Top những bài thơ hay nhất của Nguyễn Bính

Top những bài thơ hay nhất của Nguyễn Bính? Thơ Nguyễn Bính? Thơ hay Nguyễn Bính?
top-nhung-bai-tho-hay-nhat-cua-nguyen-binh.png

Nguyễn Bính có những bài thơ nào hay nhỉ?

Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ nổi tiếng đình đám ở nước ta vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thơ Nguyễn Bính “chân quê”, giản dị, mộc mạc, nhẹ nhàng, trong sáng, và hồn nhiên như ca dao trữ tình. Ông viết về làng quê qua lăng kính tình cảm lãng mạn, biểu lộ một tình quê, một hồn quê chân tình và gần gũi. Giáo sư Lê Đình Kỵ có nhận xét về thơ Nguyễn Bính: “Nổi bật lên ở Nguyễn Bính là ca dao, ở cảm xúc lẫn tư duy, ở cả ý, tình, và điệu,...”. Và bài viết này vforum sẽ gửi đến các bạn Top những bài thơ hay nhất của Nguyễn Bính? Sau đây hãy cùng vforum tìm hiểu nhé.


Top những bài thơ hay nhất của Nguyễn Bính



Thơ Nguyễn Bính 1: Lỡ Bước Sang Ngang



Em ơi! em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa
Cậy em, em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương


Hôm nay xác pháo đầy đường
Ngày mai khói pháo còn vương khắp làng
Chuyến này chị bước sang ngang
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây
Rượu hồng em uống cho say
Vui cùng chị một vài giây cuối cùng
Rồi đây sóng gió ngang sông
Đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ
Miếu thiêng vụng kén người thờ
Nhà hương khói lạnh chị nhờ cậy em
Đêm qua là trắng ba đêm
Chị thương chị kiếp con chim lìa đàn
Một vai gánh lấy giang san...
Một vai nữa gánh muôn vàn nhớ thương
Mắt quầng tóc rối tơ vương
Em còn cho chị lược gương làm gì!
Một lần này bước ra đi
Là không hẹn một lần về nữa đâu
Cách mấy mươi con sông sâu
Và trăm ngàn vạn nhịp cầu chênh vênh
Cũng là thôi cũng là đành
Sang sông lỡ bước riêng mình chị sao?
Tuổi son nhạt thắm phai đào
Đầy thuyền hận, có biết bao nhiêu người!
Em đừng khóc nữa em ơi!
Dẫu sao thì sự đã rồi, nghe em!
Một đi bảy nổi ba chìm
Trăm cay nghìn đắng con tim héo dần
Dù em thương chị mười phần
Cũng không ngăn nổi một lần chị đi


Chị tôi nước mắt đằm đìa
Chào hai họ để đi về nhà ai
Mẹ trông theo, mẹ thở dài
Dây pháo đỏ bỗng vang trời nổ ran
Tôi ra đứng tận đầu làng
Ngùi trông theo chị khuất ngàn dâu thưa...


Trời mưa ướt áo làm gì?
Năm mười bảy tuổi chị đi lấy chồng
Người ta pháo đỏ rượu hồng
Mà trên hồn chị một vòng hoa tang
Lần đầu chị bước sang ngang
Tuổi son sông nước đò giang chưa tường
Ở nhà em nhớ mẹ thương
Ba gian trống, một mảnh vườn xác xơ
Mẹ ngồi bên cửi xe tơ
Thời thường nhắc: "- Chị mày giờ ra sao?"


Chị bây giờ... nói thế nào?
Bướm tiên khi đã lạc vào vườn hoang
Chị từ lỡ bước sang ngang
Trời dông bão giữa tràng giang lật thuyền
Xuôi dòng nước chảy liên miên
Đưa thân thế chị tới miền đau thương
Mười năm gối hận bên giường
Mười năm nước mắt bữa thường thay canh
Mười năm đưa đám một mình
Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên
Mười năm lòng lạnh như tiền
Tim đi hết máu mà duyên không về


Nhưng em ơi! một đêm hè
Hoa xoan nở, xác con ve hoàn hồn
Dừng chân trên bến sông buồn
Nhà nghệ sĩ tưởng đò còn chuyến sang
Đoái thương thân chị lỡ làng
Đoái thương phận chị dở dang những ngày
Rồi... rồi chị nói sao đây?
Em ơi! nói nhỏ câu này với em...
Thế rồi máu trở về tim
Duyên làm lành chị duyên tìm về môi
Chị nay lòng ấm lại rồi
Mối tình chết đã có người hồi sinh
Chị từ dan díu với tình
Đời tươi như buổi bình minh nạm vàng
Tim ai khắc một chữ "nàng"
Mà tim chị một chữ "chàng" khắc theo
Nhưng yêu chỉ để mà yêu
Chị còn dám ước một điều gì hơn
Một lầm hai lỡ keo sơn
Mong gì gắn lại phím đờn ngang cung
Rồi đêm kia lệ ròng ròng
Tiễn đưa người ấy sang sông, chị về
Tháng ngày qua cửa buồng the
Chị ngồi nhặt cánh hoa lê cuối mùa


Úp mặt vào hai bàn tay
Chị tôi khóc suốt ba ngày ba đêm
- Đã đành máu trở về tim
Nhưng khôn buộc nổi cánh chim giang hồ
Người đi xây dựng cơ đồ
Chị về giồng cỏ nấm mồ thanh xuân
Người đi khoác áo phong trần
Chị về may áo liệm dần nhớ thương
Hồn trinh ôm chặt chân giường
Đã cùng chị khóc đoạn trường thơ ngây
Năm xưa đêm ấy giường này
Nghiến răng nhắm mắt cau mày... cực chưa?
Thế là tàn một giấc mơ
Thế là cả một bài thơ não nùng
Tuổi son má đỏ môi hồng
Bước chân về đến nhà chồng là thôi
Đêm qua mưa gió đầy giời
Mà trong hồn chị có người đi qua
Em về thương lấy mẹ già
Đừng mong ngóng chị nữa mà uổng công
Chị giờ sống cũng bằng không
Coi như chị đã ngang sông đắm đò.


Lỡ bước sang nganglà câu chuyện về một người con gái bị mẹ cha bán gả cho người mà mình không yêu phải lên xe hoa từ năm mười bảy tuổi. Bỏ lại sau lưng mối tình đầu vừa chớm nở bỏ lại vườn dâu bỏ lại mẹ già người con gái ấy đi một chuyến đi định mệnh "Rồi đây sóng gió ngang sông/Đầy thuyền hận chị lo không tới bờ".


Thơ Nguyễn Bính 2: Tâm Hồn Tôi



Tâm hồn tôi là bình rượu nhỏ
Rót lần rót mãi xuống nàng Oanh
Không xua tay nhưng nàng đã vô tình
Hất ly rượu hồn tôi qua cửa sổ...


Bài thơ là nỗi niềm của Nguyễn Bính khi đang thất tình. “Nàng Oanh” là người trong mộng của nhà thơ, nhưng nàng đã “hất ly rượu hồn tôi qua cửa sổ” mặc dù không xua tay. Cho thấy được tác giả bị tổn thương và buồn bã như thế nào trước lời cự tuyệt của nàng.


