Giải mã bí mật đồng hồ đá ở Bạc Liêu - duy nhất ở Việt Nam

Đồng hồ đá là loại đồng hồ mà người ta xem giờ bằng cách căn cứ vào ánh nắng mặt trời chiếu vào để nhận biết thời gian. Theo một con số thống kê, trên thế giới hiện chỉ có 2 chiếc đồng hồ thuộc dạng này. Một trong 2 chiếc chiếc đồng hồ đó hiện vẫn đang còn tồn tại ở Bạc Liêu. Chiếc đồng hồ đá hay còn có tên gọi là "đồng hồ Thái Dương", "đồng hồ mặt trời" được một nhà khoa học người Việt Nam tự tay làm ra từ đầu thế kỷ XX. Đồng hồ đã có tuổi đời trên 100 năm nhưng "vẫn chạy tốt".

Báu vật bị lãng quên
Hiện chiếc đồng hồ kỳ lạ này nằm trong khuôn viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bạc Liêu (trên đường 30/4 nối dài, phường 3, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), được bảo tàng tỉnh tôn tạo, giữ gìn. Đây là một trong những điểm tham quan du lịch đã được Công ty du lịch Bạc Liêu đưa vào khai thác vài năm gần đây.
dong_ho_da.gif
Theo cơ quan quản lý, chiếc đồng hồ này hiện vẫn chỉ giờ chính xác đến mức: sau hơn 100 năm hoạt động, sai số dao động không quá 2 phút so với đồng hồ điện tử đeo tay hiện nay. Tại bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, phần "Lý lịch di tích đồng hồ đá" ghi rằng: "Hồi đó, không chỉ những ông Thông, ông Phán, ông Huyện (các chức danh trong bộ máy nhà nước thời thuộc Pháp) ghé vào xem giờ trước khi vào trình giấy cho tỉnh trưởng. Cả các quan Tây cũng thường xuyên ghé xem đồng hồ Thái Dương để... chỉnh giờ đồng hồ đeo tay của mình theo cho chuẩn".
Đồng hồ này rất đặc biệt ở điểm không dùng bất kỳ loại máy móc nào, không dùng bất kỳ một thứ kim loại nào, chỉ được làm bằng gạch và xi-măng mà vẫn có thể nhìn vào đó để biết giờ. Đồng hồ được dựng phía trước dinh tỉnh trưởng thời thuộc Pháp, mặt chính của đồng hồ hướng về phía Đông. Trên bề mặt đồng hồ kẻ 12 chữ số La Mã phân định đều nhau, giữa mặt đồng hồ xây một cái gờ nhô lên. Cái gờ này giới hạn ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào các con số, phân chia đồng hồ thành hai phần sáng - tối. Phần ánh sáng mặt trời không chiếu trực tiếp vào có màu tối, phần còn lại do không bị gờ che ánh sáng nên có màu sáng rõ hơn. Nơi tiếp giáp giữa hai màu đó là điểm giờ trong ngày, nhìn vào điểm tiếp giáp đó hiện ở khu vực nào trên mặt đồng hồ, người ta sẽ biết lúc đó là mấy giờ. Nói cách khác, điểm tiếp giáp sáng tối đó chính là chiếc kim chỉ giờ.

Sáng sớm, mặt trời vừa mọc thì "chiếc kim" rọi ngay số 7. Mặt trời dần cao đến độ nào thì "chiếc kim" rọi dần lên các con số chỉ giờ cao hơn, cho đến khi đứng bóng thì chỉ đúng số 12. Trời trở về chiều, bóng lại nghiêng theo đúng thứ tự thời khắc. Đến khi "chiếc kim" hạ dần tới bậc tam cấp thấp nhất thì mặt trời đã lặn.

Vì sử dụng ánh nắng mặt trời để xem giờ, nên so với các loại đồng hồ có máy móc, chiếc đồng hồ Thái Dương này "thua" ở điểm nếu ngày âm u không có ánh nắng, hoặc vào buổi tối, nhìn vào đồng hồ chẳng khác gì nhìn... cục đá.

Bà Lê Thị Ái Nam, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh cho biết, đây là một di tích lịch sử - văn hóa rất độc đáo nên tỉnh đã ý thức được việc phải bảo tồn, giữ gìn công trình cho các thế hệ sau tham quan, nghiên cứu. "Năm 2006, ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã xếp hạng chiếc đồng hồ này là di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh. Hiện chúng tôi cũng đang lập tờ trình đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch công nhận đồng hồ đá là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, từ đó mới có thêm điều kiện để nâng mức đầu tư, tu bổ, bảo tồn chiếc đồng hồ đá "có một không hai" này", bà Nam nói.

