"Sông Hương vừa mang vẻ đẹp nổi bật ở cảnh sắc thiên nhiên, vừa mang vẻ đẹp bề sâu trầm tích văn hóa

Đề bài: Có ý kiến cho rằng: "Sông Hương vừa mang vẻ đẹp nổi bật ở cảnh sắc thiên nhiên, vừa mang vẻ đẹp bề sâu của trầm tích văn hóa". Bằng hiểu biết của anh chị về đoạn trích, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.


Nhận xét về vẻ đẹp sông Hương được thể hiện qua đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông ?”, có ý kiến cho rằng con sông đẹp cả ở cảnh sắc và đẹp cả ở bề sâu văn hóa. Ý kiến là nhận xét chính xác về vẻ đẹp của sông Hương. Bài viết dưới đây sẽ làm sáng tỏ ý kiến đó thông qua việc phân tích, tìm hiểu về vẻ đẹp của sông
song-huong-vua-mang-ve-dep-noi-bat-o-canh-sac-thien-nhien-vua-mang-ve-dep-be-sau.jpg
Bài làm
Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn có sở trường về thể loại bút kí. Không sinh ra ở Huế nhưng vùng đất này lại là nguồn nuôi dưỡng nên nhà văn đặc biệt sâu đậm với từng cảnh vật, coi Huế tựa như một quê hương. Huế không chỉ nuôi dưỡng nhà văn lớn khôn mà còn là điểm tựa cảm xúc cho ngòi bút nhà văn mỗi khi cảm xúc đầy tràn. Và cảm xúc ấy, nhà văn dành trọn cho Huế. Men theo từng con đường xóm ngõ của Huế, tâm hồn Hoàng Phủ Ngọc Tường không thể không rung động khi tìm thấy con sông Hương. Dòng nước sông Hương cứ thể thuận theo mạch cảm xúc để chảy vào trang viết, để hiện lên tuyệt đẹp trong “Ai đã đặt trên cho dòng sông ?”. Hình tượng con sông Hương là hình ảnh trung tâm của tác phẩm. Cái nhìn nhà văn không chỉ thấy dòng nước chảy qua đâu, cảnh sắc nước thế nào mà còn tìm về với những vẻ đẹp lắng sâu trong lớp trầm tích văn hóa bao đời đậm chất Huế. Nhận xét về hình ảnh sông Hương, Có ý kiến cho rằng:" Sông Hương vừa mang vẻ đẹp nổi bật ở cảnh sắc thiên nhiên, vừa mang vẻ đẹp bề sâu của trầm tích văn hóa". Ý kiến đã nêu lên được những nét chính trong vẻ đẹp của con sông Hương được thể hiện trong bút kí. Dưới đây là bài viết bàn luận, làm sáng tỏ ý kiến mà bạn có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho bài làm của mình. Chúc các bạn thành công !
Gắn bó sâu sắc với mảnh đất kinh xưa, Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng gắn ngòi bút mình với hồn thơ xứ Huế. Viết về Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tìm về với con sông Hương để rồi tự hỏi “Ai đã đặt tên cho dòng sông ?”. Nói về con sông Hương thể hiện qua bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông ?”, có ý kiến cho rằng: :" Sông Hương vừa mang vẻ đẹp nổi bật ở cảnh sắc thiên nhiên, vừa mang vẻ đẹp bề sâu của trầm tích văn hóa". Ý kiến đã cho ta một cái nhìn toàn diện về vẻ đẹp của sông Hương hiện lên qua nét khắc họa của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông ?” được sáng tác năm 1981 và in trong tập sách cùng tên. Đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông ?” thuộc phần một của bài bút kí. Ý kiến trên đã nhận xét vẻ đẹp của con sông Hương trên hai phương diện là địa lý và văn hóa.

