Cùng được ra mắt trong khuôn khổ sự kiện MWC 2016 vừa qua, cả LG G5 lẫn Xiaomi Mi 5 đều xứng đáng để vươn lên ngôi vương của làng di động trong năm nay với những tính năng nổi bật của riêng mình. Tuy nhiên, trong cuộc đối đầu trực tiếp giữa chúng, thì đâu mới là cái tên sáng giá hơn cả?
Xiaomi Mi 5 và LG G5 – Thiết kế
Với dòng Xiaomi Mi 5, người dùng không đơn giản chỉ có một, mà thậm chí là có đến 3 phiên bản khác nhau mang cùng cái tên này bao gồm Standard Edition, High Edition và Special Edition với cấu hình phần cứng có đôi chút khác biệt với nhau, trong đó phiên bản Special Edition là cái tên nắm giữ mức cấu hình cũng như hiệu năng cao hơn hẳn so với những người anh em còn lại của mình.
Nhìn chung, với bản Standard Edition lẫn High Edition, chúng ta sẽ thấy sự tương đồng trong khâu thiết kế mà Xiaomi mang đến cho thiết bị của họ trong lần ra mắt lần này với một màn hình rực rỡ trong từng chi tiết, viền benzel bao quanh thiết bị được thu gọn đến mức tối đa mang đến một cảm giác phần này dường như bị loại bỏ đi một cách hoàn toàn. Nút Home vẫn không có gì quá khác so với đại đa số thiết bị sử dụng nền tảng khác hiện có mặt trên thị trường với thiết kế dạng thanh dài được bo tròn ở 4 góc và tích hợp thêm tính năng cảm biến vân tay ngay trên đó. Và ở phần phía trên màn hình, vẫn là biểu tượng quen thuộc của Xiaomi tương tự những thiết bị tiền nhiệm trong dòng Xiaomi Mi, cũng như các thiết bị khác của hãng công nghệ đến từ Trung Quốc này từng sản xuất ra.
Theo Hugo Barra, phó Chủ tịch hiện tại của Xiaomi cho biết, một trong những nỗ lực trong khâu thiết kế của Xiaomi Mi 5 trong lần ra mắt này chính là việc cố gắng để đưa cụm camera chính nằm ở mặt lưng được tối ưu hóa để đặt cùng vị trí như bạn đã từng thấy trên những chiếc iPhone 6, đồng thời là sự bo tròn các góc cạnh một cách hợp lí để khiến nó mang đến một cảm giác thoải mái và dễ chịu khi sử dụng cho những người dùng của hãng.
Khối lượng cũng là một điểm tạo nên ưu thế trên chính Xiaomi Mi 5. Trong khi những cái tên như Samsung Galaxy S7 hay cả LG G5 đều nặng khoảng 150-160g, thì Xiaomi có những tinh chỉnh cho chính thiết bị của họ để giảm con số này xuống một cách đáng kể, chỉ còn khoảng 130g cho một thiết bị có kích thước và phần cứng như vậy
Bên kia chiến tuyến, rõ ràng cái tên LG G5 đã phần nào khẳng định đây là một trong những thế hệ tiếp theo của dòng G nổi tiếng do LG tạo nên, nhưng mà nếu không nhìn vào cái tên thì nhiều người sẽ nhầm lẫn đây là một sản phẩm hoàn toàn mới của hãng công nghệ đến từ Hàn Quốc này khi mà ngay từ khi còn nằm trên những bản vẽ ban đầu, LG G5 đã được ấn định mang một thiết kế hoàn toàn khác.
Không còn phong cách thuộc da mang phong cách mới lạ như trên LG G4 nữa, mà LG cũng chính thức chấp nhận dùng khung nhôm cho chính sản phẩm của mình lần này, mang lại một vẻ hoàn toàn cứng cáp và cao cấp. Có rất nhiều ý kiến xoay quah việc LG thay đổi chất liệu sản xuất cho thiết bị của họ khi mà có vẻ như mặt lưng bằng da thu hút được nhiều người dùng hơn, nhưng ít ai biết được rằng đảm bảo độ bền cho nó là điều hoàn toàn khó khăn khi đây cũng là vật liệu dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu nhất, và nhanh chóng biến thành một thiết bị rẻ tiền không hơn không kém. Chắc chắn một điều rằng LG cũng muốn có sự lặp lại trong khâu thiết kế ở phần này, nhưng sẽ là trong một dịp khác.
