Văn Truyện đã đăng trên báo (Thanh Trắc Nguyễn Văn)

Reply: Văn Thanh Trắc Nguyễn Văn

TNc9HsV.jpg


7ceJUv2.jpg
 
Reply: Văn Thanh Trắc Nguyễn Văn

Xin giới thiệu với các bạn thơ của Thanh Trắc Nguyễn Văn bài viết "Lễ hội đầu xuân và những hạt sạn" đã đăng trên báo Văn Nghệ tp.HCM số 437, ra ngày 16.2.2017.

----------------------------------------------------------------------------------------------


EuzT7i.jpg

Nhiều du khách vào chùa vẫn mang dép



LỄ HỘI ĐẦU XUÂN VÀ NHỮNG HẠT SẠN

Lại một mùa xuân thanh bình nữa đã và đang đi qua trên đất nước ta. Đầu xuân đi lễ hội, đi chùa là một nét văn hóa rất đẹp của người Việt đã có từ thời xa xưa. Những người đi lễ hội đều có những ý nguyện rất chung: một là tham quan danh lam thắng cảnh của quê hương; hai là vì tín ngưỡng, ba là cầu cho quốc thái dân an, cầu phúc và cầu lộc cho gia đình. Rất tiếc do ý thức văn hóa của người dân quá kém và tệ hại hơn là ngày lại càng đi xuống nên vô tình nhiều người, trong đó đa phần là các bạn trẻ, đã bộc lộ những thể hiện rất xấu và rất phản cảm khiến nhiều người phải ngán ngẩm.

Chùa Linh Quy Pháp Ấn (Lâm Đồng) là một nơi nổi tiếng thanh tịnh với nét đẹp không gian tĩnh mịch và tôn nghiêm. Nhưng đầu năm nay các nhà sư trong chùa Linh Quy Pháp Ấn đã phải “khóc ròng” vì rất nhiều khách thập phương đi lễ chùa mà hoàn toàn không có cái tâm của một người Phật tử chân chính. Nhiều cô gái rất xinh đẹp, chân dài nhưng lại bận những chiếc váy ngắn “rất gợi cảm” khi vào chùa, mặc dù trước cổng chùa đã có bảng cấm. Một người bạn của tôi đã nói nửa đùa nửa thật: “Các cô xinh đẹp như thế sao không rủ nhau đi quyến rũ các đại gia, lại cứ đi gây “xao xuyến” làm chi cho những người đã tu hành?”. Tôi đã từng được nghe một vị cao tăng giảng: Khi đi lễ chùa nếu ăn mặc gợi cảm quá mức sẽ vừa phạm giới uế tạp Phật đường, vừa phạm giới bất kính, dù người đó có mất công thờ cúng cũng không có ích gì!



9Sxg40.png

Những người đẹp váy ngắn


Chưa hết rải rác trong sân chùa có rất nhiều cặp nam nữ “vô tư” ôm nhau để thể hiện tình cảm hoặc chụp hình tự sướng. Họ hầu như đã quên họ đang ở đâu và đến chùa để làm gì? Một vấn nạn nữa không phải riêng chỉ có ở chùa Linh Quy Pháp Ấn mà hầu hết các chùa trên đất nước Việt Nam khác đều bị ảnh hưởng đó là nạn du khách xả rác bừa bãi. Đầu năm, gia đình tôi có đến chùa Phước Hải (ở tp. Hồ Chí Minh, ngôi chùa đã được tổng thống Obama thăm viếng khi ông sang Việt Nam), tuy hầu hết người đi lễ chùa đều rất nghiêm túc nhưng do số lượng khách quá đông nên đã không tránh được nạn chen lấn, xô đẩy khi cùng xếp hàng vào chánh điện. Trong sân chùa có một cái hồ lớn nuôi cá và rùa, thật đáng buồn khi trên mặt nước vẫn còn có những chai lọ nước uống bằng nhựa không biết của ai đó đã tiện tay ném xuống mặc dù thùng rác đặt cạnh đó không xa!

Nổi cộm hơn, cũng đầu năm nay ở chùa Đồng Yên Tử (Quảng Ninh), nơi có pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được khánh thành vào đầu tháng 12 năm 2013. Theo các nhà nghiên cứu sử học Trần Nhân Tông là vị anh hùng dân tộc đã lãnh đạo dân quân nước Đại Việt hai lần đánh thắng quân Nguyên – Mông xâm lược. Khi về già ông đã từ bỏ ngôi báu để đi tu và ông cũng chính là vị tổ sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền Phật giáo mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Pho tượng của Phật hoàng được đúc bằng đồng nguyên khối, cao 15 m, nặng 138 tấn, tọa lạc trên đỉnh An Kỳ Sinh có độ cao 900 m so với mặt nước biển. Lễ hội ở chùa Đồng Yên Tử sẽ kéo dài suốt ba tháng trong mùa xuân và được dự kiến sẽ có hơn 2 triệu du khách đến viếng. Người đông nên chen lấn và hỗn loạn là điều không thể tránh khỏi. Điều đáng nói ở đây là có rất nhiều khách viếng chùa đem tiền xoa lên đại hồng chung và khánh đồng tại chân tượng Phật hoàng với ý nghĩ rất ngô nghê là cầu may! Tệ hơn cũng có rất nhiều người ném những tờ giấy tiền thật lên mái chùa hoặc giắt vào các kẽ dưới mái hoặc vách chùa tạo nên một bức tranh cực kỳ bôi bác và phản cảm. Để biết đúng hay sai chúng ta hãy cùng đọc những dòng sau đây nói về những quy định trong việc dâng lễ vật cúng dường tại chùa chiền do một trang web Phật giáo hướng dẫn:

“1. Khi đến dâng hương ở các chùa nên sắm các lễ chay như: hương, hoa tươi, quả chín, oản, xôi, chè… Không đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện tức là chính điện, tức là nơi thờ tự chính của ngôi chùa. Trên hương án của chính điện chỉ được dâng đặt lễ chay, tịnh.

2. Việc sắm sửa lễ mặn như cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt gà, giò, chả… chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Đức Ông, Thánh, Mẫu và chỉ dâng đặt tại bàn thờ hay điện thờ mà thôi.

3. Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa. Nếu có sửa lễ này thì đặt ở bàn thờ thần linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông.

4. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện mà nên bỏ vào hòm công đức. Tuyệt đối không nên đi “rải” tiền trên tất cả ban thờ, đặt vào tay tượng.”


(còn tiếp)
 
Reply: Văn Thanh Trắc Nguyễn Văn

iX8jKc.jpg

Tệ nạn giắt tiền lên mái chùa để cầu may



LỄ HỘI ĐẦU XUÂN VÀ NHỮNG HẠT SẠN (tt)

Thánh Gióng hay Phù Đổng Thiên Vương là một trong bốn vị thánh bất tử (Tứ bất tử) của Việt Nam. Thánh Gióng tượng trưng cho tinh thần bất khuất, chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Hội Gióng mỗi năm thường được tổ chức ở đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Trong hội Gióng có nghi lễ dâng hoa tre lên đền Thượng của thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) được tổ chức đầu tiên. Hoa tre được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50 cm, đường kính khoảng 1 cm, đầu tre tuốt bông và nhuộm màu tượng trưng cho roi ngựa của Thánh Gióng. Sau khi dâng lên đền Thượng xong những hoa tre sẽ được rước xuống đền Hạ rồi phát cho người dự hội để cầu may. Tuy gọi là “phát” nhưng thật ra là “tung” ra giữa sân đền cho hàng nghìn người đang đợi sẵn xung quanh sân xông vào cướp giật để mong có được sự may mắn trong năm. Theo nhiều người đây là cảnh quen thuộc của hội Gióng hàng năm, người đi lễ gọi là “cướp lộc”! Cảnh tượng vẫn thường thấy trong khi xảy ra “cướp lộc” là hoàn toàn bát nháo. Một đám rất đông người đầu tóc rối bù, áo quần xốc xếch tranh giành hỗn độn, la hét ầm ỷ, giẫm đạp lên nhau khiến cho nét đẹp văn hóa của hội Gióng hầu như bị tổn hại rất nhiều… Tôi không hiểu sao cho đến bây giờ vẫn còn có nhiều người cạn nghĩ đến như vậy. “Lộc” phải dùng “bạo lực”, “mạnh được yếu thua” kiểu ăn cướp để có được, xin hỏi có còn xứng đáng là lộc của thánh ban cho hay không?

Chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chùa Hương là miền đất Phật, là nơi Bồ Tát Quan Thế Âm tu hành. Hương Sơn ngoài các chùa thờ Phật, còn có nhiều đền thờ các thần thánh khác như bà chúa Thượng Ngàn (đền Cửa Vòng), thần Hổ (đền Trình)… Sáng ngày 2 tháng 2 (mùng 6 Tết) năm nay, hội chùa Hương đã chính thức khai hội và cũng như những năm trước lại tái diễn cảnh khách thập phương leo tường, giẫm đạp cây cỏ xung quanh chùa - mặc dù đã có lực lượng bảo vệ kiên quyết ngăn cản - để tìm mọi cách lọt được vào trong chùa. Trước đó một ngày (ngày 1 tháng 2), chỉ vì chen lấn khi đi chùa Hương bà cụ Phạm Thị L. (ở phường Phúc La, quận Hà Đông) đã vô tình giẫm lên chân một cô gái trẻ. Thế là nhóm thanh niên đó gồm hai cô gái và một chàng trai đã lao vào xô xát với bà cụ khiến bà cụ bị ngất phải khiêng đi cấp cứu. CA huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã phải vào cuộc và xử phạt hành chính nhóm thanh niên nói trên. Than ôi, đến đất Phật để một lòng hướng Phật mà tâm vẫn còn mang nặng Tham – Sân – Si như thế thử hỏi Phật, Trời nào chứng giám cho?

Để vào được chùa Hương, nếu đi theo đường thủy, khách phải đi thuyền từ bến Đục trên dòng Suối Yến khoảng 4km. Đi trên thuyền (chèo tay) cũng mất khoảng một tiếng, khá lâu và quãng đường sông cũng khá dài. Rảnh rỗi sinh nông nổi, nhiều nam thanh nữ tú khi ngồi trên thuyền đã rủ nhau mở sòng bài sát phạt cho mau qua thời gian. Tuy có nhóm bạn chỉ là đánh chơi cho vui, nhưng đến viếng đất Phật mà đem một trong “tứ đổ tường” ra để giải trí thì quả thật là “cạn lời”! Suối Yến Vĩ (tên khác của suối Yến) theo tôi là nước khá sâu, nhưng hầu hết các thuyền chở kín người (ngày 1 và ngày 2 tháng 2) đều không có áo phao phát cho khách. Nhiều khách rất lo sợ nhưng vẫn “uống thuốc liều” lên thuyền và thuyền vẫn xuất bến. Theo tin được biết năm nay những chiếc đò chở khách tham quan ở chùa Hương phải trang bị hệ thống áo phao, vật nổi mới được chở khách. Đến ngày 3 tháng 2, tình hình phát áo phao cho khách đã có phần khá hơn, đó cũng là nhờ sự kiểm tra quyết liệt của CQ địa phương.

