Kể từ sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào Paris hồi cuối năm ngoái, các mạng xã hội như Facebook, Twitter và YouTube đều đưa ra những cam kết mạnh mẽ trong việc ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cực đoan trên thế giới mạng. Nhưng công việc của họ chưa bao giờ là đơn giản.
Vài giờ sau khi 2 vụ nổ tấn công thủ đô Brussels và cướp đi sinh mạng của hơn 30 người đầu tuần này, một hashtag với nội dung #Brusselsisonfire (Brussels bắt đầu cuộc chiến) xuất hiện trên Facebook. Đi kèm với hashtag này là dòng đe dọa của những kẻ ủng hộ tổ chức khủng bố IS – người đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công: “Các người tuyên bố chiến tranh và đánh bom chúng tôi. Và bây giờ chúng tôi tấn công ngay tại quê hương các người”.
Dòng tweet này sau đó đã được Twitter gỡ bỏ nhanh chóng. Kể từ tháng 2 năm nay, trong kế hoạch “Đối phó làn sóng bạo lực cực đoan” của mình, Twitter cho biết đã tăng cường đội ngũ với chuyên môn tìm và gỡ bỏ những bài đăng có nội dung cổ súy tư tưởng cực đoan. Thực tế là có nhiều tài khoản đã bị Twitter treo vì nghi vấn hỗ trợ khủng bố. Tuy nhiên, tờ IBTimes nhận định việc đánh giá xem bài đăng, tin nhắn nào đang cổ súy cho tư tưởng cực đoan là không dễ, bởi lẽ ngay cả những thành viên cấp thấp trong các tổ chức khủng bố cũng có thể đăng những gì chúng muốn lên mạng xã hội.
Thêm vào đó, cách mà IS sử dụng mạng xã hội đang thay đổi. Trước sự lớn mạnh của liên minh quốc tế, IS đang hứng chịu nhiều thảm bại trên chiến trường Trung Đông và vì thế cần tìm một cảm giác chiến thắng. Tuy nhiên, nhiều người đánh giá thay vì chăm chăm kiểm soát tất cả những người bị tình nghi liên quan đến hoạt động khủng bố, cách tốt hơn là để họ đối mặt với sự phẫn nộ của dư luận. Chia sẻ những video chống tư tưởng cực đoan trên Facebook và Twitter, theo nhiều chuyên gia, mới là giải pháp hiệu quả.
Trong khi đó, các công ty công nghệ đang đối mặt với không ít áp lực nặng nề về việc quản lý môi trường mạng mà mình đang cung cấp. Kể từ khi những vụ tấn công khủng bố leo thang, những công ty này nhận được ngày càng nhiều đơn yêu cầu cung cấp thông tin từ chính phủ. Trong giai đoạn tháng 7 – 12/2015, 5,560 đơn yêu cầu thông tin từ các chính phủ đã được gửi đến Twitter, tăng 93% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong cuộc chiến chống tư tưởng cực đoan trên không gian mạng, chính phủ cũng đóng một vai trò quan trọng. Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật “Phòng chống sử dụng mạng xã hội vì mục đích khủng bố”, trong đó vạch ra những định nghĩa cụ thể về hoạt động khủng bố và cách thức phòng chống. Tuy nhiên, theo IBTimes, hiện nay IS đang tận dụng những nền tảng phi truyền thống như Telegram để truyền bá những tư tưởng cực đoan của mình. Telegram, ứng dụng nhắn tin của “thế giới ngầm” và có tường rào mã hóa hiện đại, đã được IS sử dụng để phô trương sức mạnh khi nhóm này lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công ở Brussels.
Vụ tấn công tại Brussels lần này cũng nêu bật tầm quan trọng của những biện pháp kết nối cộng đồng sau thảm họa. Những người dùng Twitter tại Bỉ đã lan truyền hashtag #OpenHouse (Cửa mở đấy) để mời những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công vào nhà mình. Facebook cùng lúc đó đã triền khai tính năng kiểm tra an toàn Safety Check để những người gần khu vực tấn công có thể thông báo tình hình sức khỏe của họ đến bạn bè và người thân trên mạng xã hội.
Nguyễn Mai Đức
- Chủ đề
- brussels mạng xã hội vai trò