Điểm đặc biệt của LG G5 lần này là dạng thiết bị có phần lai giữa kiểu dáng module hiện đang được phát triển một cách hoàn hảo hơn trong Project Ara của Google. Với cái tên vừa được LG cho ra mắt cách đây không lâu, người dùng có thể dễ dàng tháo phần cạnh dưới của thiết bị để lộ ra khe cắm thiết bị khác như kính thực tế ảo VR, cụm camera mới mạnh mẽ hơn, loa ngoài… thông qua tính năng Magic Slot.
Điều khác biệt tiếp theo trong mảng thiết kế của LG G5 so với người tiền nhiệm của mình là việc LG thực hiện việc di chuyển các phím cứng vật lí sang hai bên cạnh của thiết bị, bao gồm cả nút nguồn và chỉnh âm lượng để nhường chỗ lại cho cảm biến vân tay lần đầu tiên được tích hợp vào dòng sản phẩm này.
Xiaomi Mi 5 và LG G5 – Màn hình
Cả ba phiên bản của Xiaomi Mi 5 trong lần ra mắt lần này đều mang một màn hình kích thước chung với 5.15-inch trên độ phân giải Full HD 1920 x 1080 pixels, cho một mật độ điểm ảnh ở mức tương đối cao với khoảng 427ppi cho một cái nhìn hoàn toàn sắc nét về các chi tiết được hiển thị trên đó, cùng khả năng tái tạo màu sắc phải nói là hoàn hảo để mang đến một cảm giác chân thật đến tối ưu. Và điểm đặc biệt như đã đề cập đến ở trên chính là việc mà viền màn hình xung quanh quá nhỏ khiến chúng ta trông như nó trải dài từ bên này sang bên kia, đồng thời làm giảm kích thước tổng thể của sản phẩm đến mức tối đa khiến nó có phần trông nhỏ hơn so với kích thước màn hình thực tế của mình
So với Xiaomi Mi 5, LG G5 có phần lớn hơn một cách rõ rệt khi mà cơ bản, màn hình của thiết bị này đã có kích thước lên đến 5.3-inch trên tấm nền LED IPS, nhưng vẫn nhỏ hơn người tiền nhiệm LG G4 với 5.5-inch của mình. Không những chỉ mang đến một cái nhìn sắc nét ở độ phân giải Full HD, LG G5 một lần nữa tiếp tục phát huy chuẩn Quad HD 2560 x 1440 pixels trong lần ra mắt này, đem đến một chất lượng phải nói là cao cấp trong mọi góc nhìn hơn hẳn Xiaomi Mi 5.
Đương nhiên, điểm nhấn về màn hình của LG G5 không dừng lại ở độ phân giải mà nó đang mang, mà thay vào đó là công nghệ thực sự tích hợp vào đó. Một lần nữa, chúng ta thấy sự có mặt của màn hình Always On trên một thiết bị mang thương hiệu LG sau sự thành công của LG V10 được giới thiệu vào giai đoạn cuối năm 2015 vừa qua cho phép hiển thị thời gian, cũng như các thông báo theo yêu cầu của chính người dùng một cách liên tục ngay trên chính màn hình khóa mà không cần phải bật thiết bị lên một cách liên tục nhưng vẫn đảm bảo một thời lượng sử dụng pin không hề có quá nhiều sự thay đổi.
Xiaomi Mi 5 và LG G5 – Phần cứng
Như đã nói ở trên, Xiaomi Mi 5 là một dòng sản phẩm đúng nghĩa chứ không đơn thuần là một thiết bị duy nhất với 3 phiên bản khác nhau về phần cứng, nhưng đều mang điểm chung duy nhất là tích hợp bộ vi xử lí đều nằm trong dòng Snapdragon 820 của Qualcomm nhưng mỗi thiết bị lại có xung nhịp hoàn toàn không tương đồng với nhau.
Theo đó, phiên bản Standard Edition sẽ nắm giữ mức cấu hình cơ bản nhất về bộ vi xử lí với xung nhịp được lựa chọn ở mức 1.8GHz, trong khi những cái tên High Edition hay Special Edition, con số này sẽ được nâng lên 2.15GHz để mang đến một khả năng xử lí tốt hơn và hiệu năng mượt mà hơn. Bên cạnh đó, RAM cũng là điều đáng để quan tâm trên dòng Xiaomi Mi 5 lần này khi 4GB RAM chỉ có thể được tìm thấy trên phiên bản có mức cấu hình cao nhất là Special Edition, trong khi những người anh em còn lại của nó chỉ sở hữu 3GB RAM.