Thơ Nguyễn Bính 3: Hương Cố Nhân



Thuở trước loài hoa chửa biết cười
Vô tình con bướm trắng sang chơi
Khác nào tôi đã sang chơi đấy
Rước bướm dừng chân. Hoa hé môi.


Từ đấy loài hoa mới biết cười
Cũng như nàng mới biết yêu tôi
Hoa yêu dấu bướm cho nên bướm
Quả quyết yêu hoa đến trọn đời.


Ai dạy nàng yêu? Có phải là
Nào ngờ hư đến thế là hoa!
Hoa đi đón rước bao nhiêu bướm
Từ bướm xuân xanh đến bướm già.


Tôi chỉ thèm yêu lấy một lần
Có người đi giữa xứ mùa xuân
Thấy con bướm trắng bay thơ thẩn
Ý hẳn đi tìm hương cố nhân.


Thơ Nguyễn Bính 4: Hoa Với Rượu



Thấy rét u tôi bọc lại mền,
Cô hàng cất rượu ủ thêm men,
Mẹ cha mất sớm còn em nhỏ,
Say cả tư mùa cho khách quen.


Em nhỏ là Nhi, bạn nhỏ tôi,
Suốt ngày hai đứa nhẩn nha chơi .
Chị Nhi bán rượu đôi chiều chợ,
Vẫn nhớ mua quà cho cả đôi .


Hai đứa thường nhân buổi vắng nhà,
Người ta bắt chước chị người ta!
Ra vườn nhặt những hoa cam rụng,
Về bỏ đầy nồi cất nước hoa .


Nước hoa tuy chẳng thơm là mấy,
Hai đứa bôi đầy cả tóc nhau .
Hí hửng bảo nhau: "Thơm đấy chứ,
Nước hoa ngoài tỉnh thấm vào đâu!"


Một tối nhà Nhi có giỗ thầy,
Chị Nhi cho uống rượu cay cay,
Chừng đâu chén nhỏ làm hai đứa
Mặt đỏ lên rồi chếnh choáng say .


Hai đứa ôm nhau đánh giấc dài,
Bất đồ ngủ đến sáng ngày mai.
Chị Nhi cứ chế làm sao ấy,
Hai đứa nhìn nhau ngớ ngẩn cười.


Chị Nhi thường nói với u tôi:
"--Hai đứa, thưa bà, đến đẹp đôi!"
U tôi cười đáp ngay như thật:
"Tôi có nàng dâu giúp đỡ rồi!"


Thuở ấy làm sao thật thái bình,
Trai hiền bạn với gái đồng trinh.
Đời say men rượu thơm hoa rụng,
Tràn những thơ ngây, ngập cảm tình.


Ấy thế mà rồi cách biệt nhau,
Nhà Nhi không biết chuyển đi đâu .
Mình tôi giời bắt làm thi sĩ,
Mẹ mất khi chưa bạc mái đầu.


Bỏ lại vườn cam, bỏ mái gianh,
Tôi đi dan díu với kinh thành.
Hoa thơm mơ mãi vườn tiên giới,
Chuốc mãi men say rượu ái tình.


Rượu ái tình kia thành thuốc độc,
Vườn trần theo bướm phấn hương bay.
Đời tôi sa mạc, ôi sa mạc,
Hoa hết thơm rồi rượu hết say.


Trăm sầu nghìn tủi mình tôi chịu,
Ba bốn năm rồi năm sáu năm.
Khóc vụng mỗi lần tôi nhớ lại,
Men nồng gạo nếp nước hoa cam.


Xa lắm rồi Nhi! Muộn lắm rồi,
Bẽ bàng lắm lắm nữa Nhi ơi!
Từ ngày Nhi bỏ nơi làng cũ,
Mộng ngát duyên lành cũng bỏ tôi.


Chắc ở nơi nào dưới mái tranh,
Chị em Nhi vẫn sốn yên lành.
Chị Nhi cất rượu cho Nhi bán,
Hồn vẫn trong và mộng vẫn trinh.


Ngày xưa con bé Nhi còn đẹp,
Huống nữa giờ Nhi đã đến thì.
Tháng tháng mươi mười lăm buổi chợ,
Cho người thiên hạ phải say Nhi.


Xóm chị em Nhi ở mấy nhà?
Bến đò đông vắng? Chợ gần xa?
Nhà Nhi thuê có vườn không nhỉ?
Vườn có trồng cam có nở hoa?


Mơ tưởng vu vơ lòng dối lòng,
Thực ra có phải thế này không.
Chị Nhi đã lấy chồng năm trước,
Nhi đến năm sau lại lấy chồng?


Ước gì trên bước đường lưu lạc,
Một buổi chiều nào lạnh gió mưa,
Gõ cửa nhà ai xin ngủ trọ,
Giật mình tôi thấy tiếng Nhi thưa.


Ngồi bên lò rượu đêm hôm đó,
Nhi rót đưa tôi nước rượu đầu.
Nhắc lại ngày xưa mà thẹn lại,
Ngậm ngùi hai đứa uống chung nhau.


Tôi kể: "U tôi đã mất rồi,
Cửa nhà còn có một mình tôi ..."
Nhi rằng: "Ngày trước u thường nói
Hai đứa mình trông đến đẹp đôi ..."


"Chị em mới lấy chồng năm trước,
Chồng chị trồng cam ở mé sông.
Em ở mình đây nhà trống trải,
Trăng vàng đầy ngõ gió mênh mông ..."


Như truyện Tương Như và Trác Thị
Đưa nhau về ở đất Lâm Cùng
Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng.
Tôi với em Nhi kết vợ chồng.


Rượu cất kỹ ngon, men ủ khéo,
Say người thiên hạ lại say nhau .
Chiều chiều hai đứa sang thăm chị,
Chồng hái hoa cho vợ giắt đầu.


Chao ôi! Là mộng hay là thực?
Là thực hay là mộng bấy lâu?
Hai đứa sống bằng hoa với rượu,
Sống vào trời đất, sống cho nhau.


Nhưng mộng mà thôi, mộng mất thôi,
Hoa thừa rượu ế, ấy tình tôi.
Xa rồi vườn cũ hoa cam rụng,
Gặp lại nhau chi muộn lắm rồi.


Đây là một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn Bính. Hồn vẫn trong mà mộng vẫn Trinh, Trinh chứ không phải xinh. Hay Bến đò Đông Vắng, chứ không phải sông vắng...Đây là một siêu phẩm, đọc đi đọc lại đọc hoài vẫn không chán.


Thơ Nguyễn Bính 5: Viếng hồn trinh nữ



Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh
Tơ liễu theo nhau chảy xuống hồ,
Tôi thấy quanh tôi và tất cả
Kinh thành Hà Nội quấn khăn sô.


Nước mắt chạy quanh, tình thắt lại,
Giờ đây tôi khóc một người về,
Giờ đây tôi thấy lòng cay đắng,
Như có ai mời chén biệt li.


Sáng nay vô số lá vàng rơi,
Người gái trinh kia đã chết rồi.
Có một chiếc xe màu trắng đục,
Hai con ngựa trắng bước hàng đôi.


Đem đi một chiếc quan tài trắng,
Và những vòng hoa trắng lạnh người
Theo bước những người khăn áo trắng,
khóc hồn trinh trắng mãi không thôi.


