3 bài văn hay Phân tích hình tượng nhân vật Mị Trong truyện Vợ chồng A Phủ chi tiết

Nhân vật trong mỗi tác phẩm truyện chính là chiếc chìa khóa vàng để chúng ta có thể mở cánh cửa tư tưởng và nhận những thông điệp được gửi gắm. chắc hẳn ai đã từng đọc truyện ngắn vợ chồng A Phủ của Tô Hoài đều ấn tượng về Mị - một người con gái đáng thương nhưng mang trong mình một sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu hình tượng nhân vật Mị nhé.

Có lẽ Tô Hoài là nhà văn đã từng có sự gắn bó sâu sắc với đất và con người Tây Bắc, ông đã từng phải thốt lên rằng: “đất và người Tây Bắc đã để thương để nhớ trong tôi nhiều quá”. Chính mảnh đất giàu có ấy đã chắp bút cho một trong những tác phẩm ấn tượng nhất của Tô Hoài - Vợ chồng A Phủ. Và hình tượng nhân vật Mị đã được khắc hoạ vô cùng thành công, là đại diện cho con người Tây Bắc dù đau thương nhưng vẫn mạnh mẽ kiên cường và ẩn chứa sức sống tiềm tàng, sức vươn dậy mãnh liệt. Khi phân tích nhân vật trong một tác phẩm truyện, chúng ta sẽ đi sâu vào phân tích hành động, lời nói, suy nghĩ, cử chỉ của nhân vật. Bởi nhân vật là chiếc chìa khóa của mỗi một tác phẩm truyện, vậy nên từ việc phân tích nhân vật chúng ta có thể hiểu được những tư tưởng, tình cảm mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm. dưới đây là một số những bài viết phân tích hình tượng nhân vật mị trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" để các bạn có thể tham khảo. Chúc các bạn học tập thật tốt!

hinh-tuong-nhan-vat-mi-vo-chong-a-phu.jpg

Ảnh minh họa nhân vật Mị


BÀI VIẾT SỐ 1 PHÂN TÍCH HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT MỊ TRONG VỢ CHỒNG A PHỦ CỦA TÔ HOÀI


Sau chuyến đi theo bộ đội vào giải phóng Tây Bắc năm 1952, Tô Hoài đã viết truyện "Vợ chồng A Phủ", qua đó tái hiện lại sự thống khổ của người Mèo ở Tây Bắc và sự vùng dậy của họ để giành lấy tự do, hạnh phúc, một lòng quyết tâm đi theo kháng chiến. Và hình tượng nhân vật Mị đã được khắc hoạ vô cùng thành công, tiêu biểu cho số kiếp những người lao động bé nhỏ bị chúa đất, chúa mường đàn áp song họ hoàn toàn có khả năng tự giải phóng chính mình.

Trước hết, cuộc đời của Mị là cuộc đời đầy nước mắt. Món nợ truyền kiếp đang đè nặng lên đôi vai người con gái lớn. Năm nào hai bố con Mị cũng phải trả nợ lãi một nương ngô cho thống lí Pá Tra. Mị làm nương giỏi, thổi sáo hay, nhiều chàng trai mê, ngày đèm thổi sáo đi theo Mị. Hạnh phúc, tình yêu và tuổi xuân của người thiếu nữ đang độ xuân thì bỗng bị chà đạp khi thằng A Sử, con trai Pá Tra bắt cóc đem về "cúng trình ma". Từ đó, Mị trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí. Bố Mị chỉ còn biết khóc và cất lời than: "Chao ôi! Thế là cha mẹ ăn bạc của nhà giàu từ kiếp trước, bây giờ người ta bắt bán con trừ nợ. Không thể làm thế nào khác được rồi!".

Bắt đầu kiếp sống của dâu gạt nợ mãn kiếp truyền đời, Mị bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần. Lúc nào cũng "Mặt buồn rười rượi". Nơi Mị ở là một cái buồng "kín mít" chỉ có một ô cửa sổ bằng bàn tay, nhìn ra ngoài chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay nắng" Mị phải làm quần quật suốt đêm ngày, lúc hái củi, lúc bung ngô, lúc đi nương, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế! Mị như kẻ vô cảm vô hồn, ngày "càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". Bao mùa xuân đã trôi qua, Mị tưởng mình cũng như con trâu con ngựa "chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi!". Như một linh hồn chết "Mị cúi mặt không nghĩ ngợi nữa". Dường như Mị đã bị nô lê hoá từ ý thức, chẳng thiết xanh cùng nắng, réo cùng gió, lặng im như núi đá, vô hồn như thảo mộc vô tri.

