Viết đoạn văn 200 chữ về lòng hiếu thảo lớp 9 hay nhất ý nghĩa

Nghị luận xã hội là một dạng bài tập làm văn không thể thiếu trong chương trình học của các bạn học sinh xuyên suốt từ cấp 2, đến cấp 3… Nó không chỉ là một thể loại tập làm văn mà còn là cách để rèn luyện tư duy phản biện. Nhưng không phải ai cũng có thể viết tốt phần văn nghị luận xã hội này. Không ít các bạn học sinh gặp khó khăn, không biết nên viết ra sao, đặc biệt là khi đang viết bài văn chuyển sang viết đoạn văn nghị luận trong khoảng 200 chữ. Với số lượng dòng ngắn, dễ dẫn đến hiện tượng viết quá sơ sài hoặc chi tiết thì lại quá lan man, quá số lượng chữ yêu cầu. Bởi vậy, hôm nay chúng tôi đã dẫn ra dưới đây 3 đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ nghị luận về lòng hiếu thảo dành cho học sinh lớp 9. Lòng hiếu thảo là một đề tài vô cùng quen thuộc trong văn nghị luận xã hội, thiết nghĩ bắt đầu từ những vấn đề đơn giản nhất để hình thành cho các bạn những cách tư duy và cách viết sao cho phù hợp để sau này có thể viết tốt các đề nghị luận khác yêu cầu viết đoạn văn. Hi vọng rằng đoạn văn nghị luận về lòng hiếu thảo dưới đây có thể giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập.

long-hieu-thao-doan-van.jpg

ĐOẠN VĂN 200 CHỮ VỀ LÒNG HIẾU THẢO LỚP 9 SỐ 1
Dân tộc Việt Nam ta có vô vàn truyền thống tốt đẹp được kế thừa và phát triển cho đến tận ngày nay. Một trong số đó nổi bật nhất chính là lòng hiếu thảo. Hiếu thảo chính là tôn trọng cha mẹ và tổ tiên của mình, đó là cách hiểu trong triết học Nho giáo. Hiểu đơn giản hơn thế, hiếu thảo được thể hiện trong hành động, lời nói với cha mẹ, tổ tiên. Việc phụng dưỡng, chăm sóc họ khi còn sống, thờ phụng họ khi qua đời, luôn mang lại niềm vui cho họ, ấy chính là hiếu thảo. Vậy vì sao ta phải hiếu thảo với ông bà cha mẹ tổ tiên? Bởi họ chính là người đã sinh ra ta, cho ta một cơ thể khỏe mạnh, một trái tim biết yêu thương, nuôi ta khôn lớn thành người. Không chỉ vậy, họ còn dạy ta nên người, luôn dành cho ta những thứ tốt nhất để ta lớn lên thật vẹn toàn, không thua kém ai. Cha mẹ, người thân luôn là chỗ dựa vững chắc phía sau cổ vũ, động viên, nâng đỡ mỗi chúng ta trên chặng đường đời, là bến đỗ bình yên nhất luôn dang tay chào đón chúng ta. Người sống hiếu thảo sẽ luôn được mọi người tôn trọng, yêu mến và coi đó là tấm gương cho các thế hệ sau này và người khác noi theo học tập. Những câu chuyện về con người hiếu thảo như vua Thuấn dù bị cha đánh chửi, bị mẹ kế và em trai hãm hại nhưng vẫn luôn hiếu kính họ, vẫn luôn bảo vệ cha những lúc ông gặp nguy hiểm, nhường nhịn em trai mình; hay như Chử Đồng Tử lấy chiếc khố duy nhất táng cha; những cô cậu bé còn nhỏ tuổi nhưng đã vừa học vừa làm chăm sóc cha mẹ ông bà bị bệnh của mình… Vô vàn những câu chuyện làm chúng ta cảm động đang xảy ra xung quanh ta hàng ngày. Ấy vậy nhưng vẫn có những con người sống thờ ơ, vô cảm, bội bạc. Họ không quan tâm đến cha mẹ của mình, mặc kệ họ tự sinh tự diệt, ích kỷ chỉ vì riêng bản thân. Những con người ấy đáng bị lên án và trừng phạt. Hiếu thảo là một đức tính mỗi người cần phải có, không chỉ đơn giản là để ta sống cho trọn vẹn mà còn là hành trang cần thiết để ta bước vào đời.

