Tổng quan về Custom ROM trên Android và các bản ROM tùy chỉnh hàng đầu hiện nay

0-android-rom.jpg

Với Android, khái niệm ROM tùy chỉnh không còn quá xa lạ gì với đại đa số người dùng khi nó mang đến cho thiết bị mà họ đang sử dụng một cái nhìn khác hoàn toàn về giao diện và thiết kế, cũng như mang đến các tính năng hoàn toàn mới và ấn tượng bên cạnh những gì đã có được cung cấp từ phía nhà phát triển hay các hãng di động. Dù có thể ROM tùy chỉnh vẫn được sử dụng hằng ngày, nhưng liệu bao nhiêu phần trăm người dùng thực sự hiểu được nó là như thế nào? Chính vì thế mà chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu kĩ càng hơn về ROM tùy chỉnh, cũng như điểm qua một số bản ROM hiệu quả được đa số người dùng tín nhiệm ở thời điểm hiện tại

ROM tùy chỉnh (Custom ROM) là gì?

Về bản chất, ROM thực chất là một hệ điều hành được xây dựng để có thể hoạt động trên các thiết bị với những ứng dụng cơ bản như danh bạ, lịch, máy ảnh… và từ đó các nhà phát triển có thể xây dựng nên bản ROM riêng của mình với nhiều tính năng hơn trên nền bản ROM gốc được Google đưa ra

Một trong những ưu điểm của các thiết bị di động sử dụng Android chính là việc nó không những có thể hoạt động tốt với các bản ROM gốc, mà ở đó còn là các phiên bản được cung cấp từ một bên thứ 3 ngoài Google. Các bản Custom ROM, được xem như là một bản hệ điều hành thay thế hoàn toàn cho các bản ROM gốc được cài sẵn trên thiết bị khi nó được đưa đến tay người dùng, và được phát triển dựa trên sự thay đổi của AOSP bởi cộng đồng phát triển thường có tần suất hoạt động và các phiên bản cho ra một cách thường xuyên hơn các nhà sản xuất thiết bị

Để hiểu rõ hơn, AOSP là từ viết tắt của Android Open Source Program, hay có thể hiểu là Chương trình mã nguồn mở của Android. Đây thực chất là phiên bản mã nguồn hoàn toàn mở của Android được phát triển bởi Google như một bản gốc với khả năng tương thích với hầu hết các thiết bị. Chính vì mã nguồn của AOSP hoàn toàn mở mà các nhà lập trình có thể tùy chỉnh chúng mà không cần theo bất kì một tiêu chuẩn nào về ứng dụng mà Google đưa ra. Nhờ dự án này mà chúng ta mới có thể thấy sự đa dạng của các bản ROM với những cái tên hàng đầu như CyanogenMod, Paranoid Android hay MIUI

Những ưu điểm của Custom ROM

Có khả năng tương tác với các dòng máy đời cũ

Thông thường với những người dùng Android, họ luôn thường xuyên gặp rắc rối với nền tảng khi thiết bị của họ thường xuyên bị bỏ quên về mảng phiên bản hệ điều hành khi chỉ từ một đến hai năm, thì nhà sản xuất sẽ hầu như ngưng hoàn toàn việc phân phối các bản nâng cấp cho các thiết bị này để tập trung vào các đời máy mới hơn. Và đây thực sự là điều bất tiện đối với người dùng khi các phiên bản mới không chỉ những mang đến nhiều tính năng hơn, mà còn đó các bản vá về bảo mật hay các bản sửa lỗi về nền tảng giúp thiết bị hoạt động một cách trơn tru và ít lỗi hơn so với các phiên bản cũ

1-custom-rom.jpg

Với những bản Custom ROM sử dụng khả năng hệ thống hóa của Android khiến nó tương thích tốt với hàng loạt các thiết bị di động để mọi người có thể sử dụng nó như một bản nâng cấp về nền tảng đến từ bên thứ 3 để có thể sử dụng phiên bản mới nhất của nền tảng Android. Thậm chí không khó để các bản Custom ROM nhận được cập nhật khi nó thường xuyên nhận được các bản vá nhiều hơn so với các bản gốc được các hãng đưa ra