Để đưa nàng đến nghĩa trang này,
Nàng đến đây rồi ở lại đây,
Ờ nhỉ! Hôm nay là mấy nhỉ
Suốt đời tôi nhớ mãi hôm nay...


Sáng nay, sau một cơn mưa lớn.
Hà Nội bừng lên những nắng vàng.
Có những cô nàng trinh trắng lắm,
Buồn rầu theo vết bánh xe tang.


Từ nay xa cách mãi mà thôi,
Tìm thấy làm sao được bóng người
Vừa mới hôm nào còn thẹn thẹn,
Tay cầm sáp đỏ để lên môi.


Chiếc áo màu xanh tựa nước hồ,
Nàng vừa may với gió đầu thu.
Gió thu còn lại bao nhiêu gió,
Chiếc áo giờ đây ở dưới mồ!


Chắc hẳn những đêm như đêm qua,
Nàng còn say mộng ở chăn hoa.
-Chăn hoa ướp một trời xuân sắc
Đến tận tàn canh, rộn tiếng gà.


Chắc hẳn những đêm như đêm kia,
Nửa đêm lành lạnh gió thu về,
Nàng còn thao thức ôm cho chặt
Chiếc gối nhung mềm giữa giấc mê.


Nhưng sáng hôm nay nàng lặng im,
Máu đào ngừng lại ở nơi tim.
Mẹ già xé vội khăn tang trắng
Quấn vội lên đầu mấy đứa em.


Người mẹ già kia tuổi đã nhiều,
Đã từng đau khổ biết bao nhiêu!
Mà nay lại khóc thêm lần nữa,
Nước mắt còn đâu buổi xế chiều?


Những đứa em kia chưa khóc ai,
Mà nay đã khóc một người rồi!
Mà nay trên những môi ngoan ấy,
Chả được bao giờ gọi: chị ơi!


Nàng đã qua đời để tối nay
Có chàng đi hứng gió heo may,
Bên hồ để mặc mưa rơi ướt,
Đếm mãi bâng quơ những dấu giày.


Người ấy hình như có biết nàng,
Có lần toan nói chuyện sang ngang,
Nhưng hồn nàng tựa con thuyền bé,
Đã cắm nghìn thu ở suối vàng.


Có gì vừa mất ở đâu đây?
Lòng thấy mềm như rượu quá say.
Hốt hoảng chàng tìm trong bóng tối
Bàn tay lại nắm phải bàn tay.


Chỉ một vài năm nữa, thế rồi
(Người ta thương nhớ có ngần thôi).
Người ta nhắc đến tên nàng để
Kể chuyện nàng, như kể chuyện vui.
Tôi với nàng đây không biết nhau
Mà tôi thương tiếc bởi vì đâu?
"Mới hay tự cổ bao người đẹp,
Chẳng hẹn trần gian đến bạc đầu".


Thơ Nguyễn Bính 6: Thư cho chị



Viết cho chị cánh thư này
Một đêm lữ thứ em say rượu cần
Nhớ người cách một mùa xuân
Hình như người đã một lần sang sông
Ồ! Say! Thương nhớ vô cùng
Rượu hay lệ ướt khăn hồng chị ơi!
Làm sao giấc ngủ không dài
Sao đêm không ngắn, mà trời cứ mưa ?
Làm sao em sống như thừa
Cố đem men rượu tẩm vừa lòng đau
Kể từ hai đứa thôi nhau
Em thường chả có đêm nào không say
Sao em đơn chiếc thế này ?
Sao em lại khóc như ngày chị đi ...?
Ở đây còn có vui gì!
Vườn dâu xa lắm! lối về chị xa
Con đường sang xóm Trữ La
Cách một ngày ngựa, cách ba ngày đò
Lúc này em nghĩ mà lo
Cứ thương nhớ mãi thì cho hết đời!
Hôm qua có chuyến đò xuôi
Toan về Hà Nội lại thôi không về
Em trồng được một cây lê
Hẹn bốn năm nữa thì về hái hoa
Nhưng là vườn đất người ta
Mình là khách trọ một vài đêm thôi
Sáng mai có lẽ em xuôi
Nếu không đãng trí và trời không mưa
Nhưng mà khăn gói gió đưa
Lại về Hà Nội thì chưa muốn về
Đò thuê, ngày ngựa cũng thuê
Sang nhìn qua kẻ lỗi thì sang sông
Ồ! Say! Thương nhớ vô cùng
Rượu hay lệ ướt khăn hồng chị cho?


Thơ của các tác giả kia đa phần thuộc dạng “thơ mới”, chỉ riêng Nguyễn Bính “một mình, một chiếu” với phong vị chân quê, đẹp như những bài ca dao, đồng dao thấm đẫm hương đồng gió nội và thấm đẫm cả tâm hồn lứa tuổi mới lớn.


Bài thơ của Nguyễn Bính 7: Hôn nhau lần cuối



Cầm tay anh khẽ nói:
Khóc lóc mà làm chi?
Hôn nhau một lần cuối
Em về đi, anh đi …


Rồi một hai ba năm,
Danh thành anh trở lại,
Với em anh chăn tằm,
Với em anh dệt vải.


Ta sẽ là vợ chồng,
Sẽ yêu nhau mãi mãi.
Sẽ se sợi chỉ hồng,
Sẽ hát câu ân ái.
Anh và em sẽ sống
Trong một mái nhà tranh.
Lấy trúc thưa làm cổng,
Lấy tơ liễu làm mành.


Nghe lời anh em hỡi!
Khóc lóc mà làm chi?
Hôn nhau một lần cuối,
Em về đi, anh đi…


Đây là bài thơ rất nổi tiếng của Nguyễn Bính. Lời bài thơ tựa như là một giai điệu vang lên trong tâm hồn của tác giả, diễn tả nỗi lòng, nỗi niềm của Nguyễn Bính. Bài thơ này đã được phổ nhạc với tựa cùng tên các bạn có thể nghe nhé.

Bài Thơ của Nguyễn Bính 8: Nhớ



Ví chăng nhớ có như tơ nhỉ
Em thử quay xem được mấy vòng
Vì chăng nhớ có như vừng nhỉ
Em thử lào xem được mấy thưng!


Anh ơi! Em nhớ em không nói
Nhớ cứ đầy lên cứ rối lên
Từ đấy về đây xa quá đỗi
Đường đi bằng ngựa hay bằng thuyền?


Gieo thoi gieo thoi lại gieo thoi
Nhớ nhớ mong mong mãi mãi rồi
Thoi ạ làm sao thoi lại cứ
Đi về giăng mắc để trêu tôi?
Hôm qua chim khách đậu trên cành
Kêu mãi làm em cứ tưởng anh
Nội nhật hôm qua về tới bến
Ai ngờ chim khách cũng không linh!


Anh bốn mùa hoa em một bề
Anh muôn quán trọ, em thâm khuê
May còn hơn được ai sương phụ
Là nhớ người đi có thể về.


Nguyễn Bính là nhà thơ nổi tiếng của phong trào Thơ mới trước Cách mạng tháng Tám. Giữa những giọng điệu mới lạ, thơ Nguyễn Bính vẫn giữ được âm hưởng gân gũi với ca dao dân ca, giản dị hồn nhiên mà ngọt ngào, thắm thiết.