Nhưng dù khổ đau, Mị lại là cô gái có nhiều đức tính tốt đẹp. Mị là một người con hiếu thảo và giàu đức hi sinh. Hàng tháng trời, đêm nào Mị cũng khóc. Mị không muốn làm kiếp con dâu gạt nợ. Mị phải ăn lá ngón để tự tử. Mị trốn về nhà, quỳ lạy bố "úp mặt xuống đất, nức nở". Mị chết nhưng nợ quan vẫn còn, bố đã già, đã ốm yếu qua rồi, lấy ai làm nương ngô giả được nợ? Mị không nỡ chết! Mị không thể chết! Thương bố đã già yếu. Mị chết thì bố Mị "còn khổ hơn bao nhiêu lần bây giờ nữa". Quẳng nắm lá ngón xuống đất, Mị nghe bố nói, bưng mặt khóc, Mị đành trở lại nhà thống lí, cam chịu mọi cay cực, đau khổ. Thương cha mà Mị nhận hết mọi đau khổ vào mình. Lòng hiếu thảo, đức hi sinh của người con gái vùng rẻo cao thật là đẹp, đáng quý trọng. Không chỉ thế, Mị còn tự ý thức được giá trị của cuộc sống tự do. Mị xin cha cuốc nương trả nợ chứ "cha đừng bán con cho nhà giàu", bởi Mị biết một khi đã sa chân vào đó, tuổi xuân, hạnh phúc, tự do sẽ bị chôn vùi. Ngay cả khi Mị tìm đến cái chết, dì tiêu cực nhưng hành động ấy, chính là tự kiếm tìm cho mình một lối thoát, tự giải phóng chính mình, dù có chết còn hơn là bị đoạ đày, trói buộc.

Cứ tưởng rằng "ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi" nhưng sức sống mãnh liệt, sức vươn dậy tiềm tàng của Mị lại thật đáng khâm phục. Mị còn trẻ. Tết lại đến, ngoài đầu núi đã có ai đó "thổi sáo rủ bạn đi chơi". Nghe tiếng sáo vọng lại, Mị "thiết tha bồi hồi". Những đêm tình mùa xuân đã tới. Mị nhẩm thầm bài hát của người đang thổi sáo:
"... Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu.

Những âm thanh, màu sắc mùa xuân nơi núi rừng Tây Bắc như đánh thức các giác quan rồi khai mở tiềm thức. Mị lấy hũ rượu "cứ uống ừng ực từng bát". Mị muốn nuốt cho sạch, muốn vùi cho sâu những đắng cay khổ cực ở hiện tại. Mị say, ngồi lịm mặt... Mị nhớ lại thời con gái. Mị thấy lòng mình "phơi phới trở lại", rồi đột nhiên "vui sướng như những đêm Tết ngày trước". Tiếng sáo, tiếng hát gọi bạn tình của trai gái làng Mèo đã "đánh thức" bao nỗi khát khao về tình yêu và hạnh phúc của người phụ nữ bất hạnh này! Mị ý thức mãnh liệt: "Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi...". Có biết bao người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Mị cay đắng nghĩ đến thân phận mình: "A Sử với Mị không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau". Nước mắt Mị ứa ra. Nếu có nắm lá ngón trong tay, Mị sẽ ăn cho chết ngay! Tiếng sáo gọi bạn yêu lại làm cho lòng Mị bồi hồi:
"Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi".

