Văn lớp 11: Cảm nhận, cảm nghĩ về Bài ca Côn sơn

Hướng dẫn bài làm phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bài ca Côn sơn. Thiên nhiên quanh ta luôn đẹp và hùng vĩ. Đó là những bức tranh muôn màu muôn vẻ, muôn sắc muôn hình, mà dưới mỗi con mắt, cảm nhận của mỗi người, bức tranh ấy sẽ mang màu sắc ra sao. Đứng trước thiên nhiên tươi đẹp, làm sao ta có thể ngó lơ mà không chút động lòng? Nghe tiếng chim hót líu lo trên cành hoa đào, dưới ánh nắng nhè nhẹ của mùa xuân, lòng ta thấy yên bình, thấy khung cảnh trước mắt ngọt ngào, dịu dàng biết mấy. Đi trên con đường lá phong nhè nhẹ bay xào xạc trong gió, ta thấy lòng nhẹ nhàng, cảm giác như đang đứng trong một khung cảnh của một bộ phim truyền hình lãng mạn. Đứng từ xa ngắm thác nước ào ào nước đổ, ta thấy lòng dâng dâng một cảm giác mãnh liệt lạ thường. Thiên nhiên tươi đẹp khiến lòng người chẳng thể đứng yên, cứ phải xao xuyến khác thường. Giống như Nguyễn Trãi trước thiên nhiên xanh mát, thơ mộng hùng vĩ, thi nhân không thể nào không bật ra những vần thơ bay bổng “ Côn Sơn ca”. Dưới đây là bài viết hướng dẫn Cảm nghĩ về Bài ca Côn Sơn

bai-ca-con-son.jpg

Tiếng suối


BÀI LÀM 1 CẢM NHẬN CÔN SƠN CA
Nhớ về Nguyễn Trãi người đời sẽ nhớ ông là một con người tài năng toàn diện. Một nhà quân sự tài ba, một nhà doanh nhân văn hoá, và trước hết ông là một nghệ sĩ thơ ca xuất chúng. Thơ ca ông giúp ông được ví là ngôi sao sáng trên nền trời văn học Việt Nam. Không chỉ có những vần thơ chính luận như “Cáo Bình Ngô” mà Nguyễn Trãi còn viết những bài thơ đầy chất trữ tình : “ Côn Sơn ca” – “Bài ca Côn Sơn”.

“Bài ca Côn Sơn” được dịch lại theo thể thơ lục bát gần gũi quen thuộc với đại đa số quần chúng nhân dân vì đó là thể thơ của dân tộc ta. Bài thơ được sáng tác trong hoàn cảnh Nguyễn Trãi rút về ở ẩn trên núi Côn Sơn. Tại đây,ông được sống hoà mình với thiên nhiên đất trời và từ đó những cảm hứng thơ ca đến đầy tự nhiên.

Mở đầu bài thơ, Nguyễn Trãi khắc hoạ bức tranh thiên nhiên đất trời Côn Sơn hùng vĩ, xanh mát, đầy thi vị:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm.
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Trong rừng có bóng trúc râm,
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.”
Mở ra trước mắt là Côn Sơn hùng vĩ với suối chảy nghe xa như tiếng đàn, có đá rêu xanh, có rừng thông bạt ngàn, có rừng trúc toả bóng râm,… Một bức tranh nên thơ, bình yên đến lạ. Suối được tả bằng âm thanh, được ví von như tiếng đàn cầm du dương trầm bổng. Đá được tả bằng màu xanh. Tiếng đàn cầm du dương bên tai, trong rừng rêu trên đá khiến cho nhà thơ ngồi trên đó cảm giác giống như là đang ngồi trên đệm êm. Những bóng trúc râm và những cây thông cao vút. Màu xanh của cây rừng đến những tiếng suối rì rầm kia giao hòa với tâm hồn người nghệ sĩ. Dưới sự thoải mái của tâm hồn trước cái đẹp thơ mộng thi vị của thiên nhiên khiến nhà thơ tự nhiên mà cất lên những câu thơ như ngâm nga trong khoảng không gian tươi xanh thoáng đạt. Cảnh vật được quan sát tỉ mỉ bằng mọi giác quan: thị giác, thính giác cùng những trường liên tưởng so sánh đặc sắc. Tất cả hiện lên nhẹ nhàng, thanh thản dưới cái nhìn mơ mộng và trái tim yêu thiên nhiên của Nguyễn Trãi.

Trước thiên nhiên thơ mộng và hùng vĩ, con người hiện lên với tư thế chủ động. Nguyễn Trãi về Côn Sơn sống ẩn dật, sống hoà mình vào cuộc sống bình yên của người nông dân, trải hồn mình vào thiên nhiên Côn Sơn hùng vĩ, thơ mộng. Nhân vật trữ tình xưng “ta” cùng với một loạt các hành động, tư thế và tâm thế chủ động : “ Ngồi, nghe, nằm, ngâm thơ”. Ngồi trên đá mà ví như “ngồi nệm êm” đủ để thấy tâm tư tĩnh tại, ẩn ý một điều gì đó sâu sắc về thế sự, thời cuộc. “Ta” nằm thảnh thơi dưới bóng trúc râm, ngâm những câu thơ “nhàn”. Tâm hồn thi sĩ tự do, chẳng lo âu đến chuyện thế sự, không buồn lo chuyện đời, mà hoà quyện lòng mình vào thiên nhiên. Sống tự do, thanh thản. Người và vật như hoà quyện vào nhau, sống chan hoà với nhau. Gắn bó với nhau nhưng con người không bị tan biến trước thiên nhiên thoáng đạt. Nhân vật “ta” ước muốn được hoà mình vào cảnh vật một cách trọn vẹn, chân tình. Qua đó thể hiện được sức sống thanh cao, sự hoà hợp giữa con người với thiên nhiên trong lành.