Ở góc độ địa lí, hình ảnh con sông Hương hiện lên đầu tiên với những nét phác họa khúc thượng nguồn. Con sông chảy giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ với lưu tốc nhanh mạnh, mang vẻ đẹp dữ dội, mãnh liệt. Trong cảm nhận của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương như “một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn”. Nhà văn sử dụng phép đảo ngữ kết hợp với những động từ mạnh khơi dậy những dư vang của trường ca. Nếu rừng già cho sông Hương nét dữ dội thì “những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng” lại cho sông Hương nét đẹp trữ tình, nồng nàn của “ dịu dàng và say đắm”. Nhà văn so sánh: “Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Digan phóng khoáng và man dại”. Phép so sánh đặc biệt ấn tượng khi nhà văn phát hiện ra chất Digan của dòng sông: vẻ đẹp hoang dại, tự do những cũng đầy gợi cảm của dòng chảy ở khúc thượng nguồn. Ra khỏi rừng, người con gái ấy như bước qua một ngưỡng cửa mới để trở thành “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”. Nhà văn nhìn sông Hương như một đấng sinh thành, như một nguồn nuôi dưỡng bản sắc văn hóa Huế. Nếu người đọc chỉ nhìn sông Hương với vẻ đẹp thơ mộng trữ tình thì nhà văn lại nhìn sông Hương như bản trường ca của rừng già; nếu người đọc cảm nhận sông Hương ở chất Huế dịu dàng thì Hoàng Phủ Ngọc Tường lại nhìn ra nét phóng khoáng, man dại của vùng thượng nguồn; nếu trong ta sông Hương là người con gái e lệ thì trong ngòi bút nhà văn, sông Hương lại lắng sâu trong những nét đẹp của trí tuệ. Đoạn văn đã thể hiện cái nhìn say đắm, lãng mạn và lối viết tài hoa của nhà văn.

Dòng chảy qua khúc thượng nguồn, sông Hương lại tiếp tục lưu trình ở ngoại vi thành phố Huế. Con sông chuyển dòng từ hướng Nam Bắc sang Tây bắc, đi qua một loạt các đạ danh như Hòn Chén, Ngọc Trản,… Dòng sông trôi đi một cách chậm rãi giữa nhưng lắng tẩm thành quách của vùng đất cố đô. Trong cái nhìn trữ tình của nhà văn, sông Hương như “người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại”. Phép so sánh khiến ra liên tưởng đến hình ảnh nàng công chúa trong những câu chuyện cổ tích chờ tình yêu đến đánh thức. Còn trong lăng kính khám phá của nhà văn, sông Hương không chờ đợi mà tự thức tỉnh và bắt đầu hành trình tìm kiếm tình yêu đích thực của mình. Thủy trình của sông Hương khi xuôi về Huế tựa như một câu chuyện nhuốm màu cổ tích, và nét đẹp của con sông Hương cũng chuyển hóa, không còn mãnh liệt, hoang dị hay đậm đà như khúc thượng nguồn nữa mà “chuyển dòng một cách liên tục, vòng những khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm”. Sông Hương hiện lên với những đường cong tuyệt mĩ, tựa như một người gái đẹp biết làm duyên làm dáng “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Dòng sông như khoác lên mình nhan sắc diễm ảo, như biết tự trang điểm, tự làm mới mình để trở nên đẹp hơn trước khi đến gặp người tình mà nó mong đợi. Nhan sắc thay đổi, đến tình cách con sông cũng trở nên mềm nhẹ hơn, trở nên trầm mặc khi chảy qua những đền đài vùng ngoại vi. Dòng sông tựa như đang tự thay đổi mình để phù hợp với cái linh thiêng của cùng đất cố đô.

Một hành trình dài, cuối cùng thì người gái đẹp tên sông Hương ấy cũng tìm đến được người tình của nó. Con sông xuôi nước để chảy vào thành phố Huế. Sông Hương giáp mặt thành phố Huế ở Cồn Giã Viên, uốn một đường con rất nhẹ qua Cồn Hến để chảy vào kinh thành Huế. Lưu tốc con sông giảm hẳn do sự hiện diện của những hòn đảo nhỏ và chi lưu mang nước của sông Hương đi khắp các phố phường. Khi “nhìn thấy chiếc cầu trăng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non”, sông Hương đã nhận ra tín hiệu của tình yêu: “sông Hương uốn một nhánh cung rất nhẹ […]; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”. Phép so sánh đã làm nổi bật vẻ đẹp e lệ, dịu dàng, kín đáo, đậm chất Huế của sông Hương. Ở khúc này, nhà văn đã đặt sông Hương trong phép tương quan so sánh với những con sông khác, với sông Xen, sông Đa-nuýp để khẳng đinh: sông Xen, sông Đa-nuýp là biểu tượng của Paris, của Budapet thì sông Hương cũng là biểu tượng riêng của thành phố Huế. Sông Hương còn được đặt trong phép so sánh liên tưởng với con sông Nêva để làm nổi bật điệu chảy lặng tờ của nó. Nếu sông Neva trôi đi thật nhanh thì sông Hương lại thật chậm, giống như “điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”. Dưới cái nhìn đậm chất thơ, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhìn cái chậm rãi của sông Hương là sự vấn vương, quyến luyến mà con sông dành cho người tình của nó. Nhà văn đã thổi vào dòng chảy của con sông Hương thứ sắc màu biến dòng chảy con sông thành dòng chảy tâm hồn Huế.