Lễ hội đầu Xuân là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Điều này không một ai có thể phủ nhận được. Để cho những lễ hội đất nước ngày càng có ý nghĩa hơn, rất mong mỗi người trong chúng ta nên bớt cái tôi ích kỷ để cùng những người khác xây dựng một nếp sống cộng đồng văn hóa Việt: biết xếp hàng, biết nhường nhịn, biết tôn trọng phụ nữ, biết kính trọng người lớn tuổi, biết thương yêu trẻ em, biết tuân theo những quy định của nơi chúng ta sẽ đến, đừng tự biến mình thành những người Việt xấu xí (những điều này ai cũng biết nhưng lại không muốn thực hiện!). Ban tổ chức các lễ hội và CQ địa phương cũng cần nên phối hợp và điều nghiên những phương án sao cho những lễ hội của quê hương ngày càng
tạo thêm được nét hấp dẫn và sự yêu mến của các du khách trong và ngoài nước.

2017

Thanh Trắc Nguyễn Văn




hRIJPI.jpg

Thuyền đưa khách đi chùa không phát áo phao

Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet

Trong bài báo có 2 từ kép phải viết tắt là CA và CQ đó là do trang web VFORUM cấm. Xin các bạn đọc bài thông cảm
 
Sửa lần cuối:
CÔ GIÁO NGỌC GIANG VÀ MÓN XÔI TRẠNG NGUYÊN

Cứ đến tháng 5, cô Nguyễn Thị Ngọc Giang, giáo viên dạy môn địa lý Trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), lại làm vài đĩa xôi đem vào lớp đãi học sinh của mình.

Là giáo viên dạy môn địa nhưng cô Ngọc Giang rất thích nấu ăn, những món ăn cô làm vừa được trang trí rất khéo vừa rất ngon miệng, không kém gì những đầu bếp thực thụ ở các nhà hàng. Người viết là một trong những người đã may mắn được thưởng thức những “tuyệt phẩm ẩm thực” của cô. Chỉ là những món ăn dân dã, nguyên liệu thực phẩm rất dễ kiếm nhưng nói chung đều rất tuyệt vời!

“Đậu”, “đỗ” và sự tự tin

Món ăn cô đãi học trò vừa mang tính chúc phúc cho các em sẽ vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 đầy căng thẳng sắp tới, vừa giúp tình cô trò thêm đậm đà, vừa lưu lại một kỷ niệm khó quên cho các học sinh của cô sau ba năm gắn bó học tập đầy thân ái dưới một mái trường chung.

Món xôi được cô đặt một cái tên khá ấn tượng, đó cũng là kỳ vọng của cô đối với các học trò cô yêu thương: xôi Trạng Nguyên. Nguyên liệu chính của món xôi Trạng Nguyên là đậu xanh được bóc vỏ, cho vào ngâm nước khoảng năm tiếng. Miền Nam gọi là “đậu”, còn miền Bắc gọi là “đỗ”.

Nhưng dù “đậu” hay “đỗ”, cái tên cũng vẫn hướng đến một ý nghĩa rất dễ thương là khi ăn món xôi này, các em sẽ có thêm tự tin, thêm may mắn để có thể đạt được kết quả tốt nhất trong thi cử. Ngoài đậu xanh, cô Ngọc Giang cho biết cần phải có thêm gạo nếp cái hoa vàng, nước cốt dừa để pha chế cùng với một ít muối và đường để làm xôi.

Xôi đã nấu xong, bày ra đĩa rồi nhưng vẫn chưa đủ. Theo cô Ngọc Giang, có những món ăn ngon nếu biết khéo léo bày biện và trang trí sẽ tạo cho người ăn có thêm nhiều trải nghiệm thú vị về ẩm thực. Cô rất mong muốn khi thưởng thức món xôi, các học trò của cô sẽ ít nhiều nhớ về cội nguồn của dân tộc.

Món ăn quý

Trong xôi có nếp, nếp chính là “hạt ngọc trời” mà trong truyện cổ tích Bánh chưng bánh giầy thời vua Hùng, một vị thần đã mách cho hoàng tử Lang Liêu làm nên món ăn truyền thống nổi tiếng bánh giầy (tròn tượng hình trời), bánh chưng (vuông tượng hình đất) của người Việt cổ.

Với đôi bàn tay tài hoa của mình, một củ su hào dùng làm đầu rùa, chả lụa và lạp xưởng dùng làm bốn chân và mai rùa, cô Ngọc Giang đã tạo hình đĩa xôi thành một chú rùa rất dễ thương. Tại sao lại là một chú rùa? Cô giải thích rùa là một trong tứ linh “long - lân - quy - phụng” của văn hóa dân gian. Rùa (quy) tượng trưng cho sức khỏe, tuổi thọ. Rùa còn tượng trưng cho sự nhẫn nại, chăm chỉ trong học tập của con người. Rùa cũng là linh vật tôn vinh các bậc tri thức nho học thời phong kiến.

Ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) có 82 tấm bia đá tiến sĩ, ở Văn Miếu Huế do chiến tranh nhiều năm tàn phá vẫn còn lại 32 tấm bia tiến sĩ làm bằng đá cẩm thạch. Và dưới những tấm bia đá mà người xưa tôn vinh truyền thống coi trọng người tài, coi trọng sự khuyến học của ông cha ta thời phong kiến là những chú rùa đá cần mẫn không quản ngày đêm, dãi dầu mưa nắng “đội” bia đã hàng mấy trăm năm.

Trong truyền thuyết, thần Kim Quy (thần Rùa Vàng) luôn là một vị thần hộ quốc, luôn gắn bó với dân tộc Việt của chúng ta. Thời vua An Dương Vương, thần Kim Quy đã giúp vua dựng nước và đặc biệt giúp vua xây dựng thành Cổ Loa (thành Ốc) vừa độc đáo vừa kiên cố. Thần cũng giúp vua chế tạo nỏ thần có thể bắn ra một phát với hàng trăm mũi tên đồng khiến quân cướp nước phải run sợ.

Khi vua An Dương Vương bại trận mất nước, thần Kim Quy lại hiện lên cảnh tỉnh nhà vua cũng như nhắn nhủ người đời sau với câu nói nổi tiếng: “Giặc ở sau lưng nhà vua đó”.

Và hơn một ngàn năm sau, thần Kim Quy cũng đã vâng lệnh Lạc Long Quân dâng gươm thần Thuận Thiên cho vua Lê Lợi, giúp ông đánh đuổi giặc Minh ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, chấm dứt một thời kỳ đen tối của nước Đại Việt...

Được thưởng thức một đĩa xôi đậm đà hương vị dân tộc, lại được biết thêm những triết lý sâu sắc mà người nấu xôi đã gửi gắm trong món ăn thật là thú vị. Cô Ngọc Giang đã tặng cho học trò một món ăn rất quý, một món ăn đầy đủ cả ý nghĩa vật chất lẫn tinh thần. Nhiều học sinh cũ thành đạt về thăm lại trường, mỗi khi nhắc đến cô Ngọc Giang lại nhắc đến món xôi Trạng Nguyên mà họ đã được ít nhất một lần nếm qua ngày xưa.

Năm nay khi ngày thi Tốt nghiệp đã gần kề, ngoài việc ôn tập cho học sinh, cô Ngọc Giang có lẽ lại đang chuẩn bị tất bật để nấu lại món xôi mà cô đã tốn rất nhiều tâm huyết: món xôi Trạng Nguyên!

2017
(Báo Tuổi Trẻ ngày 10.5.2017)

Thanh Trắc Nguyễn Văn
 
NỮ THẦN DÊ TRẮNG (Phần 1)

I
Một chiều thu Ất Mùi (năm 1415), đất nước ta khi ấy vẫn còn bị triều đình nhà Minh đánh chiếm và cai trị rất tàn ác. Trên con đường cái quan đi qua một khu rừng vắng cách thành Đông Quan về phía nam khoảng hai mươi dặm, có một chàng trai dáng vẻ lam lũ gánh đôi thùng dầu đang đi tìm khách mua. Quần áo chàng nhăn nhúm, còn chiếc nón lá chàng đội trên đầu che mưa nắng cũng méo mó và bẹp dúm trông rất thảm hại.

Bỗng từ xa có tiếng hò hét của một đám người đang đuổi theo một chiếc xe ngựa làm vang động cả khu rừng. Bọn người đuổi theo là đám quân lính nhà Minh khoảng hơn chục tên, dẫn đầu là một tên phó tướng dáng người rất vạm vỡ. Không bao lâu bọn chúng đã đuổi kịp chiếc xe ngựa, tên dẩn đầu thản nhiên vung kiếm giết chết người điều khiển xe ngựa và người tùy tùng. Sau đó bọn chúng phá cửa xe và lôi xuống một cô gái rất xinh đẹp bận trang phục màu trắng. Trong tiếng cười khả ố, man rợ của bọn giặc cướp nước và tiếng van xin yếu ớt tuyệt vọng của cô gái, bọn chúng lần lượt xé nát y phục của cô gái dự định cùng nhau làm nhục cô.

Tên phó tướng cười ha hả vươn cánh tay to lớn đầy lông lá sắp sửa giật phăng chiếc yếm đào che ngực cô gái thì bỗng dưng có một bàn tay nắm chặt lấy tay hắn níu lại. Hắn chưa kịp phản ứng thì một cú đá đã quét ngang mặt hắn làm mắt hắn tối sầm và té bật ngửa ra phía sau hơn một trượng. Bọn lính nhà Minh vô cùng ngạc nhiên vì người ra tay lại chính là chàng trai bán dầu có dáng người hơi thấp bé và mảnh khảnh. Giận dữ tên phó tướng gầm lên:

- Bọn bây hãy giết ngay tên An Nam nhiều chuyện này cho ta!

Chàng trai không nói gì lập tức xổ tung tấm vải quấn quanh thanh đòn gánh dùng để gánh dầu làm lộ ra một thanh kiếm được ngụy trang kín đáo trong đó. Thanh kiếm vừa tuốt ra khỏi vỏ đã tỏa ra ngay một loại ánh sáng sắc lạnh mà đối với những người am hiểu về binh khí sẽ biết ngay đó là một thanh bảo kiếm. Chàng trai hét lên một tiếng và vung kiếm tấn công bọn lính đang vây quanh. Chưa đầy một khắc, bọn lính nhà Minh cùng tên phó tướng đã lần lượt ngã gục trước mũi gươm huyền ảo của chàng trai. Tên phó tướng dù đã chết nhưng mắt vẫn còn mở trao tráo. Có lẽ hắn cũng không hiểu vì sao một người như hắn đã từng bao năm chinh chiến khắp nơi, đã từng chém gục không biết bao nhiêu tướng lĩnh quân địch để đoạt cờ, lại có thể chết một cách quá dễ dàng trước kiếm pháp kỳ lạ của chàng trai.