Năm 1994, việc xây dựng các ngôi nhà cao tầng xung quanh khiến chiếc đồng hồ đá hơi bị vênh. Bảo tàng Bạc Liêu đã cho kích lại để đảm bảo tính chính xác của nó. Giờ đây, chiếc đồng hồ đá hoạt động gần như chuẩn với hồi mới xây dựng. Thỉnh thoảng, sinh viên ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Bạc Liêu có làm "vệ sinh" cho đồng hồ bằng cách cạo rêu và sơn lại các con số. Tuy nhiên, do cây cối xung quanh quá nhiều nên ánh sáng mặt trời khó len vào được chiếc đồng hồ đá trong khi nó chỉ phát huy tối đa tác dụng khi có ánh nắng mặt trời đầy đủ, không bị che khuất bởi những vật cản xung quanh.

Mặc dù đồng hồ đá là một bảo vật vô giá về giá trị lịch sử, văn hóa nhưng chiếc đồng hồ này hiện nay đang dần bị lãng quên, ít người biết đến. Đồng hồ Thái Dương đang bị rêu phong do mưa nắng làm mờ dần các vạch phân chia thời gian trên mặt đồng hồ. Cách nơi đặt đồng hồ khoảng 10 mét, có một chiếc cổng nhưng luôn trong tình trạng "cửa đóng then cài", khách phương xa không thể đi lối này vào thăm. Nếu đi vào từ hướng cửa lớn của Trung tâm giáo dục thường xuyên, khách càng khó biết đường vì phải vòng vèo vài lần mới đến được nơi đặt chiếc đồng hồ. Người dân khi đi ngang nơi đặt chiếc đồng hồ Thái Dương, nếu không dừng xe lại và đến sát hàng rào để nhìn thì dễ lầm tưởng trong khuôn viên của Trung tâm giáo dục thường xuyên có một... ngôi mộ cổ”. Ngay nhiều người dân Bạc Liêu, và thậm chí một số sinh viên đang học tại trung tâm này cũng không biết quê hương mình có chiếc đồng hồ nổi tiếng như thế.

Lịch sử giai đoạn đặc biệt
dong_ho_da_2.gif
Chiếc đồng hồ này được một bác vật (kĩ sư - cách gọi tại một số khu vực thuộc Nam Bộ) có tên Lưu Văn Lang làm tặng cho tỉnh trưởng tỉnh Bạc Liêu trong thời Pháp thuộc, vào đầu thế kỷ XX.

Theo tài liệu còn lưu giữ, kĩ sư Lưu Văn Lang (sinh ngày 5.6.1880 - mất ngày 3.8.1969) quê tại làng Tân Phú Đông, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Ông được tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau khi thủa nhỏ được học chữ Nho, đến 10 tuổi học chữ Quốc ngữ và sau đó là chữ Pháp. Do có trí thông minh thiên phú, ông Lang được cấp học bổng lên Sài Gòn học trường Tây có tên Chasseloup Laubat. Năm 17 tuổi, sau khi thi đậu bậc trung học của Pháp với số điểm xuất sắc, ông được cấp học bổng sang Pháp học tại École Centrale de Paris, nơi đào tạo kỹ sư lớn nhất nước này. Năm 1904, ông tốt nghiệp kỹ sư hạng ưu, đứng thứ 3 trong số 250 người và được coi là một trong những ki sư đầu tiên của Nam Bộ lúc bấy giờ. Sau khi ông Lang về nước, nhà cầm quyền Pháp ở Việt Nam liền cử ông qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để tham gia xây dựng tuyến đường xe lửa nối liền Trung Quốc với Đông Dương.

Đương thời, cụ Lưu Văn Lang nổi tiếng giỏi nghề và rất đức độ nên được sự kính nể của các người Pháp lẫn người Việt. Đặc biệt, người Nam Bộ bấy giờ thường đồn đại nhiều giai thoại về "bác vật Lang" hiểu thấu nhiều bí mật về "thiên cơ", chẳng hạn như vùng đất nào sẽ sụp lở, chiếc cầu sắt nào sẽ hư và núi nào sẽ nứt... Từ năm 1909 - 1940, ông làm việc ở Sở Công chánh Sài Gòn và nhiều lần về công tác ở Bạc Liêu để theo dõi các công trình xây dựng.