Rời khỏi kinh thành Huế, sông Hương chảy từ hướng Bắc sang Đông để đổ ra biển. Sau khi chảy ra Vỹ Dạ, nó lại lưu luyến thành phố Huế để trở lại gặp Huế ở thị trấn Bao Vinh. Trong ánh nhìn nên thơ của nhà văn, sông Hương vừa đa tình vừa nặng tình, trước khi đi còn muốn nói lời tình tự. Sự chí tình của sông Hương với Huế là sự chí tình của người Huế đối với quê hương, sâu hơn là sự chí tình của Hoàng Phủ Ngọc Tường với cùng đất kinh xưa này.

Sông Hương không chỉ chảy trong những quang cảnh thiên nhiên mà còn mang theo trong dòng nước sắc màu nhiễm ảo của văn hóa, lịch sử. Cổ đại, sông Hương là “một dòng sông biên thùy xa xôi của đất nước các vua Hùng”. Trung đại, con sông là dòng “Linh Giang” – “dòng sông viễn châu đã chiến đấu oanh liệt bảo vệ biên giới phía nam của Tổ quốc Đại Việt”, soi bóng kinh kì, soi bóng người anh hùng Nguyễn Huệ. Hiện đại, sông Hương “sống hết lịch sử bi tráng của thế kỷ 19 với máu của những cuộc khởi nghĩa”. Hòa bình lập lại, sông Hương lại trở lại làm người con gái dịu dàng của đất nước. Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương là “dòng sông của thời gian ngân vang, của sử viết giữa màu cỏ lá xanh biếc”. Sông Hương đã hóa mình thành tâm hồn Việt: phi thường nhưng cũng bình thường, mạnh mẽ mà cũng thật dịu dàng, sử thi mà vẫn trữ tình.

Nét văn hóa còn sông Hương còn lắng sâu trong những nốt nhạc. Trong “khoảnh khắc trùng lại của sông nước”, ta thấy sông Hương như “một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya” và nhận ra “toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này”. Tâm hồn của sông Hương đã thăng hoa vào âm nhạc. Dòng nước sông Hương vừa sinh thành, vừa nuôi dưỡng, vừa lưu trữ những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất cố đô.

Mang nét đẹp trữ tình nên sông Hương được nhà văn nhìn qua lăng kính của thi ca. Từ góc nhìn thơ ca, sông Hương hiện lên phong phú qua cảm nhận của các nhà thơ khác, từ xưa cho đến nay. Trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, Tản Đà, sông Hưng nghiêng về vẻ đẹp trữ tình, hiện ra “tha thiết mơ màng”: “dòng sông trắng - lá cây xanh” đến nỗi quan hoài bảng lảng. Trong thơ Cao Bá Quát, Tố Hữu, dòng sông nghiêng về vẻ đẹp hùng tráng, mạnh mẽ: “như kiếm dựng trời xanh” hay “nó đột khởi thành sức mạnh phục sinh của tâm hồn”. Sông Hương mang vẻ đẹp đa sắc, nó không lặp lại mình trong cảm xúc thẩm mĩ của mỗi thi nhân. Ở đây, Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ cảm nhận đặc trưng và tâm hồn của dòng sông mà còn khám phá thấy lớp trầm tích lắng sâu trong dòng nước sông Hương.

Khắc họa vẻ đẹp con sông Hương ở cả nét đẹp địa lí và nét đẹp văn hóa, nhà văn đều sử dụng phép so sánh liên tưởng, nhìn con sông thành những sinh thể sống có hồn, để dòng nước sông Hương như thực sự chảy tràn trên trang giấy. Hình tượng con sông hương hiện lên là sự tập trung bút lực của Hoàng Phủ Ngọc Tường, tiêu biểu cho phóng cách kí của nhà văn: trí tuệ, uyên bác và tài hoa.

Ý kiến trên đã nói lên đầy đủ và chính xác những vẻ đẹp của con sông Hương được thể hiện qua bút kí và cũng nêu lên được nét khám phá của ngòi bút Hoàng Phủ Ngọc Tường. Con sông Hương hiện lên trên bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông ?” không chỉ bằng nét phác họa đơn giản mà lồng trong đó mà tình cảm nồng nàn mà nhà văn dành cho con sông, và cũng là những đắm say mà cả đời nhà văn đã dành trọn cho Huế.

-QP-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    ai đã đặt tên cho dòng sông sông hương
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,746
    Bài viết
    467,576
    Thành viên
    339,851
    Thành viên mới nhất
    Đông Âu
    Top