Đoạn trích “Côn Sơn ca” là những vần thơ ca ngợi, tự hào về cái đẹp, cái nên thơ của quê hương. Từ đó khái quát thành lòng yêu quê hương, cảm xúc về cuộc sống thanh thản trong sự hoà hợp với thiên nhiên. Qua đó ta thấy được tâm hồn trong sáng yêu thiên nhiên tha thiết của một tài năng Nguyễn Trãi.

BÀI LÀM 2 CẢM NGHĨ, CẢM NHẬN BÀI CA CÔN SƠN CA
Nguyễn Trãi là một nhà ngoại giao, nhà quân sự, nhà văn hóa lớn của dân tộc, và trên tất cả, ông là một nhà văn, nhà thơ với gia tài văn học đồ sộ. Thơ văn ông từng thời kì gắn liền với những biến chuyển trong cuộc đời ông trong một thời đại nhiều biến động. Có một thời gian ông đã phải cáo quan về ở ẩn ở Côn Lôn và đã có nhiều sáng tác tuyệt vời ở đây mà bài thơ “Côn Sơn ca” là một bài thơ như vậy. Đọc bài thơ ta không khỏi những xúc cảm rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của con người khơi dậy trong lòng.
Ngay từ những câu thơ đầu tiên đã đem lại cho người đọc những cảm giác thanh thoát với giai điệu của thiên nhiên đất trời Côn Sơn:
Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Cách so sánh tiếng suối với tiếng đàn cầm thật hay và thú vị .Tiếng suối ở Côn Sơn có lẽ phải trong vắt, mỗi dòng chảy là mỗi dòng âm thanh lên xuống, vang xa muôn dặm trong một không gian yên tĩnh đến thanh bình mới khiến cho thi nhân có liên tưởng đến âm thanh của tiếng đàn cầm lúc lên lúc xuống, trầm bổng, réo rắt bên tai. Đọc những dòng này, chính độc giả cũng cảm giác bản thân đang được phưu lưu trong không gian tuyệt vời ấy. Và hình ảnh người thi nhân hiện ra thật sự ung dung, hòa nhập với thiên nhiên Côn Sơn:
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm.
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Trong rừng có bóng trúc râm,
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.
Đại từ “ta” vang lên hết sức thanh thoát, tự tại, bộc lộ một tâm thế tự do, chủ động của chủ thể trữ tình. Dường như mọi khung cảnh ở Côn Sơn đều hiền hòa, êm đềm tới mức con người trở nên ung dung, hòa quyện vào với nó. Qua cách phác họa của thi nhân, ta có thể thấy thiên nhiên Côn Sơn không chỉ đẹp mà còn có chút cổ kính với “đá rêu phơi”, tràn đầy sức sống với: “ghềnh thông mọc như nêm” và con người hiện lên giống như một phần của thiên nhiên ấy: “ngồi trên đá”, “nằm”, “ngâm thơ”. Ở giữa thiên nhiên, con người có phải đã tìm được một sự thảnh thơi nhất định, không còn sự ồn ã, bon chen chốn quan trường mà chỉ còn âm thanh du dương của tiếng suối, âm thanh xào xạc của lá xanh trong một không gian thanh mát, yên lành, bình dị mà thanh tao. Những câu thơ như phần nào diễn tả được cung cách sống thanh tao, hòa mình với thiên nhiên của Nguyễn Trãi trong những ngày tháng về ở ẩn ở Côn Sơn, những tháng ngày hết sức tươi đẹp, không phải lo toan việc triều chính. Giữa một thiên nhiên xanh ngát sự sống như vậy, con người đâu thể nào ưu tư mà quên đi vẻ đẹp của nó?

Trong những màu xanh của thiên nhiên nơi đây, ta nhận ra màu xanh của “trúc” làm khung cảnh cho chất thơ của người nghệ sĩ bay lên. Trúc là biểu tượng cho người quân tử, ý thức tìm đến bóng râm của trúc để ngâm thơ có lẽ là ý thức của một người quân tử và luôn quý trọng quân tử. Nhưng có điều rằng có thật là Nguyễn Trãi đang “nhàn”, có lẽ là nhàn thân nhưng chưa nhàn thân, trong khi vận nước còn chưa ổn định, một con người của non sông như ông sao lại không trăn trở?

Với thể thơ lục bát quen thuộc của dân tộc, hình ảnh thơ cổ kính mà cũng giản ị, gần gũi, Nguyễn Trãi đã vẽ ra trước mắt người đọc một bức tranh thiên nhiên Côn Lôn thật yên bình, thanh tao với những nét chấm phá tạo nên vẻ đẹp thanh thoát, êm đềm như cõi bồng lai, ở đó, con người thanh nhàn như những tao nhân mặc khách, sống chan hòa với thiên nhiên và thư thái tâm hồn.

“Côn Sơn ca” không chỉ còn là thơ mà tựa như những âm thanh của cây tiếng đàn cầm cất lên từ tâm hồn yêu thiên nhiên của người thi sĩ họ Nguyễn.
 
  • Chủ đề
    bài ca côn sơn cảm nghĩ bài ca côn sơn cảm nhận bài ca côn sơn
  • Top