Văn lớp 7: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bạn đến chơi nhà - Nguyễn Khuyến

Hướng dẫn Phát biểu cảm nghĩ về bài bạn đến chơi nhà hay nhất, phân tích bài thơ bạn đến chơi nhà Nguyễn KHuyến ngữ văn lớp 7

Chúng ta đều có cho mình những người bạn chí cốt mà mỗi khi bạn đến chơi nhà ta sẽ không ngại tất bật dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn thức uống hay những món đồ cần thiết để bạn bè chơi với nhau. Nhưng trong bài “Bạn đến chơi nhà”, Nguyễn Khuyến trái ngược hoàn toàn, dường như ông có bất cứ một thứ gì để tiếp đãi bạn của mình cả thế nhưng ta sẽ thấy rằng không vì vậy mà tình cảm của hai người có dấu hiệu của sự sứt mẻ. Qua bài thơ, ta như cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của tình cảm, cụ thể là tình bạn, một tình bạn chân chính thì phải xuất phát từ trái tim, tìm đến với nhau không phải vì những vật chất xa xỉ mà vì tình nghĩa. Thơ Nguyễn Khuyến tuy ẩn ý kín đáo nhưng không hề quá khó hiểu nên đề bài Phát biểu cảm nghĩ về bài “Bạn đến chơi nhà” không hề khó. Sau đây là bài làm cụ thể cho đề bài này, có tính chất tham khảo. Để làm bài tập này, chúng ta cần giới thiệu về tác giả, tác phẩm bài thơ, phân tích bài thơ và nêu cảm nghĩ về nó.

