Thuyết minh về hồ Gươm Hà Nội lớp 8 9 hay nhất

Hướng dẫn làm bài thuyết minh về hồ Gươm Hà Nội trong chương trình ngữ văn lớp 8 9 10 có dàn ý và bài viết tham khảo

“Hà Nội có Hồ Gươm
Nước xanh như pha mực
Bên hồ ngọn Tháp Bút
Viết thơ lên trời cao”
Hà Nội nghìn năm văn hiến là mảnh đất kinh kì có truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời. Hà Nội không chỉ là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước mà còn là một điểm du lịch thu hút nhiều du khách. Đó là những khu phố cổ kính mang đậm dấu tích của thời gian, văn miếu Quốc tử giám với những bia đá lưu giữ thành tích khoa bảng của các vị trạng nguyên thời trước, quảng trường Ba Đình lịch sử nơi Bác Hồ từng đọc bản tuyên ngôn độc lập...Một địa điểm mà chúng ta chắc chắn không thể bỏ qua khi ghé thăm Hà Nội đó là hồ Gươm. Hồ Gươm có từ lâu đời đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân thủ đô. Hồ Gươm cũng đi vào thơ ca nhạc họa như là biểu tượng cho thủ đô Hà Nội. Để làm bài thuyết minh về hồ Gươm, chúng ta cần tìm hiểu về lịch sử, vị trí, quang cảnh của hồ cùng với một số truyền thuyết khá thú vị gắn liền với hồ Gươm.

thuyet-minh-ve-ho-guom.jpg

Hồ Gươm là biểu tượng của thủ đô Hà Nội và rất thu hút khách du lịch nằm ngay cạnh khu phố Cổ


DÀN Ý BÀI THUYẾT MINH VỀ HỒ GƯƠM LỚP 9
1. MỞ BÀI
Giới thiệu chung về hồ Gươm

2. THÂN BÀI
Hồ Gươm: hồ Hoàn Kiếm hay hồ Lục Thủy nằm ở quận Hoàn Kiếm

Hồ Gươm gắn với truyền thuyết Lê Lợi trả gươm báu cho rùa vàng

Thuyết minh về quang cảnh của hồ Gươm
  • Tháp Rùa: nằm ở trung tâm hồ
  • Đền Ngọc Sơn: nằm ở phía Bắc
  • Cầu Thê Húc: dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn
  • Tháp Bút: trên bờ hướng Đông Bắc
  • Đài Nghiên: là phần không thể thiếu của tháp Bút
  • Tháp Hòa Phong: là di vật sót lại của chùa Báo n
  • Đền Bà Kiệu: thờ ba vị nữ thần là Liễu Hạnh công chúa, Đệ nhị Ngọc nữ và Đệ tam Ngọc Nữ.
  • Thủy Tạ: địa điểm thưởng ngoạn không gian hồ
  • Đền thờ vua Lê: ở bờ Tây hồ

Ý nghĩa lịch sử của hồ Gươm:
  • Gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người dân Hà Nội
  • Là biểu tượng khát khao hòa bình, đức văn tài võ trị của dân tộc
3. KẾT BÀI
Khẳng định lại ý nghĩa và giá trị của Hồ Gươm

ho-guom.jpg

THáp rùa nằm giữa hồ Gươm

BÀI VĂN THUYẾT MINH VỀ HỒ GƯƠM LỚP 9
Mỗi lần nhắc đến thủ đô Hà Nội, chắc hẳn mỗi chúng ta đều bất giác nghĩ tới hồ Gươm. Hồ Gươm với cảnh đẹp cùng không khí trong lành không chỉ là nơi thích hợp để du ngoạn, ngắm cảnh mà còn chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa gắn với mảnh đất thủ đô ngàn năm văn hiến.

Hồ Gươm còn có tên gọi khác hồ Hoàn Kiếm là một hồ nước ngọt tự nhiên của thành phố Hà Nội. Hồ có diện tích khoảng 12 ha. Ban đầu hồ có tên là Lục Thủy vì nước trong hồ có màu xanh, sau đó hồ dùng để duyệt binh nên gọi là hồ Thủy Quân, vào thời Lê Mạt hồ lại có tên là Tả Vọng và Hữu Vọng. Tên gọi hồ Gươm bắt đầu từ thế kỉ 15 với truyền thuyết Lê Lợi trả gươm báu cho rùa thần. Tương truyền rằng sau khi đánh đuổi được giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, một hôm khi cùng đoàn tùy tùng dạo chơi trong hồ Lục Thủy. Đến giữa hồ, bỗng một con rùa vàng rất to từ đâu hiện lên, vua rút gươm chỉ vào thì rùa liền ngậm lấy gươm rồi biến mất. Nghĩ rằng trời cho mình mượn gươm để dẹp giặc, nay đất nước thái bình thì sai rùa lên đòi gươm nên vua cho đổi tên hồ thành hồ Gươm từ ấy. Có thời gian vào khoảng cuối thể kỉ 16, chúa Trịnh cho ngăn hồ thành hai phần tả - hữu, lấy tên là Vọng. Hồ Hữu Vọng sau này bị Tây lấp mất còn hồ Tả Vọng chính là hồ Hoàn Kiếm mà giờ được phổ biến với tên gọi Hồ Gươm.

