Văn lớp 11: Phân tích tình yêu trong bài thơ số 28 của Ta-go

Hướng dẫn phân tích tình yêu trong bài thơ số 28 của Ta go có bài làm cụ thể

Tình yêu giống như một loài hoa thơm mà thi ca đã dành tặng cho nó cả một khu vườn đầy đủ sắc hương quý phái nhất của thế gian. Không biêt đã có biết bao nghệ sĩ say mình trong du dương cảm hứng về tình yêu, không biết đã có bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật vì tình yêu mà được tạo nên, không biết đã có bao nhiêu độc giả đắm mình trong những cảm tình say sưa ấy. Khi yêu, mỗi người có mỗi cảm nhận khác nhau, về tình yêu và về người mà mình yêu, không thể lấy tình yêu của người này để suy ra cảm xúc của người khác thế nhưng dù là ai đi nữa, khi yêu cũng rất mong muốn hiểu được người mà mình yêu, mong người yêu hiểu được mình và mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến được với người mình yêu. Chúng ta sẽ cùng trải nghiệm mọi cảm giác với từng cung bậc của nó trong bài thơ số 28 của Ta- go. Dưới đây là bài làm tham khảo cho đề bài Phân tích tình yêu trong bài thơ số 28 của Ta- go. Để làm bài tập này, chúng ta cần chỉ ra những biểu hiện của tình yêu trong bài thơ, phân tích những hình ảnh so sánh và ẩn dụ để làm nổi bật tình yêu trong bài thơ.

BÀI LÀM PHÂN TÍCH TÌNH YÊU TRONG BÀI THƠ SỐ 28 CỦA TA- GO
Ta- go là một nhà văn, nhà thơ lỗi lạc của Ấn Độ được độc giả trên khắp thế giới yêu mến và tô sùng. Vào tuổi năm mươi, khi người vợ yêu dấu của ông qua đời, đã có nhiều bài thơ tình được ra đời và được đón nhận hết sức nồng nhiệt. Trong đó bà thơ số 28 trong tập thơ “Người làm vườn” là một trong những bài thơ rất được yêu thích. Bài thơ làm cho người ta quyến luyến không chỉ ở hình ảnh, ngôn từ đẹp đẽ mà còn bởi tình yêu chân thành sâu sắc cất lên từ một trái tim nồng cháy yêu thương.

Ta- go mở đầu bài thơ của mình bằng đôi mắt của người yêu:
“Đôi mắt em băn khoăn u buồn, đôi mắt em muốn dò hỏi ý nghĩa lời anh nói, như mặt trăng muốn soi vào đáy biển.”
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, chỉ cần nhìn vào đôi mắt ta dường như có thể nắm bắt hết tâm tư đang xáo động của một con người. Ở đây nhìn vào mắt người yêu, chàng trai đã nhìn thấy hết những mong muốn của cô gái trong tình yêu, đó là mong muốn được hiểu rõ người mình yêu, giống như “trăng muốn soi vào tận đáy biển”. Ta có thể thấy đôi mắt đẹp và sáng như trăng của cô gái là một đôi mắt đa cảm, một đôi mắt nhìn vào mà nhận thấy bao nhiêu câu hỏi thầm kín, đôi mắt ấy muốn nhìn thấu tầm sâu của đáy biến, đó chính là tâm tư rộng lớn của người yêu. Đây cũng là một mong muốn cơ bản trong tình yêu, khi yêu, ai cũng mong mình có thể hiểu rõ người mình yêu, nhưng càng mong muốn hiểu bao nhiêu lại càng cảm thấy mù mịt bấy nhiêu, bởi:

“Anh đã phơi bày trần trụi đời mình trước mắt em, anh không giấu giếm điều gì. Chính vì thế mà em chẳng biết gì về anh.”
Chàng trai hiểu được mong muốn của cô gái và cũng mong muốn người yêu hiểu được mình nên không hề có ý định giấu diếm điều gì về bản thân mình. Nhưng dù là vậy, cô gái vẫn không thể nào hiểu hết được chàng trai, thậm chí là không biết gì cả. Đây là quy luật của tình yêu, muốn hiểu nhưng mãi mãi không thể nào hiểu hết được người mình yêu. Có lẽ cũng vì đó mà tình yêu luôn là một thứ bí ẩn và thôi thúc sự khao khát tìm tòi để hiểu hơn về người yêu của mình. Sự khát khao ấy không nằm ở một khía cạnh nhỏ nào đó mà ở toàn diện, ở mọi mặt.
Và chàng trai vì mong muốn được người yêu hiểu mình hơn mà bộc lộ nguyện ước hiến dâng:
“Nếu đời anh chỉ là viên ngọc quý anh sẽ đập ra làm trăm mảnh xâu thành chuỗi quàng vào cổ em.
Nếu đời anh chỉ là bông hoa nhỏ bé, tròn xinh, thơm tho, anh sẽ ngắt nó ra cài lên mái tóc em.
Nhưng em ơi, đời anh là trái tim sao biết được đâu là bờ là đáy.
Em là nữ hoàng đang trị vì vương quốc nhưng có biết gì biên giới của nó.”

Đoạn thơ lập lại cấu trúc câu: “Nếu đời anh chỉ là… anh sẽ” nhấn mạnh nguyện ước thiêng liêng cao cả của chàng trai trong tình yêu. Những hình ảnh đẹp đẽ được hiện ra: bông hoa, viên ngọc quý,… đó là những biểu tượng của vẻ đẹp thiên về giá trị. Chúng đều rất đáng quý, giá trị và nếu cần thì chàng trai sẵn sàng dâng hiến cho tình yêu để làm đẹp, làm vui lòng cho người yêu mình. Thế nhưng nhà thơ dùng từ “chỉ” là để biểu hiện quan điểm của mình rằng những vật chất tầm thường tuy là quý giá nhưng không thể là cứu cánh cho tình yêu.

Đó là lí do nhà thơ đi sâu vào tập trung khám phá những điều bí ẩn trong tình yêu:
“Nếu trái tim anh chỉ là phút giây sướng vui, nó sẽ nở nụ cười dịu hiền và em sẽ thấu hiểu nó rất nhanh.
Nếu trái tim anh chỉ là nỗi thương đau, nó sẽ tan thành giọt lệ phản ánh nỗi sầu thầm kín.
Nhưng em ơi, trái tim anh là tình yêu.
Niềm vui sướng và nỗi khổ đau của nó là mênh mông, những gì tình yêu thiếu thốn và giàu có là bất tận.
Trái tim anh ở bên em như chính đời em, nhưng có bao giờ em biết hết nó đâu.”

Lại là những câu giả định, chàng trai giả định rằng nếu tâm hồn mình chỉ là thuần túy những trạng thái đơn thuần, dễ hiểu, là giây phút lạc thú hay là khổ đau thì người yêu có thể hiểu được nó rất nhanh. Nhưng trái tim của chàng trai thì không đơn thuần như vậy, nó chứa đựng một tình yêu vô bờ dành cho cô gái, nó vừa có vui sướng, khổ đau, vừa đơn thuần nhưng lại vừa phức tạp, điều này cũng đồng nghĩa với sự trọn vẹn trong tình yêu là vô hạn, vô biên, trường kì, không thể đo đếm được.

Không màu mè, dụng công, Ta- go bằng tất cả sự chân thành trong tình cảm của mình để dệt nên những câu thơ tuyệt vời với những hình ảnh tuyệt diệu nhất, từ đó bộc lộ một tình yêu tuyệt mĩ khiến cho triệu trái tim độc giả phải rung lên cảm động.
 
  • Chủ đề
    bài thơ số 28
  • Top