Viết 1 kết thúc khác cho truyện Chí Phèo hay ngắn gọn

Hướng dẫn viết bài viết kết thúc khác cho truyện Chí Phèo
Một trong những tác phẩm tiêu biểu cho trào lưu văn học hiện thực phê phán của Việt Nam giai đoạn 1930-1945 chính là truyện ngắn “Chí Phèo’ của nhà văn Nam Cao. Tác phẩm phản ánh cuộc sống bế tắc của người nông dân trong xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời, cái xã hội làm cho con người ta bị tha hoá, trở thành con quỷ dữ, mất hết đi tính người. Đây là một tác phẩm quen thuộc của văn học Việt Nam. Tuy nhiên, có rất nhiều những ý kiến trái chiều về cái kết thúc của nó. Khi mọi người viết bài văn nêu lên một kết thúc khác cho tác phẩm thì cần chú ý lựa chọn kết thúc cho phù hợp, không làm mất đi giá trị nghệ thuật cũng như nội dung tư tưởng vốn có của nhà văn. Sau đây, các bạn có thể tham khảo một số bài văn mẫu để có cách nhìn và cách viết khác. Chúc các bạn học tốt !

chi-pheo.jpg

Cái kết của truyện Chí phèo vẫn chưa làm hài lòng nhiều người đọc

BÀI MẪU VIẾT MỘT KẾT THÚC KHÁC CHO TRUYỆN “CHÍ PHÈO”
Truyện ngắn “Chí Phèo” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nam Cao nói riêng và dòng văn học hiện thực phê phán của Việt Nam giai đoạn 1930-1945 nói chung. Kết thúc của tác phẩm mang lại nhiều ý kiến trái chiều cho mọi người. Tuy nhiên kết thúc truyện vẫn luôn luôn là dụng ý của nhà văn trong quá trình hoài thai ra tác phẩm. Nhưng chúng ta cũng có thể nghĩ ra một cái kết thúc khác cho truyện ngắn “Chí Phèo”.

Tác phẩm “Chí Phèo” là truyện ngắn lấy bối cảnh nông thôn Việt Nam trong giai đoạn nước ta bị thực dân Pháp xâm lược. Chúng đã bắt đầu quá trình khai thác thuộc điạ ở nước ta. Đời sống người nông dân ở làng quê Việt Nam vô cùng cực khổ, mà tiêu biểu là nhân vật Chí Phèo. Anh Chí vốn là một người mồ côi cha mẹ từ khi còn đỏ hỏn, sau đó lớn lên trong vòng tay yêu thương của những người dân lương thiện. Nhưng khi trưởng thành, anh lại bị Bá Kiến – người đại diện cho giai cấp thống trị lúc bấy giờ – tống giam vô tù. Và khi từ tù bước ra, Chí Phèo trở thành một con người hoàn toàn khác, bị tha hoá, mất hết tính người, trở thành một con quỷ dữ chuyên đi gào thuê khóc mướn cho nhà Bá Kiến làm người dân trong làng phải khiếp sợ. Nhưng sau khi gặp được Thị Nở thì Chí Phèo quay trở lại con đường lương thiện, xác định rõ được kẻ thù của đời mình và đã tới tận nhà giết chết Bá Kiến và rồi cũng cứa dao tự sát. Kết thúc tác phẩm là một bức tranh đẫm máu, cả giai cấp bị trị và thống trị đều phải chết. Phải chăng đây là cách duy nhất để giải quyết và điều hoà mâu thuẫn lúc bấy giờ?

Chúng ta có thể nghĩ ra một cái kết thúc khác cho truyện “Chí Phèo” như sau. Chúng ta sẽ không để cho Chí Phèo phải chết. Sau khi bừng tỉnh ngộ, muốn quay lại con đường làm người lương thiện, Chí Phèo nhận ra kẻ thù lớn nhất của cuộc đời mình là Bá Kiến. Sau đó, Chí Phèo tới nhà cụ Bá đòi lương thiện bằng cách giết chết Bá Kiến. Nhưng Chí Phèo không tự sát mà chạy trốn. Chí Phèo tới gặp Thị Nở, kể lại đầu đuôi câu chuyện, giãi bày nỗi niềm và tâm sự của mình và rủ Thị Nở trốn cùng. Thị Nở sau một hồi đắn đo thì cũng đồng ý. Thế là Chí Phèo cùng Thị Nở cao chạy xa bay, tới một nơi mà không một ai biết họ để sinh sống. Cách kết thúc truyện này tuy phần nào đó sẽ làm giảm bớt đau thương cho tác phẩm nhưng lại làm giảm đi cái mạnh mẽ và gay gắt của câu chuyện.