Khi ông Lang xuống Bạc Liêu thì công trình cầu Long Thạnh do Pháp xây dựng sắp xong. Ông Lang lấy cây gậy gõ vào thành cầu rồi khẳng định với viên kỹ sư Pháp rằng một tháng nữa cầu sẽ sập (có người kể lại ông còn đoán cả giờ cầu sập). Quá bất ngờ, viên kỹ sư Pháp phẫn nộ, nhưng rồi sau đó chính viên kỹ sư người Pháp này đã phải bái phục bác vật Lang bởi quả nhiên chiếc cầu sập sau đó đúng 1 tháng. Từ đó, người dân ở đây gọi chiếc cầu Long Thạnh là Cầu Sập cho đến tận bây giờ.

Biết chuyện, tỉnh trưởng người Pháp ở Bạc Liêu thời đó rất khâm phục tài năng của ông Lang và đối đãi rất hậu. Đáp lại tình cảm đó, ông Lang đã làm chiếc đồng hồ đá kể trên trước dinh tỉnh trưởng để làm quà tặng.

Kỳ bí những giai thoại về kĩ sư Lưu Văn Lang

Tại núi Cấm (tỉnh An Giang) ngày nay vẫn còn có một hang núi mang tên Bác vật Lang. Người ta giải thích việc lý do hang lại có tên này như sau: Đầu thế kỉ XX, khi người Pháp thám sát chiếc hang trên, họ nhận thấy trong hang rất tối, lạnh lẽo, thiếu dưỡng khí nên mọi thứ đèn đuốc đều khó cháy sáng. Bó tay, họ đã mời kĩ sư Lang đến khảo sát, thòng dây thả ông xuống thám sát lòng hang. Sau gần một ngày xem xét ở dưới hang, ông trở lên mặt đất nhưng không nói một lời nào về chiếc hang, mặc mọi người gặng hỏi. Từ đó, người địa phương gọi tên hang theo tên ông.

Theo Khang Thiên- Website Báo Đời Sống Pháp Luật​
 
  • Chủ đề
    bạc bạc liêu bảo bí mật cách hóa lịch liêu nhất nổi tiếng phá phát quê hương tàng thăm thành thao thể thế giới thị xã thị xã bạc liêu tốt văn việt nam với
  • Lê Minh

    ✩✩✩✩
    Ðề: Giải mã bí mật đồng hồ đá duy nhất ở Việt Nam

    Trời!! bây giờ mới biết cái này, không ngờ Bạc Liêu cũng có đồ quý quá :yy60:
     
    Ðề: Giải mã bí mật đồng hồ đá duy nhất ở Việt Nam

    Ghê nha........hehe.......1 trong 2 cái trên Thế Giới và là cái duy nhất ở Việt Nam đó.....không đùa đâu.....;))
     
    Ðề: Giải mã bí mật đồng hồ đá duy nhất ở Việt Nam

    cái đồng hồ đá này thì thấy rùi ..nhưng sự tích về nó thì chưa nghe nhiều ..thank
     

    Lê Minh

    ✩✩✩✩
    Ðề: Giải mã bí mật đồng hồ đá duy nhất ở Việt Nam

    cái đồng hồ đá này thì thấy rùi ..nhưng sự tích về nó thì chưa nghe nhiều ..thank
    Chỗ nào trong Trung tâm giáo dục thường xuyên vậy, sao tao có thấy đâu
     
    Ðề: Giải mã bí mật đồng hồ đá duy nhất ở Việt Nam

    Chỗ nào trong Trung tâm giáo dục thường xuyên vậy, sao tao có thấy đâu

    phía sau cái nhà phía trước đó ....hồi trước vô đó học nên đi vòng vòng hết rùi .........
     

