹ Linh tới thóa mạ và tát thực tập viên CSGT Vũ Quang Long liên tiếp 3 cái vào mặt. Anh Long khi ấy chỉ im lặng chịu đựng và cố chống đỡ. Cô gái này vừa tát, vừa la hét rất lớn rồi bỗng khuỵu xuống, giật giật người như lên cơn động kinh, lăn ra đường ngất xỉu. Hai người đi cùng buộc phải đưa cô này vào lề đường.
Nhận thấy sự việc rối ren, hai CSGT gọi điện báo cho Công an phường Thới An đến hỗ trợ. Khi Công an phường đến và yêu cầu người vi phạm về phường giải quyết, bà Hạnh không những không chấp hành mà còn la hét ầm ĩ. Khi đó, cô Linh vốn vừa bị ngất xỉu đã tỉnh lại và tiếp tục chửi bới. Lực lượng Công an phường kiên quyết đưa xe về trụ sở phường xử lý nhưng bà Hạnh bám lấy chiếc xe và la lên: “Nếu muốn dắt xe của tôi thì hãy giết tôi trước đi đã”. Sau đó, người nhà bà Hạnh đến khuyên nhủ, đưa giấy tờ xe cho hai anh CSGT thì sự việc mới ổn thỏa. Khi ấy, bà Hạnh còn nói với mọi người là cô Linh bị điên.
Những người dân chứng kiến tại hiện trường tỏ ra bất bình trước hành động văn hóa của hai mẹ con bà Hạnh. Họ yêu cầu phải xử lý nghiêm người lái xe vi phạm và cô gái đã tát CSGT.
Thấy gì qua vụ việc này?
Nói về hành động tát CSGT của cô gái, Trung tá Lê Văn Rẫy, Đội trưởng Đội CSGT trật tự phản ứng nhanh, Công an quận 12 bức xúc: “Đây là một kiểu ăn vạ không hơn, không kém, vì người vi phạm sợ bị giam xe nên có hành vi quá khích. Chúng tôi đã chuyển hồ sơ cho Đội Điều tra tổng hợp, Công an quận 12 làm rõ hành vi chống người thi hành công vụ của cô Phạm Thị Mỹ Linh. Riêng Đội đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với mẹ con cô Trương Thị Hạnh với 4 lỗi: Chở quá người quy định, không có Giấy phép lái xe, không mang theo CMND, cản trở người thi hành công vụ. Quyết định tạm giữ xe 10 ngày”.
Có lẽ cũng nhận thấy hành vi sai trái của mình, nên mặc dù không biết có đoạn video clip tung lên mạng Internet nhưng vào ngày 6-7, hai mẹ con cô Trương Thị Hạnh đã đến gặp Ban Chỉ huy Đội CSGT trật tự phản ứng nhanh, Công an quận 12 để xin lỗi. Bà Hạnh bao biện do con gái có tiền sử bệnh tim và bệnh suyễn, gặp chuyện kích động là thần kinh yếu, dễ lên cơn và dễ xỉu. Thế nhưng, bà Hạnh không có giấy tờ gì chứng minh bệnh lý của cô Linh.
Đánh giá về thái độ bình tĩnh và kiềm chế của hai chiến sĩ CSGT, Trung tá Rẫy khẳng định đó là hành động hoàn toàn đúng, hợp lý. “Bộ Công an đang có đợt vận động Công an chấp hành điều lệnh, nên chúng tôi quán triệt anh em ra đường làm đúng quy trình, xử lý những tình huống phải biết kiềm chế, bình tĩnh, tránh bốc đồng, không để phức tạp thêm khi xảy ra tình hình”.
Về việc một quần chúng ẩn danh có mặt ở hiện trường và quay phim rồi tung lên mạng, theo quan điểm cá nhân của Trung tá Rẫy là không hoan nghênh chuyện đó. “Tôi nghĩ người quay phim nên đem đoạn video clip đó đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý kịp thời, còn trong trường hợp tung lên mạng, có những luồng thông tin tốt xấu lẫn lộn về hành động của CSGT thì rất dễ bị những người có ý đồ xấu lợi dụng để bêu riếu lực lượng CSGT”.
Hãy giảm bớt khoảng cách
Từ vụ cô gái tát CSGT, đã cho thấy tình trạng người vi phạm giao thông chống đối người thi hành công vụ không có dấu hiệu giảm mà có vẻ nghiêm trọng hơn.
Như chúng ta biết, CSGT là người thi hành công vụ, có chức năng, quyền hạn được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, không ít CSGT đã bị người vi phạm chống đối trắng trợn khi đang thi hành nhiệm vụ, thậm chí có trường hợp sẵn sàng lao vào tấn công CSGT bằng mọi cách hoặc dùng những thủ đoạn trơ trẽn nhằm đối phó.
Nói đi cũng phải nói lại, trong thực tế, có nhiều ý kiến than phiền rằng một bộ phận CSGT cũng có thái độ trịch thượng, có những hành vi không đúng theo quy định của ngành, không giữ được bình tĩnh. Họ sẵn sàng coi người vi phạm giao thông như tội phạm, xưng hô “mày – tao”, khiến cho khoảng cách giữa lực lượng CSGT và người tham gia giao thông nhiều lúc vênh nhau, cư xử như “kẻ thù”. Có rất nhiều vụ CSGT bị hành hung, chống đối, nhưng cũng không ít vụ người vi phạm hoặc người tham gia giao thông bị CSGT đối xử thiếu văn hóa, giằng kéo phương tiện, thậm chí bị đánh đập, hành hung. Người vi phạm, dù biết là có lỗi vẫn sẵn sàng chống đối lại CSGT, mặc cho việc có thể bị xử lý nặng về sau.
Chính vì vậy, hành động bình tĩnh, kiềm chế, không trịch thượng của hai CSGT Công an quận 12 quả thật rất đáng khen. Người đi đường đã tỏ ra ái ngại vì hành động vô văn hóa của cô gái và sẵn sàng đứng về phía hai CSGT trong trường hợp này.
Việc cư xử đúng hay sai của lực lượng CSGT và người tham gia giao thông trong những tình huống căng thẳng, về mặt pháp luật, xã hội sẽ còn nhiều bàn cãi. Tuy nhiên, điều chúng ta mong mỏi là giữa hai bên cần hết sức kiềm chế, giảm bớt khoảng cách “xung đột” này. Đây là điều mà các cơ quan chức năng và bản thân người tham giao thông hãy cùng suy nghĩ. Những kiểu hành xử có văn hóa sẽ được trân trọng, còn ngược lại, chắc chắn sẽ bị lên án!
Theo Năng lượng Mới
 
  • Chủ đề
    cách cần hay hóa liên mọi nhẫn nhất phá phạm phát phim phố thể thông tin tin tình tổng hợp tốt trụ văn video với youtube đẹp
  • Top