Trong khi đó, LG G5 sẽ sử dụng phiên bản mạnh nhất của bộ vi xử lí lõi 8 đến từ Qualcomm là Snapdragon 820 để tận dụng hiệu năng cũng như tốc độ giải mã thuật toán ở mức cao nhất, cùng với đó là một dung lượng RAM lên đến 4GB cho phép hỗ trợ cũng như giải quyết các tác vụ đa nhiệm được thực hiện trên thiết bị
Xiaomi Mi 5 và LG G5 – Camera
Mặc dù có sự khác biệt nhau về phần cứng trên cả ba phiên bản của Xiaomi Mi 5, nhưng điều này không hề được lặp lại đối với cụm camera chính của thiết bị khi tất cả đều được trang bị ống kính 16MP cảm biến IMX298 nổi tiếng là mạnh mẽ đến từ Sony, bên cạnh khả năng khử rung quang học OIS 4 chiều không những cho chất lượng hình ảnh ở mức tốt nhất, một màu sắc tái tạo hoàn hảo, mà các bức ảnh được chụp trên chính Xiaomi Mi 5 sẽ luôn rõ ràng và có độ nét cao ngay cả khi bạn thường bị rung tay hay đặt dưới thời gian lấy sáng của màn trập dài trong điều kiện chụp đêm đi chăng nữa.
Không hề tỏ ra thua kém, cụm camera trước cũng là một điểm nhấn khi mà mặc dù chỉ có 5MP nhưng với khẩu độ f/2.0 cho một độ sáng tốt cùng một góc mở khá rộng, phù hợp cho những ai thường xuyên chụp selfie trên những thiết bị cầm tay như smartphone.
Còn với LG G5, cụm camera kép nằm ở ngay mặt lưng thiết bị là một trong những tính năng nổi bật nhất mỗi khi mà nhắc đến cái tên mang thương hiệu của LG. Trong đó, một ống kính 16MP sẽ được sử dụng cho một số bức ảnh cần độ nét cao, hay chụp chân dung…, và ống kính còn lại 8MP sẽ thuận tiện cho việc chụp ngoại cảnh hơn khi độ phân giải không phải là thứ đòi hỏi quá nhiều, và cho một góc mở về hai phía rộng hơn hẳn khi lên đến gần 135 độ.
Cũng giống như người tiền nhiệm LG G4 của mình, cái tên LG G5 một lần nữa mang đến chế độ chụp bằng tay hoàn hảo khi cho phép người dùng tùy chỉnh những thông số tương tự như một chiếc máy DSLR thực thụ từ tốc độ màn trập, khoảng lấy nét, cân bằng trắng, ISO… nhưng với một chất lượng ảnh được nâng cấp một cách rõ rệt hơn so với người tiền nhiệm của mình. Bên cạnh đó, khả năng xuất ảnh dưới dạng RAW cũng là một ưu thế khá lớn cho những ai yêu thích chụp ảnh chuyên nghiệp mà không muốn mang đi một chiếc DSLR cồng kềnh theo bên mình
Xiaomi Mi 5 và LG G5 – Hệ điều hành
Với việc được ra mắt cùng nhau tại MWC 2016, thì cũng không quá bất ngờ khi mà cả Xiaomi Mi 5 hay LG G5 đều sử dụng chung nền tảng Android 6.0 Marshmallow mới nhất, nhưng mỗi hãng lại đi kèm với những tùy chỉnh riêng cho thiết bị của họ.
Xiaomi Mi 5 là cái tên tiếp theo nhận giao diện người dùng MIUI nổi tiếng của Xiaomi với sự tối ưu hóa trong tính năng, và sự đơn giản trong giao diện nhưng vẫn mang bản sắc riêng khiến cho Xiaomi Mi 5 thực sự có một cái nhìn rất khác biệt mà vẫn đảm bảo một hiệu năng ở mức ổn định. Bên cạnh đó, việc loại bảo App Drawer cũ kĩ khiến mọi thứ được mang lên một cách đầy đủ trên màn hình chính, cùng với việc cho phép nhóm các ứng dụng mong muốn với nhau thành từng thư mục tương tự như các thiết bị sử dụng iOS để tạo nên sự đơn giản hóa cho chính màn hình này.
Bên kia chiến tuyến, LG cũng đưa ra phiên bản giao diện người dùng UX 5.0 cho chính LG G5, và cũng giống như người tiền nhiệm trước đây, LG UX 5.0 một lần nữa nói không với App Drawer, đồng thời cũng loại bỏ tính năng Dual Window quen thuộc với những người dùng của họ.