    Lê Minh

    ✩✩✩✩
    Ðề: Giải mã bí mật đồng hồ đá duy nhất ở Việt Nam

    Thêm vài cái hình nữa :D
    IMG_3157.jpg


    IMG_3159.jpg


    IMG_3160.jpg
     
    Ðề: Giải mã bí mật đồng hồ đá ở Bạc Liêu - duy nhất ở Việt Nam

    Hình mới chụp hả bác Tình.......đẹp :D
     
    Ðề: Giải mã bí mật đồng hồ đá ở Bạc Liêu - duy nhất ở Việt Nam

    ai không xem được hình vui lòng F5 lại nhà :yy190:
     

    Lê Minh

    ✩✩✩✩
    Ðề: Giải mã bí mật đồng hồ đá ở Bạc Liêu - duy nhất ở Việt Nam

    Hình mới chụp hả bác Tình.......đẹp :D
    Uh, anh đang sài gòn mới chạy bộ xuống chụp đấy, giờ lại chạy lên sài gòn rồi :))
    Đi sưu tầm
     

    Lê Minh

    ✩✩✩✩
    Ðề: Giải mã bí mật đồng hồ đá ở Bạc Liêu - duy nhất ở Việt Nam

    Đồng hồ đá của Việt Nam


    dongho.jpg

    Ảnh: Nhân Dân.

    Trên thế giới có lẽ duy nhất tại Việt Nam là có đồng hồ đá. Tác phẩm cổ này do kỹ sư Lưu Văn Lang chế tạo vào đầu thế kỷ 20, xây bằng gạch tàu và xi măng cao khoảng 1m, rộng 0,8 m.​
    Có lẽ từ đời nhà Đường, nhà Tống (Trung Quốc) mới có từ "đồng hồ" để chỉ cái hồ vuông bằng đồng được đặt chênh nhau, hồ trên cùng đựng nước, rỉ từng giọt xuống hai hồ dưới, chuyển đến hồ cuối cùng, trong đó có đặt những tấm thẻ hoặc vạch để tính giờ.​
    Từ đồng hồ nước (lậu hồ), người ta chuyển sang đồng hồ cát (sa lậu). Mãi đến thế kỷ 15, phương tây mới chế tạo đồng hồ máy chạy bằng dây thiều (dây cót), quả lắc... Nhưng đồng hồ đá thì có lẽ chỉ có duy nhất ở Việt Nam, tại Bạc Liêu.​
    Đồng hồ đá do kỹ sư Lưu Văn Lang chế tạo vào đầu thế kỷ 20, xây bằng gạch tàu và xi măng cao khoảng 1m, rộng 0,8m, mặt quay về phía đông ở trước sân dinh tỉnh trưởng. Đồng hồ gồm 3 phần: Phần giữa hình chữ nhật đứng, nhô ra phía trước; hai mặt hai bên xây hình vuông bằng gạch tàu, mỗi mặt khắc 6 chữ số La Mã theo hình vòng cung, biểu thị số giờ. Ánh nắng chiếu xuống phần hình chữ nhật tạo ra vệt sáng tối. Con số nào nằm giữa hai vệt này là số giờ lúc ấy. Khuyết điểm của đồng hồ này là không sử dụng được khi trời râm, mưa và đêm tối.​
    Kỹ sư Lưu Văn Lang sinh ngày 5/6/1880 (mất ngày 3/8/1969) tại Tân Phú Đông, Sa Đéc (Đồng Tháp). Ông học trường Chasseloup Laubat, năm 17 tuổi đậu tú tài 2 của Pháp với số điểm xuất sắc, được học bổng sang Pháp học École Centrale de Paris - nơi đào tạo kỹ sư lớn nhất nước này.​
    Năm 1904, ông tốt nghiệp kỹ sư hạng ưu (đứng thứ 3 trong số 250 người) là kỹ sư đầu tiên của Nam Bộ thời bấy giờ. Về nước, ông được nhà cầm quyền cử sang Vân Nam (Trung Quốc) tham gia xây dựng tuyến đường xe lửa nối Trung Quốc với Đông Dương. Ông thường xuống Bạc Liêu theo dõi các công trình xây dựng.​
    Nhiều người kể, khi cầu Long Thạnh do kỹ sư Pháp xây dựng sắp xong, ông lấy gậy gõ vào thành cầu rồi khẳng định với kỹ sư Pháp rằng một tháng nữa cầu sẽ sập. Viên kỹ sư Pháp hết sức phẫn nộ nhưng rồi vô cùng bái phục bởi cây cầu sập đúng như ông nói. Từ đó cầu Long Thạnh được gọi là cầu Sập. Viên tỉnh trưởng Bạc Liêu thời đó rất khâm phục Lưu Văn Lang nên đối đãi ông rất hậu hĩ. Để đáp lại tình cảm đó, ông xây tặng viên tỉnh trưởng chiếc đồng hồ đá này.​
    Hiện đồng hồ đá nằm trong khuôn viên (phía sau dãy nhà giữa) Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bạc Liêu, số 84 đường Hai Bà Trưng, thị xã Bạc Liêu, được Bảo tàng tỉnh tôn tạo, giữ gìn theo tinh thần bảo vệ di tích lịch sử văn hóa. Đây là điểm tham quan vừa được Công ty Du lịch Bạc Liêu đưa vào chương trình du lịch của họ.​
    (Theo Nhân Dân)