Bài thơ của Nguyễn Bính 9: Bài Thơ Quê Hương



Trải nghìn dặm trời mây bạn tới.
Thăm quê tôi, tôi rất đỗi vui mừng!
Bạn nán lại cùng tôi thêm buổi nữa.
Để tôi xin kể nốt chuyện quê hương.


...Quê hương tôi có cây bầu cây nhị
Tiếng "đàn kêu tích tịch tình tang..."
Có cô Tấm náu mình trong quả thị,
Có người em may túi đúng ba gang.


Quê hương tôi có ca dao tục ngữ,
Ông trăng tròn thường xuống mọi nhà chơi.
Một đĩa muối cũng mặn tình chồng vợ,
Một dây trầu cũng nhắc chuyện lứa đôi.


Con chim nhỏ cũng đau hồn nước mất
"Cuốc cuốc" kêu rỏ máu những đêm vàng
Chân ngựa đá cũng dính bùn trận mạc.
Theo người đi cứu nước chống xâm lăng.


Quê hương tôi có bà Trưng, bà Triệu
Cưỡi đầu voi, dấy nghĩa, trả thù chung.
Ông Lê Lợi đã trường kỳ kháng chiến,
Hưng Đạo vương đã mở hội Diên Hồng.


Quê hương tôi có múa xoè, hát đúm,
Có hội xuân liên tiếp những đêm chèo.
Có Nguyền Trãi, có "Bình Ngô đại cáo".
Có Nguyễn Du và có một "Truyện Kiều".


Quê hương tôi có Trường Sơn một dải,
Có Hồng Hà lại có Cửu Long Giang
Có Hà Nội có hồ Tây, hồ Kiếm.
Chợ Đồng Xuân bày đủ mặt hàng.


Quê hương tôi có sầu riêng, măng cụt
Lòng bưởi đào, lòng gấc đỏ như son.
Có gạo tám xoan thổi nồi đồng điếu,
Cam xã Đoài ai bóc cũng thơm ngon.


Cánh đồng nào cũng chôn vàng giấu bạc,
Bờ biển nào cũng chói ngọc ngời châu.
Có thanh quế ngửi qua là khỏi bệnh,
Có cây lim đóng cả một thân tầu.


Quê hương tôi có những người con gái
"Một ngày hai bữa cơm đèn..."
Cách sông cái cũng bắc cầu dải yếm,
Cho chàng sang đính ước chuyện nhân duyên.


Trong bụng mẹ đã từng mê tiếng hát;
Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ.
Những trẻ nhỏ nằm nôi hay đặt võng,
Sớm hay chiều, đều mượn cánh cò đưa.


Khi có giặc những tre làng khắp nước,
Đều xả thân làm ngọn mác, mũi chông,
Những trai gái thôn Đông, xóm Bắc
Thoắt vươn vai thành những anh hùng...


Quê tôi đó - bạn ơi! - là thế đó.
Mà nghìn năm rặt những tiếng kêu thương
Sung sướng làm sao! Bỗng một ngày: có Đảng
Có Bác Hồ, làm sống lại quê hương.


Đánh Nhật, đuổi Tây cứu dân, dựng nước
Hai mươi năm kể biết mấy công trình!
Và từ đây, núi sông và cuộc sống.
Và quê hương mới thực sự của minh.


Cuộc đời mới con người cũng mới,
Khắp bốn phương lộng lẫy ánh sao cờ,
"Đoàn quân Việt Nam đi... chung lòng cứu quốc..."
Đầu ngẩng cao từ cách mạng mùa thu.


Những xiềng xích nghìn năm đều bẻ gãy.
Những bài ca điệu múa lại vui tươi.
Những trận khóc đêm dài không có nữa.
Thành thị nông thôn rộn rã tiếng cười.


Trong luỹ tre xanh vui mùa hợp tác,
Mái ngói nhô lên như những nụ hoa hồng.
Chung ruộng, chung trâu, chung lòng, chung sức
Chung con đường gặt lấy ấm no chung.


Trong xưởng máy tưng bừng như đám hội.
Những chủ nhân là chính những công nhân.
Tiếng máy reo chen tiếng cười tiếng hát,
Chẳng còn đâu tiếng chủ thét, cai gầm!


Những nhà thơ được tự do ca ngợi,
Quê hương. Tổ quốc, con người...
Và đời sống khỏi túng, nghèo, đói, khổ.
Khỏi bị ai khinh rẻ, dập vùi!


Đời trước thường mơ chuyện tiên, chuyện Phật,
Truyện thiên đường trong những cõi hư vô...
Đời nay dựng thiên đường trên mặt đất,
Dựng mùa xuân trong tất cả bốn mùa.


Khi con người được tự do giải phóng.
Đất rộng hơn mà trời cũng xanh hơn.
Quả trên cành cũng thêm ngon, thêm ngọt,
Hoa trong vườn cũng thêm sắc, thêm hương.


Và ý nghĩa những ca dao, tục ngữ
Ngày càng thêm thắm thiết, ngọt ngào.
Và "Truyện Kiều" mới có chân giá trị,
Và Nguyễn Du mới thành đại thi hào.


Thửa ruộng cũ cấy thêm mùa lúa mới,
Khung trời quê mọc những nóc lò cao.
Dây "cao thế" đã chăng dài khắp nẻo,
(Xóm làng tôi điện sẽ át trăng sao).


Những gỗ tốt đã dựng câu lạc bộ,
Gạo tám xoan thơm bếp lửa nhân dân.
Những cô Tấm tự tay xây hạnh phúc
Chẳng phải gian nan hoá kiếp mấy lần.


Và lớp lớp những anh hùng xuất hiện.
Sức thanh niên: sức Phù Đổng là đây!
Đẩy biển lùi ra, ngăn sông đứng lại,
Khẩu súng trường cũng hạ nổi máy bay.


Hội Diên Hồng thôn xã nào cũng mở,
Chuyện "kháng chiến trường kỳ" ai cũng nhớ nhập tâm.
"Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh"
Câu ấy giờ đây đã đúng cả trăm phần.


Đảng cùng dân đã viết thêm lịch sử,
Lửa Điện Biên sáng dậy cả trăm năm.
Lửa Ấp Bắc, Chu Lai cũng bừng rực rỡ,
Lửa chiến công đang chói lọi miền Nam.


Khi có Đảng, có Bác Hồ lãnh đạo;
Có truyền thống cha ông để lại tự bao đời.
Thì đánh Mỹ nhất định là phải thắng
Chuyện ấy, quê tôi, thành chuyện dĩ nhiên rồi.


***


Câu chuyện quê tôi, sơ sài mấy nét.
Bạn trở về xin kể mọi người hay.
Riêng phần tôi có thơ này tặng bạn,
Tặng quê mình, nhân dịp tết năm nay.