Sau đó là một loạt hành động nối tiếp, dồn dập. Mị xắn mỡ bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng, quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa...tựa như một cánh chim vội vã sắp phá cũi sổ lồng. Khi bị A Sử đã trói đứng, bị quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mi "không cúi, không nghiêng đầu được nữa". Suốt đêm, Mị "lúc mê, lúc tỉnh". Mị sợ quá, cựa quậy "xem mình còn sống hay chết". Mị bị trói nhưng tâm hồn Mị vẫn đi theo tiếng sáo nơi đầu núi. Sợi dây đay trói buộc được thân xác, nhưng đôi cánh tự do trong tâm hồn Mị đã vút bay cao, chuẩn bị cho một sự vươn dậy mãnh liệt hơn.
Sức sống mãnh liệt như cháy bùng lên trong đêm đông Mị cởi trói cho A Phủ. Mị buồn chỉ chợp mắt được từng lúc, rồi lại thức sưởi ấm suốt đêm. Mị sống trong tâm trạng cô đơn "chỉ biết chỉ còn ở với ngọn lửa". Mị và A Phủ như hai số kiếp tiền định cùng trải qua bao đau khổ dập vùi. Pá Tra trói đứng A Phủ vào cọc bằng một cuộn dây mây đến chết nếu không bắt được hổ về! Bị trói đứng suốt mấy ngày đêm, hai hõm má của A Phủ đã "xám đen lại".Khi Mị "lé mắt trông sang" thấy kẻ chịu nạn, rồi xúc động nghĩ: "Cơ chừng này chỉ đêm mai là ngườ kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết". Hình ảnh A Phủ chẳng khác gì Mị trong đêm xuân trước. Mị căm thù nguyền rủa cha con thống lí: Chúng nó thật độc ác!". Mị vừa lo vừa sợ phải thế mạng vào cái cọc ấy một khi A Phủ trốn thoát. Nghĩ thế, trong tình cảnh này "làm sao Mị cũng không thấy sợ...". Bếp lửa tàn, nhà tối bưng, Mị như có thêm sức mạnh, Mị đã dùng dao nhỏ cắt dây mây, cởi trói cho A Phủ. Mị giục A Phủ: "Đi ngay!", rồi Mị nghẹn lại. A Phủ vùng chạy! "Mị đứng lặng trong bóng tối". Câu văn đứng riêng một dòng, như tấm bản lề khép mở hai số phận, sự sống và cái chết. Mị băng đi nói thở trong hơi gió thốc lạnh buốt: "A Phủ cho tôi đi!... ở đây thì chết mất!". A Phủ chỉ kịp nói với người đàn bà chê chồng vừa cắt dây trói cứu mình: "Đi với tôi!". Mị và A Phủ dìu đỡ nhau chạy trốn khỏi Hồng Ngài. Hành động cắt dây trói cứu A Phủ rồi cùng chạy trốn là một tình huống dữ dội phản ánh bước nhảy vọt về ý thức và tâm lí của nhân vật Mị. Mị vừa thương mình, vừa thương người, Mị căm thù cái ác đà chà đạp lốn cuộc đời mình. Mị cắt dây trói cứu A Phủ cũng là cắt đứt sợi dây oan nghiệt đã biến con người thành nô lệ súc vật nhục nhã, đau thương.

Nhân vật Mị trong truyện "Vợ chồng A Phủ" là một thành công của Tô Hoài. Sự đổi đời của Mị đã tô đậm giá trị nhân đạo của truyện "Vợ chồng A Phủ". Từ tủi nhục cay đắng của kiếp con dâu gạt nợ, Mị đã vùng dậy giành được tự do, hạnh phúc. Qua đây ta cũng thấy được ở Tô Hoài sự cảm thương sâu sắc đầy tình người, sự trân trọng những số phận bất hạnh nơi vùng cao Tây Bắc cũng như tài năng viết truyện ngắn bậc thầy.

-M-vfo.vn

hinh-tuong-nhan-vat-mi.jpg

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 PHÂN TÍCH HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT MỊ TRONG TRUYỆN “ VỢ CHỒNG A PHỦ”


Văn chương là chất nhuỵ của cuộc sống. Mỗi tác phẩm không chỉ là một thứ công cụ hiểu biết, khám phá và sáng tạo thực tại xã hội mà còn như một thứ khí giới thanh cao và đắc lực để tố cáo và thay đổi thế giới giả dối, tàn ác làm cho lòng người trong sạch và phong phú hơn. Bằng cách đối thoại với người đọc về một vấn đề nhân sinh nhà văn đang khơi lên ở con người “ khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái đẹp”. Tô Hoài bằng những cảm xúc của chính mình đã xây dựng thành công hình tương nhân vật Mị.