Cách đây khoảng 6 thế kỷ, dựa theo bản đồ thời Hồng Đức thì phần lớn xung quanh kinh thành khi ấy là nước. Hồ Hoàn Kiếm là một nhánh nhỏ của sông Hồng mà nơi nó chảy qua ngày nay là Hàng Đào, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Hàng Chuối, tiếp đó đổ ra nhánh chính của sông Hồng. Nơi rộng nhất phân lưu này hình thành nên hồ Hoàn Kiếm hiện nay. Vào thế kỉ 16, Chúa Trịnh cho ngăn hồ lớn thành hồ Tả Vọng và Hữu Vọng. Hồ Hữu Vọng được dùng làm nơi duyệt quân thuỷ chiến của triều đình. Đến đời Tự Đức, hồ Hữu Vọng được gọi là hồ Thủy Quân, còn hồ Tả Vọng chính là hồ Hoàn Kiếm. Vào năm 1884, hồ Thủy Quân được nhà nước bảo hộ Pháp lấp đi với mục đích xây dựng, mở mang Hà Nội.
Tháp Rùa nằm ở trung tâm hồ, được xây dựng trong khoảng từ giữa năm 1884 đến tháng 4 năm 1886 trên gò Rùa. Đây là công trình kiến trúc độc đáo mang đậm kiến trúc Pháp. Tháp có hình chữ nhật, gồm 3 tầng, mỗi mặt có 3 cửa. Tầng 1 và 2 có kiến trúc giống nhau, gồm nhiều ô của hình vòm. Tầng 3 chỉ có một cửa hình tròn ở mặt phía Đông, phía trên cửa có 3 chữ Quy Sơn tháp (tháp Núi Rùa). Tầng đỉnh có nét giống một vọng lâu, vuông vức, mỗi bề 2 mét. Đền Ngọc Sơn nằm ở phía Bắc hồ, xưa có tên là Tượng Nhĩ (tai voi).Khi dời đô ra Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã cho đổi tên là Ngọc Tượng và đền có chính thức là Ngọc Sơn từ thời Trần . Đền Ngọc Sơn thờ thần Văn Xương là ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử và thờ Trần Hưng Đạo. Cầu Thê Húc dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn, do Nguyễn Văn Siêu cho xây dựng vào năm 1865. Tên của cầu có nghĩa là "nơi đậu ánh sáng mặt trời buổi sáng sớm". Tháp Bút trên bờ hướng đông bắc hồ, được xây dựng từ năm 1865, bao gồm năm tầng. Trên đỉnh là tượng trưng cho một ngòi bút đối lên trời, phần thân có khắc ba chữ Tả Thanh Thiên nghĩa là viết lên trời xanh, thân tầng thứ ba của tháp có khắc một bài Bút Tháp Chí. Đài Nghiên là phần không thể thiếu của tháp Bút, ba chân kê nghiên là hình tượng ba con cóc. Trên thân nghiên khắc một bài Minh, gồm 64 chữ hán. Tháp Hòa Phong là phần còn sót lại của chùa Báo n. Tháp có 3 tầng, tầng 1 to và cao hơn 2 tầng trên cùng. Đền Bà Kiệu thờ ba vị nữ thần là Liễu Hạnh công chúa, Đệ nhị Ngọc nữ và Đệ tam Ngọc Nữ. Thủy Tạ được xây dựng thời chúa Trịnh Sâm, là đại diện tiêu biểu cho lối kiến trúc cổ của Việt Nam, vua thường thưởng ngoạn cảnh trí hồ ở đây. Đền thờ vua Lê có tượng vua Lê Thái Tổ đứng trên trụ cao, tay cầm thanh kiếm như phóng xuống mặt hồ.

Tuy không phải hồ lớn nhất thủ đô nhưng hồ Gươm chiếm một vị trí đặc biệt trong cuộc sống hàng ngày của người dân Hà Nội. Sáng sớm, đi dạo quanh hồ, ta có thể bắt gặp rất nhiều người tập thể dục buổi sáng, những cụ già tập dưỡng sinh. Hồ có nhiều cảnh đẹp và nằm ở trung tâm một quận với những khu phố cổ chật hẹp là không gian thích hợp cho những hoạt động sinh hoạt văn hóa tập thể. Hồ Gươm còn là biểu tượng khát khao hòa bình (trả gươm cầm bút), đức văn tài võ trị của dân tộc (thanh kiếm thiêng nơi đáy hồ và tháp bút viết lên trời xanh). Hồ đã trở thành cảm hứng để những nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật giàu tính thẩm mĩ.

Hồ Gươm với những giá trị vĩnh hằng đã trở thành hồn cốt của thủ đô Hà Nội. Hồ Gươm luôn sống mãi trong trái tim những người dân thủ đô, đặc biệt là những người con xa xứ.
Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ,
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.
Đài nghiên, tháp bút chưa mòn,
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?

Ngoài hồ Gươm bạn cũng có thể tham khảo bài văn mẫu về hồ Tây, các hồ khác và các địa điểm cũng như di tích lịch sử địa danh trên cả nước trong mục văn mẫu lớp 9 của vfo.vn
 
  • Chủ đề
    ha noi hồ gươm ho hoan kiem lop 9 thuyet minh thuyet minh ve ho guom văn mẫu
  • Top