Văn lớp 11: Phân tích cảm nhận khổ đầu bài Từ ấy của Tố Hữu

Hướng dẫn viết bài văn cảm nhận, phân tích khổ đầu bài “Từ ấy” có bài viết tham khảo Tố Hữu. Đối với mỗi người dân Việt Nam yêu nước, từng trải, Đảng luôn là một hình tượng thiêng liêng, sự hi sinh cao cả trong lịch sử đấu tranh cách mạng, người mở đường cho sự tiến lên của đất nước. Đề tài về Đảng, Tổ quốc, quê hương luôn luôn được các nhà thơ luôn quan tâm tới. Đặc biệt những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp văn thơ Cách Mạng ca ngợi về Đảng xuất hiện phong phú. Nó trở thành mảnh đất màu mỡ để các nhà thơ, nhà văn khai phá và cảm nhận. Ánh sáng Cách Mạng, ánh sáng của Đảng soi sáng cho cuộc sống tăm tối của chế độ thực dân nửa phong kiến của đất nước ta thời kì này. Chính nhờ Đảng và Cách mạng đã thôi thúc tình yêu dân tộc, tình yêu tổ quốc, ý chí bảo vệ đất nước của mọi người dân Việt Nam. Tố Hữu không nằm ngoài đó. Những vẫn thơ mở đầu bài “ Từ ấy” đã minh chứng cụ thể cho tình yêu, niềm tin với Đảng, với Cách Mạng. Dưới đây là hướng dẫn bài viết số 78 lớp 11 : Phân tích khổ đầu bài thơ “Từ ấy”.

bai-tho-tu-ay.jpg

BÀI VĂN PHÂN TÍCH KHỔ ĐẦU BÀI THƠ “TỪ ẤY”
Người con của xứ Huế mộng mơ, người chiến sĩ cách mạng, và cũng là cây bút thơ ca Cách Mạng tiêu biểu – Tố Hữu. Từ khi còn trẻ- 18 tuổi, ông đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trong nhiệt huyết tuổi tre, hạnh phúc trào dâng, niềm tin mãnh liệt vào Đảng, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “ Từ ấy” để thể hiện cảm xúc của mình. Khổ thơ đầu bài “ Từ ấy” là khúc dạo đầu của dòng mạch cảm xúc ấy.
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi như một vườn hoa lá
Rất đậm hương và đậm tiếng chim”

Trước hết cảm nhận về hai chữ “ Từ ấy”. “ Từ ấy” ở đầu đoạn thơ được lặp lại từ tên bài thơ. “ Từ ấy” mà tác giả nhắc tới là một mốc thời gian vô cùng quan trọng. Đó là những ngày của năm 1938, tháng ngày đất nước ta đang gồng mình chống giặc ngoại xâm, khi đó Đảng được thành lập. 18 tuổi-mốc thời gian đáng nhớ của tác giả, khi ấy tác giả được vinh dự đứng trong hàng ngũ Cách Mạng Đảng. “ Từ ấy” của tác giả là cột mốc thời gian tự hào của chàng thanh niên trẻ tuổi hạnh phúc, vinh dự khi được gia nhập Đảng Cộng Sản.

“ Bừng nắng hạ”, ba chữ vang lên mà làm sáng bừng cả câu thơ. Với Tố Hữu được tham gia vào đội ngũ Đảng là một niềm hạnh phúc, một điều tự hào trân trọng. Tác giả nói “ bừng nắng hạ”, không phải nắng xuân nhàn nhạt, không phải nắng đông lạnh lẽo cũng chẳng phải nắng thu dịu dàng mà là cái nắng hè chói chang rực rỡ nhất. “ Bừng nắng hạ” vì nắng mùa hè đẹp nhất, sáng nhất làm tỏ rực một trái tim nhiệt huyết.

Hình ảnh “ mặt trời chân lí” tiêu biểu và đặc sắc. Đó là hình ảnh ẩn dụ về lí tưởng cách mạng. “Chân lí” là những đường hướng, lí tưởng của Đảng Cộng Sản vạch ra cho Cách Mạng, đứng đầu là Hồ Chủ tịch đáng kính hay nói một cách khái quát, chân lí là đường hướng của Mác – Lê nin mà Bác Hồ học được, áp dụng cho Cách Mạng của ta. Ví “ chân lí” với “ mặt trời” bởi không có gì rực rỡ, không có gì sáng đẹp hơn mặt trời. Mặt trời biểu tượng cho chân trời mới, cho tương lai sáng ngời. Chữ “ chói” nhấn mạnh ánh sáng của chân lý đã soi rọi, chiếu thẳng vào trái tim của chàng trai nhiệt huyết tình yêu Cách Mạng.

Hai câu thơ đầu với lối nói ẩn dụ, hình ảnh đã nhấn mạnh tình yêu cách mạng, niềm tin vào Đảng của chàng thanh niên. Chàng trai ấy nhận ra bóng tối của những đêm đen thực dân đàn áp nhờ ánh sáng Cách Mạng, nhờ ánh sáng của Đảng đã được xoá tan. Đọc hai câu thơ mà lòng ta cũng hừng hực một tinh thần, niềm tin vào Đảng Cộng sản với những đường lối Cách Mạng đúng đắn.

Hai câu thơ tiếp theo tiếp tục diễn tả cảm xúc dào dạt của người thanh niên khi được ánh sáng Đảng giác ngộ:
“Hồn tôi như một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”

Câu thơ giàu hình ảnh và thật bay bổng lãng mạn. Tố Hữu ví hồn mình với “ vườn hoa lá” Cách so sánh đậm lãng mạn, yêu đời. Ánh sáng của Đảng đã khiến tâm hồn người chiến sĩ ngập sắc hương thơm và rộn ràng tiếng chim hót líu lo. Đảng đã đem đến cho người thanh niên trẻ tuổi tình yêu với cuộc sống, yêu Cách Mạng và tin tưởng vào Cách Mạng. Không còn là những xúc buồn bã như thơ ca xưa, thơ ca Cách Mạng tiêu biểu là thơ của Tố Hữu mang cái tình vui vẻ, mang cái hồn nhiệt huyết sục sôi ý chí.

Khổ thơ đầu bài “ Từ ấy” vang lên tiếng cảm xúc dạt dào, hạnh phúc tột cùng của chàng thanh niên trẻ khi lần đầu tiên được ánh sáng Đảng soi chiếu, chỉ đường vạch lối. Chỉ một khổ đầu mà tác động sâu sắc đến tâm trí người đọc về ý chí Cách Mạng, về tình yêu nước, về tinh thần chống giặc của thanh niên trẻ Việt Nam.
 
  • Chủ đề
    cam nhan phan tich to huu từ ấy
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,642
    Bài viết
    467,390
    Thành viên
    339,825
    Thành viên mới nhất
    LuatMinhTu
    Top