Viết đoạn văn suy nghĩ về lòng biết ơn ngắn gọn hay ý nghĩa

Viết đoạn văn nghị luận xã hội luôn là một phần câu hỏi chiếm điểm không hề ít trong cấu trúc đề thi môn Ngữ văn, đặc biệt là với kì thi tuyển sinh vào 10 hay kì thi THPT Quốc gia. Bởi vậy, nếu không biết cách viết sẽ rất dễ mất điểm ở phần này. Vì vậy, hôm nay chúng tôi đã dẫn ra dưới đây 3 đoạn văn ngắn suy nghĩ về lòng biết ơn - một đề tài có thể nói là vô cùng quen thuộc với tất cả các bạn học sinh đã và đang tiếp xúc với dạng bài tập nghị luận xã hội. Ấy vậy nhưng không phải cứ quen là sẽ viết tốt. Có không ít bạn học sinh gặp khó khăn trong việc chuyển sang viết đoạn văn ngắn trong khi đang viết thành bài. Chính vì thế, 3 đoạn văn viết về lòng biết ơn dưới đây sẽ là phần tham khảo phù hợp nhất dành cho các bạn, định hướng lối viết sao cho phù hợp để những đề nghị luận xã hội yêu cầu viết đoạn tiếp theo, các bạn sẽ biết cách và viết tốt hơn nữa. Chúc các bạn thành công trên con đường học tập của mình.

ĐOẠN VĂN SUY NGHĨ VỀ LÒNG BIẾT ƠN SỐ 1
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng”
Những câu ca dao tục ngữ trên hẳn là vô cùng quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam chúng ta. Câu ca ấy không chỉ đơn giản là lời ca của ông cha xưa, mà ở đó còn là bài học nhắc nhở ta về lòng biết ơn. Lòng biết ơn là gì? Đó là sự ghi nhớ, tri ân và coi trọng, có khi là đáp trả lại ơn nghĩa mà người khác đã dành cho mình. Biết ơn là một trong những nét đẹp truyền thống của dân tộc ta, đã được kế thừa và phát huy từ ngàn đời nay. Điều đó được thể hiện ở việc ta lập ra các đền thờ những vị vua dựng nước, những người có công với nước; những ngày lễ kỉ niệm thương binh liệt sĩ hay ngày Nhà giáo Việt Nam… Biết ơn bởi những gì ta có hôm nay đều là thành quả của những người đi trước, là nước mắt, là máu, là sự hi sinh của người khác. Nó sẽ là một trong những thước đo con người ta, là một trong những khía cạnh để người khác đánh giá và nhìn nhận. Ta biết ơn cha mẹ bởi họ cho ta một thân thể khỏe mạnh, một trái tim biết yêu thương. Ta biết ơn thầy cô bởi họ truyền cho ta kiến thức, dạy cho ta nhiều bài học ý nghĩa… Những ngày lễ, ta có những hành động đẹp để thay lời cảm ơn bày tỏ gửi đến họ. Biết ơn chẳng cần phải thể hiện bằng những hành động quá lớn lao, đôi khi chỉ là những việc nhỏ nhặt, đơn giản hơn chính là bản thân cố gắng hết mình trong cuộc sống cũng đã là lời cảm ơn chân thành nhất rồi. Ấy vậy nhưng có những con người lại sống vô ơn, ăn cháo đá bát, qua cầu rút ván. Họ quay lưng lại với ân nhân, với những người cho họ nhiều thứ. Những con người như vậy thật đáng phê phán. Lòng biết ơn, bạn đã làm gì để bày tỏ hay chưa?