Chàng trai lấy ra một chiếc áo choàng trong tay nải của mình trao cho cô gái quấn quanh mình rồi vội vã gánh dầu đi ngay. Không ngờ cô gái rất nhanh, chỉ lướt nhẹ thôi đã kịp đuổi theo cản đường chàng trai:

- Xin cảm ơn ân nhân đã cứu mạng. Ân nhân có thể cho ta biết tên tuổi được không?

- Tôi là một kẻ lang thang không tên không tuổi, bán dầu kiếm sống qua ngày. Không có gì đáng để người khác quan tâm!

- Chàng nói vậy, nhưng ta biết chàng tên thật là Trần Nguyên Hãn, chính là hậu duệ của Thái sư Thượng tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải. Không biết nói thế có đúng không?

- Nàng nói sai rồi, tôi chỉ là một kẻ hèn mọn nào có xứng đáng là cháu con của một bậc đại danh tướng.

Cô gái mỉm cười:

- Chàng đừng che giấu nữa. Chàng chính là Trần Nguyên Hãn, người huyện Lập Thạch, cháu nội của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, để tránh bị truy sát mẹ chàng đã trốn về Sơn Đông lánh nạn và sinh ra chàng. Tuy gia cảnh lúc đó rất nghèo túng nhưng từ nhỏ chàng đã nổi tiếng là người rất thông minh hiếu học và am hiểu binh pháp. Từ khi cha con Hồ Quý Ly bị quân Minh đánh bại và bắt sống tại Kỳ La, chàng đã có ý muốn khôi phục lại nhà Trần. Mấy tháng trước chàng có đến lễ ở đền Bạch Hạc và ngủ lại tại đền để cầu mộng. Nửa đêm chàng nghe hai vị thần Tản Viên và Bạch Hạc trò chuyện là trời đã sai người xuống lấy lại nước Nam. Chàng cũng đang phân vân là không biết có nên lần dò đến Thanh Hóa để tìm người ấy hay không?

Chàng trai tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Nàng là ai? Sao lại biết rõ chuyện của tôi?

- Ta là nữ thần Dê Trắng, tên chữ là Bạch Dương.

Chàng trai phì cười:

- Nàng là nữ thần tất nhiên là phải có quyền phép sao lại để cho bọn lính giặc Minh người phàm mắt thịt toan làm hại?

- Nước mất nhà tan. Oai linh nước Đại Việt không còn. Bao đình chùa miếu mạo đều bị bọn giặc cướp nước cướp phá tan hoang. Ngay cả chuông vàng, tượng phật vàng là quốc bảo của nước ta, cũng còn bị bọn giặc Minh đập phá lấy cắp đem về nước của chúng thì có sá gì một tiểu thần nhỏ mọn như Bạch Dương ta…

Chàng trai, chính là Trần Nguyên Hãn, nhìn cô gái dò xét hồi lâu rồi nói:

- Nàng nói cũng có lý nhưng nói thật tôi vẫn không tin!

- Thanh kiếm chàng đang có trong tay chính là Chiêu Minh Kiếm, thanh bảo kiếm gia truyền của dòng họ Trần. Hơn một trăm năm trước, sau chiến thắng vang dội trong trận Chương Dương, giải phóng kinh thành Thăng Long khỏi quân xâm lược Nguyên - Mông; Trần Thái sư đã cho đúc thanh gươm quý này để kỷ niệm những chiến công hiển hách và truyền lại cho con cháu đời sau. Những chiêu thức chàng đã dùng để tiêu diệt bọn quân lính nhà Minh vừa rồi cũng chính là những tuyệt kỹ trong bộ sách Chương Dương Kiếm Phổ, bí truyền của dòng họ Trần. Và chàng mấy năm nay phải giả dạng người bán dầu vất vả xuôi ngược buôn bán cũng chính là mong tìm kiếm một minh chủ họ Trần để toan chuyện khôi phục.

- Nàng đã nói thế, vậy cho tôi xin hỏi nước Đại Việt có bị mất hay không? Theo thời thế hiện giờ thì bao giờ nước ta mới khôi phục được?

- Nước Đại Việt sẽ mãi mãi trường tồn và sau này sẽ còn tiếp tục lớn mạnh. Nhưng theo luật tuần hoàn vận nước cũng có lúc thịnh cũng có lúc suy. Anh hùng nước ta thì đời nào cũng có chỉ tiếc rằng thời cơ vẫn chưa đến. Giặc Minh vẫn còn đang rất mạnh, còn lòng dân Đại Việt vẫn chưa quy về một mối. Nhiều người hiện giờ vẫn còn hồ đồ tin tưởng cái chiêu bài cũ rích “Phù Trần diệt Hồ” của bọn giặc Minh…

- Cho tôi xin hỏi: Con cháu vua Trần còn lại những ai có tài đức để có thể tôn làm minh chủ dựng cờ khởi nghĩa được?

- Đây là chuyện riêng tư của dòng họ chàng, ta không dám lạm bàn. Chỉ có một câu nói thôi: Khí số nhà Trần đã tận…

Trần Nguyên Hãn thở dài than:

- Mấy năm trước dựng cờ khởi nghĩa chống bọn giặc Minh có Giản Định Đế Trần Ngỗi và Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng. Chỉ tiếc rằng Giản Định Đế nghe lời gièm pha giết chết hai vị tướng tài là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân khiến lòng quân lý tán, nên chưa đầy hai năm đã bị giặc Minh bắt và giết hại. Còn Trùng Quang Đế tuy có quyết tâm và tận lực chống bọn xâm lược nhưng quân ít thế cô, cuối cùng cũng bị giặc bắt phải nhảy xuống nước tự vẫn.

- Ta xin chia buồn cùng chàng. Nhưng chàng cũng nên tự hào, vua Trùng Quang của dòng họ chàng là vị vua thứ ba của nước ta, sau Nhị thánh Trưng Nữ Vương, đã chọn cái chết oanh liệt khi chống giặc ngoại xâm bị thất bại!

- Đành rằng như thế, nhưng biết bao nhiêu bầy tôi hào kiệt của vua Trùng Quang như Đặng Dung, Nguyễn Súy, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Biểu… đều đã hi sinh vì nước hết rồi! Nước Nam ta vẫn còn có nhân tài ư?

- Như ta đã nói, anh hùng nước ta đời nào cũng có. Anh hùng này ngã sẽ có nhiều anh hùng khác tiếp tục đứng lên diệt giặc cứu nước. Thiên cơ bất khả lậu! Ta chỉ xin tiết lộ tên hai nhân tài mà chàng biết rất rõ. Một là chàng, Trần Nguyên Hãn. Hai là một người anh em cô cậu của chàng…

Trần Nguyên Hãn nói như reo lên:

- Tôi biết người này! Chính là Nguyễn Trãi, con trai của cô Trần Thị Thái tôi và dượng Nguyễn Phi Khanh! Chỉ tiếc rằng khi tôi nghe lời mẹ đến thành Đông Quan tìm Nguyễn Trãi thì mới hay Trãi đã bị giặc Minh bắt mất rồi!

- Nguyễn Trãi đã trốn thoát và hiện đang đi tìm minh chủ…

- Minh chủ là một người họ Trần?

- Không! Một người họ khác! Họ và tên người này chàng đã biết khi nghe hai vị thần Tản Viên và Bạch Hạc trò chuyện với nhau tại đền Bạch Hạc!

Trần Nguyên Hãn lẩm bẩm:

- Lê Lợi ư? Không thể là người đó được!

- Chàng không tin Lê Lợi?

- Đúng vậy, tôi không tin! Tôi nghe đồn tên tướng giặc Hoàng Phúc đã trao cho Lê Lợi một chức quan và đáng buồn thay ông ta đã nhận chức ngụy quan này! Chỉ còn đợi ngày lành tháng tốt là ông ta có thể đi làm quan tay sai cho lũ giặc cướp nước mà thôi! Đã thế Lê Lợi suốt ngày chỉ biết nhậu nhẹt bê tha với đám bạn bè giá áo túi cơm của ông ta, không hề màng đến thế sự. Nhiều người đã gặp Lê Lợi, nói ông ta ăn uống rất thô lỗ, không có gì xứng đáng là dáng dấp của một vị đế vương cả!

- Tin tức chàng nhận được là chính xác. Nhưng chàng nên nhớ hổ trước khi vồ mồi thường phải thu mình lại, rồng trước khi lộ diện thường ẩn nấp trong chốn ao tù.

- Tôi cũng mong là như thế! Tôi sẽ còn tiếp tục theo dõi xem ông ta có xứng đáng là một minh chủ hay không! Nhưng nàng cho tôi hỏi: Một người như tôi mà cũng có thể gọi là một nhân tài ư?

Nữ thần Bạch Dương cười lớn:

- Chàng đừng khiêm tốn nữa! Mấy năm nay ở vùng Bạch Hạc, Tam Giang bọn giặc Minh thường hay giết người vô cớ, cướp bóc của người giàu, hãm hiếp gái tơ. Tiếng khóc than của dân đen vang vọng đến tận trời xanh. Bỗng đâu một đêm nọ, xuất hiện một hiệp khách áo đen ra tay nghĩa hiệp cứu giúp dân lành. Hiệp khách này rất giỏi võ nghệ, chỉ với một thanh gươm thôi nhưng đã giết rất nhiều tên giặc láo xược. Một lần hiệp khách đã xông vào tận dinh giết chết một tên quan huyện và bọn tay sai. Nhớ ơn vị hiệp khách đêm đêm hành hiệp cứu dân, dân trong vùng đã tôn kính gọi người đó là Hiệp Khách Rừng Thần. Người hiệp khách đó chính là Trần Nguyên Hãn chàng!

Trần Nguyên Hãn cười lớn:

- Rất cảm ơn nàng đã biết rất rõ, không sai một chi tiết nào cả!

- Chàng cũng đã quy tụ được hơn 200 trai tráng. Không quản ngày đêm chàng đã huấn luyện cho họ thành những nghĩa quân võ nghệ tinh thông. Nghĩa quân ngày thì ẩn náu trong Rừng Thần, đêm lại kéo ra tiêu diệt giặc thù. Ta nhớ không lầm thì gần đây chàng đã dẫn nghĩa quân lẻn vào thành Tam Giang trong một đêm trời tối như mực, quân Minh bị bất ngờ không kịp trở tay lớp bị giết, lớp phải quy hàng. Thanh thế của nghĩa quân Rừng Thần ngày càng lớn mạnh. Chàng đang cùng nghĩa quân làm chủ một vùng Bạch Hạc, Tam Giang khiến quân Minh quanh vùng phải khiếp sợ.

Trần Nguyên Hãn lộ rõ vẻ ngạc nhiên. Hãn vội chắp tay xá nữ thần vài xá rồi nói:

- Phải khiêm tốn rồi!

- Dù vậy, vùng Bạch Hạc, Tam Giang vẫn không phải là đất dụng võ của chàng. Không sớm thì muộn quân chủ lực của giặc Minh từ thành Đông Quan sẽ kéo ra bao vây, tìm cách tiêu diệt nghĩa quân Rừng Thần. Chàng nên sớm định liệu!