Nhân vật Mị nhà văn Tô Hoài xây dựng trong “Vợ chồng A Phủ ” mang một sức sống mãnh liệt, niềm khao khát sống mãnh mẽ. Trước hết về hoàn cảnh sống, vì cha mẹ ăn bạc của nhà giàu kiếp trước, kiếp này người ta bắt con để trừ nợ nên Mị đã bất đắc dĩ bị gả bán và trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra. Những ngày tháng làm vợ A Sử, làm con dâu nhà giàu trong làng đối với Mị cùng cực chẳng khác gì thân kiếp một con ở gạt nợ, kẻ tôi tớ thấp cổ bé họng trong nhà. Về đời sống vật chất, Mị làm lụng suốt ngày, khổ cực không bằng trâu ngựa. Có lẽ vì sự tủi nhục ấy mà lúc nào mặt Mị cũng “buồn rười rượi” như tiên báo gương mặt của số phận. Đời sống tinh thần với Mị cũng chẳng khác, cũng suốt ngày “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”.

Trái lại với thân phận nhỏ bé, một hoàn cảnh sống bị áp bức đến cùng cực ấy, Mị lại mang trong mình những phẩm chất là một người con hiếu thảo, biết cuốc nương trả lợi cho bố, ý thức được trách nhiệm của người con gái lớn trong gia đình. Mị còn luôn có một đời sống tâm hồn sâu sắc, phong phú. Chính những vẻ đẹp ấy khiến cho biết bao nhiêu chàng trai làng xa bản gần. Mị không chỉ đắm sắc mà còn đượm hương.

Ý thức phản kháng, một sức sống tiềm tàng, mãnh liệt như viên than hồng bị đè nén dưới lớp đất đá nhưng chỉ cần một làn gió thoảng qua cũng có thể nhen lên ngọn lửa bùng cháy. Khát vọng sống ấy được bắt đầu khơi mở trong đêm tình mùa xuân. Sự rạo rực, vui tươi của đất trời Tây Bắc vào xuân, sự hân hoan, náo nhiệt của những lễ hội, của tiếng nói cười, tiếng sáo “bay lơ lửng đầu làng” đã đánh thức trong Mị niềm khát khao được đi chơi. Cùng với sự thay đổi của đất trời, Mị dần hồi sinh sức sống, một sự phục sinh đầy kì diệu từ một người vốn đã lặng thinh trước cái ác và cái xấu quá lâu. Các giác quan dường như đã thức tỉnh: mắt Mị không còn mông lung mờ mờ mà đã biết đón nhận những màu sắc, tai không còn chỉ nghe thấy tiếng ngựa đập vách mỏi mòn mà đã biết nghiêng mình lắng nghe những âm thanh vui tươi của cuộc sống. Thân xác Mị không còn héo hon mà bắt đầu rạo rực trong men say của bát rượu ngô. Rồi trong Mị hồi sinh về tiềm thức, kí ức. Mị nhận thức về tuổi trẻ “ Mị trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi”. Vì niềm khát khao đó, Mị vào buồng sửa soạn đi chơi như một cách tìm đến ánh sáng, tìm đến hạnh phúc riêng mình mà đã lâu rồi bản thân bỏ mặc. A Sử thấy vậy, hắn không cho Mị đi chơi, hắn “xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà…”. Dù bị trói chặt, Mị vẫn cố vùng bước đi. Sợi dây đay – sợi dây số phận nghiệt ngã có lẽ chỉ trói chặt được chân tay, thân xác Mị mà chẳng thể trói được tâm hồn khao khát tự do đang mạnh mẽ bứt lên ở người phụ nữ này.

Trong đêm đông cởi trói cho A Phủ, diễn biến tâm lý, hành động hình tượng nhân vật Mị được nhà văn Tô Hoài tái hiện vô cùng chân thực và sinh động. Khi vào bếp ngồi hơ tay bên bếp lửa cho đỡ rét, thấy A Phủ bị trói ở đó, mới đầu Mị “thản nhiên”. Sự thản nhiên đó có lẽ chẳng phải xuất phát từ sự vô tâm khi thấy người khác gặp hoạn nạn, mà phải chăng là bởi Mị đã quen với cái khổ đau, đọa đày đó rồi. Sự thản nhiên ấy thực tình đáng thương hơn là đáng trách, xử xự đó đơn giản chỉ là hậu quả của chuỗi ngày đằng đẵng Mị bị đọa đày trong nhà thống lí, làm con ở gạt nợ dưới danh phận quyền quý là con dâu nhà quan trong làng. Hơn nữa, Mị và A Phủ- kẻ bị trói đây khác nhau về trạng thái nhưng thân phận cũng đâu có hơn nhau mà có thể nói hai chữ “cứu giúp”. Nhưng khi thấy “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”, Mị nhớ lại đời mình, từ thương thân đến thương người mà căm giận những thế lực tàn ác. Mị tưởng tượng ra cảnh A