Chọn cách kết thúc truyện như thế nào là hoàn toàn do mọi người quyết định dựa trên những quan điểm cá nhân của mình. Dẫu sao vẫn hoàn toàn phù hợp và sát với dụng ý của nhà văn.
Whalien52 - vfo.vn-

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 VIẾT MỘT KẾT THÚC KHÁC CHO TRUYỆN CHÍ PHÈO
Sau khi đâm chết Bá Kiến, Chí Phèo như bừng tỉnh và nhận thức được những gì mình vừa làm. Trước những tiếng xì xào “Thằng Chí vừa đâm chết cụ Bá Kiến đấy”, “Thôi thằng Chí đi đời rồi”, Chí cảm thấy hoang mang sợ hãi, hoảng hốt chạy ngay đi.
Hắn đã định chạy một mạch luôn khỏi làng Vũ Đại nhưng không hiểu sao đôi chân của hắn lại rẽ vào nhà Thị Nở. Hắn thấy Thị đang ngồi nghêu ngao hát trước cửa nhà. Thị ngắt một nhành hoa cài lên mái tóc. Chí tự dưng thấy Thị xinh tươi đến lạ. Chí ngó trước nhìn sau không thấy ai, Chí xông đến trước mặt Thị:
  • Đằng ấy trốn đi với tớ nhé?
Thị hơi sững người trước lời đề nghị của Chí. Thị tròn xoe mắt hỏi lại:

  • Sao lại trốn đi? Mình làm gì đâu phải trốn?
Thị cười và vuốt ve khuôn mặt của hắn, xoa cả những vết sẹo trên mặt hắn nữa. Rồi Thị xoa đến chiếc bụng của mình. Chí như hiểu ra tất cả, cầm tay Thị dứt khoát:

  • Đừng nói nhiều nữa, hãy đi đi!
Rồi hai người cao chạy xa bay…
Trải qua vài năm, vụ việc ồn ã năm nào đã lắng xuống, người dân làng Vũ Đại không còn ai nghe được tin tức của hai con người kia nữa. Làng cũng không xuất hiện một Thị Nở hay Chí Phèo thứ hai nữa. Nhịp sống diễn ra đều đều, nếu không muốn nói có phần tù túng.
Trong khi đó, sau khi chạy trốn đến một vùng đất xa xôi, trong tay là hai bàn tay trắng, Chí không biết làm gì để nuôi sống mình và hai mẹ con Nở. Từ trong thâm tâm hắn, không cần một giấy tờ, không cần một lễ ăn hỏi nào, hắn đã coi Nở như người phụ nữ mình gắn bó cả cuộc đời mình. Nở thấy Chí buồn rầu, hình như cũng cảm nhận được điều đó nên động viên Chí:

  • Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Những lúc như thế, Chí thấy Thị chẳng có chút gì là dở dở ương ương như người ta nói. Chăm chỉ cày thuê cuốc mướn mấy năm, làm ngày làm đêm, Chí và Nở đã dựng được một ngôi nhà. Đứa com của hai vợ chồng lớn lên khỏe mạnh, nhưng cũng rất nghịch ngợm. Nở cũng ngày ngày dệt cửi, phụ thêm chồng việc nào hay việc đấy. Vậy là ước mơ nhỏ nhoi của Chí về một mái ấm gia đình gần như đã trọn vẹn. Nhưng rồi thỉnh thoảng hắn lại nghĩ vu vơ về làng Vũ Đại, về cái nơi hắn không muốn và cũng không dám trở lại. Sức khỏe của hắn cũng đã có những dấu hiệu không tốt nhưng với hắn đó chẳng là gì vì hắn đang sống trong những ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời.
Một ngày, có một cán bộ đến thăm làng hắn ở, đến vận động từng người tham gia kháng chiến. Chưa nghe cán bộ nói hết, Chí đã gạt phắt ngay đi:

  • Không, tôi không tham gia gì hết! Tôi chỉ muốn một cuộc đời yên ổn.
Cán bộ liền nói:

  • Anh chỉ có một cuộc đời yên ổn khi đất nước độc lập, khi đất nước được đổi mới mà thôi.
Trong thoáng chốc, Chí nghĩ lại về quá khứ của mình, mọi bi kịch suy cho cùng đều do cái chế độ phong kiến đày đọa hắn. Thị Nở ngồi ngay cạnh hắn, Thị nói một câu không biết vô tình hay cố ý:

  • Cách mạng, cách mạng!
Chí đồng ý tham gia kháng chiến. Hắn được soi sáng bởi lý tưởng của Đảng, âm thầm hoạt động, sẵn sàng hi sinh cả tính mình vì nền độc lập, tự do của đất nước. Trong lúc đi vận động nhân dân, hắn quay lại làng Vũ Đại. Cái làng ấy vẫn mê muội vẫn hay định kiến như xưa. Không ai nhận ra Chí cả, cho đến khi Chí kể về quá khứ của mình. Mọi người ngỡ ngàng nhìn nhau. Chí bèn nói:

  • Tôi mong mọi người có thể thay đổi. Nếu giữ mãi cái tư tưởng này, mọi người sẽ chết dần chết mòn.
Chí đã dành hết tâm sức để khuyên bảo, truyền bá những tư tưởng đúng đắn nhất với mong muốn thay đổi được phần nào nhận thức của người dân làng Vũ Đại.
Sau tất cả, công sức của Chí đã được đền đáp. Bà cô của Thị Nở đã cầm tay Chí nghẹn ngào nói rằng:

  • Thật may vì cậu được như bây giờ! Cảm ơn cậu nhiều lắm!
-Phan-vfo.vn-
 
  • Chủ đề
    chí phèo
  • Top