Thiết bị hoạt động nhanh hơn

Một trong những ưu điểm vô cùng lớn của Custom ROM so với ROM gốc chính là nó giúp thiết bị có thể hoạt động một cách trơn tru hơn trong suốt quá trình sử dụng. Thông thường, với các bản ROM được phân phối từ các hãng di động như Samsung hay Sony dành cho các thiết bị của họ, ngoài các thành phần gốc của Google, chúng ta không khó để tìm ra những ứng dụng bloatware được cài đặt sẵn với một dung lượng chiếm dụng khá lớn ngay từ thời điểm ban đầu chúng ta sử dụng thiết bị. Với các bản Custom ROM, các nhà phát triển với mong muốn mang đến sự đại trà của nó trên hầu hết các thiết bị nên hầu như họ đã loại bỏ hoàn toàn các bloatware như thế này để mang đến những gì tiêu chuẩn nhất, cũng như các chủ đề về giao diện rườm rà không thực sự cần thiết, và điều này đã tạo cho các bản ROM này khả năng tiết kiệm bộ nhớ một cách tốt hơn rất nhiều để thiết bị hoạt động ổn định hơn

Đa dạng trong khả năng tùy chỉnh

Không những đơn thuần mang đến cho người dùng các phiên bản Android mới nhất vào trong các Custom ROM, mà những bản ROM này còn cung cấp khả năng tùy chỉnh dồi dào bên trong phần cài đặt cảu nền tảng một cách không giới hạn

Được truy cập với quyền root

Quyền root là quyền cao cấp của nền tảng Android khi nó cho phép người dùng bình thường có thể can thiệp vào hầu hết các tính năng được cung cấp trên thiết bị của mình. Thông thường, quyền này chỉ dành cho các lập trình viên về nền tảng để họ có thể làm việc với thiết bị, cũng như kiểm tra các sự thay đổi trước khi phát hành một cách chính thức, còn với người dùng trên các bản ROM thông thường, quyền root đa số đều bị ẩn đi hoặc vô hiệu hóa. Với các Custom ROM, quyền root được thiết lập sẵn để người dùng có thể truy cập nhằm có sự quản lý tốt nhất, mà trên hết là việc sao lưu được thực hiện dễ dàng và hiệu quả hơn so với trước đây

Những nhược điểm của Custom ROM

Mặc dù Custom ROM mang đến không ít điều tuyệt vời cho thiết bị Android của người dùng, thế nhưng, bên cạnh đó, nếu so với các bản ROM gốc được đưa ra từ Google hay các hãng sản xuất thiết bị, Custom ROM vẫn còn đó một số hạn chế đáng được lưu ý dưới đây

Không nhận được chính sách về bảo hành

Với Custom ROM, việc chúng ta sử dụng nó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta chấp nhận sự thay đổi hoàn toàn hệ thống bên trong từ khả năng tương thích tới việc xử lí của phần cứng theo sự quản lý của phần mềm. Chính điều này khiến cho các hãng sản xuất ngay lập tức từ chối việc bảo hành thiết bị nếu có vấn đề gì với bản ROM đó khi các vấn đề phát sinh ra xuất phát từ phía người dùng chứ không phải từ lỗi nào đó trong quá trình sản xuất, và hiện nay không có quá nhiều cái tên chấp nhận cho người dùng thực hiện bảo hành chính hãng do lỗi từ Custom ROM gây nên. Vì vậy nếu thiết bị của bạn vẫn còn đang trong giai đoạn được bảo hành, hãy cân nhắc đến việc sử dụng các Custom ROM nếu không muốn vấn đề nào đó xảy ra sau khi cài đặt

Sự thiếu hụt các ứng dụng của Google

Với các bản ROM đến từ bên thứ 3, nó thường đi kèm với rất ít các ứng dụng của Google khi chúng ta lần đầu sử dụng thiết bị. Tuy nhiên, cũng đừng lo lắng quá khi chúng ta hoàn toàn có thể cài đặt các ứng dụng này thông qua trang OpenGapps.org

Những phiên bản Cusotm ROM tốt nhất hiện nay

ROM Manager

Nếu thiết bị mà bạn đang sử dụng đã được root từ trước, ROM Manager sẽ là một tùy chỉnh tuyệt vời mà bạn nên có tiếp theo. Ngược lại, nếu thiết bị của bạn chưa có bất kì lần root nào, và bạn đang muốn thực hiện nó, thì có thể tham khảo thêm các bài viết chuyên về hướng dẫn root trên Android có mặt trên diễn đàn Vforum, tuy nhiên, hãy cân nhắc kĩ càng khi root cũng sẽ là một trong những lí do chính khiến các hãng sản xuất thiết bị từ chối những yêu cầu về bảo hành từ phía người dùng nếu có vấn đề nào xảy ra trong quá trình thực hiện

