Xuân Diệu quan niệm: Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa Làm sáng tỏ qua Tây Tiến

Đề bài: Xuân Diệu quan niệm: "Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa". Điều đó có thực như vậy? Chúng ta cùng đi làm sáng tỏ ý kiến qua bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng.

Nhưng văn học còn là nghệ thuật, là những tâm tình nghệ sĩ gửi vào đó, là những cảm xúc mãnh liệt và cả những ngôn từ được chọn lọc như “đãi quặng tìm vàng” để có những câu chữ ngân lên như “ngậm nhạc trong miệng”. Đó mới là văn học nghệ thuật. Bởi thế Xuân Diệu mới khẳng định: “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa". Ý kiến là nhận định chính xác với thơ ca mọi thời đại nhưng có thể thấy rõ điều đó qua những tác phẩm văn học cách mạng. Một trong những dẫn chứng tiêu biểu chính là “Tây Tiến” của Quang Dũng. Hôm nay chúng ta cùng nhau làm sáng tỏ ý kiến qua “Tây Tiến”. Chú ý khi làm bài nên phân chia luận điểm và phân tích bài thơ có định hướng để bài viết rõ ràng, thuyết phục. Sau đây là bài viết các bạn có thể tham khảo. Chúc các bạn học tập tốt!

BÀI VĂN CHỨNG MINH “THƠ LÀ HIỆN THỰC, THƠ LÀ CUỘC ĐỜI, THƠ CÒN LÀ THƠ NỮA” QUA “TÂY TIẾN”
Thơ ca đã đến với con người từ ngàn năm trước và còn tồn tại với ta đến ngày tận thế. Thế nhưng vẫn chưa có một định nghĩa chính xác: Thơ là gì? Với Xuân Diệu: “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa”. Thật vậy, những dòng của “Tây Tiến” đã thể nghiệm đúng nhiều điều đó.

“Thơ” đối với người này là “thần hứng” (Platon), với người kia lại là “ô cửa, mở tới tình yêu” (Lưu Quang Vũ). Có người lại cho rằng: “Thơ là sắc đẹp ở ngoài sắc đẹp, vị ngọt ở ngoài vị ngọt, không thể trông bằng mắt thường, nếm bằng miệng thường” ((Hoàng Đức Lương), … Nhưng xét chung, thơ cũng là một loại hình nghệ thuật, thể hiện cảm xúc của chủ thể trữ tình trước cuộc sống mà bật ra thành hệ thống ngôn từ có tính thẩm mĩ cao, tổ chức theo những quy phạm nhất định. Thơ trước hết là “hiện thực”, là tấm gương phản chiếu hiện thực cuộc sống đương thời; là “cuộc đời” – là cuộc đời nắng gió ngoài kia, là cuộc đời của cả một ai đó dồn chứa vào những câu thơ. Và đặc biệt: “thơ còn là thơ nữa”. “Thơ” thứ hai chính là để ám chỉ đặc trưng thơ: tình cảm nồng nàn mãnh liệt và ngôn từ mang tính nhạc, tính họa rất cao, chọn lọc rất cao. Như vậy, ý kiến của Xuân Diệu khá toàn diện khi định nghĩa về thơ.

Bài thơ “Tây Tiến” lấy tên là tên một đơn vị quân đội thành lập năm 1947, có nhiệm vụ cùng quân đội Lào bảo vệ vùng biên giới Việt-Lào và miền Tây Bắc Bộ Việt Nam. Những người lính kiên cường của đoàn quân ấy chủ yêu là những tri thức Hà Thành trẻ trung, lãng mạn. Quang Dũng viết về người lính Tây Tiến không chỉ bằng con mắt quan sát mà còn bằng chính những trải nghiệm thực tế bởi ông cũng là một người lính Tây Tiến năm xưa. Cuối năm 1948, ông phải rời quân đoàn đi làm nhiệm vụ khác, nỗi nhớ về Tây Tiến và núi rừng, con người Tây Bắc đã giúp ông viết lên bài thơ. Bởi thế, bài thơ chính là hiện thực của những năm kháng chiến gian khổ, là cuộc đời đầy sóng gió ngoài kia, cuộc đời của chính tác giả, hơn nữa nó còn là thơ, một bài thơ tuyệt đẹp.

