Văn lớp 11: Phân tích thái độ của nhân vật Huân Cao với viên quản ngục

Hướng dẫn học sinh lập dàn ý và bài văn mẫu đề bài: phân tích thái độ của nhân vật Huân Cao với viên quản ngục. Nguyễn Tuân là một trong những cây bút xuất sắc của chủ nghĩa lãng mạn, các tác phẩm của Nguyễn Tuân thể hiện một cái gu, cái tạng riêng mà ta không tìm thấy ở bất kì một cây bút nào khác, ông không để mình giống ai và cũng không để ai giống mình. Và một trong những truyện ngắn xuất sắc của ông đó là tác phẩm “Chữ người tử tù”, trong đó nhân vật Huấn Cao được xây dựng là một hình tượng mang vẻ đẹp lí tưởng, gửi gắm nhiều thông điệp mà nhà văn muốn truyền tải đến người đọc. Đặc biệt thái độ mà nhân vật Huấn Cao đối với quản ngục qua diễn biến và thái độ của quản ngục đã cho thấy sự tài tình trong việc miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật của Nguyễn Tuân. Vậy thì hôm nay mình sẽ giúp các bạn bài văn phân tích thái độ của nhân vật Huấn Cao với viên quản ngục nhé. với đề bài này, các bạn cần phân tích để người đọc thấy được sự thay đổi trong diễn biến tâm trạng và thái độ của Huân Cao như thế nào. Mời các bạn tham khảo bài làm dưới đây nhé.

BÀI VĂN PHÂN TÍCH THÁI ĐỘ CỦA NHÂN VẬT HUẤN CAO VỚI VIÊN QUẢN NGỤC
“Chữ người tử tù” trích trong tập truyện vang bóng một thời của Nguyễn Tuân. Tác phẩm được xem là một trong những truyện ngắn xuất sắc của ông. Đặc biệt nhân vật chính của truyện là Huấn Cao qua sự thay đổi trong diễn biến tâm lí của mình đã cho thấy vẻ đẹp của nhân cách cũng như ngòi bút miêu tả tâm lí tài tình của Nguyễn Tuân.

Huấn Cao được Nguyễn Tuân xây dựng là một hình tượng mang vẻ đẹp lí tưởng, xuất phát từ cảm hứng ngưỡng mộ của nhà văn với bậc kì tài Cao Bá Quát. Ông trước hết là mọt người có khí phách hiên ngang, là một bậc anh hùng bất đắc chí, bất mãn với thời cuộc nên đã nổi dậy đứng đầu đội quân phiến loạn chống lại triều đình. Trong khi đó, viên quản ngục lại là một công cụ giúp bảo vệ triều đình. Như vậy quản ngục và Huấn Cao đứng ở hai bên chiến tuyến đối lập nhau, chính vì vậy diễn biến tâm lí, thái độ của Huấn Cao đối với quản ngục là những đoạn được Nguyễn Tuân khắc họa rất đặc sắc.

Ban đầu, khi mới bước chân vào nhà lao, Huấn Cao đã tỏ thái độ khinh bạc với những tên quản ngục, thản nhiên hưởng rượu thịt mà viên quản ngục biệt đãi. Khi quản ngục đến thăm ông Huấn, ông lạnh lùng đáp trả lại tấm lòng chân tình của quản ngục. Khi viên quản ngục hỏi ông Huấn liệu có cần thêm gì thì cứ yêu cầu, ông sẽ cố gắng chu tất thì Huấn Cao đáp lại rằng: Ta chỉ muốn có một điều là nhà ngươi đừng bao giờ đặt chân vào đây. Cũng kể từ đó, quản ngục không muốn làm trái ý của ông Huấn nên cũng không bao giờ lui tói nữa. Nhưng, thơ lại một người thân cận với quản ngục do hiểu được tấm lòng yêu cái đẹp, mến người tài và có sở nguyện muốn xin được chữ ông Huấn về treo trong nhà của quản ngục nên đã bày tỏ với ông Huấn về tấm lòng thiên lương của viên quản ngục. Nhờ vậy mà mối hiềm khích và sự nghi ngờ của ông Huấn đã được gỡ bỏ. Huấn Cao cũng là một người tài, ông rất quý trọng những người có tấm lòng thiên lương, biết yêu cái đẹp, trọng người tài như quản ngục. Vì thế đã đồng ý cho chữ, đối với ông Huấn cái chữ là một báu vật quý giá, cả đời ông không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình cho chữ ai bao giờ, như vậy đủ để thấy rằng ông Huấn đã hoàn toàn thay đổi thái độ về quản ngục. Không những vậy, ông còn có những lời khuyên rất chân tình cho quản ngục khi nhận chữ. Đó là ông khuyên quản ngục hãy sớm rời bỏ nơi ô trọc này, muốn hướng thượng thì phải hướng thiện trước đã. Như vậy, sau một chuỗi những hiểu lầm của Huân Cao, ông đã hiểu được tấm lòng thiên lương của viên quản ngục.

Sự thay đổi trong thái độ của Huấn Cao đối với viên quản ngục, là sự chuyển đổi tài tình từ kẻ thù đến tri kỉ, từ xa lạ đến gần gũi, từ nghi ngờ đến tin tưởng, và cầu nối giữa sự chuyển đỏi ấy chính là cái đẹp. Chính cái đẹp đã giúp Huấn Cao tìm thấy thiên lương trong viên quản ngục và quản ngục cũng vì lòng mến mộ cái đẹp đã khẳng định được phẩm giá thiên lương, sự trong sạch và thanh cao của tâm hồn mình. Qua đó thấy được cấu tứ và cách miêu tả trong diễn biến thái độ của Huấn Cao qua ngòi bút của Nguyễn Tuân thật đáng khâm phục.

Bằng cách xây dựng và khắc họa nhân vật riêng, Nguyễn Tuân đã cho thấy sự tài hoa trong bút pháp và cách miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật của mình. Nhân vật Huấn Cao giống như bức tượng đài văn học độc đáo mà cứ mỗi khi nhắc về nó người ta nhớ đến Nguyễn Tuân, nhắc về Nguyễn Tuân người ta cứ bị ám ảnh bởi Huấn Cao.
 
  • Chủ đề
    huấn cao phan tich thái độ viên quản ngục
  • Top