Nữ thần Bạch Dương nói xong liền phất tay một cái. Tức khắc xiêm y nữ thần mặc trên người đang bị rách nát bỗng nhiên trở nên lại lành lặn và phẳng phiu như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Người điều khiển xe ngựa và người tùy tùng của nữ thần cũng đã sống lại. Họ sửa sang chiếc xe ngựa xong cùng đến cúi đầu mời nữ thần lên xe. Nữ thần trao lại áo choàng cho Trần Nguyên Hãn rồi nói tiếp:

- Năm nay là năm Mùi, nếu còn cơ duyên mười hai năm sau ta sẽ gặp lại chàng!

Nói xong nữ thần quay lưng định bước lên xe, Trần Nguyên Hãn vội vòng tay cung kính kêu lớn:

- Tôi xin có một câu hỏi về hậu vận của mình! Nữ thần có thể trả lời giúp được không ạ?

Nữ thần quay lại mỉm cười:

- Ta chỉ là một tiểu thần nhỏ ở nước Nam, quyền năng chẳng có là bao. Chàng cứ hỏi, nếu biết ta sẽ trả lời giúp chàng!

- Tôi sẽ chết như thế nào? Tôi có thể sống được đến ngày đất nước sạch bóng quân giặc không?

- Chàng sẽ hoàn thành nghiệp lớn nếu tìm được minh chủ cho mình! Chàng sẽ sống đến ngày đất nước thanh bình, nhưng cái chết của chàng sẽ có rất nhiều oan nghiệt!

- Nữ thần có thể nói rõ hơn được không ạ?

- Chàng có biết chuyện danh tướng Hàn Tín trong Tam kiệt của nhà Hán không?

- Hóa ra minh chủ tương lai của ta lại là một kẻ giết hại công thần không kém gì Hán Cao Tổ Lưu Bang ư?

- Chàng có sợ chết không?

- Mạnh như Hạng Vũ, giỏi như Hàn Tín, tàn bạo như Tần Thủy Hoàng, nhẫn tâm như Lữ hậu, thống nhất được thiên hạ lập nên một triều đại kéo dài đến 400 năm như Lưu Bang - những kẻ đã sống trong thời Hán Sở tranh hùng - đều phải chết. Chết đâu có gì đáng sợ! Tôi chỉ sợ phải chết như dũng tướng Đặng Dung. Chết mà không nhắm mắt được vì thù nhà, nợ nước vẫn chưa trả xong!

- Ông cha ta có một câu rút ra từ binh pháp Tôn Tử: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Hạng Vũ chết vì kiêu ngạo chỉ “biết ta” mà không “biết người”. Hàn Tín chết vì thiếu quyết đoán do chỉ “biết người” mà không “biết ta”. Còn một người tài trí như chàng vừa “biết người” vừa “biết ta”, cái chết chắc chắn sẽ oanh liệt hơn họ nhiều rồi!

- Tôi chỉ mong trước khi tôi chết đất nước sẽ không còn bóng quân Minh!

- Kẻ láng giềng phương Bắc dù có bị đánh đuổi ra khỏi nước Đại Việt vẫn tìm trăm phương ngàn kế để quay trở lại. Chúng luôn không từ bỏ dã tâm tìm mọi cách làm khó dễ nước ta cả khi đã thất bại nhục nhã. Cái chết của chàng tuy ở thời bình, nhưng cũng sẽ ích nước lợi nhà nếu chàng biết chọn lựa. Với lại minh chủ của chàng là một bậc anh hùng cứu quốc, đối nhân xử thế chác chắn không thể nào quá bạc bẽo như Hán Cao Tổ Lưu Bang. Ta chỉ có bấy nhiêu lời! Xin tạm biệt và hẹn ngày gặp lại!

Nói xong nữ thần lên xe. Chiếc xe ngựa chở nữ thần chạy rất nhanh về phía trước và từ từ tan biến thành sương khói. Trần Nguyên Hãn đứng nhìn theo rất lâu rồi quẩy gánh dầu bước đi về hướng Bạch Hạc, Tam Giang.

(còn tiếp)

2016


Thanh Trắc Nguyễn Văn
 
Sửa lần cuối:
NỮ THẦN DÊ TRẮNG (Phần 2)

II
Một tối mùa thu năm Đinh Mùi (năm 1427) tại doanh trại chủ tướng, Thái úy Trần Nguyên Hãn chủ trì họp các tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn đang vây hãm thành Xương Giang. Hãn nhìn bản đồ thành Xương Giang rất lâu rồi nói:

- Các tướng quân vây thành Xương Giang hơn nửa năm trời vẫn không hạ được thành khiến Bình Định Vương vô cùng lo lắng. Quân sư Nguyễn Trãi cũng ăn ngủ không yên. Nay Bình Định Vương sai ta cùng quan Tư mã Lê Sát, hai quan Thiếu úy Lý Triện và Nguyễn Lý đem quân đến trợ chiến. Nếu không chiếm được thành Xương Giang ta sẽ không còn mặt mũi nào về gặp Bình Định Vương, chỉ còn một cách tự sát để chịu tội vì đã phụ lòng tin tưởng của Người.

Các tướng cùng quỳ xuống hô lớn:

- Chúng tôi nguyện cùng liều chết với chủ tướng, quyết thắng trận này! Xin ngài an tâm!

Phó quân sư Lê Văn Linh vội bước ra nói:

- Xin quan Thái úy nên cẩn trọng với hai tên tướng giặc giữ thành Xương Giang! Kim Dận và Lý Nhậm đều là hai tướng giỏi của quân Minh. Kim Dận rất nhiều mưu lược và là một tay gươm siêu quần. Chính hắn đã chém chết rất nhiều quân tinh nhuệ của ta. Hai tháng trước phó tướng Nguyễn Huy do quá chủ quan đã bị sa vào bẫy mai phục của quân Minh, phải đối mặt cùng Kim Dận so gươm. Kết quả phó tướng Nguyễn Huy đã bị hắn giết chết trước cổng Bắc thành Xương Giang. Tuy có tài nhưng vì tính tình quá thẳng thắn, Kim Dận vẫn bị đám quan trên như bọn Trương Phụ, Hoàng Phúc không ưa. Hắn không thăng quan tiến chức được. Dù vậy, hắn vẫn được bọn chúng tin tưởng giao cho trấn nhậm thành Xương Giang, một cứ điểm chiến lược quan trọng nhất trên đường tiến lui của quân Minh. Còn Lý Nhậm là một trong những tên tướng tâm phúc nhất của Tổng binh Vương Thông. Chính Vương Thông đã dâng biểu lên vua Minh đề cử hắn sang nước ta tham chiến lần này. Tuy ở trong thành Xương Giang cùng Kim Dận liều chết cố thủ, nhưng Lý Nhậm vẫn cử người ra khỏi thành điều hai cánh quân Khoái Châu và Lạng Giang đánh tập hậu quân ta mỗi khi ta công thành. Hơn sáu tháng nay chúng phối hợp vừa đánh vừa giữ khiến quân ta phải cầm cự rất chật vật, tiến thoái lưỡng nan.

- Nguyễn Huy tử trận vì tướng giặc Kim Dận à? – Trần Nguyên Hãn nhíu mày hỏi – Sao lần trước khi ta mới đến đây các tướng lại bảo Nguyễn Huy hy sinh là vì bị giặc mai phục?

- Đúng vậy – Lê Văn Linh trả lời - bọn giặc Minh giữ thành rất xảo quyệt. Biết quân ta là quân nhân nghĩa, mỗi khi quân ta tấn công bọn giặc đều bắt dân chúng trong thành phải đứng đầy trên mặt thành che chắn cho chúng. Quân ta không nỡ hại bá tánh nên rất lúng túng khi giao chiến, nhiều lần đã áp sát được cổng thành đành phải rút lui. Khi Kim Dận mở cổng thành phía Bắc xông ra phản công, Nguyễn Huy đã dẫn cánh quân của mình lao vào quyết chiến với giặc. Khi biết đã sa vào bẫy mai phục của quân thù, Phó tướng Nguyễn Huy đã anh dũng cản đường giặc để toàn bộ lực lượng nghĩa quân rút lui an toàn về phía sau.

- Đêm nay chúng ta sẽ trả thù cho tướng quân Nguyễn Huy! Quan Tư mã, mọi công việc ngài đã chuẩn bị tới đâu rồi?

Lê Sát vội bước ra:

- Thưa Thái úy, theo lệnh của ngài tôi đã cho đắp các con đường đất nối qua các bãi lầy để quân ta và voi chiến có thể mở đường tiến nhanh hơn đến các cổng thành Xương Giang. Tôi cũng đã cho đào ba đường hầm bí mật vào thành, dự kiến đến canh ba đêm nay thì hoàn tất.

- Đào đường hầm ban đêm như vậy liệu có gây ra tiếng động khiến cho giặc phát hiện không?

- Quan Thái úy an tâm, Phó quân sư Lê Văn Linh đã điều nhiều cánh quân thay phiên nhau đến khiêu chiến trước các cổng thành đánh trống, gõ chiêng ầm ĩ để làm nghi binh đánh lạc hướng quân địch từ mấy đêm nay rồi!

- Ta xin cảm ơn sự chu đáo của các tướng quân! Nhưng đối với những tên cáo già như Kim Dận, Lý Nhậm ta nghĩ là bọn chúng cũng dư biết chúng ta đang đào đường hầm nên sẽ tìm đủ mọi cách để đối phó! Dù vậy ta vẫn bắt chúng phải phân tán, xé lẻ lực lượng ra thành nhiều hướng, phải vất vả chống đỡ một khi quân ta đã tổng tiến công.

Trần Nguyên Hãn dừng một chút rồi nghiêm giọng nói:

- Chỉ còn mười ngày nữa là mười vạn quân Minh do bọn Liễu Thăng, Lương Minh, Lý Khánh có thể đến được thành Xương Giang. Sang tiếp viện lần này, vua Minh đã cử một lực lượng tướng lĩnh thiện chiến với ý đồ thâm độc là quyết tiêu diệt sạch sành sanh nghĩa quân Lam Sơn ta. Theo quân thám báo, cầm đầu cánh quân sắp đến là ba viên tướng An viễn hầu Liễu Thăng, Bảo định bá Lương Minh, Đô đốc Thôi Tụ. Cả ba tên đều rất giỏi cầm quân, đều thông thạo binh pháp, đều có kinh nghiệm công thành và đều rất độc ác. Tham mưu cho chúng lại là hai quan Thượng thư cao cấp Lý Khánh và Hoàng Phúc, rất nhiều mưu lược. Nếu chúng đến được đây mà thành Xương Giang quân ta vẫn chưa hạ xong, chúng ta sẽ bị chúng đánh kẹp vào giữa, thắng bại thế nào các tướng quân cũng đã tự hiểu! Không những chúng ta gặp nguy mà ngay cả Bình Định Vương đang vây hãm thành Đông Quan cũng sẽ gặp rất nhiều bất lợi, có thể sẽ bị chúng đẩy lùi về lại Thanh Hóa. Mọi thiên la địa võng có lợi cho quân ta do Bình Định Vương và Quân sư Nguyễn Trãi đã tốn rất nhiều công sức giăng ra bỗng chốc sẽ bị phá vỡ. Cơ hội đuổi giặc cướp nước ra khỏi bờ cõi sẽ không còn nữa… Ta không sợ chết, ta chỉ sợ là không đủ tài để hoàn thành nhiệm vụ mà Bình Định Vương đã tin tưởng giao phó.