“Tây Tiến” trước hết chính là hiện thực, hiện thực của những năm tháng kháng chiến khó khăn gian khổ, của những ngày tháng hành quân đầy gian nan: đó là ở “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”; là cảnh núi con cheo leo: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”; nhưng có lúc cũng rất vui vẻ với những đêm hội đuốc hoa, với cảnh sắc tuyệt đẹp của núi rừng Tây Bắc: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Đặc biệt, vì người nghệ sĩ là “thư kí trung thành của thời đại” (H.Balzac) nên dù có khó khăn, thậm chí đau thương, mất mát anh cũng không được vứt bỏ. Bởi tấm gương nghệ thuật luôn phải chiếu đường đời, mà đường đời thì có nơi khô ráo, có chỗ lầy lội. Quang Dũng chưa bao giờ né tránh hiện thực để nói lên tiếng nói chân thực nhất về chân dung người lính:
  • “Anh bạn dãi dầu không bước nữa
  • Gục lên súng mũ bỏ quên đời”
Hai tính từ “dãi dầu” đã đủ để làm hiện về bao vất vả, nhọc nhằn của những cuộc hành quân. “Không bước nữa” có thể là những giây phút hiếm hoi người lính buông mình vào giấc ngủ; nhưng cũng có thể là một thực tế đau xót là người lính đã ngã xuống và không thể bước cùng đồng đội. Là khi hình ảnh cả đội hiện lên là:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

Sống nơi rừng núi hiểm trở, những chiếc đầu chẳng còn tóc hay màu da đã biến đổi thành xanh lá – hiện hình của căn bệnh sốt rét đã chẳng còn xa lạ với những người lình nữa rồi. Thậm chí là hình ảnh trực tiếp về cái chết:
  • “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”
Câu thơ là một trong những bức tượng đài bi tráng nhất của người lính Việt Nam. Nơi viễn xứ, những con người ấy chỉ còn là áo vải mong manh. Cái bi, cái mất mát trong chiến tranh là chẳng thể nào chối bỏ. Vì thế, Nguyễn Duy từng đúc kết một cách đau xót: “Kì quan nào chẳng hắt bóng xót xa” (“Đứng trước tượng đài Kiev). Đó là hiện thực. Và thơ cần là hiện thực trước hết.

Nhưng nếu tác phẩm văn học nào cũng chỉ phản ánh hiện thực bằng cách bê nguyên vào trang viết thì văn học chẳng khác nào những tấm ảnh phô tô, không một chút khác biệt. Cái hay của nghệ thuật chính là hiện thực vào đến trang văn, đã qua tấm kính lọc của nhà văn. Người nghệ sĩ, với mỗi cách hiểu của mình, kiến thức và sự trải nghiệm riêng sẽ tiếp nhận hiện thực theo một cách riêng. Và khi vào đến trang thơ rồi, nó không chỉ đơn giản là hiện thực, là cuộc đời nắng gió bên ngoài mà còn là cuộc đời của chính nhà văn, là một phần của người nghệ sĩ tự cất tiếng để thể hiện mình. Bởi thế, thơ còn chính là “cuộc đời”, một cuộc đời có một không hai. Đó là cuộc đời của Quang Dũng đã từng sống và chiến đấu cùng đồng đội ở chiến khu, là những ngày tháng cùng nhau hành quân, là những giây phút sinh hoạt cùng nhau:
  • “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
  • Kìa em xiêm áo tự bao giờ
  • Khèn lên man điệu nàng e ấp
  • Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”
Trong gian khó, họ vẫn trẻ trung, vẫn thích thú tổ chức những “hội đuốc hoa”. Trong hiện thực, đó có thể là lửa đuốc nhưng trong cái nhìn lãng mạn của những chàng trai trẻ tuổi trẻ lòng thì đó là những gì rực rỡ và tươi sáng, rạng ngời cũng ấm áp, ảo huyền. Một từ “bừng” thôi đã làm bừng sáng không gian, bừng lên niềm vui và còn làm bừng thức một miền kỉ niệm khi chiến sĩ hôm nay bỗng nhớ về. Nhờ thơ, Quang Dũng một lần nữa được sống lại cuộc đời của mình, sống với chính mình.