Phủ trốn ra được và Mị sẽ là người thế chỗ trong dây trói đó. “Nghĩ thế nào Mị cũng không sợ”, vì đó vẫn là những hình dung, tưởng tượng rất xa. Và Mị quyết định cởi trói cho A Phủ, chỉ thì thào một tiếng: “Đi ngay”. Rồi “Mị đứng lặng trong bóng tối”, căng thẳng, hồi hộp trước một phút giờ quyết định. Câu đứng riêng ra một dòng như một bản lề khép mở hai phần đời của Mị: nô lệ - tự do, sống – chết, bóng tối – ánh sáng. Khát vọng ấy chính là khát vọng nỗ lực tự thân, là bản chất nhân loại, vì thế tác phẩm của Tô Hoài không đi vào minh hoạ sơ sài giản đơn mà trụ lại với thời gian.

Bằng việc xây dựng lên hình tượng nhân vật Mị thật độc đáo, Tô Hoài cũng giúp cho người đọc có cái nhìn về giá trị nhân đạo mới mẻ, có cái nhìn sâu sắc hơn về giá trị sự sống trên cõi đời. Nó thực sự đã vượt lên giới hạn và bờ cõi để cho chúng ta biết sống sâu sắc và ý nghĩa hơn.

-Hiên Bùi-

BÀI VĂN MẪU SỐ 3 PHÂN TÍCH HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT MỊ TRONG TRUYỆN “VỢ CHỒNG A PHỦ” – TÔ HOÀI


Là một nhà văn gắn bó thân thuộc với nếp sống sinh hoạt, phong tục tập quán của nhiều vùng miền cùng vốn ngôn ngữ phong phú, lời văn giàu hình ảnh, Tô Hoài đã lưu lại dấu ấn riêng của mình trong trái tim bạn đọc các thế hệ. “Vợ chồng A Phủ” là một truyện ngắn nổi bật trong kho tàng văn chương đồ sộ của nhà văn. Trong truyện, hình tượng nhân vật Mị là một nét đặc sắc đánh dấu sự tinh tế và tài hoa nơi ngòi bút Tô Hoài.

Nhà văn Tô Hoài từng chia sẻ: “Câu chuyện Vợ chồng A Phủ là câu chuyện hoàn toàn có thực. Tức là nguyên mẫu ở ngoài đời sống. Đợt ấy tôi đi công tác từ Tà Sùa sang Phù Yên (Sơn La). Ở Tà Sùa tôi gặp một cặp vợ chồng người Mèo vào đúng dịp tết truyền thống của họ, tức khoảng tháng 11 âm lịch, trước tết Nguyên đán của ta một tháng. Tết người Mèo kéo dài cả tháng. Tôi cùng đôi vợ chồng nhà kia đi ăn tết từ bản này sang bản khác. Ăn tết và uống rượu, rồi anh chồng kể chuyện. Anh kể về cuộc đời anh, cuộc đời chị vợ, về chuyện thống lý ở bản anh làm tay sai cho Pháp, rất tàn ác, cho nên anh phải đưa vợ đi chạy trốn nơi khác. Câu chuyện của đôi vợ chồng nọ cộng với vốn hiểu biết của tôi về người Mèo làm cho cốt truyện cứ sáng tỏ dần. Và tôi bắt tay vào viết”. Có lẽ chính bởi những trải nghiệm khi được tiếp xúc với một hình mẫu thực cùng với tài năng, vốn hiểu biết về phong tục, lối sống người vùng cao mà nhà văn Tô Hoài đã chắp bút viết nên một tác phẩm xuất sắc. Hình tượng nhân vật Mị nhà văn xây dựng trong truyện đã để lại rất nhiều ấn tượng, nghĩ suy trong lòng độc giả.