ĐOẠN VĂN 200 CHỮ VỀ LÒNG HIẾU THẢO LỚP 9 SỐ 2
  • “Dạy con, con nhớ lấy lời
  • Trọng cha, kính mẹ, suốt đời chớ quên”

Những câu ca dao quen thuộc ấy hẳn ai cũng biết. Hiếu thảo chính là một trong những đức tính quan trọng và cần thiết trong cuộc sống của mỗi người chúng ta. Vậy hiếu thảo là gì? Có lẽ điều này đã quá dễ hiểu, bởi chúng ta có ai là chẳng biết hiếu thảo là ra sao. Đó là chỉ việc ta kính trọng, sống đền đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ, công ơn tổ tiên. Không chỉ đơn giản là đức tính sống cần phải có, nó còn là một thước đo đánh giá con người. Ông cha ta từ xa xưa đã có những câu ca dao, tục ngữ dạy ta phải biết sống hiếu thảo. Ngoài ra còn có những câu chuyện về những con người trong lịch sử - tấm gương sáng cho sự hiếu thảo như Châu Thọ Xương người Tống, con của người vợ thứ. Mẹ ông bị vợ cả đuổi đi khi ông mới 7 tuổi, sau này làm quan, nghĩ đến công sinh thành của người mẹ đang lưu lạc bên ngoài của mình, ông từ quan đi khắp nơi tìm mẹ. May sao hai mẹ con trùng phùng được nơi đất Đồng Châu, từ đó ông đưa mẹ về để phụng dưỡng. Vì mẹ, ông sẵn sàng bỏ xuống công danh lợi lộc của bản thân mình. Đó chính là hiếu thảo. Điều ấy là đúng đắn bởi cha mẹ tổ tiên là người đã sinh ra ta và nuôi ta khôn lớn, trao cho ta tình yêu thương vô bờ bến, dạy ta nên người. Những thành công ta có được không chỉ đơn giản là do bản thân ta đạt được mà còn nhờ có công sức, sự động viên đồng hành của họ. Họ không quản nhọc nhằn vất vả mà dành cho ta những thứ tốt nhất, luôn mong ta thành tài. Hiếu thảo còn là đức tính tốt đẹp trong truyền thống của dân tộc ta từ bao đời nay, vậy nên đó còn là hành động kế thừa và phát triển hơn nữa kết tinh của dân tộc, làm sâu sắc và dày thêm bản sắc. Ấy vậy nhưng ngày nay lại có những đứa con vô tâm, chê bai cha mẹ mình, bỏ rơi họ trong bệnh tật và già yếu, chỉ biết vì bản thân mình, thấy xấu hổ khi có cha mẹ như vậy. Những kẻ máu lạnh ấy thật đáng bị lên án và phê phán. Hiếu thảo không có nghĩa là phải làm những việc quá lớn lao, chỉ đơn giản là dành sự quan tâm cho cha mẹ ông bà, cố gắng thật tốt trong cuộc sống đôi khi cũng là niềm vui khiến họ nở nụ cười và hạnh phúc rồi.

ĐOẠN VĂN 200 CHỮ VỀ LÒNG HIẾU THẢO LỚP 9 SỐ 3
Từ những bài học đạo đức đầu tiên, bài học ta được học số một chính là bài học về lòng hiếu thảo, phải sống sao cho xứng đáng với công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ ông bà tổ tiên và đền đáp lại. Quả thực vậy, lòng hiếu thảo là một đức tính vô cùng cần thiết mỗi con người cần có trong xã hội ngày nay. Hiếu thảo, hiểu đơn giản và cụ thể nhất chính là việc ta hiếu kính người bề trên trong gia đình, phụng dưỡng họ khi về già… Đó là những việc mà bất cứ ai cũng cần phải làm được bởi đó là cách để ta đền đáp công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ tổ tiên. Mẹ đã mang nặng đẻ đau ta chín tháng mười ngày, vất vả sinh ra ta, nuôi ta khôn lớn. Cha cùng mẹ cực nhọc mỗi ngày, luôn dành cho ta những thứ tốt nhất để ta có một tuổi thơ tươi đẹp và đầy đủ. Họ cho ta một mái ấm, một bến bờ hạnh phúc, lúc nào cũng hết mình vì ta chẳng hề đòi hỏi gì. Hiếu thảo với họ, không phải bởi vì họ bắt buộc, mà đó là sự tự nguyện tự giác đền đáp, là thước đo đánh giá con người. Bởi họ dành cả cuộc đời trẻ trung chăm sóc ta, đến khi về già, ta lại dành của mình để chăm sóc họ. Một con người sống hiếu thảo là người có tình nghĩa, giàu lòng yêu thương, đáng mến. Nhìn về lịch sử dân tộc và các nước khác, những con người từ bỏ công danh như Châu Thọ Xương để tìm mẹ, mặc kệ tuổi già mà mặc đồ sặc sỡ làm trò cho cha mẹ mình vui cười không âu lo như Lão Lai Tử… Cho đến những cô bé cậu bé, dù còn nhỏ tuổi nhưng đã biết phụ giúp gia đình, thậm chí là cùng lo toan bươn chải chăm sóc cha mẹ/ông bà già yếu bệnh tật của mình. Vô vàn những tấm gương hiếu thảo đang sống và làm việc mỗi ngày xung quanh ta. Hiếu thảo, đôi khi chỉ đơn giản là xuất phát từ những hành động nhỏ nhặt, giản đơn nhất. Bạn đã làm được hay chưa?
 
  • Chủ đề
    lòng hiếu thảo
  • Top