Bài thơ này nói lên tâm trạng khắc khoải chờ mong của một chàng trai nhớ lại quê hương của mình. Bài thơ được đặt vào khung cảnh nông thôn với dáng dấp một mối tình chân chất như trong ca dao và mang hương vị đồng quê mộc mạc…


Thơ hay của Nguyễn Bính 10: Bạch Đào



Tình cờ không hẹn bỗng mà nên
Một buổi đầu năm tếtKỷ Hợi
Cónăm người bạnbếnsông Hoàng
Gặp nhau uống rượu mừng năm mới
Chuyện thơ chuyện phú, chuyện non sông
Chuyện trước chuyện sau thật sôi nổi
Bỗng nhiên Hiếu Lang vỗ đùi khoe:
Đệ có cây đào hoa mới bói
Giống đào thật quý nhất xưa nay
Cánh trắng, bông to, sương tuyết gội...
Chợt nghe hoa quý nở vườn xuân
Bỏ ngay câu chuyện, lòng phơi phới
Nửa đêm đội mưa ra đi ngay
Quản chi nhà xa đường ướt lội
Như có người yêu hé cửa chờ
Như có bạn cũ đốt trầm đợi
Nhớ lại thời xưa Bất Thượng Thuyền
Lý Bạch nằm say không trở gối
Vì hoa nên phải đánh đường tìm
Đây phải chín tầng đem chiếu gọi


Đến nơi mở cửa, đốt đèn lên
Kẻ trước người sau bước vồi vội
Ra méTây Viên, tới gốc đào
Lặng ngắm hoa cười, im chẳng nói
Tất cả cùng chung nhớ một câu:
Hoa lưu động khẩu ưng trường tại
Khách nhân cao hứng đề thơ này.


Thơ hay của Nguyễn Bính 11: Bắt gặp mùa thu



Xơ xác hồ sen đã nhạt hương
Bên song hoa lựu cũng phai hường
Sớm mai lá úa rơi từng trận
Bắt gặp mùa thu khắp nẻo đường


Tóc liễu hong dài nỗi nhớ nhung
Trăng nghiêng nửa mái gội mơ mòng
Sầu nghiêng theo cánh chim lìa tổ
Biết lạc về đâu lòng hỡi lòng


Thu về sông núi bỗng tiêu sơ
Cây rũ vườn xiêu, cỏ áy bờ
Xử nữ đôi cô buồn tựa cửa
Nghe mùa gió lạnh cắn môi tơ


Sương phủ lưng đồi rặng núi xa
Thương ôi! Lữ khách nhớ quê nhà
Mấy thu mưa gió ngoài thiên hạ
Vườn cũ còn chăng cúc nở hoa?


Cha già ngừng chén biếng ngâm thơ
Đưa mắt nhìn theo hút dặm mờ
Xe ngựa người về tung cát bụi
Con mình không một lá thư đưa


Nghìn lạy cha già lượng thứ cho
Trót thân con vướng nợ giang hồ
Lòng son bán rẻ vào sương gió
Lãi được gì đâu? Đã mấy thu!


Một chút công danh rất hão huyền
Và dang dở nữa cuộc tình duyên
Thu sang, quán lẻ con đăm đắm
Rõi bóng quê nhà mắt lệ hoen.


Thơ hay của Nguyễn Bính 12: Bướm nói điêu



Em thấy đời em trống trải nhiều
Vì đời em chả có ai yêu
Đời em là một vườn hoa nở
Bướm hẹn về, rồi bướm nói điêu...


“Nói Điêu” tức là nói dối. Tác giả mượn hình ảnh con bướm để chỉ về người con gái “đời em chả có ai yêu”, thể hiện nỗi niềm muốn được yêu của một người phụ nữ, muốn được như bao cô gái khác trên đời.


Thơ hay của Nguyễn Bính 13: Cái quạt



Cái quạt mười tám cái nan
Anh phất vào đấy muôn vàn nhớ nhung
Gió sông, gió núi, gió rừng
Anh niệm thần chú thì ngừng lại đây.


Gió Nam Bắc, gió Đông Tây
Hãy hầu công chúa thâu ngày, thâu đêm
Em ơi công chúa là em
Anh là quan trạng đi xem hoa về


Trên giời có vẩy tê tê
Đôi bên ước thề duyên hãy tròn duyên
Quạt này trạng để làm tin
Đêm nay khép mở tình duyên với nàng.


Từ ngàn xưa, trên các làng quê Việt Nam đã có nhiều nghệ nhân làm quạt. Nhiều nhất là ở vùng quê Bắc Bộ. Đã có nhiều làng nghề làm quạt phát triển gắn bó cùng với những thăng trầm của quê hương. Đặc biệt, quạt đã trở thành hình tượng văn hóa nghệ thuật và ăn sâu vào đời sống văn hóa con người Việt Nam qua các câu chuyện cổ tích, thơ ca, hò vè, chẳng hạn như chuyện Thằng Bờm là một ví dụ. Bài thơ này Nguyễn Bính cũng cho ta thấy được hình ảnh cái quạt gần gũi, thân quen, nhưng lại mượn nó để nói về nỗi nhớ người yêu.


Thơ hay của Nguyễn Bính 14: Chiều thu



Thăm thẳm trời xanh lộng đáy hồ,
Mùi hoa thiên lý thoảng chiều thu.
Con cò bay lả trong câu hát,
Biấc trẻ say dài nhịp võng ru.


Lá thấp cành cao gió đuổi nhau,
Góc vườn rụng vội chiếc mo cau.
Trái na mở mắt, nhìn ngơ ngác,
Đàn kiến trường chinh tự thủa nào.


Lúa trổ đòng tơ, ngậm cốm non,
Lá dài vươn sắc lưỡi gươm con.
Tiếng chim mách lẻo cây hồng chín,
Điểm nhạt da trời những chấm son.


Hai cánh chia quân chiếm mặt gò,
Bê con đùa mẹ bú chưa no.
Cờ lau súng sậy giam chân địch,
Trận Điện Biên này lại thắng to.


Sông đỏ phù sa, nước lớn rồi,
Nhà bè khói bếp lững lờ trôi.
Đường mòn rộn bước chân về chợ,
Vú sữa đẫy căng mặt yếm sồi.


Thong thả trăng non dựng cuối làng,
Giữa nhà cây lá bóng xiên ngang.
Chiều con, cặm cụi đôi ngày phép,
Ngồi bẻ đèn sao, phất giấy vàng.


Ai đọc thơ của nhà thơ Nguyễn Bính mà không thấy cái độc đáo của hồn dân tộc đã ấp ủ trong thơ của ông, hay nói cách khác Nguyễn Bính đã đưa hồn dân tộc vào thi ca Việt nam hiện đại.


Thơ hay của Nguyễn Bính 15: Chờ



Hẹn cho một hẹn, anh chờ
Em may áo nái bao giờ cho xong
Lạy giời, tắt gió ngang sông
Qua đò biếu áo yên lòng em tôi.
Chị anh đi lấy chồng rồi.
Anh mong tằm tốt bằng mười mọi năm.


Nguyễn Bính là người đã góp công rất lớn vào nền văn học Việt Nam, những câu thơ giản dị, bình dân đã làm cho người đọc, khi đọc lên chỉ một lần đã thấy lòng mình lâng lâng giao cảm, dễ đọc, dễ mến và nhất là dễ thuộc. Nhưng có ai ngờ được rằng Nguyễn Bính lại có một cuộc sống lãng mạn và giang hồ giống như thơ của ông.


