Viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ của em về truyện “Cô bé bán diêm” hoặc về đoạn kết của truyện

Cô Bé bán diêm là 1 câu chuyện khá nổi tiếng mà chúng ta đã được học không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà câu chuyện này cũng nổi tiếng khắp thế giới. Nếu các bạn cần viết đoạn văn nếu cảm nghĩ của mình về câu chuyện này hoặc phát biểu cảm nghĩ về đoạn kết của câu chuyện thì có thể tham khảo 2 đoạn văn dưới đây của vfo.vn nhé

Đoạn văn mẫu cảm nghĩ của về truyện “Cô bé bán diêm”:
An-đéc-xen là một nhà văn nổi tiếng với biết bao những tác phẩm để đời và “Cô bé bán diêm” chính là một trong số đó. Tác phẩm này không có cái kết đẹp như bao truyện cổ khác của ông thế nhưng nó vẫn để lại trong lòng bạn đọc những bài học trăn trở về cách sống thông qua hình ảnh cô bé bán diêm trong đêm giao thừa lạnh giá. Em mồ côi mẹ từ khi bà mới mất, phải sống cùng người cha trên cái gác xép nhỏ tối tăm, lạnh lẽo hay đánh đập, hành hạ em. Đêm giao thừa cuối năm, khi người người nhà nhà đều nhanh chóng trở về nhà để quây quần bên gia đình thì cô bé tội nghiệp ấy phải đi bán những que diêm nhỏ trong tình trạng đầu trần, chân đất giữa cái rét giá buốt ấy. Suốt cả một buổi sáng, cô bé không bán được bao diêm nào, em lo sợ không dám trở về vì sợ người cha lại đánh đập, chửi mắng em. Em nép vào góc tường ven đường, bắt đầu thắp những que diêm của mình lên để sưởi ấm, cũng từ đó, những giấc mộng hiện lên trong em thật tươi đẹp. Lần lượt những que diêm là lần lượt những mộng tưởng thật đẹp biết bao, đó là lò sưởi ấm áp, đó là mâm cỗ đầy thịnh soạn, hay đặc biệt hơn đó là hình ảnh người bà hiện ra, đang đưa tay ôm lấy em, ôm lấy cái thân thể nhỏ bé đang co ro giữa trời đông lạnh giá này và cùng bà bay lên trời cao mãi mãi, rời xa cái thực tại rét buốt, cực khổ nơi đây. Những ước mộng của cô bé thật giản đơn mà chân thực biết bao, đó là những thứ em cần nhất lúc này, là hơi ấm xóa đi cái giá rét của thân thể, hơi ấm của niềm vui gia đình, hơi ấm của tình yêu thương vô bờ bến. Không một ai để ý đến em, người ta đi qua đi lại nhưng chẳng ai hỏi han em được một câu, để rồi đến khi cô bé đã rời xa cõi đời này vĩnh viễn, cái nhìn lạnh lùng của kẻ đi người lại vẫn cứ hiện hữu trước thân xác của em. Thế nhưng, sự ra đi của em dường như cũng là một sự giải thoát khỏi tất cả những tăm tối của cuộc đời này, em sẽ bay đến một thế giới kia, nơi có bà, có mẹ, có tình yêu thương, nơi em không phải chịu những đau đớn, cực khổ nữa. Cái chết của cô bé cũng chính là một hồi chuông cảnh tỉnh mà tác giả đã cất lên về thực trạng xã hội lúc bấy giờ, một xã hội lạnh lùng, vô cảm , không quan tâm đến người xung quanh, để rồi đưa ra bài học về tình yêu thương, sự sẻ chia trong cuộc sống này. Dưới ngòi bút đầy chất thơ của An-đéc-xen, câu chuyện “Cô bé bán diêm” không mang một sắc thái quá bi thương mà vẫn có những màu sắc trầm bổng về những giấc mơ thần tiên, về tình yêu thương ấm áp và sự ra đi của cô bé bán diêm ở cuối truyện cũng diễn ra một cách hết sức nhẹ nhàng, khiến cho người đọc không cảm thấy quá nặng nề mà qua đó trăn trở, nhức nhối trong lòng một bức thông điệp về cách sống của tác giả.