ban-den-choi-nha.jpg

Tình bạn đúng nghĩa không lấy vật chất ra đong đếm được

BÀI VĂN 1 CẢM NGHĨ VỀ BÀI BẠN ĐẾN CHƠI NHÀ
Nhà thơ Thanh Thảo từng viết: “Thơ là chữ nghĩa mà cũng không là chữ nghĩa. Thơ đúng nghĩa là sự bộ lộ từ tận đáy lòng của nhà thơ”. Có nghĩa mỗi bài thơ phải là sự nung nấu, sự chất chứa của những tình cảm chân thành, mãnh liệt. Qua bài thơ “bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến, tác giả đã gửi gắm vào những câu thơ giản dị là một tấm lòng tri kỉ thiết tha với người bạn của mình. Đồng thời chứng minh rằng, tình bạn chân thật vượt lên những giá trị vật chất để cao hơn thể hiện một sự đồng điệu trong tâm hồn, sự nhập hóa làm một, sự hòa quyện giữa hai con người.
Mở đầu bài thơ, Nguyễn Khuyến bày tỏ nỗi nhớ mong của mình khi đã bấy lâu nay người bạn thân mới ghé thăm.
“Đã bấy lâu nay, bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa”
Câu thơ như một lời chào hồ hởi thân mật vừa bộc lộ nỗi vui bất ngờ vừa tỏ ý trân trọng, quý mến bạn. Đã bấy lâu nay có nghĩa là một thời gian dài, một thời gian nhà thơ không gặp bạn, giờ đây có dịp gặp nhau làm sao mà không xúc động, không vui mừng cho được. Đó là một hoàn cảnh đặc biệt, là sự thử thách tình cảm gắn bó giữa hai người khi đã thật tâm trở thành tri kỉ của nhau. Từ lúc cáo quan về vui sống với cảnh điền viên, ông chỉ biết lấy thiên nhiên làm bạn. Trái tim ông gửi trọn cho đất nước quê hương, nên tâm hồn luôn khắc khoải u hoài. Trong những giây phút ấy mà không ai không muốn có một người bạn để tâm sự, để an ủi. Người bạn đó đã đến với ông - Còn nỗi vui mừng nào hơn. Và cũng theo lẽ thường, việc một người bạn xa lâu ngày mới ghé thăm thì chủ nhà phải tiếp đón thật chu đáo, thịnh soạn để tỏ lòng hiếu khách mến người. thế những trong bài thơ nay nhân vật trữ tình lại rơi vào tình huống trớ trêu:
“Ao sâu nước cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà
Cải chửa ra hoa, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Đầu trò tiếp khách, trầu không có.”
Rõ ràng, nơi ở của nhà thơ có ao sâu, có cá tôm giàu có. Có khu vườn mộc mạc trồng những luống rau dân dã, nuôi những con gà để phục vụ cho sinh nhai, ấy thế nhưng éo le thay tất cả đều vướng nỗi ao sâu, nước cả, vườn rộng rào thưa, cải thì chửa ra hoa, cà mới nụ. Đến ngay cả miếng trầu được ví “miếng trầu là đầu câu chuyện” cũng không có nốt. Sự thiếu thốn mọi bề về vật chật. Tác giả đang phân trần, giải thích sự thiếu sót của mình. Thực ra đây chỉ là cách nói cường điệu như vậy mà đã đùa với bạn, vừa tỏ thái độ nhớ mong chờ đợi bấy lâu mà thôi. Và qua những lời trần tình ấy ta cũng hiểu được cuộc sống của tác giả ở làng quê: đạm bạc, giản dị, luôn gắn bó với nông thôn. Từng thấy Nguyễn Khuyến hiện lên thanh cao mà u sâu trong những câu thơ ở “thu điếu” với:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.
Nhà thơ thực sự thả hồn hào hợp với thiên nhiên, với cuộc sống dân dã nơi làng quê dù trong lòng vẫn chất chứa những nỗi đau đời. Nay hoàn cnahr ấy lại thấy rất tụ nhiên và bình dị trong thơ “Bạn đến chơi nhà” mới thấy cái mộc mạc của hồn thơ Nguyễn Khuyến.
Nhịp thơ đều đặn 4-3 nhẹ nhàng êm ái như một lời thủ thỉ, kèm theo là nụ cười hóm hỉnh, cười vui của tác giả. Đối lập với những cái "không" ấy là cái có thật đáng quý.
Bác đến chơi đây, ta với ta...
Câu thơ bộc lộ thật rõ nét tình cảm chân thành của tác giả đối với bạn. Đó là một tình cảm thiêng liêng cao quý. Quan hệ bạn bè ở đây được xây dựng trên cơ sở vững chắc là tình cảm yêu thương chân thật không màng đến vật chất. Bác đến chơi đây không có gì cả, chỉ có ta với ta khiến ta nhớ đến câu kết trong bài “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan khi đứng trước cảnh đèo ngang hoang vắng cô liêu, đang mang nặng một nỗi u buồn, niềm suy tư khôn cả, không thể tâm sự cùng ai, nên bà tự quay về với lòng mình “ta với ta”. Còn “ta với ta” mà nhà thơ Nguyễn Khuyến sử dụng nhằm chỉ nhà thơ và người bạn tuy hai mà một, tuy một mà hai, nó gắn bó quyện chặt vào nhau, không gì chia cắt được. Ở đây chỉ có ta với ta nhưng lại có tất cả. Bởi vì tình bạn giữa ta với ta mới là cao quý, nó không đòi hỏi bất kì một điều kiện vật chất nào cả, thậm chí cả một miếng trầu làm đầu câu chuyện để tiếp bác cũng không. Qua đó ta mới thấy nghệ thuật trào lộng của Nguyễn Khuyến thật là hóm hỉnh nhẹ nhàng mà tế nhị sâu sắc.

Với những câu chữ giản dị ta không thấy một mĩ từ nào trong suốt bài thơ. Vỏn vẹn 56 chữ, những đó không phải chỉ là xác chữ mà đi suốt bài thơ là cảm xúc chân thành tha thiết thành thật của nhà thơ với người bạn tri kỉ của mình. Chính điều ấy đã làm nên vẻ đpẹ sâu thẳm trong bài thơ, làm người đọc cứ mãi mãi bâng khuâng về cái “ta với ta” trong Nguyễn Khuyến vừa dí dỏm mà cũng vừa thành thật về một tình bạn vượt lên trên vật chất, thay vào đó là sự hòa hợp của tâm hồn, của tiếng nói đồng ý đồng chí đồng tình, thế nên sau này khi bạn mất đi Nguyễn Khuyến có đôi câu thơ rất hay:
“Câu thơ muốn viết đắn đo chẳng viết
Viết cho ai ai biết àm đưa”.
Hóa ra tình cảm tri âm đấy đã đến độ lấy hồn mình để hiểu hồn người, vậy nên cũng chỉ có người bạn nhà thơ mới thấu hiểu được những nỗi lòng sâu thẳm của nhà thơ mà thôi.


