Ý nghĩa nhan đề “Khi con tu hú” chi tiết lớp 8

Khi học hay đọc bất cứ một tác phẩm văn học nào, người ta đều phải để ý qua nhan đề của tác phẩm đó. Có những nhan đề mà đơn giản chỉ là một cái tên của những vần thơ, những câu chuyện. Song cũng có những nhan đề hàm chứa có tấm lòng, cả khát vọng tự do nồng cháy. Và, nhan đề “Khi con tu hú” của nhà thơ hoạt động cách mạng Tố Hữu chính là một nhan đề như vậy. Giữa hoàn cảnh ngục tù tăm tối và ngột ngạt, tiếng chim tu hú cất lên báo hiểu một mùa hè nữa lại đến. Trái ngược với cái nắng giòn tan của mùa hè ngoài kia, những người thi sĩ trong ngục tù chỉ có sự cô đơn và khát khao tự do cháy bỏng. Đây là một nhan đề thơ độc đáo. Hôm nay chúng tôi sẽ đưa ra cho các bạn hai đoạn văn phân tích ý nghĩa nhan đề “Khi con tu hú” của Tố Hữu. Cái gì cũng vậy, phải hiểu cặn kẽ, phải thả hồn vào từng câu chữ, phải đặt cuộc sống vào từng hoàn cảnh chúng ta mới thấy được tấm lòng của người thi sĩ. Hi vọng rằng hai đoạn văn dưới đây có thể cung cấp cho các bạn một cái nhìn đa chiều về việc đặt nhan đề cho tác phẩm cũng như tâm tư mà người nghệ sĩ gửi gắm trong những tác phẩm ấy.


y-nghia-khi-con-tu-hu.jpg


ĐOẠN VĂN PHÂN TÍCH Ý NGHĨA NHAN ĐỀ BÀI THƠ KHI CON TU HÚ SỐ 1
Tố Hữu viết bài thơ “Khi con tu hú” vào tháng 7 năm 1939 sau gần 100 ngày khốn khổ tù đày trong nhà lao Thừa Thiên. Đó quả thật là một mùa hè khó quên đối với nhà thơ, để rồi kí ức ấy được Tố Hữu khắc họa đầy da diết và ám ảnh trong 10 câu thơ lục bát - một thể thơ đầy tâm tình ngọt ngào như những khúc ca dao. Ngay trong vế đầu của câu thơ thứ nhất, tác giả đã đề cập đến loài chim tu hú: “Khi con tu hú gọi bầy”. Khi con tu hú gọi bầy là mùa hè đến. Giữa cái nắng vàng ươm của mùa hè và sự tự do của trời đất, nhà thơ hoạt động cách mạng nay lại phải chịu cảnh đày ải. Nhan đề bài thơ sử dụng hình ảnh con chim tu hú để gợi mở cảm hứng, cảm xúc chung cho toàn bài thơ. Nhan đề này có giá trị hóa dụ và giá trị liên tưởng cao. Khi tác giả đang ở trong tù giam chật hẹp, ngột ngạt, tù túng, khi ông nghe thấy tiếng chim tu hú cũng có nghĩa là mùa hè cận kề. Chính điều đó đã đánh thức cảm xúc chật hẹp, cô đơn và mong muốn thoát khỏi cảnh tù đày của nhà thơ. Việc sử dụng hình ảnh chim tu hú cũng như lấy tên loài chim này để đặt tên cho bài thơ là một yếu tố rất quan trọng góp phần làm nên sự thành công của bài thơ cũng như tên tuổi của Tố Hữu.

ĐOẠN VĂN PHÂN TÍCH Ý NGHĨA NHAN ĐỀ BÀI THƠ KHI CON TU HÚ SỐ 2
Nếu nói người mê sách sẽ dừng mắt ở một cuốn sách vì chiếc bìa đẹp thì khi ví người yêu thơ sẽ tha thẩn và đem lòng yêu những vần thơ từ nhan đề cũng chẳng có gì là quá đáng. Đến với bài thơ “Khi con tu hú” của nhà thơ Tố Hữu, người đọc sẽ không thể không tò mò với nhan đề của tác phẩm. Tại sao lại là “Khi con tu hú” mà không phải tên của một loài chim hay loài hoa nào khác?! Thật vậy! Khi đặt tên cho mỗi “đứa con tinh thần” của mình, mỗi nhà thơ đều có dụng ý gửi gắm vào nhan đề đó. Ở đây, “Khi con tu hú” biểu tượng cho mùa hè đang đến gần. Giữa cái không khí rạo rực của hè đến, lại có một nhà thơ hoạt động cách mạng bị giam giữ trong lao ngục tù túng, ngột ngạt. Khi nghe con tu hú gọi bầy, cảm xúc cô đơn và khao khát tự do cháy bỏng của ông mãnh liệt hơn bao giờ hết. Nó khơi dậy nguồn cảm xúc, khơi dậy tình yêu cuộc sống, thôi thúc, giục giã khát vọng tình yêu cuộc sống của người chiến sĩ đang bị tù đày. Đây là một nhan đề thơ độc đáo và có sức gợi cao. Nó không chỉ khơi gợi được khát vọng tự do cháy bỏng của Tố Hữu nói riêng khi ở nhà lao Thừa Thiên mà còn gợi tả được tinh thần khao khát tự do của tất cả những nhà thơ hoạt động cách mạng thời đó.
 
  • Chủ đề
    khi con tu hú ý nghĩa nhan đề
  • Top