Nhưng như thế chưa đủ, “thơ còn là thơ nữa” , là “bà chúa của nghệ thuật”. “Muôn đời, thơ vẫn là chuyện rút ruột rút gan ra mà thôi” (Thanh Thảo). Tình cảm là chưa đủ, tình cảm trong thơ phải đạt đến độ mãnh liệt, xung mãn của cảm xúc mãnh liệt, như Xuân Diệu nói là “độ chín” thì mới chuyển hóa thành thơ được. Đó là những gì anh yêu thương nhất, là những mong ước nhức nhối nhất chất chứa trong lòng, không nói ra được thì thơ xuất hiện. Thơ là nơi giải phóng nhà thơ, là nơi thỏa nỗi nhớ của Quang Dũng. Quang Dũng viết thật hay về nỗi nhớ - nỗi nhớ dấy lên từ những nẻo đường tha hương, nẻo đường cách mạng và kháng chiến, hướng về “cố quận”, về “Xứ Đoài mây trắng lắm”. về một “ngọn Ba Vì mờ xa” và cả cái tên thân thương “Tây Tiến” :
  • “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!”
Câu thơ 7 chữ mà có đến 4 chữ là địa danh. Đã có hình ảnh trực tiếp nào đâu, thế mà nó cứ vang vọng cào không gian, dội sâu vào tâm tưởng. Đó là tiếng gọi của một quá khứ thăm thẳm không chịu ngủ yên trong tâm can người thi sĩ. Chừng như, kể từ giây phút ấy, chúng không còn là những địa danh vô cảm, vô can trên bản đồ. Từ thời khắc ấy, những chữ ấy đã cất giữ cho Quang Dũng cả một quãng đời. Câu thơ xác định rõ hai khoảng không gian khác nhau: không gian thực tại và không gian hồi tưởng. Nhưng hình như chỉ có độc giả mới nhận ra rành rẽ điều đó, còn với nhà thơ, khi ông nói “xa rồi” là khi hình ảnh của quá khứ chưa xa đang ấp tới, nhấc bổng ông lên khỏi mảnh đất hiện thực. Bởi thế, toàn bộ bài thơ như một câu chuyện được bao bọc trong bầu khí quyển riêng của nỗi nhớ.

Nỗi nhớ, cứ như những đợt sóng, chốc chốc lại dâng trào, không thể kìm nén:
  • “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
  • Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Chữ “Nhớ ôi” nghe mới nôn nao, nghèn nghẹn thế nào! Không phải “ôi nhớ” như lối cảm thán cũ mòn ; cũng không phải “nhớ ôi là nhớ” thật thà, khẩu ngữ hay “nhớ ôi” như tiếng gọi hướng ra người mà là “nhớ ôi” như tiếng kêu hướng về mình. Ta nghe rõ trong lời thơ một nỗi nhớ nhung bất chợt cồn lên. Kẻ nhớ không thể cầm lòng đã vỡ òa thành tiếng kêu than nhưng “buột miệng ra mà dư vang súc tích”. Lê Đạt từng nói: “Tôi tôn trọng những nhà văn sinh sự với văn chương để tạo ra sự sinh của ngôn ngữ”. Quang Dũng là một người như thế. Ông đã tạo ra một nét nghĩa táo bạo mà thật đa tình trong tập hợp từ mới mẻ: “mùa em”. “Mùa em” khiến cho Mai Châu không chỉ là một địa danh gắn với những kỉ niệm thơm thảo của xôi nếp đầu mùa, của tình quân dân sâu nặng mà còn gợi nhớ hình ảnh những cô gái duyên dáng miền sơn cước. Rồi đây, Tây Tiến sẽ mờ dần sau những thăng trầm lịch sử nhưng tiếng kêu kia vẫn sẽ còn gieo vào lòng người đọc mai sau những bồi hồi một thuở. “Tây Tiến” cứ sống trong nỗi nhớ và sống bằng nỗi nhớ như thế.

Hay câu:
  • “Kìa em xiêm áo tự bao giờ”
“Kìa em” mang theo tâm trạng ngỡ ngàng mà cũn có thể là cái nhìn mê đắm, hom hình trẻ trung của người linh. “Kìa em” như còn sống động, tươi rói như mới đây thôi! Một cụm từ “xây hồn thơ” đã xác lập vị trí của những chàng trai ấy: không chỉ là chiến sĩ quả cảm mà còn là thi sĩ đa tình.