    Nguồn

    vnexpress.net/GL/Khoa-hoc/2007/02/3B9F3812/ - VnExpress - Đồng hồ đá của Việt Nam - Dong ho da cua Viet Nam

     

    Lê Minh

    ✩✩✩✩
    Ðề: Giải mã bí mật đồng hồ đá ở Bạc Liêu - duy nhất ở Việt Nam

    Độc đáo đồng hồ đá duy nhất Việt Nam
    (Dân trí) - Chiếc đồng hồ được xây bằng gạch, đá, xem giờ dựa vào bóng nắng, nhưng chính xác đến từng phút khiến du khách ai cũng phải ngỡ ngàng. Nhờ đồng hồ đá, hậu thế có cơ hội ngưỡng mộ một trí tuệ Việt Nam đáng nể sinh ra từ thế kỷ 19.
    Đầu tháng 12, đang mùa nước nổi, chúng tôi có dịp được theo đoàn famtrip gồm đại diện các báo, đài và lữ hành miền Trung về khảo sát các tuyến điểm du lịch dọc đồng bằng sông Cửu Long.​
    dong-ho-da10912.jpg
    Đồng hồ đá Thái Dương.

    Điểm dừng chân đầu tiên của hành trình “Về đồng bằng xanh” là Bạc Liêu trứ danh với khúc Dạ cổ Hoài lang nổi tiếng của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và những giai thoại về các đại công tử “đốt tiền nấu cháo”. Nhưng ít ai biết ở đây còn có một di tích vừa được tỉnh Bạc Liêu tôn tạo, rất hấp dẫn du khách - đồng hồ đá Thái Dương độc đáo và duy nhất ở Việt Nam của nhà bác vật (cách gọi các kỹ sư của người miền Nam xưa) Lưu Văn Lang.

    Chiếc đồng hồ đá cao 1 mét, rộng 0,8 mét, đặt trong sân sau Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bạc Liêu (số 84, đường Hai Bà Trưng), cách điểm tham quan nhà công tử Bạc Liêu một đoạn đường bộ khoảng vài trăm mét, ngay khu trung tâm thành phố Bạc Liêu.

    Chiếc đồng hồ đá quay mặt về hướng Đông, là món quà tặng của nhà bác vật Lưu Văn Lang - kỹ sư đầu tiên của Nam Bộ - dành cho tỉnh trưởng Bạc Liêu để đáp lại sự đối đãi ân cần của ông tỉnh trưởng với người hiền tài.

    Khi đến thăm khu di tích đồng hồ đá Thái Dương có vẻ ngoài không đáng lưu tâm này, hướng dẫn viên chỉ cho mọi người cách xem giờ dựa vào bóng nắng đổ mặt đồng hồ, ranh giới sáng - tối giống như cây kim chỉ giờ, sẽ nằm đúng vào vạch giờ phút đã được khắc sẵn trên mặt đồng hồ đá. Khách du lịch khi so bóng nắng với đồng hồ của mình thấy trùng khớp đều tỏ ra rất ngạc nhiên và thích thú.

    Nguyên lý hoạt động của đồng hồ đá được lý giải như sau: trên bề mặt đồng hồ có ba phần: phần ở giữa là một khối hình chữ nhật nhô ra phía trước, hai khối hình vuông xây bằng gạch cân đối hai bên, mỗi bên vạch 6 số La Mã từ I-XII để chỉ giờ. Phần khối hình chữ nhật chính giữa nhô lên giới hạn ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào các số ở hai bên đồng hồ, chia mặt đồng hồ thành hai mảng sáng tối rõ rệt. Điểm giờ nằm trên lằn ranh giới giữa hai mảng sáng - tối ấy sẽ trả lời cho câu hỏi: “Bây giờ là mấy giờ?”. Bắt đầu từ lúc mặt trời mọc, mặt trời lên cao chừng nào thì bóng nắng chạy theo đến đó, đúng ngọ thì bóng nắng đổ đúng số 12. Buổi chiều, bóng nắng lại đổ nghiêng tuần tự đúng như buổi sáng.