2-rom-manager.jpg

Về ROM Manager, đây là một công cụ quản lý các phiên bản ROM dành cho những thiết bị Android dựa trên một giao diện được thiết kế khá đơn giản và trực quan. Với ROM Manager, người dùng có thể sử dụng nó như một công cụ thực hiện sao lưu, hay cài đặt ROM thông qua thẻ nhớ SD, cũng như khôi phục lại toàn bộ hệ thống. Ngoài các tính năng kể trên được cung cấp một cách hoàn toàn miễn phí, các nhà phát triển còn mang đến thêm cho ROM Manager khả năng sao lưu tự động hay gia tăng tốc độ xử lí thông qua phiên bản mở rộng yêu cầu tài khoản trả phí

CyangenMod 12 - Ổn định, thời trang với khả năng cập nhật liên tục

CyanogenMod là một trong những phiên bản ROM tốt nhất dành cho Android với một cộng đồng vô cùng lớn và khả năng cập nhật một cách liên tục với các bản vá được phát hành thường xuyên, thậm chí CyanogenMod không chỉ dừng lại ở bản ROM mà giờ đây, nó được xây dựng như một hệ điều hành dựa trên Android lần đầu tiên được sử dụng chính thức thay cho các bản Android gốc trên OnePlus One vào năm ngoái

3-cyanogenmod.jpg

Về tính năng, CyanogenMod mang đến một App Launcher hoàn toàn mới, với các chủ đề cá nhân, chụp màn hình ngay cả khi xem video thông qua tính năng Screencast… Tính đến thời điểm hiện tại, CyanogenMod hỗ trợ đến hơn 50 thiết bị khác nhau đến từ nhiều hãng trên thị trường và theo thông tin cho biết, đội ngũ phát triển của CyanogenMod đang làm những bước cuối cùng để mang đến những tính năng của Marshmallow cho bản ROM tiếp theo của mình

PAC-ROM

PAC-ROM được biết đến như một giải pháp tất cả trong một dành cho ROM của Android. Sở dĩ có điều này khi mà đội ngũ phát triển dường như không biết hổ thẹn khi đã lựa chọn lấy những tính năng từ các bản ROM được liệt kê trong danh sách ngày hôm nay, trong đó phần lớn đến từ CyanogenMod hay OmniSwitch, và đặt chúng cùng nhau trong phiên bản ROM của mình

4-pacrom.jpg

Về tính năng, PAC-ROM thực sự thiếu hụt các tính năng về cá nhân, nhưng bù lại, đây là bản ROM mang đến sự tùy chỉnh vô cùng đa dạng, cũng như một màn hình khởi động độc đáo đủ để nhiều người dùng bỏ qua những nhược điểm không nên nhắc đến của bản ROM này. Cũng giống như CyanogenMod, PAC-ROM cũng liệt kê 50 dòng thiết bị hiện được hỗ trợ, và con số này sẽ còn được tăng lên trong khoảng thời gian sắp đến

Paranoid Android – Phiên bản Android gốc với những thay đổi khôn ngoan

Lần đầu tiên, Paranoid Android Custom ROM được giới thiệu vào thời điểm đầu năm 2013 trên mã nguồn của Android Jelly Bean mới nhất thời bấy giờ. Điểm ấn tượng của Paranoid Android kể từ khi nó ra mắt đến nay chính là việc không quá chú trọng vào thiết kế quá nhiều, mà bù lại đó là sự đơn giản nhưng tạo hiệu quả lớn trong thay đổi về những gì chúng ta vốn từng được biết ở thanh thông báo Notifications và điều hướng Navigation trên Android gốc

5-paranoid.jpg

Chế độ Immersive của Paranoid Android cho phép người dùng của mình có thể xem các thông tin hiển thị trên màn hình với việc ẩn đi hoàn toàn các thanh công cụ hệ thống, và chuyển đổi màu của các thanh điều hướng. Mặc dù hướng đến việc thẩm mỹ là chính, nhưng thực sự đó là sự chuyển đổi đánh kinh ngạc được mang đến mà không phải nhà phát triển nào cũng để ý tới điều này

Paranoid Android cũng có sự hỗ trợ các thiết bị không kém gì các bản ROM đã được liệt kê ở bên trên, bao gồm cả dòng Nexus của Google hay OnePlus One