Với tay cầm lấy hai cây cờ lệnh, Hãn gọi lớn:

- Hai tướng quân Lý Triện và Nguyễn Lý nghe lệnh! Đêm nay quân ta tổng tiến công thành Xương Giang, thế nào hai cánh quân Khoái Châu và Lạng Giang của địch cũng sẽ đến tiếp ứng đánh tập hậu quân ta. Bọn cầm đầu và binh sĩ của các cánh quân này đều là những tên lực sĩ đã được quân Minh tuyển chọn rất giỏi võ nghệ và sẵn sàng liều chết. Hai tướng quân đều là dũng tướng của nghĩa quân Lam Sơn ta, hai vị hãy đem quân của mình mai phục theo kế hoạch ta đã viết sẵn trong hai túi gấm. Với tài năng của hai tướng quân, hai tướng quân hãy cho bọn chúng biết sự lợi hại của nghĩa quân và đem đầu của những tên hung hãn nhất về nộp cho ta!

Hai tướng Lý Triện và Nguyễn Lý cùng bước ra nhận cờ lệnh và túi gấm rồi vội vã điểm quân đi ngay. Trần Nguyên Hãn quay sang nói với Lê Sát và Lê Văn Linh:

- Đúng canh ba đêm nay, phiền quan Tư mã và Phó quân sư cho lệnh các tướng quân còn lại tổng tiến công khắp các cổng thành Xương Giang. Dù sống hay chết chúng ta cũng phải thắng bằng được trận này. Nhiệm vụ của chúng ta cực kỳ khó khăn vì Kim Dận, Lý Nhậm và binh sĩ của chúng cũng đang từng ngày đợi quân tiếp viện của Liễu Thăng đến để lật ngược tình thế, hòng tiêu diệt toàn bộ quân ta.

Phó quân sư Lê Văn Linh nói:

- Xin quan Thái úy an tâm. Quan Tư mã đã chuẩn bị rất kỹ cho trận đánh này: câu liêm, giáo dài, nỏ cứng, tên lửa, thang mây… dùng để công thành mà quan Thái úy ra lệnh làm mấy ngày trước đều đã được chuẩn bị đầy đủ. Các tướng và quân sĩ công thành đều thề chết dưới chân thành Xương Giang chứ quyết không chịu lùi bước trước quân thù.

Quan Tư mã Lê Sát cũng nói:

- Tôi sẽ thân chinh dẫn đội voi chiến công phá cửa thành phía Bắc, nơi tập trung rất nhiều quân tinh nhuệ của giặc, nhằm đánh lạc hướng giúp cho ba cánh quân cảm tử từ ba đường hầm trồi lên đánh phá trong lòng địch.

Trần Nguyên Hãn hỏi:

- Tướng quân Lê Khôi đâu?

Lê Khôi vội bước ra:

- Lê Khôi xin đợi lệnh!

- Tướng quân là hổ tướng cũng là phúc tướng của quân Lam Sơn. Còn nhớ trong trận Khả Lưu, quân ta đại chiến với quân giặc, tướng quân nghe lệnh Bình Định Vương xông ra chém rơi đầu tên tướng tiên phong Hoàng Thành của giặc, mặc dù tên này võ nghệ rất cao cường. Chưa hết, tướng quân còn cùng với các tướng quân khác vây và bắt sống được tên quan võ cao cấp Đô đốc Chu Kiệt. Quân sư Nguyễn Trãi có xem tướng cho tướng quân và nói tướng quân có tướng mạo rất tốt, sau này sẽ còn lập rất nhiều công lớn bắt được thêm nhiều tên tướng giặc cao cấp khác. Tướng quân hãy đi theo quan Tư mã tấn công từ cổng Bắc thành Xương Giang. Nếu gặp Lý Nhậm cản đường, tướng quân hãy đem hắn hoặc đầu của hắn về cho ta!

- Lê Khôi xin tuân lệnh!

Lê Khôi là cháu ruột của Bình Định Vương Lê Lợi, gọi Lê Lợi bằng chú. Võ nghệ và binh pháp Lê Khôi thông thạo được như hiện giờ chính là do Lê Lợi đã dày công dạy dỗ cho từ khi Khôi còn nhỏ. Đúng như Quân sư Nguyễn Trãi đã tiên đoán, chỉ cần vài ngày nữa cũng trên cánh đồng Xương Giang này, Lê Khôi cùng các tướng lĩnh Lam Sơn sẽ bắt sống được tên Đô đốc Thôi Tụ và tên quan Thượng thư Hoàng Phúc, hai tên quan cao cấp nhất còn sót lại của đám tàn quân cứu viện, lập được nhiều công lớn. Riêng trong trận chiến đêm nay, Lê Khôi cũng trèo lên được mặt thành Xương Giang và đánh rơi gươm của tên tướng giữ thành Lý Nhậm. Không chịu đầu hàng, Lý Nhậm đành nhảy từ mặt thành xuống đất tự sát.

- Riêng ta, ta sẽ theo một cánh quân cảm tử vào thành Xương Giang bằng đường hầm! – Trần Nguyên Hãn chỉ vào bản đồ và nói – Phải ngoại công nội kích, nhiều mặt giáp công, quân ta mới có thể tiêu diệt được thành trì kiên cố và cực kỳ quan trọng này.

- Rất nguy hiểm, thưa quan Thái úy – Lê Sát và Lê Văn Linh cùng hốt hoảng nói.

- Ta biết điều đó, nhưng không lẽ các huynh đệ cảm tử quân vì nước liều mình dám xông vào nơi nguy hiểm, ta là chủ tướng và cũng là người đề ra kế hoạch đào đường hầm sao lại khoanh tay đứng nhìn? Nhiệm vụ của ba cánh quân cảm tử rất quan trọng: Vừa phải gây rối loạn hàng ngũ quân địch, vừa phải giải cứu bá tánh bị giặc bắt làm tấm khiên sống trên mặt thành, vừa phải tiêu diệt những tên quân giữ cổng thành. Và – Trần Nguyễn Hãn dừng lại rất lâu rồi mới nói tiếp – ta đoán rằng tên cáo già Kim Dận sẽ đợi ta tại nơi quân ta từ dưới đường hầm trồi lên!...

Mọi người lần lượt từ giã Trần Nguyên Hãn để về chuẩn bị cho kịp trận tổng tiến công thành Xương Giang đêm nay. Doanh trại chủ tướng chỉ còn lại một mình Trần Nguyên Hãn với ánh đèn dầu loe loét. Bỗng ở một góc nhà, một cô gái rất đẹp bận trang phục màu trắng hiện ra:

- Kính chào quan Thái úy, đã lâu rồi không gặp!

Trần Nguyên Hãn giật mình quay lại:

- Thì ra là nữ thần Bạch Dương! Thế mà thấm thoát đã mười hai năm rồi ư?

- Đúng vậy, và ta cũng không ngờ chàng đã về đầu quân cho Bình Định Vương Lê Lợi!

- Mấy năm trước, ta nhận được thư của Nguyễn Trãi khuyên ta nên về Lam Sơn tụ nghĩa. Khi gặp được động chủ Lê Lợi, ta mới biết những suy nghĩ của ta trước đây về Người là hoàn toàn sai lầm. Động chủ là người văn võ song toàn, có lòng nhân từ, biết trọng dụng người tài và luôn có quyết tâm đuổi giặc Minh ra khỏi đất nước!

- Chàng nghĩ tốt về Lê Lợi như vậy ư?

Trần Nguyên Hãn gật đầu đáp:

- Khi mới về Lam Sơn, ta được tin tên ngụy quan La Thông và tên tướng giặc Minh tên là Mã Kỳ vừa đem quân đến Lam Sơn tàn sát rất nhiều người thân của động chủ Lê Lợi để trả thù. Đã thế chúng còn bắt con gái của động chủ là Lê Đào Nữ đem đi biệt tích. Trong đêm đó, khi nói chuyện với ta, tuy rất đau lòng nhưng động chủ vẫn gắng gượng trao đổi với ta rất nhiều về tình hình nghĩa quân và quân giặc. Sau này khi động chủ đã xưng vương, một người lái buôn - thật ra là một người thân tín của Bình Định Vương Lê Lợi giả dạng - về báo tin Lê Đào Nữ bị đày sang Yên Kinh làm nô tì và bị bọn giặc bên đó hành hạ cho đến chết.

- Nước mất nhà tan! Đau thương mất mát không chừa một ai! – Nữ thần Bạch Dương ngậm ngùi nói.

- Cách đây không lâu khi nghĩa quân đã lớn mạnh, ta và các tướng lĩnh có xin Bình Định Vương đem đại quân phá thành Thanh Hóa bắt tên ngụy quan Tri châu La Thông băm vằm làm trăm mảnh để trả thù. Nhưng Bình Định Vương chỉ cho vây thành Thanh Hóa, cô lập quân giặc. Còn tất cả đại quân theo Người cùng tiến ra phía Bắc bao vây bọn Tổng binh Vương Thông ở thành Đông Quan. Quân sư Nguyễn Trãi có nói riêng với ta, thành Thanh Hóa rất vững chắc lại thêm bọn La Thông đã gây ra rất nhiều tội ác nên bọn chúng sẽ liều chết giữ thành. Bình Định Vương không muốn vì chuyện riêng của Người mà làm tốn hao xương máu của tướng sĩ một cách vô ích.Với lại tấn công thành Thanh Hóa, quân ta sẽ không còn đủ lực lượng vây hãm thành Đông Quan để làm tê liệt hoàn toàn cơ quan đầu não của giặc. Dốc toàn bộ lực lượng vây thành Đông Quan sẽ có lợi cho thế trận của nghĩa quân Lam Sơn, sẽ làm cho giặc hoàn toàn lâm vào thế bị động, hơn là chỉ tập trung quân cho một thành Thanh Hóa có vị trí chiến lược không còn mấy quan trọng đối với quân ta. Một người như Bình Định Vương Lê Lợi dám gác hết mọi thù riêng, chỉ chăm lo cho việc nước; thử hỏi trên thế gian này có còn ai xứng đáng hơn để Trần Nguyên Hãn ta phải cắp gươm theo hầu?

- Chúc mừng quan Thái úy đã tìm được cho mình một minh chủ hoàn toàn xứng đáng!

- Trận chiến đêm nay sẽ rất quyết liệt, với tài phép của nữ thần, nữ thần có thể hỗ trợ cho quân ta thắng trận được không?

