Cảm nhận vẻ đẹp sông Hương trong đoạn văn liên hệ vẻ đẹp sông Đà và phong cách nghệ thuật tác giả

Đề bài: Cảm nhận vẻ đẹp sông Hương trong đoạn: “Phải nhiều thế kỷ qua đi...bát ngát tiếng gà”. Liên hệ với đoạn: “Con sông Đà tuôn dài...mỗi độ thu về”. Từ đó chỉ ra điểm gặp gỡ trong vẻ đẹp của hai dòng sông và phong cách nghệ thuật của hai tác giả.

Hoàng Phủ Ngọc Tường là một cây bút đạt được những thành tựu nổi bật ở mảng bút kí, kí sự. Ông viết nhiều và viết rất hay về dòng sông Hương quê mình. “Ai đã đặt tên cho dòng sông” là một tác phẩm đặc sắc của nhà văn. Với đề bài yêu cầu cảm nhận hình ảnh sông Hương trong đoạn: “Phải nhiều thế kỷ…tiếng gà”, liên hệ “con sông Đà tuôn dài…thu về” để từ đó chỉ ra điểm gặp gỡ trong vẻ đẹp của hai dòng sông và phong cách nghệ thuật của hai tác giả, các bạn có thể tham khảo bài văn mẫu dưới đây để bài viết của mình sâu sắc và đầy đủ hơn.

Từ cổ chí kim, hình ảnh những con sông luôn khơi niềm cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, gửi gắm tâm tư, suy nghĩ của mình vào tác phẩm nghệ thuật. Ta bắt gặp hình ảnh dòng sông ngăn cách đôi bờ, bờ hiện thực và bờ ảo vọng trong “Tống biệt hành” của Thâm Tâm: “Đưa người ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng”. Trong “Lỡ bước sang ngang”, nhà thơ Nguyễn Bính cũng từng gửi trăn trở, suy tư của mình vào lời thơ lục bát: “Rồi đây sóng gió ngang sông/ Đẩy thuyền hận, chị lo không tới bờ”. Nhà thơ Huy Cận với cái nhìn phát hiện bề sâu của dòng sông đã gửi ngổn ngang biết bao tâm trạng, cảm xúc vào lời thơ: “Nắng xuống, chiều lên, sâu chót vót/ Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”. Trong thơ ca, ta bắt gặp nhiều nhà thơ mượn hình ảnh dòng sông để diễn tả dòng tâm trạng nhưng cũng có khi họ bày tỏ trực tiếp cảm tưởng, nghĩ suy của mình về một dòng sông, một câu chuyện. Trong kí, Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Tuân là những cây bút nổi bật. Đọc bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” có đoạn: “Phải nhiều thế kỉ qua đi…bát ngát tiếng gà”. Hình ảnh dòng sông Hương trong đoạn trích đã gợi liên tưởng sâu sắc đến dòng sông Đà trong đoạn: “Con sông Đà tuôn dài…mỗi độ thu về” trích trong bút kí “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân. Dưới đây là bài văn mẫu chi tiết các bạn có thể tham khảo khi gặp đề bài yêu cầu cảm nhận hai đoạn trích để từ đó thấy được điểm gặp gỡ trong vẻ đẹp hai dòng sông cũng như phong cách nghệ thuật hai tác giả. Chúc các bạn thành công!
lien-he-song-huong-song-da-ve-dep.jpg
BÀI VĂN MẪU CẢM NHẬN VẺ ĐẸP SÔNG HƯƠNG TRONG ĐOẠN: “PHẢI NHIỀU THẾ KỶ QUA ĐI…BÁT NGÁT TIẾNG GÀ”. LIÊN HỆ VỚI ĐOẠN: “CON SÔNG ĐÀ TUÔN DÀI…MỖI ĐỘ THU VỀ”. TỪ ĐÓ CHỈ RA ĐIỂM GẶP GỠ TRONG VẺ ĐẸP CỦA HAI DÒNG SÔNG VÀ PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT CỦA HAI TÁC GIẢ.
Nét đẹp những dòng sông quê hương xưa nay đã chắp cánh tâm hồn, gợi niềm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho biết bao nhà thơ, nhà văn Việt Nam. Sông Hương, dòng sông với vẻ đẹp quyến rũ, thơ mộng đã đi vào thơ ca đầy ấn tượng: “Cầu cong như chiếc lược ngà/ Sông dài mái tóc cung nga buông hờ”. Là một người con xứ cố đô, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dành nhiều tình yêu và tâm huyết để viết về dòng sông quê hương. Bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” là một tác phẩm đặc sắc của nhà văn khi viết về sông Hương. Cảm nhận hình ảnh dòng sông trong đoạn: “Phải nhiều thế kỉ…tiếng gà”, ta liên tưởng đến hình ảnh dòng sông Đà trong đoạn: “Con sông Đà tuôn dài…thu về”. Điểm gặp gỡ trong vẻ đẹp hai dòng sông cũng như phong cách nghệ thuật hai tác giả đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc.

Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, và có lẽ với rất nhiều người yêu Huế khác đều coi sông Hương – dòng sông chỉ chảy qua thành phố Huế là một dòng sông đặc biệt, một dòng sông với nhiều nét riêng vốn có. Dòng sông ấy, trải qua biết bao thăng trầm lại muốn giữ kín những gian truân cho riêng mình, khép cánh cửa tâm hồn lại và “ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng”. Phải chăng chính bởi lẽ đó, dưới ngòi bút Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhiều người trong chúng ta cảm nhận được một vẻ đẹp đầy bí ẩn, đậm chất xưa, một vẻ đẹp đậm chất Huế thơ. Và để rồi sau tất cả những điều đó, “người tình mong đợi mới đến đánh thức người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại”. Quả thực, với tài năng và sự tinh tế của mình, ngòi bút nhà văn đã thổi một linh hồn, một sức sống vào dòng sông Hương, khiến dòng sông bỗng chốc mang tâm tình hệt như tâm hồn một người con gái trẻ khi nghe thấy tiếng gọi của tình yêu liền “chuyển dòng một cách liên tục, vòng những khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm”, “như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó”. Với những hình dung liên tưởng thú vị, đặc sắc như vậy, ta phần nào hiểu được và ấn tượng sâu sắc với khả năng liên tưởng phong phú, sáng tạo ở tâm hồn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Dòng sông Hương khi chảy qua vùng Châu Hóa thanh bình bên cạnh vẻ đẹp quyến rũ, duyên dáng của một người con gái mà hơn thế, nó còn mang trong mình những vẻ đẹp vô cùng phong phú và đa dạng. Khi dòng sông ấy đi trong dư vang của dãy Trường Sơn hùng vĩ, “vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản” thì dường như sắc nước dòng sông lại lỡ ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm trí Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng như biết bao người khác khi đến với bút kí của ông. Nhà văn viết: “sắc nước trở nên xanh thẳm”. Cơ hồ sắc xanh thẳm đặc biệt ấy đã làm cho sông Hương có một nét riêng ấn tượng, một nét đẹp không dòng sông nào có. Và rồi “người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé bằng con thoi”. Sắc nước, dáng hình, tất cả đã làm nên một vẻ đẹp bình yên mà thơ mộng đến lạ lùng. Dòng sông Hương uốn quanh những ngọn đồi, khi dòng nước chảy qua đó, bóng đồi núi hai bên bãi bờ ngả xuống mặt sông ánh lên những mảng màu rực rỡ. “Sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”, phải chăng từng khoảnh khắc thời gian sắc nước sông Hương đều biến đổi một cách đầy tự nhiên và ấn tượng. Thường thì ta chỉ thấy sắc nước sông ngòi biến chuyển theo mùa, từ mùa hạ sang thu hay từ mùa hạn sang mùa mưa. Nhưng sông Hương của miền Huế thơ ấy lại khác, sắc nước dòng sông thay đổi theo từng khoảng thời gian trong ngày khiến cho bức tranh thiên nhiên sông nước cố đô thêm đặc sắc.

Những dòng kí tiếp theo, sông Hương hiện lên với vẻ đẹp đầy cổ kính, đậm chất xưa mà như Hoàng Phủ Ngọc Tường viết thì đó là “vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương”. Chảy qua những đền đài lăng tẩm cổ xưa, nơi “giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ tỏa lan khắp cả một vùng thượng lưu…”. Dưới ngòi bút Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương lúc nào cũng mang dáng dấp, tâm hồn của một con người có đời sống nội tâm phong phú. Và ở đoạn này, nó hệt như một con người đang thành kính chiêm nghiệm ngẫm suy về lịch sử.

Hình ảnh dòng sông Hương trong đoạn kí bỗng gợi lên nơi hình dung liên tưởng của người đọc về vẻ đẹp dòng sông Đà trong đoạn: “Con sông Đà tuôn dài…mỗi độ thu về” trích trong kí “Người lái đò sông Đà” của cây bút tài hoa Nguyễn Tuân. Sông Đà hung bạo, dữ dội là vậy nhưng bên cạnh cái nét hình đấy, nhà văn vẫn cho ta thấy một vẻ đẹp rất đỗi trữ tình, nên thơ của dòng sông. Khi miêu tả về hình dáng dòng sông, nhà văn Nguyễn Tuân có viết: “con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc đuôi tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo”. Trong cái nhìn đầy nghệ sĩ của Nguyễn Tuân, sông Đà bỗng hiện lên hệt như một người con gái đẹp đầy kiêu ngạo, cá tính. Khác với Hoàng Phủ Ngọc Tường khi viết về sắc nước sông Hương thay đổi theo từng khoảng thời gian trong ngày, sắc nước sông Đà trong bút kí của Nguyễn Tuân lại thay đổi theo mùa: “mùa xuân dòng xanh ngọc bích”, “mùa thu lừ lừ tím đỏ như khuôn mặt một người bầm đi vì rượu bữa”. Đâu chỉ là một người con gái đẹp, một mĩ nhân của sông nước quê hương, sông Đà có lúc lại giống như một cố nhân, khi lại giống một tình nhân chưa quen biết. Chung quy lại, dù mang tâm hồn, tính cách nào, sông Đà đều hiện lên rất sống động và ấn tượng dưới ngòi bút tài hoa, sáng tạo của Nguyễn Tuân.

Cùng viết về những dòng sông của quê hương tổ quốc, hai nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Tuân đã có những điểm gặp gỡ đầy thú vị trong cách nhìn nhận dòng sông như một con người mang tâm hồn, tình cảm phong phú, sâu sắc. Dẫu có những phong cách nghệ thuật riêng cũng như cách lựa chọn hình ảnh riêng độc đáo, cả hai nhà văn đều rất sáng tạo và tinh tế trong cách miêu tả dáng hình cũng như sắc nước các dòng sông. Qua vẻ đẹp hai dòng sông trong hai đoạn trích, ta càng thêm ấn tượng với hai bút kí đặc sắc cũng như tôn trọng, trân quý và yêu mến hơn tài năng nghệ thuật cũng như sự tinh tế trong cảm nhận của hai người nghệ sĩ này.

-Nem-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    liên hệ sông hương sông đà vẻ đẹp
  • Top