BÀI VĂN 2 PHÁT BIỂU CẢM NGHĨ VỀ BÀI BẠN ĐẾN CHƠI NHÀ
Nguyễn Khuyến là một nhà thơ lớn của dân tộc, ông để lại cho trong túi thơ của dân tộc rất nhiều những tác phẩm có giá trị. Thơ ông không cầu kì, dụng công mà gần gũi nhưng cũng mang nhiều giá trị nhân sinh cao đẹp. Như một số nhà nho cùng thời bất mãn với triều đình trì trệ, Nguyễn Khuyễn cũng có thời gian về ở ẩn tại quê nhà, cáo lui chỗ quan trường và thời điểm này ông có nhiều bài thơ giá trị. Một trong số ấy là “Bạn đến chơi nhà” viết nhân một buổi một người bạn ở kinh thành về chơi nhà ông.

Mở đầu bài thơ ta đã nhận ra sự thân mật trong cách xưng hô:
Đã bấy lâu nay bác tới nhà.
“Bác” ở đây là cách gọi thân mật của Nguyễn Khuyến với người bạn, có lẽ đây là một người bạn đã lâu chưa gặp lại nên câu thơ không đơn thuần là lời thông báo về việc nhà ông có khách mà còn bộc lộ niềm vui khi lâu ngày gặp lại người bạn cũ. Nhưng đáng tiếc thay, “hôm nay” người khách ấy không gặp may khi:
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Trẻ thì vắng nhà, chợ lại xa nên có lẽ sẽ chẳng mua được gì để thiết đãi ông bạn quý, không thể mua được nhưng những thứ nhà có sẵn cũng trở nên vô dụng: ao thì sâu lại không có trẻ ở nhà, không thể đánh lưới để bắt cá, nhà có sẵn gà nhưng vì sân quá rộng, không đủ sức để bắt lại. Cá thịt không có thì cũng đành thôi nhưng rồi đến cả canh rau đạm bạc cũng không thể có bởi cây cải còn non, chưa ra hoa, cà mới chỉ nhú nụ, quả bầu thì vừa rụng rốn, mướp thì lại đang lên hoa. Tất cả đều chưa thể ăn được. Tuy Nguyễn Khuyễn đã lí giải hết sức có lí sự bất tiện ấy nhưng những chi tiết này có lẽ làm cho người đọc phải bật cười khi những thiếu thốn mà Nguyễn Khuyến nêu ra quả có phần bất hợp lí một cách có lí. Nhà có đủ cả ao cá, vườn rau, đàn gà nhưng lại không có lấy một thứ để thiếp đãi bạn quý.
Không chỉ vậy, ngay cả miếng trầu là món tiếp khách truyền thống nhất của dân tộc, có câu: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, nó được coi như phép lịch sự tối thiểu khi khách tới nhà mà Nguyễn Khuyến cũng không có để tiếp bạn:
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Cuộc trùng phùng này quả là kì lạ từ đầu đến cuối và người đọc như còn nhiều thắc mắc vì sao một người đã từng làm chức quan lớn ở Kinh Thành như Nguyễn Khuyến, khi về quê lại có thể sống một cuộc sống thiếu thốn đến độ như vậy, khách đến chơi nhà thậm chí không có lấy một miếng trầu. Nhưng tất cả thắc mắc của độc giả được giải đáp hết ở chỉ một câu cuối bài:
Bác đến chơi đây ta với ta.
“Ta” đầu tiên có lẽ chính là người bạn mà Nguyễn Khuyến nhắc tới còn từ “ta” tiếp theo không ai khác chính là ông. Thì ra Nguyễn Khuyến chỉ ra hết những thiếu thốn này đến thiếu thốn kia về mặt vật chất khi bạn tới thăm như vậy chỉ là để bộc lộ, khẳng định sự đầy đủ về mặt tìm cảm, sự chân thành của những người bạn dành cho nhau. Những người bạn chân chính đến với nhau đâu phải vì lí do vật chất hay địa vị mà họ đến với nhau bằng tấm lòng, đến chơi nhà là đến với bạn chứ đâu phải đến vì những điều phù phiếm kia. Nếu tình bạn chỉ đo bằng giá trị của cải hẳn chẳng bao lâu sẽ không còn gì. Chỉ có tình cảm xuất phát từ trái tim mới còn lại mãi.

Bài thơ bằng một lời kết thấm thía tình nghĩa đã để lại cho người đọc nhiều suy nghĩ về tình bạn, tình cảm giữa người với người, tình cảm ấy chỉ có thể bền vững khi nó xuất phát từ tấm lòng không vụ lợi và chân thành tuyệt đối.
 
  • Chủ đề
    bạn đến chơi nhà phat bieu cam nghi
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,949
    Bài viết
    467,898
    Thành viên
    339,937
    Thành viên mới nhất
    dfdf

    Bài viết được quan tâm nhiều

    Top