Nữ thần Bạch Dương mỉm cười:

- Chàng là bậc đại danh tướng, nghĩa quân Lam Sơn cũng đều là những anh hùng dũng sĩ thời nay. Nếu tiểu thần Bạch Dương ta nhúng tay vào chẳng khác nào vẽ rắn thêm chân, làm lu mờ chiến công của mọi người. Chàng yên tâm, với tài trí điều binh khiển tướng của chàng và lòng quả cảm của tướng sĩ Lam Sơn, đêm nay quân ta chắc chắn sẽ thắng trận!

- Ta vẫn có một điều băn khoăn vì sao Vương Thông lại có được hai tên tướng giỏi Kim Dận và Lý Nhậm trung thành phò trợ hắn đến như vậy?

- Chàng chớ khinh thường Vương Thông! Hắn là người Hàm Ninh, tỉnh Hồ Bắc, rất giỏi bình pháp và biết cách thu phục lòng người. Cha hắn là Vương Chân cũng là một danh tướng của quân Minh. Cha con hắn đều lập được rất nhiều chiến công khi cầm quân chinh phạt các nước láng giềng nên đều được vua Minh phong cho đến chức đô đốc. Khi sang nước ta, Vương Thông biết Kim Dận là một tướng tài nhưng không được trọng dụng, hắn liền sai người mang nhân sâm quý vượt ngàn dặm đến tận quê của Kim Dận chúc thọ cho mẹ của Kim Dận. Đồng thời hắn cũng cho người mang vàng lụa đến giúp đỡ vợ con Lý Nhậm nhằm lấy lòng tên tướng thuộc hạ có nghĩa khí này. Vương Thông không phải là kẻ kém tài, nếu có kém chỉ là kém khi so với Bình Định Vương và nghĩa quân Lam Sơn của quan Thái úy mà thôi!

- Rất cảm ơn nữ thần đã tận tình chỉ điểm!

- Ta đến gặp quan Thái úy đêm nay chỉ vì lời hứa cũ của mười hai năm về trước. Nay ta xin được lui gót để chàng còn kịp lo việc quân. Xin cáo biệt!

Trần Nguyên Hãn vội nói:

- Khoan! Xin nữ thần cho Trần Nguyên Hãn ta hỏi một câu: Mười hai năm nữa chúng ta sẽ gặp lại nhau?

- Sợ rằng ta sẽ phải gặp chàng sớm hơn! – Nữ thần Bạch Dương khẽ thở dài – Thiên cơ bất khả lậu, ta chỉ cho chàng biết một tin vui, đất nước Đại Việt ta sắp sửa thấy lại ánh mặt trời rồi…

Nói xong nữ thần Bạch Dương từ từ tan biến đi trong ánh mắt đầy ưu tư của Trần Nguyên Hãn…

(còn tiếp)

2016


Thanh Trắc Nguyễn Văn
 
NỮ THẦN DÊ TRẮNG (Phần 3)

III
Rạng sáng ngày 26 tháng 2 năm Kỷ Dậu (ngày 30 tháng 3 năm 1429 dương lịch), một chiếc thuyền lớn từ từ rời khỏi trang trại Sơn Đông theo dòng sông Lô xuôi về Đông Kinh (tên của vua Lê Thái Tổ đặt tên cho Thăng Long). Đất nước ta khi ấy đã sạch bóng quân thù, Lê Lợi đã chính thức lên ngôi vua (sử gọi là vua Lê Thái Tổ), đổi niên hiệu là Thuận Thiên. Trên thuyền người ta thấy Trần Nguyên Hãn ngồi trên một cái ghế lớn giữa thuyền, xung quanh có 42 lực sĩ cắp gươm đứng hầu. Chợt một lực sĩ bận trang phục phó tướng, có vẻ là người chỉ huy, bước ra cúi đầu nói với Trần Nguyên Hãn:

- Thưa quan Tả tướng quốc, ngài đành lòng theo chúng tôi về Đông Kinh ư?

- Hơn một năm trước ta đã từ quan rồi, ngươi đừng gọi ta như thế nữa, chức quan lớn quá ta không dám nhận. Ngươi cứ gọi ta là Trần trại chủ là được. Còn vì sao ta theo các ngươi về Đông Kinh ư? Lệnh vua khó cãi, ta không muốn phải mang tiếng là nghịch thần!

- Nhưng theo chúng tôi về triều ngài sẽ bị mang tội chết. Các quan trong triều như Trịnh Hoành Bá, Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bản… cùng dâng sớ lên vua tố cáo là ngài cố ý tạo phản!

- Hoàng thượng là một bậc minh quân mà cũng nghe lời bọn giá áo túi cơm này ư? Khi ta cùng các tướng sĩ tử chiến cùng giặc Minh, phải đổ máu ngoài sa trường thì bọn chúng đang chui rúc ở xó xỉnh nào? Đúng là một lũ ngồi mát ăn bát vàng, chỉ biết ganh tị, kèn cựa với các bậc đại công thần!

- Bọn họ mật tâu với vua là ngài đã đóng nhiều thuyền lớn, rất tiện lợi khi đi lại trên sông biển. Ngài cũng tập hợp được rất nhiều quân lính dưới trướng cũ về trang trại của mình, ngày càng lộ rõ có ý muốn mưu đồ riêng, muốn xưng vương!

Trần Nguyên Hãn trầm ngâm hồi lâu rồi nói:

- Khi ta từ giã Hoàng thượng về quê. Hoàng thượng có hỏi ta sẽ làm gì? Ta tâu với Hoàng thượng hai việc. Một là ta sẽ làm lại nghề cũ bán dầu. Người dân quê ta thường mua quả dọc về phơi khô, giã mịn đóng thành bánh rồi ép ra dầu đem đi bán. Dầu quả dọc khi đổ vào một cái bát nhỏ, thả vào một ngọn bấc, đốt sẽ có một ngọn lửa đủ sáng với hương thơm nhè nhẹ, nổi tiếng khắp vùng Kinh Bắc. Nghĩa quân Lam Sơn nhiều người xuất thân là dân nghèo khó, không có một mảnh đất cắm dùi, sau khi thắng trận họ sẽ không có một nơi nào nương thân. Ta sẽ quy tụ họ về Sơn Đông dạy cho họ nghề ép dầu để mưu sinh. Hoàng thượng bảo là “Được!”. Nay rất nhiều người đều là quân lính cũ của Bình Định Vương, theo ta về đây lập nghiệp sao Hoàng thượng lại trách ta? Hai là tổ tiên của ta ngày xưa làm nghề chài lưới, thường đánh cá trên sông rồi dong buồm ra thẳng biển Đông và đến các đảo xa. Các hải đảo ngoài biển Đông đều là phên giậu của nước Đại Việt, giữ được đảo cũng là giữ vững được đất liền. Ta có tâu với Hoàng thượng sẽ mở xưởng thuyền đóng nhiều thuyền thật lớn để đưa ngư dân ra biển. Hoàng thượng mừng lắm bảo ta khi nào đóng được thuyền lớn, hai năm nữa phải đem thuyền đến Thăng Long cho Hoàng thượng xem. Không ngờ bây giờ thuyền lớn đã đóng xong rồi, ta chưa kịp dâng lên đã bị Hoàng thượng nghe lời gièm pha bắt tội!

- Bọn người Trịnh Hoàng Bá còn nói ngài xây nhiều dinh thự lớn hơn cung vua…

Trần Nguyên Hãn cười ha hả nói:

- Đã buôn bán lớn thì phải mở rộng trang trại và xây nhiều dinh thự, điều đó một đứa trẻ con cũng còn biết. Gần hai năm nay ta có thấy ai là người của triều đình đến đo đạc đâu mà dám bảo dinh thự của ta lớn hơn cung vua?

Một viên phó tướng khác đến đứng cạnh bên viên phó tướng chỉ huy, vòng tay cung kính vái chào Trần Nguyên Hãn và nói:

- Thưa tướng quân, ngài thật sự không nhớ anh em chúng tôi ư?

Trần Nguyên Hãn giật mình nhìn hai người hồi lâu rồi nói:

- Thật sự ta không nhớ các người là ai!

- Anh em chúng tôi là Trịnh Long và Trịnh Hổ đều là cháu ruột của Quốc Thái mẫu Trịnh Thị Ngọc Lữ. Chúng tôi là cháu vợ gọi Hoàng thượng là dượng. Nhờ có chút công lao trong cuộc chiến chống quân Minh nên chúng tôi được Hoàng thượng tin cậy ban cho ít chức tước. Trong trận thành Xương Giang, hai anh em chúng tôi có trong đội quân cảm tử từ đường hầm đột phá vào thành Xương Giang. Tướng quân chính là ân nhân đã cứu mạng hai anh em chúng tôi…

Trần Nguyên Hãn nhớ lại. Khi đội quân cảm tử của nghĩa quân Lam Sơn từ dưới đường hầm bật lên thì hàng loạt những mũi tên sắc nhọn của giặc đợi sẵn bắn tới dày đặc như mưa rào. Lập tức những tấm khiên đã được chuẩn bị từ trước được anh em nghĩa quân dựng lên che chắn cho nhau, sau đó họ đồng loạt ném những tấm khiên vào lũ giặc phục kích rồi rút đoản đao ra xông vào quân thù đánh xáp lá cà. Một nhóm nghĩa quân khác theo kế hoạch lao nhanh về hướng các tường thành và leo nhanh lên mặt thành. Nhiệm vụ của họ là giải cứu dân chúng trong thành đang bị giặc bắt đứng khắp nơi làm tấm khiên sống đỡ tên, đỡ giáo cho chúng trên bốn mặt thành. Nhóm nghĩa quân này tỏ ra rất tinh nhuệ và thiện chiến. Những tên giặc xông ra cản đường đều bị họ chém gục xuống như rạ. Bất ngờ một tên tướng giặc xuất hiện với một thanh trường kiếm sắc lạnh, chỉ một loáng ba nghĩa quân đã bị hắn đâm chết. Tức giận vì đồng đội bị hại, Trịnh Long và Trịnh Hổ cùng hợp lực vung đao, kẻ tả người hữu xông vào tấn công hắn. Không ngờ họ gặp phải một tay kiếm quá lợi hại. Chỉ bằng vài đường kiếm tên tướng giặc đã đánh rơi vũ khí của cả hai rồi lia nhanh kiếm vào cổ họng của họ. Anh em Trịnh Long chỉ còn biết nhìn nhau chờ chết. Bỗng “choang” một tiếng thật lớn, một thanh gươm đã đánh dạt mũi kiếm tử thần của tên tướng giặc sang một bên kịp thời cứu mạng sống cả hai người. Trịnh Long, Trịnh Hổ hoàn hồn cùng nhìn lại và reo lên:

- Quan Thái úy!

Đúng vậy, người cứu họ chính là quan Thái úy Trần Nguyên Hãn. Trần Nguyên Hãn ra lệnh cho Trịnh Long, Trịnh Hổ tiếp tục nhiệm vụ rồi quay sang tên tướng giặc hỏi:

- Ngươi là Kim Dận?

- Phải, chính ta đây! Ngươi cũng được nghe danh tiếng của ta nữa à?