Hình tượng nhân vật Mị được nhà văn Tô Hoài xây dựng trước hết là một cô gái với những phẩm chất tốt đẹp đáng trân trọng. Đó là một cô gái người Mèo đang độ trẻ trung, hồn nhiên, được nhiều chàng trai ngày ngày đi theo bởi tài thổi sáo rồi thì “thổi lá cũng hay như thổi sáo” làm biết bao người mê say. Đó là một cô gái đã từng được yêu, từng yêu, luôn mang trong mình trái tim cháy bỏng yêu thương, hạnh phúc. Cô gái ấy cũng vô cùng hiếu thảo với mẹ cha, chăm chỉ làm lụng cũng như ý thức rõ được giá trị của một cuộc sống tự do. Mị sẵn sàng xin cha làm lụng trên nương ngô để trả nợ thay, để không phải về làm dâu nhà thống lí Pá Tra bởi Mị hiểu rằng về đó đồng nghĩa với việc sa chân vào chốn tù đày, phải sống cuộc sống tù túng, mang danh con dâu nhà giàu nhưng phận tôi đòi hèn kém.

Bên cạnh đó, nhân vật Mị trong truyện còn hiện lên với hình ảnh là một nạn nhân của áp bức bất công, của thế lực phong kiến lộng quyền. Nhiều người nhìn Mị mà ghen tị vì được làm dâu con nhà giàu lắm của nhiều nương ở bản, nhưng thực tế, cuộc sống của Mị chốn nhà quan chẳng hề dễ dàng và hạnh phúc. Là con dâu gạt nợ, ngày ngày Mị bị bóc lột sức lao động, quần quật làm việc suốt ngày đêm đến cái ngưỡng nhiều lúc chính Mị còn cảm tưởng như mình chẳng bằng thân trâu, thân ngựa ngoài kia, rằng “đàn bà trong cái nhà này chỉ biết vùi đầu vào công việc”. Dần dần, sống quá lâu trong cái khổ nên Mị quen khổ rồi, thân xác, tâm hồn ấy đã dần trở nên chai sạn với nỗi đau, với cực khổ đọa đày. Từ lúc nào mà Mị bỗng sống cuộc sống lầm lũi như “con rùa nuôi trong xó cửa”.

Dẫu cho cuộc sống có bộn bề trăm nỗi khổ đau, ở nhân vật Mị ta vẫn bắt gặp một sức sống tiềm tàng, một khát khao sống, khát khao tự do, hạnh phúc mãnh liệt. Khi bất ngờ trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí, bị A Sử bắt về làm vợ, Mị đã từng có ý định ăn lá ngón như là một cách để tự giải thoát mình. Trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài, sức sống đất trời rạo rực ngoài kia, không khí xuân tràn lên cuộc sống muôn người dường như phần nào đã đánh thức tâm hồn Mị khỏi những tháng ngày bị vùi mình trong đau khổ. Mị nhẩm thầm theo lời bài hát, trong thoáng chốc tâm hồn ấy như được trở về với thời thanh xuân tươi trẻ, nồng nhiệt, với thời được sống tự do, hạnh phúc. Ý thức được giá trị của bản thân, của sự sống, Mị “thấy phơi phới trở lại” và rằng “Mị còn trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Khi bị A Sử trói không cho đi chơi, tâm hồn Mị vẫn lửng lơ theo tiếng sáo ngoài kia, trong những cuộc chơi náo nức, rộn ràng. Và khát khao hạnh phúc, khát khao tự do trở nên mãnh liệt nhất khi Mị quyết định cắt dây cởi trói cho A Phủ và sau đó chạy bỏ trốn theo A Phủ.

Qua từng trang truyện “Vợ chồng A Phủ”, hình ảnh nhân vật Mị được nhà văn Tô Hoài khắc họa chân thực, sống động và qua số phận, nét đẹp tâm hồn ấy, ta cảm nhận được những thông điệp, những cảm xúc nghĩ suy sâu sắc mà nhà văn muốn gửi gắm tới người đọc để từ đó thêm trân trọng tác phẩm và trân quý tài năng, sự tài hoa tinh tế của tác giả.

-Nem-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    hình tượng nhân vật mị nhân vật mị vợ chồng a phủ
  • Top