“Thơ” khi có tình cảm mãnh liệt, có cần tìm một hình thức nghệ thuật xứng đáng với nó để tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh, như người con gái đẹp, vừa có sắc vừa có tâm hồn. So với văn xuôi, ngôn từ trong thơ lại càng phải chắt lọc, tinh luyện nhiều hơn. Lấy từ ngôn ngữ đời sống hằng ngày nhưng không phải sự sao chép mà phải là sự sôi sục “đãi quặng tìm vàng” (Maiacopxki), để lượm lặt trong những luống cày đời sống, ấp ủ nơi trái tim nhà thơ thành những đóa hoa thơ tuyệt đẹp. Qua bàn tay của nhà văn, chất liệu thô sơ đời sống chúng liên kết, ứng hiện vào nhau trong hình thức lấp lánh. Bởi thế, thơ viết về nỗi nhớ từ xa xưa đến nay khó mà kể xiết. Nhưng ít có bài thơ nào mà nỗi nhớ lại được biểu đạt bằng những chữ lạ và ám như Quang Dũng:
  • “Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

Người đọc “Tây Tiến” làm sao quên được chữ “nhớ chơi vơi”. “Chơi vơi” là trạng thái của nỗi nhớ hay của cảnh vật được nhớ? Nó là cái chông chênh hụt hẫng của kẻ đang phải lìa xa nơi mình từng gắn bó hay là cái trập trùng xa ngát của núi rừng miền Tây? Thật khó tách bạch! Cả hai chủ thể và đối tượng dường như đã trộn lẫn vào nhau mà đồng hiện trong một chữ “chơi vơi” ấy. Có phải đó là cái trạng thái chập chờn rất riêng của nỗi nhớ chăng?

Người xưa thường nói: “Thi trung hữu họa”, “Thi trung hữu nhạc”. Chỉ từ những câu thơ trên trang giấy, nhìn mà tưởng như đang thưởng tranh, đọc mà như “ngậm nhạc trong miệng”:
  • “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
  • Heo hút cồn mây súng ngửi trời
  • Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
  • Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Câu thơ “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” có 7 chữ mà tới 5 chữ là thanh trắc cùng điệp từ “dốc”, các từ láy “khúc khuỷu, thăm thẳm” đã gợi tả hình ảnh con đường hành quân với những đèo dốc quanh co, gập ghềnh, lên cao mãi. Từ láy “heo hút” gợi về cảm giác xa xôi, hẻo lánh. Những chữ lấp lánh ấy vừa khiến người ta bất ngờ lại vừa gây hứng thú: “cồn mây”. Không phải áng mây phiêu du hay chòm mây phiêu lãng mà lại là “cồn mây” mờ mịt nơi cửa ải xa: “mặt đất mây đùn cửa ải xa” (Đỗ Phủ). Hình ảnh nhân hóa “súng ngửi trời” mới độc đáo và thú vị làm sao. Đến câu thơ tiếp theo lại được ngắt đột ngột làm đôi, vẽ ra hai chặng đường hành quân. Điệp ngữ “ngàn thước” cùng nghệ thuật đối lập “lên cao- xuống” đã gợi tả độ sâu của vực đầy dữ dội, hiểm trở. Thì ra đọc thơ Quang Dũng không chỉ như ngậm nhạc trong miệng mà còn như được thưởng tranh. “Thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc” là vì thế. Nếu câu thơ trên trắc trở bao nhiêu thì câu thơ dưới lại mềm mại bất nhiêu, câu thơ trên cheo leo bao nhiêu thì dưới lại nhẹ nhàng bấy nhiêu, cảnh trên hiểm trở bao nhiêu thì cảnh hiện thời lại êm đềm bấy nhiêu: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Tâm hồn thảnh thơi được trải ra theo những âm bằng suốt cả câu thơ rồi.