Trần Nguyên Hãn không buồn trả lời, vung kiếm xông tới tấn công ngay. Thanh kiếm Hãn đang sử dụng chính là Chiêu Minh Kiếm, thanh kiếm báu gia truyền của Thái sư Thượng tướng Trần Quang Khải, đã từng đánh bại và tiêu diệt nhiều tên mãnh tướng Mông Cổ xâm lược trên chiến trường Đại Việt ngày trước. Trước ngày mẹ Hãn mất, bà đã đào và trao thanh gươm quý cho con trai với lời dặn phải tìm cho được minh chủ để rửa hận nước thù nhà. Khi gặp động chủ Lam Sơn lần đầu tiên, Trần Nguyên Hãn đã dâng lên ngài thanh kiếm báu này. Lê Lợi mừng lắm, ngài thận trọng tuốt gươm ra khỏi vỏ, ngắm nghía và hỏi thật kỹ nguồn gốc thanh kiếm mà Hãn có được. Sau đó Lê Lợi trịnh trọng lại trao kiếm báu cho Trần Nguyên Hãn và nói:

- Ta rất cảm ơn tướng quân đã tin tưởng trao cho ta thanh gươm quý của tổ tiên đã từng có nhiều chiến công hiển hách. Gươm báu phải dành tặng anh hùng! Thanh gươm này ta xin tặng lại cho tướng quân, tướng quân hãy thay ta giết thật nhiều tướng giặc Minh để lấy lại oai linh cho nước Đại Việt!

Lê Lợi cũng cho Trần Nguyên Hãn xem thanh Thuận Thiên Kiếm mà ngài đang đeo bên mình. Thuận Thiên Kiếm không hổ danh là thanh kiếm thần mà bọn giặc Minh vẫn thường lén kể cho nhau nghe rằng Lê Lợi đã được đức Lạc Long Quân sai thần Kim Quy ban cho. Bọn chúng đồn vì có kiếm thần trong tay nên Lê Lợi vào sinh ra tử nhiều lần mà vẫn không bị tổn hại, đao thương không xâm nhập được… Chuôi Thuận Thiên Kiếm được nạm ngọc quý khảm hình rồng bay lượn. Thanh gươm Lê Lợi chưa rút hết khỏi vỏ, Trần Nguyên Hãn đã thấy căn phòng sáng rực, hồn thiên sông núi mấy ngàn năm như đồng vọng về. Hãn hoảng sợ vội quỳ xuống lạy thanh gươm. Lê Lợi mỉm cười đỡ Hãn đứng lên và nói gươm chỉ quý khi người biết dùng gươm để diệt giặc cứu nước. Trần Nguyên Hãn nhớ mãi câu nói đó của động chủ Lê Lợi với niềm vui mừng khôn siết vì đã tìm được minh chủ...

Sau vài hiệp giao đấu, Trần Nguyên Hãn biết là đang phải đối phó với một tay gươm cự phách của giặc. Không nghĩ ngợi, Hãn liền thi triển ngay Chương Dương Kiếm Pháp tấn công tên tướng giặc khát máu này. Theo lời mẹ Hãn kể lại, sau khi kháng chiến chống quân Nguyên Mông thành công, Thái sư Thượng tướng Trần Quang Khải cùng với người em là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, cố công sưu tầm và tổng hợp lại những đường kiếm tuyệt luân mà hai người đã tìm được trong những trận chiến khốc liệt với kẻ thù hùng mạnh nhất thời bấy giờ. Các thế kiếm hay nhất, uy lực nhất được Thái sư sai người ghi chép và vẽ lại cẩn thận thành bộ sách Chương Dương Kiếm Phổ, bí mật truyền lại cho các con cháu đời sau. Trên trang đầu của bộ sách, Thái sư Thượng tướng Trần Quang Khải ghi rất rõ, kiếm phổ chỉ truyền cho anh hùng, không giao cho bọn vô đức vô năng dù đó có là con cháu đích tôn của dòng họ. Các chiêu thức của Chương Dương Kiếm Pháp đều rất lợi hại, người dùng không được tùy tiện sử dụng, chỉ dành để đối phó với bọn giặc cướp nước…

Kim Dận bỗng rú lên một tiếng thất thanh rồi lùi lại mấy bước.Vai và ngực phải của hắn bị gươm của Trần Nguyên Hãn đâm trúng xuyên thấu ra tận sau lưng, đầm đìa máu. Kim Dận toan vung gươm xông tới tấn công tiếp nhưng hắn đã hoàn toàn kiệt sức. Loạng choạng chống gươm xuống đất, hắn quỵ xuống và bất lực nhìn Trần Nguyên Hãn:

- Ta đã nhiều năm ngang dọc chinh chiến nhưng chưa gặp ai là đối thủ. Hôm nay không may gặp phải cao nhân! Xin cao nhân cho biết danh tánh…

- Ta tên Trần Nguyên Hãn!

- Ngươi họ Trần sao không đầu hàng thiên triều để được làm vua An Nam? Hà cớ gì phải đi theo Lê Lợi làm tay chân cho hắn chống lại thiên triều?

- Ngươi đừng già hàm nữa! Bao con cháu nhà Trần như Giản Định Đế Trần Ngỗi, Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng đều bị triều đình nhà Minh bọn ngươi giết hại! Chiêu bài cũ đã rách nát rồi, đừng đem ra chiêu dụ vô ích. Hãy đầu hàng đi, ta sẽ tha cho ngươi một mạng sống!

- Anh hùng như Kim Dận ta mà đầu hàng ư?

Trần Nguyên Hãn cười ha hả nói:

- Kim Dận, ngươi đừng làm ta buồn nôn! Anh hùng ư? Anh hùng gì mà đem dân chúng trong thành không một tấc sắc trong tay ra làm tấm khiên sống che chắn mỗi khi quân của ngươi phải đối mặt với nghĩa quân Lam Sơn ta. Ngươi chỉ là một tên tướng giặc tiểu nhân hèn hạ và đê tiện!

Kim Dận cười gằn:

- Vô độc bất trượng phu! Binh pháp thiên triều nước ta cũng có câu “Binh bất yếm trá”!... Người họ Trần kia, ngươi đừng tưởng ngươi sẽ sống lâu hơn ta. Rồi có ngày thiên triều cũng sẽ cử người sang giết ngươi để trả thù cho ta…

Nói xong Kim Dận tự quay gươm đâm vào cổ tự sát. Trần Nguyên Hãn bước tới nhìn xác kẻ thù hồi lâu rồi nói:

- Quân sư Nguyễn Trãi nước Đại Việt ta cũng có câu “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Ai đúng, ai sai tự ngươi cũng đã biết rồi khi phải nằm phơi xác tại đây! Còn ta sẽ chết ư? Ai mà không phải chết! Nhưng cái chết của ta chắc chắn sẽ ích nước, lợi nhà hơn là cái chết đầy nhục nhã của ngươi ngày hôm nay!...

Bỗng cửa Bắc thành Xương Giang có tiếng quân reo hò vang dội. Nghĩa quân Lam Sơn đã phá vỡ cổng thành đang ào ạt xông vào chiếm thành. Cờ chiến thắng lần lượt cắm đầy khắp nơi…

Trần Nguyên Hãn trầm ngâm nhìn anh em Trịnh Long, Trịnh Hổ hồi lâu rồi nói:

- Ta không ngờ gặp lại hai người trong hoàn cảnh khó xử này! Xin chúc mừng cho hai vị phó tướng được công thành danh đạt!

Anh em Trịnh Long, Trịnh Hổ đồng quỳ xuống:

- Ơn cứu mạng anh em chúng tôi không dám quên, dù sống hay chết chúng tôi vẫn nguyện đi theo tướng quân! Xin tướng quân cứ tùy nghi sai khiến!

- Ta vẫn băn khoăn Hoàng thượng không thể là người cạn tàu ráo máng đến như thế được! Hẳn là đã có một tác động nào đó…

Nữ thần Bạch Dương bỗng từ trong khoang thuyền bước ra vái chào Trần Nguyên Hãn:

- Chàng nói đúng! Cách đây gần nửa tuần trăng có một đoàn mật sứ từ phương Bắc đã đến Thăng Long gặp Hoàng thượng!

Thấy có người lạ xuất hiện trên thuyền, Trịnh Long và Trịnh Hổ toan rút gươm ra khỏi vỏ nhưng Trần Nguyên Hãn đã giơ tay cản lại:

- Nàng ấy là nữ thần Bạch Dương, người quen của ta, hai phó tướng quân đừng kinh động!

- Nữ thần?

- Phải! Chuyện dài dòng lắm, nếu có dịp ta sẽ kể lại cho hai vị cùng nghe!

Quay sang nữ thần, Hãn hỏi tiếp:

- Thưa nữ thần, bọn mật sứ phương Bắc muốn gì?

- Bọn chúng muốn Hoàng thượng phải trao ngôi vua lại cho con cháu vua Trần, điều mà trước đây Bình Định Vương Lê Lợi đã phải đồng ý với Tổng binh Vương Thông khi hai bên giảng hòa ở thành Đông Quan, trước khi quân ta cho bọn chúng rút toàn bộ quân lính về nước. Chuyện này chắc chàng còn nhớ, vì chàng cũng chính là người thứ hai sau Hoàng thượng được cùng Hoàng thượng tham gia vào Hội thề Đông Quan với bọn Vương Thông năm ấy.

Trịnh Long giận dữ nói:

- Đó là kế ly gián của giặc. Trước đây Hoàng thượng đã phải nhờ Trần Cảo đứng ra làm An Nam Quốc Vương cho yên việc nước. Sau Trần Cảo biết mình không xứng đáng làm vua nên đã uống thuốc độc tự tử, nhường ngôi lại cho Hoàng thượng. Nay bọn vua quan nhà Minh nhắc lại chuyện này là muốn nước ta phải luôn loạn lạc không được bình yên. Con cháu hoàng tộc nhà Trần cũ hiện giờ chỉ còn có mỗi mình tướng quân, bọn chúng đang muốn dồn tướng quân vào con đường chết! Đúng là bọn vô ân bạc nghĩa! Dân nước Đại Việt ta đã mở lòng hiếu sinh, tha chết cho đám tàn binh bại trận của chúng được về nước sum họp với gia đình, với người thân; không ngờ bọn vua quan nhà Minh lại quá nhẫn tâm lấy oán báo ân!

Trần Nguyên Hãn thở dài nói:

- Ta cũng đã sớm đoán được điều này nên đã từ quan. Không ngờ sự việc lại đến quá nhanh như vậy. Không lẽ lời hăm dọa ta của tên Kim Dận trước khi chết đã thành hiện thực? Ta phải chết theo hắn ư? Bọn người phương Bắc lợi hại thật! Trời thật sự đã hại ta!

Nữ thần Bạch Dương nhìn Trần Nguyên Hãn nói:

- Không có trời nào lại nỡ hại một người tài đức như chàng cả, chỉ có những kẻ thù của chàng mới muốn hại chàng mà thôi!

Chợt có tiếng la hét lố nhố, một lực sĩ từ dưới hầm thuyền chạy lên vẻ mặt hoảng hốt đến trước mặt của Trịnh Long bẩm báo:

- Thưa, đáy thuyền đã bị ai đó đục vỡ. Nước tràn vào rất nhiều, không bao lâu thuyền có thể sẽ bị chìm! Xin phó tướng quân định liệu!