OmniROM – Nổi bật với thanh công cụ OmniSwitch

Được thiết kế bởi những cựu thành viên trong đội ngũ phát triển của CyanogenMod (Xplowild, Dees_Troy, Pulser và Entropy) vào giai đoạn cuối năm 2013, OmniROM là phiên bản Custom ROM không quá chú trọng đến kiểu cách, mà bù lại là việc cố gắng mang đến những trải nghiệm hoàn hảo như những phiên bản Android gốc với sự bổ sung thêm cách tính năng hỗ trợ mới

6-omnirom.jpg

OmniROM hỗ trợ khả năng khởi động ứng dụng bằng việc nhấn vào thời gian trên thanh thông báo, đồng thời nó cũng cho phép thêm các công cụ đếm số thông báo Notification để xem một cách nhanh chóng số lượng thông báo gửi đến cho người dùng được biết, bên cạnh việc điều chỉnh độ sáng màn hình bằng việc vuốt trên thanh thông báo này

Điểm nổi bật của OmniROM có lẽ phải nói về tính năng mở rộng, trong đó có OmniSwitch. OmniSwitch mang đến cho người dùng một giải pháp về danh mục sử dụng nhanh để khởi động các shortcut hay điều hướng đến bất kì phần nào của thiết bị không qua các thao tác chạm đơn giản trên màn hình, với khả năng tùy chỉnh đầy đủ tùy thuộc vào nhu cầu của người dùng

SlimROMs – Loại bỏ bloatware, tăng cường tính năng

SlimROMs tạo nên sự ấn tượng cho riêng mình bằng việc loại bỏ hoàn toàn những tính năng, những ứng dụng được cài đặt sẵn, nhằm mang đến cho người dùng một bản Android nguyên thủy nhất, đồng thời cho phép người dùng của họ quyết định rằng mình thực sự muốn hay không muốn sử dụng dịch vụ nào trong số những dịch vụ mà Google cung cấp cho các thiết bị Android. Bên cạnh đó, SlimROMs còn tùy chỉnh mật độ điểm ảnh DPI của chữ viết và các biểu tượng để tạo nên sự cân đối trong mọi kích thuớc. Tính đến hiện nay, SlimROMs đang hỗ trợ trên dưới 50 thiết bị khác nhau

Hiện nay, SlimROMs đã tung ra phiên bản thử nghiệm dựa trên Android Lollipop, tuy nhiên thì so với các bản ROM khác, SlimROMs có tốc độ phát hành khá chậm và không thường xuyên để có thể cạnh tranh với các phiên bản khác dù những tính năng mà Custom ROM này mang lại không hề tệ một chút nào

AOKP – Can thiệp mạnh mẽ vào khả năng điều khiển với hàng loạt những tùy chọn về tùy chỉnh

Android Open Kang Project – AOPK, là phiên bản ROM hướng đến các Modder với sự am hiểu rõ ràng trong nền tảng. Được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2013, AOPK tính đến thời điểm hiện tại tương thích với một con số khá lớn các thiết bị di động Android, với không ít những tính năng hấp dẫn như tùy chỉnh các cài đặt có mặt trong Quick Settings, cũng như màu sắc, thời gian sáng cho đèn LED thông báo tùy thuộc vào các ứng dụng mà người dùng mong muốn

Bên cạnh đó, AOPK còn được biết đến nhờ tính năng Notification Ring, cung cấp khả năng điều hướng đến 5 ứng dụng khác nhau một cách nhanh chóng cho những ứng dụng nào thường được người dùng sử dụng. Nếu điều đó chưa đủ làm bạn thỏa mãn, AOPK còn cung cấp quyền quản lý ứng dụng cũng như khả năng tùy chỉnh trong hiệu năng, khiến đây trở thành một trong những Custom ROM cho Android được nhiều người săn đón và sử dụng không kém gì CyanogenMod cả

Mặc dù vậy sự ổn định của AOPK không được đánh giá cao. Sau một thời gian tạm dừng vào tháng 10 năm ngoái, và mới trở lại vào tháng 3 năm nay bằng lời hứa về một phiên bản mới dựa trên Lollipop, nhưng đến nay vẫn không có quá nhiều động tĩnh nào xuất phát từ phía phát triển của AOPK

Theo AndroidPit
 

Thống kê

Chủ đề
100,746
Bài viết
467,576
Thành viên
339,851
Thành viên mới nhất
Đông Âu
Top