Xiaomi Mi 5 và LG G5 – Thời lượng pin
Xiaomi Mi 5 mang trên mình viên pin với dung lượng tương đối cao lên đến 3000mAh cho một thời lượng sử dụng phải nói là tương đối dài và ổn định để có thể đáp ứng một ngày sử dụng của đại đa số người dùng của mình, bên cạnh sự giúp sức từ tính năng hỗ trợ Doze nổi tiếng được tích hợp ngay bên trong nền tảng Android 6.0 Marshmallow mà thiết bị này đang nắm giữ.
Với Qualcomm Snapdragon 820, tính năng sạc nhanh Quick Charge 3.0 là một trong những tính năng được hỗ trợ một cách đầy đủ nhất cho thời gian sạc nhanh hơn 20% so với những phiên bản Quick Charge trước kia, đồng nghĩa với việc bạn có thể lấy lại một cách nhanh chóng từ 80% đến 90% dung lượng pin của thiết bị chỉ trong vòng chưa đến 1 giờ đồng hồ cắm sạc liên tục.
Còn với LG G5, tuy dung lượng pin của thiết bị này có phần nhỏ hơn đôi chút với 2800mAh, nhưng bù lại với thiết kế thông minh của mình, LG G5 không hoàn toàn là một sản phẩm nguyên khối, và cho phép người dùng dễ dàng thay viên pin đi kèm với máy bằng một thiết bị chính hãng khác tương tự để người dùng tiếp tục sử dụng, bổ sung thêm một lựa chọn khác bên cạnh việc tìm nguồn điện nạp lại cho chính sản phẩm LG G5. Mặc dù đi kèm thêm công nghệ Always On cho phép LG G5 gần như hoạt động liên tục trong suốt thời gian để truyền tải các thông tin đến người dùng, nhưng nhờ những tinh chỉnh riêng mà nó không gây ảnh hưởng gì quá lớn đến việc sử dụng thiết bị đến từ phía người dùng cả.
Xiaomi Mi 5 và LG G5 – Tổng kết
Nhìn chung, cả Xiaomi Mi 5 lẫn LG G5 đều có những điểm mạnh cho riêng mình khi mà cái tên đến từ đất nước Trung Quốc mang một thiết kế hoàn toàn độc đáo và mạnh mẽ trong cuộc đua với các siêu phẩm khác có mặt trên thị trường với một viền màn hình được làm mỏng đến mức tối đa, một khối lượng nhẹ nhưng vẫn đảm bảo sự cứng cáp bao bọc một phần cứng mạnh mẽ và phù hợp với đại đa số người dùng khi cho phép họ lựa chọn phiên bản tùy thuộc nhu cầu sử dụng cũng như mức giá một cách hoàn toàn cụ thể.
Còn LG G5, điểm nhấn lại đến từ cụm camera kép dành riêng cho những ai yêu thích chụp ảnh ngay trên smartphone thay cho các máy ảnh DSLR chuyên nghiệp, một thiết kế dạng module ở một số bộ phận độc đáo chưa từng được nhắc đến trước đây trong những sản phẩm của LG, thiết kế cao cấp và phần cứng dĩ nhiên không có gì phải bàn.
Ngang tài ngang sức, thật khó để có thể đoán trước được rằng liệu Xiaomi Mi 5 hay LG G5 sẽ trở thành ngôi vương của thị trường ngay tại thời điểm nó được bán ra. Nhưng theo ý kiến của mình, LG G5 sẽ có được sự đón nhận nhiều hơn bởi những điểm độc đáo mang đúng thương hiệu của LG.
Xiaomi Mi 5 – Thông số kĩ thuật
Màn hình: 5.15-inch, độ phân giải Full HD 1920 x 1080 pixels
RAM: 3GB/4GB
Vi xử lí: Qualcomm Snapdragon 820
Bộ nhớ trong: 32GB/64GB
Camera chính: 16MP
Camera phụ: 5MP
Dung lượng pin: 3000mAh
LG G5 – Thông số kĩ thuật
Màn hình: 5.3-inch, độ phân giải Quad HD 2560 x 1440 pixels
RAM: 4GB
Vi xử lí: Qualcomm Snapdragon 820
Bộ nhớ trong: 32GB
Camera chính: 16MP và 8MP
Camera phụ: 8MP
Dung lượng pin: 2800mAh
Theo Android Pit
- Chủ đề
- lg g5 so sanh xiaomi xiaomi mi 5 đánh giá