Thơ hay của Nguyễn Bính 16: Con tằm



Tôi rút ruột nhả dòng tơ óng mượt
Hôm nay đây dệt áo với thêu cờ.
Cờ non sông bay lộng giữa trời thu,
Sao sáng mọc, sắc tơ vàng óng ánh,
Áo lụa ấm những ngày đông giá lạnh.
Uốn xiêm tơ nhịp múa hội xuân lành,
Tôi âm thầm trong đống lá dâu xanh,
Nằm gọn ghẽ giữa lòng tơ vấn vít.
Tôi mải miết (cho dù tôi sẽ chết)
Tôi nhảy vào nước lửa để dâng tơ,
Nồi ươm sôi, khói nước tỏa sương mờ...
Người hãy gắng quay tơ và dệt lụa.
Xin hiển trọn cuộc đời tôi bé nhỏ
Cho cờ thiêng, cho áo ấm, cho người.


Xót xa thay! Xưa họ lấy hồn tôi,
Xe những sợi tơ đàn kỹ nữ,
Mê hát xướng, những chàng tuấn tú,
Đêm liền đêm rượu thịt say sưa.
Họ dệt tôi thành những tấm khăn tơ
Thêu nắn nót đôi trái tim rớm máu,
Mũi tên cắm, gửi tặng người yêu dấu.


Họ lại may thành những tấm long bào,
Khoác lên mình những kẻ ngự ngôi cao
Chuyên vui sướng trên máu xương trăm họ.
Kẻ quyền quý cắt tôi từng mảnh nhỏ,
May áo quần, xếp chặt những rương son.
Mà dân gian thì rét mướt gầy mòn
Quần áo vải rách bươm như mớ giẻ,
Tôi đã sống phí mùa xuân tuổi trẻ,
Oan dâu xanh mà uổng cả tơ vàng,
Làm trò chơi cho một bọn giàu sang,
Đem thiên hạ vùi sâu vòng khổ não...


Cách mạng nổi, một mùa thu gió bão
Gông ách xưa đều đổ gãy tan tành,
Tôi, con tằm, ăn những lá dâu xanh,
Của dân tộc do mồ hôi nước mắt
Bao dân lành trần cánh tay cuốc đất
Để nuôi tôi, tôi xin nhả tơ vàng,
Đây dòng tơ từ buổi gió thu sang!
Người hãy gắng quay tơ mà dệt lụa.
Xin hiến trọn cuộc đời tôi bé nhỏ
Cho cờ thiêng, cho áo ấm, cho người.


Thơ hay của Nguyễn Bính 17: Gái xuân



Em như cô gái hãy còn xuân,
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần,
Xuân đến, hoa mơ, hoa mận nở.
Gái xuân giũ lụa trên sông Vân.


Lòng xuân lơ đãng, má xuân hồng.
Cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng,
Đôi tám xuân đi trên mái tóc.
Đêm xuân cô ngủ có buồn không?


Mùa xuân là mùa của lễ hội, mùa của đôi lứa hẹn hò, trao nhau những lời hẹn ước. Mùa xuân cũng là mùa của cảm xúc thơ ca, thăng hoa trong tâm hồn các thi sĩ. Nếu như mùa xuân trong thơ Xuân Diệu đẹp đến vô thực, nồng cháy đến khiến ta say mê, điên cuồng muốn chiếm hữu thì mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính lại hoàn toàn khác. Với “Gái Xuân”, mùa xuân của Nguyễn Bính cũng đậm chất giản dị, thanh bình của làng quê Việt Nam như chính tâm hồn ông vậy!


Thơ của Nguyễn Bính 18: Hành phương Nam



Đôi ta lưu lạc phương Nam này
Trải mấy mùa qua én nhạn bay
Xuân đến khắp trời hoa rượu nở
Mà ta với người buồn vậy thay


Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu
Mà không uống cạn mà không say
Lời thề buổi ấycầu Tư Mã
Màáo khinh cừukhông ai may


Người giam chí lớn vòng cơm áo
Ta trí thân vào nợ nước mây
Ai biết thương nhau từ buổi trước
Bây giờ gặp nhau trong phút giây


Nợ thế chưa trả tròn một món
Sòng đời thua đến trắng hai tay
Quê nhà xa lắc, xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay


Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc
Ly tán vì cơn gió bụi này
Người ơi buồn lắm mà không khóc
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy


Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết
Ngày mai ra sao rồi hãy hay
Ngày mai có nghĩa gì đâu nhỉ?
Cốt nhất cười vui trọn tối nay


Rẫy ruồng châu ngọc, thù son phấn
Mắt đỏ lên rồi cứ chết ngay
Hỡi ơiNhiếp Chínhmà băm mặt
Giữa chợai người khócnhận thây


Kinh Kha giữa chợ sầu nghiêng chén
Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay?
Mơ gìấp Tiếtthiêu văn tự
Giày cỏ gươm cùn ta đi đây


Ta đi nhưng biết về đâu chứ?
Đã đẩy phong yênlộng bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi!


Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười
Dằn chén hất cao đầu cỏ dại,
Hát rằng phương Nam ta với ngươi.


Ngươiơi! Ngươi ơi! Hề ngươi ơi!
Ngươi ơi! Ngươi ơi! Hề ngươi ơi!
Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh,
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi...


Thơ của Nguyễn Bính 19: Hết bướm vàng



Anh trồng cả thảy hai vườn cải
Tháng chạp, hoa non nở cánh vàng.
Lũ bướm láng giềng đang khát nhuỵ
Mách cùng gió sớm rủ rê sang.


Qua dậu tầm xuân, thấy bướm nhiều
Bướm vàng vàng quá, bướm yêu yêu,
Em sang bắt bướm vườn anh mãi
Quên cả làng Ngang động trống chèo.


Cách có một hôm em chẳng sang
Hôm nay rã đám ở làng Ngang
Hôm nay vườn cải, hoa tàn hết
Em hỡi từ nay hết bướm vàng!


Năm sau vườn cải nở hoa vàng
Bướm lại sang mà em chẳng sang
Thui thủi một mình anh bắt bướm
Trống trèo thưa thớt đám làng Ngang.


Em đã sang ngang với một người
Anh còn trồng cải nữa hay thôi?
Đêm qua mơ thấy hai con bướm
Khép cánh tình chung ở giữa trời.


Thơ của Nguyễn Bính 20: Mắt nhung



Bao năm đi giữa kinh thành
Bao năm lẻ bóng, lẻ hình, lẻ đôi.
Cả kinh thành có những ai?
Cả kinh thành có một người mắt nhung!


Người ơi cứu vớt tôi cùng
Dành đôi mắt đẹp cho lòng rất đơn
Tôi còn mơ ước gì hơn!
Hai tay người chắp phím đờn cho tôi
Phải chăng tôi đã yêu rồi?
Hồn xin qùi dưới mắt người từ đây


Đêm qua buồn quá tôi say
Đã mơ một giấc mơ đầy mắt nhung!


Thơ của Nguyễn Bính 21: Màu tím Huế



Thôi thế là em cách biệt rồi!
Đường đi mỗi bước lại xa xôi
Tim tím rừng chiều, tim tím núi
Tim tím chiều hôm, tim tím mai


Ban chiều tim tím nhớ mong nhau
Đêm tối kìa em tím rất nhiều
Anh cúi xuống hôn màu tím giấy
Thư về em, tím nét thương đau


Mai mốt rồi đây lầm cát bụi
Anh lại đường xa trải kiếp người
Tim tím rừng chiều, tim tím núi
Chiều hôm nhiều tím thế em ơi!