long-biet-on.jpg

ĐOẠN VĂN SUY NGHĨ VỀ LÒNG BIẾT ƠN SỐ 2
Trên chặng đường đời thật dài, ta sẽ luôn cần chuẩn bị cho mình hành trang thật tốt. Ngoại trừ kiến thức, kĩ năng, ta còn cần một hành trang quan trọng không kém, đó chính là lòng biết ơn? Tại sao lại là biết ơn? Biết ơn là một thước đo cơ bản nhất khi nhìn nhận một con người. Bởi người sống biết ơn là người biết đón nhận, biết cảm ơn, biết trân trọng những thành quả, những gì mà họ được hưởng, được nhận. Cuộc sống luôn không có gì là dễ dàng và miễn phí cả. Mọi điều ta đang được hưởng, những gì ta được nhận, không phải tự nhiên mà có. Tất cả đều được đánh đổi bằng công sức, mồ hôi, thậm chí là nước mắt và máu, sự hi sinh của người khác. Những hạt cơm trắng dẻo ta ăn hàng ngày, ấy chính là thành quả sau bao ngày vất vả, khó nhọc của những người nông dân dưới trời nắng, trời mưa. Những câu chuyện, tác phẩm ta đọc chính là thành quả sau quá trình lao động miệt mài của người nghệ sĩ… Biết ơn còn là một trong những truyền thống tốt đẹp của cha ông ta từ ngàn xưa. Những vị vua, vị anh hùng có công với nước được nhân dân xây dựng đền thờ phụng. Hàng năm ta có các ngày lễ, lễ hội để dâng hương bày tỏ lòng mình đến những con người đã ngã xuống ấy. Không chỉ vậy, trong kho tàng ca dao tục ngữ còn có rất nhiều những câu ca nhắc nhở ta phải sống biết ơn như: “Uống nước nhớ nguồn”; “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.... Chính vì vậy, ta cần phải sống sao cho xứng đáng, phù hợp với những gì mà ta nhận được. Sống biết ơn cũng khiến ta hạnh phúc hơn mỗi ngày. Hãy để mình trở thành một con người sống trọn vẹn bạn nhé.

ĐOẠN VĂN SUY NGHĨ VỀ LÒNG BIẾT ƠN SỐ 3
“Ơn ai một chút chẳng quên”, người xưa đã có câu như thế. Ấy là để nhắc nhở ta luôn phải sống biết ơn. Xuyên suốt 4000 năm lịch sử, biết ơn đã cùng nhân dân ta đi qua năm tháng, trở thành một nét đẹp truyền thống của dân tộc, được kế thừa và phát triển không ngừng. Điều đó được thể hiện rõ nét qua các lễ hội, ngày lễ hoạt động được tổ chức hàng năm của nước ta như: lễ hội Phủ Dầy, giỗ tổ Hùng Vương, ngày thương binh liệt sĩ, ngày Nhà giáo Việt Nam… Vậy tại sao ta phải sống có lòng biết ơn? Không chỉ vì đó là truyền thống của dân tộc mà bởi, ta đang sống dưới một thế giới hòa bình - trước hết là kết quả ngã xuống của vô vàn con người, ta đang được hưởng thụ, đón nhận những điều tốt đẹp nhất - mà đó chính là thành quả của người khác mang lại. Thân thể cha mẹ cho ta, nuôi ta khôn lớn. Kiến thức thầy cô trao cho ta, những hạt cơm, bữa ăn ngon là từ thức ăn những người nông dân trồng được sau bao ngày vất vả cực nhọc. Những bộ quần áo đẹp ta mặc trên người là kết quả ngày đêm miệt mài thiết kế, sản xuất của những người thợ… Bởi vậy, biết ơn là một cách thể hiện sự trân trọng, nâng niu thành quả, là lời cảm ơn chân thành nhất ta gửi tới họ. Đó cũng là một thước đo đạo đức, giá trị con người, để người khác nhìn nhận và đánh giá ta. Những người sống biết ơn sẽ được mọi người yêu mến, làm tấm gương noi theo. Ấy vậy mà hiện nay, không ít những người lại sống ích kỷ, vô ơn. Họ qua cầu rút ván, ăn cháo đá bát thậm chí là với ân nhân của mình. Những hành động, con người như vậy đáng bị xã hội lên án và phê phán. Lòng biết ơn đơn giản vậy thôi, nhưng có mấy ai làm được, bạn thì sao?
 
  • Chủ đề
    lòng biết ơn đoạn văn
  • Top