co-be-ban-diem.jpg

Cô bé bán diêm là 1 tác phẩm rất xúc động

Đoạn văn mẫu về đoạn kết của truyện “Cô bé bán diêm”:
Ai đã từng đọc “ Cô bé bán diêm” của nhà văn Đan Mạch An- đéc-xen hẳn sẽ không thể nào quên những ánh lửa diêm nhỏ nhoi bùng lên giữa đêm giao thừa giá rét gắn với một thế giới mộng tưởng thật đẹp của cô bé nghèo khổ. Kết thúc câu chuyện thật buồn nhưng sức ám ảnh của những giấc mơ tuyệt đẹp vẫn đầy ắp tâm trí người đọc, người nghe qua những lời kể và sự miêu tả rất cuốn hút của An-đéc-xen. Câu chuyện kết thúc bằng cảnh tượng hết sức thương tâm: cái chết của cô bé trong buổi sáng Mùng Một đầu năm. Ngày mới lại bắt đầu “ mặt trời lên, trong sáng, chói chang trên bầu trời xanh nhợt”. Sự sống vẫn cứ thể tiếp diễn, tất cả mọi người đón “ ngày mồng một đầu năm hiện lên trên thi thể em bé ngồi giữa những bao diêm”, nhìn em để buông ra những lời nhận xét thờ ơ: “ Chắc nó muốn sưởi cho ấm”. Không ai được biết đến những cái kỳ diệu mà em đã trông thấy, chỉ duy nhất một người chứng kiến được “ cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm”, đó chính là nhà văn. Cái chết của em được tác giả miêu tả nhẹ nhàng, thanh thản. Đó là cái chết của một người toại nguyện “ đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười” bởi em đã được về với bà ở một thế giới khác, nơi chẳng có buồn đâu, cô đơn và đói rét. Người đời đối xử với em quá vô tâm, lạnh lùng. Trên thế giới chỉ có hai người thương yêu em là mẹ em và bà em nhưng họ đều đã bỏ lại em mà đi, để em sống một mình với người cha nát rượu suốt ngày đánh đập em. Chỉ có tác giả, người nhìn xuống cô bé bán diêm với tất cả tình yêu thương và sự thấu hiểu để thấy được những điều kỳ diệu mà em có thể thấy, để thấy được gương mặt hồng hào khi ra đi của em ngay trong tiết trời lạnh giá. Cái chết của cô bé bán diêm phản ánh số phận của những con người đau khổ, phản ánh sự thờ ơ vô tâm lạnh nhạt đến vô nhân tính của con người trong cuộc sống nhân loại. Nhưng nhìn từ một góc độ nào đó, cái chết là một cái kết “ có hậu” cho chính cô bé bán diêm. Em đã về với bà ở thế giới khác, không còn phải chịu những trận đòn vô lí, chịu những đói rét và cô đơn.An-đéc-xen đã cúi xuống nỗi đau của một em bé bất hạnh, kể cho ta nghe câu chuyện cảm động này bằng tất cả tình yêu thương vô bờ bến đối với trẻ thơ và những con người nghèo khổ. Từ đó cất lên tiếng nói cảnh tỉnh những trái tim đông cứng như băng giá mùa đông, gửi bức thông điệp tình thương đến mọi người. Niels Julius Lassen từng khẳng định “ Truyện An-đéc-xen là một mảng thời thơ ấu của bất cứ người Đan Mạch nào. Thiên tài của ông khiến chúng cũng là của người lớn. Những truyện đó không những là những truyện truyền thống của trẻ em, mà còn chứa đựng những yếu tố huyền thoại, truyền thuyết, phản ánh qua một thế giới không thực những ước mơ và truyền thống của cả một dân tộc”

Tami - VFO.VN
 
  • Chủ đề
    cô bé bán diêm
  • Top