Thơ của Nguyễn Bính 22: Mùa đông đan áo



Đã quyết không... không... được một ngày
Rồi yêu mất cả buổi chiều nay
Chiều nay bướm trắng ra nhiều quá!
Không biết là mưa hay nắng đây?


Lâu nay tôi thấy ở lòng tôi
Như có tơ vương đến một người
Người ấy, nhưng mà tôi chả nói
Tôi đành ngậm miệng nữa mà thôi.


Tôi quen ngậm miệng với tình xưa
Tình đã sang sông đã tới bờ
Tình đã trao tôi bao oán hận
Và đem đi cả một thuyền mơ.


Mơ có năm năm đã vội tàn,
Có nàng đan mãi áo len đen.
Có nàng áo đỏ đi qua đấy,
Hương đượm ba ngày hương chưa tan.


Mà hương đượm mãi ở hồn tôi,
Tôi biết là tôi yêu mất rồi!
Tôi biết từ đây tôi khổ lắm,
Chiều nay gió lạnh đấy, nàng ơi!


Tất cả mùa đông đan áo len
Cho người cho tất cả người quen
Còn tôi người lạ, tôi người lạ,
Có cũng nên mà không cũng nên.


Oán đã bao la, hận đã nhiều
Cớ sao tôi vẫn chả thôi yêu?
Tôi đi mãi mãi con đường ấy
Qua lại hôm nay, sáng lại chiều.


Thơ của Nguyễn Bính 23: Mùa xuân xanh



Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh.


Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi luỹ tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.


Thơ của Nguyễn Bính 24: Mưa xuân (II)



Chiều ấm mùi hương thoảng gió đưa
Tà tà mưa bụi rắc thưa thưa
Cây cam cây quít cành giao nối
Lá ngửa lòng tay hoa đón mưa.


Nào ai nhìn thấy rõ mưa xuân
Tơ nhện vừa giăng sợi trắng ngần
Bươm bướm cứ bay không ướt cánh
Người đi trẩy hội tóc phơi trần.


Đường mát da chân lúa mát mình
Đôi bờ cỏ dại nở hoa xanh
Gò cao đứng sững trâu kềnh bụng
Nghếch mõm nghe vang trống hội đình.


Núi lên gọn nét đá tươi màu
Xe lửa về Nam chạy chạy mau
Một toán cò bay là mặt ruộng
Thành hàng chữ nhất trắng phau phau.


Bãi lạch bờ dâu sẫm lá tơ
Làng bên ẩm ướt giọng chuông mờ
Chiều xuân lưu luyến không đành hết
Lơ lửng mù sương phảng phất mưa.


Thơ của Nguyễn Bính 25: Nàng đi lấy chồng



Hôm nay ăn hỏi tưng bừng
Ngày mai thì cưới, độ chừng ngày kia
Nàng cùng chồng mới nàng về
Rồi cùng chồng mới nàng đi theo chồng
Tôi về dạm vợ là xong
Vợ người làng, vợ xóm Đông quê mùa
Vợ tôi không đợi, không chờ
Không nhan sắc lắm, không thơ mộng gì
Lấy tôi bởi đã đến thì
Lấy tôi không phải bởi vì yêu tôi
Hôm nay tôi lấy vợ rồi
Từ đây tôi sẽ là người bỏ đi
Pháo ơi, mày nổ làm gì?
Biến ra tất cả pháo xì cho tao!


Thơ của Nguyễn Bính 26: Nhớ người trong nắng



Hà Nội có hồ loạn tiếng ve,
Nắng dâng làm lụt cả trưa hè,
Năm xưa, một buổi đang mưa lụt
Tôi tiễn chân người sang biệt ly.


Từ buổi về đây, sầu lại sầu
Người xa vời quá, ai thương đâu!
Tôi đi ngửa mặt trên hè vắng
Xem những cành cây nó cưới nhau.


Nhớ nhung trắng xoá cả mây trời,
Trắng xoá hồn tôi, ai nhớ tôi?
Hoa cuối cùng xoan rồi rụng hết
Lấy gì phảng phất được màu môi?


Có một trai hiền, một gái xinh
Ngang qua, chừng giữa chuyện ân tình
Trai cười: "Bữa ấy mình toan giữ
Mãi dấu môi son giữa má mình..."


Cây bỗng thưa dần, bóng dãn ra
Quanh tôi chỉ thấy nắng chan hoà,
Hồn này lãng đãng trôi trong nắng
Cho được trôi về bến Trữ La!


Thơ của Nguyễn Bính 27: Oan nghiệt



Hôm nay bắt được thư Hà Nội
Cho biết tin Dung đã đẻ rồi
Giờ Sửu, tháng ngâu, ngày nguyệt tận
Bao giờ tôi biết mặt con tôi?
Nào xem thử đoán tên con gái
Oanh, Yến, Đào, Trâm, Bích, Ngọc, Hồi?
Tôi biết vô tình Dung lại muốn
Con mình mang lấy nghiệp ăn chơi.
Ngọc nữ trót sinh vào tục luỵ
Đời con rồi khổ đấy con ơi!
Mẹ con đeo đẳng nghề ca xướng
Nuôi được con sao, giời hỡi giời!
Mẹ con chỉ đợi hồng đôi má
Chỉ đợi chiều xuân kia thắm tươi
Hôn con một chiếc, hay là khóc
Rồi gửi cho người thiên hạ nuôi.
Mẹ con nịt vú cho tròn lại
Chiều cái hoang đàng lũ khách chơi.
Đời cha lưu lạc quê người mãi
Kiếp mẹ đêm đêm bán khóc cười.
Có mẹ, có cha mà đến nỗi
Miệng đời mai mỉa gái mồ côi.
Vài ba năm nữa, con khôn lớn
Uốn lưỡi làm sao tiếng "mẹ ơi!"
Đời em xuống dốc, tôi lên dốc
Nào có vui gì, khổ cả đôi.
Sương chiều, gió sớm, bao đơn chiếc
Bướm lại, ong qua, mấy ngậm ngùi?
Sắt son một chuyến trăng còn sáng
Tâm sự đôi dòng nước chảy xuôi.
Cỏ bồng trở lại kinh kỳ được
Hoa đợi hay bay xứ khác rồi.
Vô khối ngọc trong the thắm đấy
Dung còn chung thuỷ nữa hay thôi?
Rồi có một đêm, màn rủ thấp
Ngã vào tay một khách làng chơi.
Em có nghĩ rằng trong hắt hủi
Con mình trằn trọc cánh tay ai?
Em có nghĩ rằng trong quán trọ
Đầu tôi lại gối cánh tay tôi?