Thơ không chỉ là chuyện của từ ngữ, còn là chuyện của việc sử dụng bút pháp để tạo ra một tác phẩm hài hòa tổng thể. “Tây Tiến” nói về hiện thực khó khăn, về sự hi sinh mất mát nhưng tại sao không tạo cảm giác bi lụy. Vì cảm hứng chủ đạo chi phối bài thơ chính là sử thi đi cùng với lãng mạn. Bởi thế, dẫu có viết về cái chết, bi nhưng không lụy:
  • “Anh bạn dãi dầu không bước nữa
  • Gục lên súng mũ bỏ quên đời”

Hai câu thơ tựa như bức họa đầy ấn tượng về người lính. Sự hi sinh là có đấy bởi Quang Dũng không bao giờ né tránh hiện thực. Nhưng hiện thực trong mắt ông không bao giờ chỉ giản đơn và tẻ nhạt. Một loạt các từ mang tính chủ động: “không bước nữa”, “bỏ quên đời”. Biến sự mất mát thành sự chủ động đón nhận, chấp nhận một cách tự tin và nhẹ tênh, mang cái ngang tàng, kiêu bại của những người lính trẻ trung, giàu nhiệt huyết. Hay:
  • “Rải rác biên cương mồ viễn xứ
  • Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
  • Áo bào thay chiếu anh về đất
  • Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Câu thơ là một trong những bức tượng đài bi tráng nhất của người lính Việt Nam. Nơi viễn xứ, những con người ấy chỉ còn là áo vải mong manh. Cái bi, cái mất mát trong chiến tranh là chẳng thể nào chối bỏ. Nhưng bi mà không hề lụy. Câu thơ sử dụng hệ thống những từ Hán Việt: “biên cương” “viễn xứ”, “chiến trường”, “áo bào”, “độc hành” làm cho không khí trở nên trang giọng, lời thơ trầm lắng, giọng thơ trầm hùng, bi tráng. Lại một cách nói chủ động: “chẳng tiếc đời xanh” khẳng định khí thế ngang tàng của những bậc nam nhi coi cái chết nhẹ tựa hồng mao. vfo.vn Hình ảnh “áo bào” gợi về bóng dáng những Kinh Kha bên bờ sông Dịch: “Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn” cùng biện pháp nói giảm nói tránh càng làm cho người lính hiện lên cao đẹp. Cái chết đối với họ, đơn giản chỉ là sự trở về khi mình đã sống và chiến đấu hết mình trong một tâm thế ung dung, nhẹ nhàng. Trước đây, khi nhắc đến những câu thơ này của Quang Dũng, người ta thường thấy ở đó những biểu hiện tiêu cực của “mộng rớt”, “buồn rớt” hay “yêng hùng tư sản”. Cái khẩu khí của nhà thơ, của những anh bộ đội Tây Tiến ấy, thực ra, vô cùng đáng trọng. Nó là biểu hiện quyết tâm của những con người yêu giống nòi, sẵn sàng đổ máu hi sinh vì những lẽ sống lớn lao. Họ không phải nạn nhân, những con tốt đen vô danh vô nghĩa trên bàn cờ trận mạc mà là những “chủ thể đầy ý thức của lịch sử”, biết sống đẹp từng giây phút, biết ước mơ, hi vọng và khi cần thì sẵn sàng hiến dâng. Những câu thơ của Quang Dũng thực sự ngang tầm vóc với các chiến sĩ đã bỏ mình vì nghĩa lớn. Sự ra đi của họ lại được cất lên thành khúc “độc hành” của sông Mã đầy uy nghiêm và trang trọng. Tầm vóc con người đã sánh ngang tầm vũ trụ.

Một bài thơ hay chính là bài thơ biết sống vì thời đại của nó, vì lẽ sống chung của mọi người nhưng không quên những tình cảm mãnh liệt của mình và hiển hiện ra bằng hình thức nghệ thuật độc đáo. Cái hiện thực giúp cho thơ hòa cùng nhịp đạp chung nhưng tình cảm đặc biệt để thơ có được chỗ đứng riêng. Cái tài của người nghệ sĩ chính là biết biến những câu chuyện cuộc sống thành câu chuyện của mình nhưng có thể làm cho người ta khi đọc không còn thấy câu thơ nữa mà chỉ còn thấy tình người. Quên rằng đó là tiếng nói của ai, người ta thấy nó như tiếng ca từ trong lòng mình, như là của mình vậy. Phải chăng, như Paul Eluard: “Thơ đi từ chân trời của một người đến chân trời của tất cả”.

“Từ bao giờ đến bây giờ, từ Homero đến kinh thi, đến ca dao Việt Nam, thơ vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế” (Hoài Thành). “Tây Tiến” nói riêng và những tác phẩm nghệ thuật đích thực, đã, vẫn và sẽ còn sống mãi…

-Bỉ ngạn- vfo.vn
 
  • Chủ đề
    quang dung tây tiến xuân diệu
  • Top