    Đồng hồ đá được nghiên cứu xây dựng và ứng dụng theo đường chiếu ánh sáng của mặt trời, do vậy chỉ có thể ứng dụng vào ban ngày. Khu vực xây dựng đồng hồ đá trước đây là Dinh Tham biện. Bấy giờ, các ông thông, ông phán, ông huyện vào dinh trình giấy tờ đều ghé qua chỗ đồng hồ đá để canh giờ, lấy đó làm chuẩn để chỉnh dây cót cho chiếc đồng hồ tây ở nhà.

    dong-ho-da101209-1.jpg

    Hiện tại, đồng hồ đá không còn giá trị ứng dụng như khi mới ra đời vì thời nay, việc sở hữu một chiếc đồng hồ đeo tay nhỏ gọn hoặc chiếc điện thoại di động có chức năng báo giờ chẳng khó khăn gì. Nhưng đồng hồ đá vẫn báo giờ rất chuẩn, có giá trị ghi danh một tài năng - trí tuệ Việt Nam đáng ngưỡng mộ một thời.

    Đáng tiếc là chiếc đồng hồ đá độc đáo có một không hai như vậy lại nằm im lìm, khuất sâu trong Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bạc Liêu mà không có bảng chỉ dẫn lối vào di tích, ngay cả lối đi cũng chưa hình thành và thiếu hẳn một bảng giới thiệu xứng tầm, để du khách biết đường tìm đến và thưởng lãm.

    Nhà bác vật - kỹ sư Lưu Văn lang sinh năm 1880, mất năm 1969, tại Tân Phú Đông, Sa Đéc (Đồng Tháp ngày nay). Từ nhỏ, với trình độ học vấn xuất sắc, ông được vào học trường Chasseloup Laubat. Đến năm 17 tuổi, ông đỗ tú tài 2 và nhận học bổng du học Pháp, học trường École Centrale de Paris là trường đào tạo kỹ sư lớn nhất nước Pháp thời bấy giờ.
    Năm 1904, ông tốt nghiệp trường đào tạo kỹ sư tại Pháp hạng ưu, là một trong ba người xuất sắc nhất trường. Về nước, ông được cử sang Vân Nam (Trung Quốc) tham gia tuyến xe lửa nối liền Trung Quốc với Đông Dương và thường hay về theo dõi các công trình xây dựng ở Bạc Liêu.

    Theo lời kể của hướng dẫn viên (không rõ có phải là giai thoại), trong một lần về tỉnh này, đi qua cầu Long Thạnh đang xây, ông kỹ sư đầu tiên của Nam Bộ lấy gậy gõ vào thành cầu rồi nói chắc như đinh đóng cột rằng cầu này một tháng sau sẽ sập. Tiên đoán của nhà bác vật Lưu Văn Lang khiến ông kỹ sư người Pháp giám sát thi công cầu Long Thạnh phiền lòng đến mức phẫn nộ. Nhưng chính ông kỹ sư Pháp ấy, đúng một tháng sau, phải bái phục tài năng của nhà bác vật Lưu Văn Lang khi cây cầu sập thật. Cầu Long Thạnh có tên cầu Sập cũng từ đó.



    Khánh Hiền

    Nguồn
    Độc đáo đồng hồ đá duy nhất Việt Nam - Sự kiện trong ngày - Dân trí
     
    Nên tham khảo thêm các kiểu và mẫu tranh đồng hồ bên trang Pmdecor.vn nữa các bạn ạ.
    Sau đó tìm ra lựa chọn chính xác nhất cho mình nhé :)
     
    Cảm ơn bạn đã viết bài này. Mình ở Bạc Liêu có dịp ghé qua đây cũng như dẫn khách du lịch ghé qua đây. Công trình này có thể sánh ngang ngữa với Stonehenge của nước Anh về giá trị và ý nghĩa đối với nhân loại suốt bao thăng trầm của lịch sử.
    Nếu trong tương lai có tôn tạo và bảo tồn di tích văn hóa vĩ đại này, chúng ta - những người làm du lịch và yêu du lịch hãy đưa đứa con tinh thần này ra thế giới để thế giới biết rằng đâu đó trên địa cầu này vẫn còn một vật thể bé nhỏ nhưng mang tầm châu lục này - Đồng Hồ Đá Bạc Liêu
     
    Top