Cha mẹ đã không nuôi dạy được
Con là phận gái, hạt mưa sa
Chân bùn, tay lấm hay hài hán
Hay lạiBình Khang, lại nguyệt hoa
Cành đưa, lá đón theo đòi mẹ
Phách ngọt, đàn hay tục xướng ca
Cha lo ngại lắm là con gái
Chẳng có bao giờ biết mặt cha
Con mười sáu, bảy xuân đương độ
Cha bốn, năm mươi chửa trót già.
Cha buồn tiễn khách hơi thu quạnh
Con thẹn che đàn nửa mặt hoa.
Chàng chàng, thiếp thiếp, vui bằng được
Bố bố, con con, chẳng nhận ra
Một lứa lên giời chung lận đận
Thương nhau, cha soạn khúc "Tỳ bà"
Áo xanh mà ướt vì đêm ấy
Tội nghiệp đời con, xấu hổ cha.
"Khóm cúc tuôn đôi dòng lệ cũ
Con thuyền buộc một mối tình nhà..."


Giờ đây cha khóc mà thương nhớ
Gửi vọng về con một chiếc hôn.
Tiền, cha không đủ hoàn lương mẹ
Còn lấy đâu mà nuôi nấng con?
Thôi cha cầu chúc cho con gái
Mắt chớ lưu cầu, môi chớ son
Càng tài sắc lắm càng oan nghiệt
"Bảy nổi ba chìm với nước non"
Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ
Nghèo lắm, con ơi! Bạc lắm con!
Ở đây, cha khóc mà thương nhớ
Đất Huế dầm mưa mấy tháng tròn...


Thơ của Nguyễn Bính 28: Quê tôi



Quê tôi có gió bốn mùa
Có giăng giữa tháng, có chùa quanh năm.
Chuông hôm, gió sớm, giăng rằm:
Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi.
Tôi về đây, đã lâu rồi,
Nằm trong cô tịch nhớ người phồn hoa
Tóc tơ, mình liễu da ngà,
Một người càng nhớ, càng xa một người
Ngày trông mây trắng bay hoài,
Đêm mơ áo trắng bay dài năm canh
Lòng vàng lạc cánh chim xanh,
Lạc từ cái ý chung tình lạc đi.
Chẳng điên chẳng dại là gì.
Bổng dưng mà biệt mà ly mọi người.
Chưa xa đã nhớ nhau rồi.
Nữa là hơn một tháng giời xa nhau.


Người đi nghỉ mát những đâu,
Đồ Sơn, Tam Đảo, nhà lầu xe hơi:
Ở đây, tôi chỉ đợi giời,
Mưa vàng một trận là tôi lên đường.
Sông ngang, núi trái bất thường,
Buồng the chẳng xót dậm trường thì thôi.
Mai ngày tôi bỏ quê tôi,
Bỏ giăng, bỏ gió, chao ôi! bỏ chùa.
Đem thân đi với giang hồ,
Sân ga phẳng lặng, bến đò lênh đênh.
Quê hương chẳng nhớ cũng đành,
Cũng xin dâng cả chân tình cho ai.


Năm năm mây trắng bay hoài,
Hồn tôi áo trắng tang dài đêm đêm.


Thơ của Nguyễn Bính 29: Trở Về Quê Cũ



Đi đã mười năm mới trở về
Tâm tình tràn ngập bước đường quê
Nghe sao nao nức như hồi trẻ
Níu áo theo cha buổi hội hè!


Dãy núi Trang Nghiêm đứng chống trời
Mười năm núi vẫn đợi chờ tôi
Sườn cao rêu phủ xanh đồn giặc
Tôi đã về đây: núi mỉm cười!


Ruộng vỡ đường cày, ngõ trải rơm
Phải đây Văn Miếu lối vào thôn?
Đi lâu quên cả màu hoa đại
Quên cả mùi hương gạo tám thơm!


Ngõ xuống bờ ao chơi ú tìm
Nhà em hàng xóm biết đâu tìm?
Biết đâu vườn táo cành sai quả
Giếng đá trăng vàng đâu bóng em?


Một cơn khói lửa mấy tơi bời
Cảnh cũ làng xưa khác cả rồi
Ngước mắt trông lên trời cũng lạ
Nhà ai đây chứ phải nhà tôi!


Hỏi tên nhận mặt nhớ ra rồi
Mừng tủi bâng khuâng khóc lẫn cười
Trẻ xóm mười năm giờ lớn bổng
Mười năm mất mát biết bao người...


Mẹ cha khuất núi mấy thu tròn
Vườn táo cô mình đã bốn con
Nhớ thuở hội xuân chèo dóng trống
Xin mình giấy đỏ đánh môi son


Nháo nhác đầu hồi chim sẻ kêu
Mưa thưa trắng lạnh nửa ao bèo
Sửa sai câu chuyện với trầu mặn...
Giọng kể cô tôi nặng bóng chiều!


. . . . . . . . . . . . . . . . . .


Đất nước qua bao trận mất còn
Vàng son vẫn vẹn giá vàng son
Cô mừng trẻ lại năm mười tuổi,
Chẳng uổng công mình, xương máu con.


Xuân này vui tết lại vui quê
Lại chuyện làm ăn, chuyện hội hè,
Xanh biếc đầu xuân nương mạ sớm
Dậu tầm xuân nở, bướm vàng hoe.


Vào đám làng tôi mở trống chèo
Bay cờ, lộng gió, đỏ đuôi nheo
Lớp mà Thị Kính nuôi con mọn
Tôi biết người xem lệ chảy nhiều...


Hôm ấy tôi đi nắng ửng vàng
Bời bời ngõ cũ tím hoa xoan:
Xóm giềng tiễn biệt, cô đưa cháu
Đến mãi đầu thôn cạnh giếng làng.


Dãy núi Trang Nghiêm nhích lại gần
Trời cao vời vợi một màu xuân
Ta đi, chào núi, ta đi nhé!
Phơi phới tình quê buổi xuất quân...


Thơ của Nguyễn Bính 30: Tuyệt Tác



Cánh chim rời phương Nam
Xây tổ cành phía Bắc
Sông núi còn đôi miền
Nhân duyên đà thống nhất!...


Đây đó dù muôn dặm
Trong ngoài đều một lòng
Son sắt ngày thêm thắm
Mừng riêng mà vui chung


Gái đầu lòng xin đặt
Tên cháu là Hiền Lương
Trai đầu lòng xin đặt
Tên cháu là Trường Sơn!


... Kề vai nhau đấu tranh
Cho đến ngày thắng lợi
Chị về thăm quê anh
Cháu về thăm quê nội!


... Tình nghĩa càng vuông tròn
Bắc Nam càng khắng khít
Cung đàn càng véo von
Lời văn càng thắm thiết!


... Hạnh phúc vang lời thơ
Ái ân lừng điệu nhạc
Biển chung thuỷ tràn bờ
Tình yêu thành tuyệt tác!


Bài thơ này được Nguyễn Bính làm tặng nhà văn Đoàn Giỏi khi lấy vợ trên đất Bắc. Đoàn Giỏi và Nguyễn Bính có rất nhiều kỷ niệm trong kháng chiến cũng như lúc cùng tập kết ra Bắc.

Trên đây là bài viết về Top những bài thơ hay nhất của Nguyễn Bính? Mong rằng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn có thêm nhiều kiến thức hay và bổ ích về thơ trong kho tàng văn học Việt Nam.

Xem thêm:Top những bài thơ hay nhất của Xuân Diệu
 
  • Chủ đề
    thơ tho hay thơ nguyễn bính
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,746
    Bài viết
    467,571
    Thành viên
    339,849
    Thành viên mới nhất
    chicstore.accessories
    Top