Tên lực sĩ nói chưa dứt lời, đã thấy nhiều câu liêm buộc dây dài từ dưới nước được phóng lên móc vào mạn thuyền. Hàng chục người vạm vỡ, tay cầm đao nhanh chóng bám dây leo lên thuyền, vây 42 lực sĩ của triều đình vào giữa. Một người ném nhanh cho Trần Nguyên Hãn thanh gươm rồi nói:

- Bọn ta là gia nhân của tướng quân Trần Nguyên Hãn đến đây để cứu tướng quân. Bọn lính triều đình các ngươi nếu muốn sống hãy buông gươm quy hàng, đừng chống cự sẽ chết không toàn thây!

Trần Nguyên Hãn vội bước ra nói lớn:

- Các người không được manh động! Nếu chúng ta chống lại triều đình, bá tánh đất Sơn Đông sẽ gặp rất nhiều tai họa. Các người hãy nghe lời ta mau trở về trang trại. Đào quản gia đâu? Lão hãy mau đưa mọi người rời khỏi nơi đây ngay!

Đào quản gia bước ra nghẹn ngào nói:

- Trần tướng quân, ngài về Đông Kinh là sẽ bị mang án tử đó… Lão đã già rồi xin được đi theo hầu hạ ngài cho đến phút cuối cùng…. Xin tướng quân an tâm, phu nhân và công tử đã được chúng tôi đưa về nơi an toàn rồi!

- Ta cảm ơn lão và mọi người. Nhưng trang trại Sơn Đông hiện giờ vẫn rất cần một người như lão ở lại để lo liệu. Mọi người hãy nhanh chóng quay về, đừng đổ thêm dầu vào lửa! Không được cãi lệnh!

Đào quản gia nước mắt rơi lã chã cùng đám gia nhân vái chào Trần Nguyên Hãn, rồi từng người một nhảy xuống nước bơi vào bờ. Quay sang đám lực sĩ, Trần Nguyên Hãn nói:

- Ta không chống lại triều đình nhưng ta cũng không theo các ngươi về Đông Kinh!

Biết gặp chuyện chẳng lành, đám lực sĩ cùng lùi lại thủ thế và hướng mũi gươm về phía Trần Nguyên Hãn. Trịnh Long và Trịnh Hổ vội đến đứng bên Trần Nguyên Hãn cùng quát lớn:

- Các ngươi muốn chết à? Các ngươi không biết Trần tướng quân là tay gươm kiệt xuất nhất của nước Đại Việt chúng ta hay sao? Anh em ta đã quyết theo tướng quân, các ngươi hãy mau mau buông gươm quy thuận!

Đám lực sĩ nhìn nhau bối rối chờ đợi, cuối cùng một người bước ra nói:

- Võ công và chiến công của Trần tướng quân anh em chúng tôi đều được biết và rất ngưỡng mộ. Nhưng nếu phản lại triều đình, gia đình chúng tôi sẽ bị hại. Xin các vị tướng quân hiểu cho chúng tôi!

Trần Nguyên Hãn tuốt gươm ra khỏi vỏ, cấm phập thanh gươm xuống sàn thuyền, rồi dõng dạc nói:

- Đây chỉ là một thanh gươm tầm thường, không phải là thanh Chiêu Minh Kiếm mà ta vẫn thường dùng. Nhưng đao kiếm là vật vô tình rất dễ gây sát thương. Ta chỉ dùng vỏ gươm để giao đấu với các ngươi, các ngươi hãy bảo trọng!

Nói xong, Trần Nguyên Hãn dùng vỏ gươm xông vào tấn công đám lực sĩ. Tuy chỉ là một cái vỏ gươm nhưng trong tay Trần Nguyên Hãn nó vẫn có một uy lực kinh hồn. Đám lực sĩ vô cùng kinh ngạc và thán phục vì lần đầu tiên họ được biết thế nào là sự lợi hại của Chương Dương Kiếm Pháp. Vỏ gươm của Hãn cứ như rồng bay phượng múa, khi ẩn khi hiện. Lúc thì Hãn ra chiêu chậm, tuy chậm nhưng ẩn chứa một sức mạnh dồn dập, cuồn cuộn như sóng nước tràn bờ; lúc thì ra chiêu thật nhanh như sấm giăng chớp giật, biến hóa khôn lường khiến đối phương không kịp phán đoán để có thể chống đỡ. Chưa đầy một khắc, bốn mươi thanh gươm của đám lực sĩ đã lần lượt bị Hãn đánh bay rơi hết xuống sông. Đám lực sỹ cùng quỳ xuống hô lớn:

- Trần tướng quân võ công phục chúng, đức phục nhân! Xin thề có trời đất làm chứng: Chúng tôi nguyện chết vì tướng quân!

Nữ thần Bạch Dương nhìn Trần Nguyên Hãn hỏi:

- Nước đã vào đầy thuyền, thuyền sắp chìm! Chàng dự định thế nào?

Trần Nguyên Hãn thở dài nói:

- Nếu ta tham sống sợ chết bỏ trốn, triều đình sẽ tiếp tục truy lùng khiến dân chúng nhiều người bị liên lụy. Lại thêm nước nhà cũng không yên vì triều đình nhà Minh chắc chắn sẽ không bỏ qua, luôn tìm mọi cách gây khó dễ. Biết đâu bọn chúng lại dựng chiêu bài cũ “Phò Trần” để có cớ đem quân sang nước ta lần nữa. Bọn chúng là nước lớn vẫn chưa nuốt trôi được cái nhục thua trận hai năm trước nên sẽ không từ bỏ một thủ đoạn nào. Dân nước Đại Việt đã khổ vì chiến tranh quá nhiều rồi. Nếu ta bỏ trốn, đó chỉ là hạ sách.

Nếu ta về Đông Kinh, với tội phản nghịch mà bọn gian thần gièm pha, ta sợ khó bảo tồn được mạng sống…

Một lực sĩ vội nói:

- Bọn mật sứ phương Bắc sẽ buộc Hoàng thượng trao cho Trần tướng quân ngôi vua!

Trần Nguyên Hãn cười lớn:

- Những lời đường mật ngươi cũng tin à? Đó chỉ là âm mưu thâm độc muốn gây chia rẽ nội bộ nước ta của triều đình nhà Minh. Khí số nhà Trần đã tận, thiên hạ bây giờ là của nhà Lê. Thật sự bọn người phương Bắc muốn chính tay Hoàng thượng giết ta. Bọn chúng muốn anh hùng giết anh hùng! Ta chết nhưng Hoàng thượng sẽ bị mang tiếng giết công thần, uy tín của triều đình sẽ bị giảm sút. Những thế lực thù địch trong nước, những bọn từ lâu có mưu đồ cát cứ ở các châu Thượng Lang, châu Thạch Lâm, châu Phục Lễ lại có cơ hội rục rịch nổi dậy chống triều đình. Vì vậy nếu về Đông Kinh để chịu chết, ta nghĩ đó cũng không phải là kế sách vẹn toàn.

Ngừng một chút, Trần Nguyên Hãn chậm rãi nói tiếp:

- Ta đã quyết định rồi: Cái chết của ta sẽ do tự ta quyết định. Để Hoàng thượng không phải khó xử, ta sẽ chết tại đây! Nhưng ta có một yêu cầu, hai vị phó tướng Trịnh Long và Trịnh Hổ phải nhanh chóng rời thuyền ngay để còn kịp về Đông Kinh.

Trịnh Long và Trịnh Hổ vội quỳ xuống:

- Anh em chúng tôi xin được chết cùng tướng quân…

- Nếu tất cả chúng ta cùng chết hết, ai sẽ báo tin cho triều đình cái chết của Trần Nguyên Hãn ta? Trong tất cả những người ở đây, chỉ có hai vị phó tướng là những người được Hoàng thượng tin cậy, cả hai cũng là cháu vợ của Hoàng thượng. Chỉ có lời nói của hai vị phó tướng mới khiến Hoàng thượng yên lòng, mới khiến triều đình không nghi kỵ. Xin hai vị phó tướng vì Trần Nguyên Hãn ta, vì an nguy của trăm họ dân nước Đại Việt mà rời thuyền ngay…

Trịnh Long và Trịnh Hổ cùng vái chào Trần Nguyên Hãn rồi nhảy xuống sông. Bơi hướng vào bờ được một quãng khá xa, cả hai cùng quay lại. Họ nhìn thấy nước đã vào tràn đầy thuyền, thuyền nghiêng đang bị chìm dần. Trên thuyền Trần Nguyên Hãn vẫn đứng oai nghiêm nhìn về hướng trang trại Sơn Đông, xung quanh là 40 lực sĩ khoanh tay đứng hầu. Bỗng nữ thần Bạch Dương quỳ phủ phục xuống trước mặt Trần Nguyên Hãn và nói lớn:

- Tiểu thần là Bạch Dương, vâng lệnh của Phật hoàng Trần Nhân Tông xin được đưa Trần Nguyên Hãn tướng quân về núi Yên Tử để diện kiến Phật hoàng…

(còn tiếp)

2016


Thanh Trắc Nguyễn Văn
 
NỮ THẦN DÊ TRẮNG (Phần 4 - Hết)

Vua Lê Thái Tổ hỏi anh em Trịnh Long:

- Trước khi mất, quan Thái úy Tả tướng quốc có nói gì thêm không?

Phó tướng Trịnh Long cúi đầu vòng tay tâu:

- Dạ, bẩm tấu Hoàng thượng, trước khi mất Trần tướng quân có nhìn lên trời xanh và nói: “Tôi với Hoàng thượng cùng mưu cứu nước, cứu dân, nay sự nghiệp lớn đã thành, Hoàng thượng nghe lời gièm mà hại tôi. Hoàng thiên có biết không?”

Vua Lê thở dài:

- Hiểu ta chỉ có Trần Nguyên Hãn, trách ta cũng chỉ có Trần Nguyên Hãn!

Bọn quan Trịnh Hoàng Bá, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư, Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bản… cùng vội bước ra tâu:

- Bẩm tấu Hoàng thượng, đó chỉ là những lời của kẻ phản nghịch! Xin Hoàng thượng đừng bận tâm!

Vua Lê Thái Tổ giận dữ quát:

- Các ngươi câm miệng hết cho trẫm! Những mật tấu đầy ác ý của các ngươi đã giết chết một bậc đại công thần của triều đình! Đừng mở lời sàm tâu nữa!

Đám gian thần Trịnh Hoàng Bá hoảng sợ quỳ mọp trước sân rồng. Vua Lê gọi:

- Lê Sát, Lê Văn Linh!

Lê Sát, Lê Văn Linh cùng dạ một tiếng rồi bước ra vòng tay cúi đầu nói:

- Chúng thần là Huyện thượng hầu Lê Sát, Hương thượng hầu Lê Văn Linh xin được đợi lệnh.

- Hai ngươi hãy thay mặt trẫm tường trình cái chết của quan Thái úy Tả tướng quốc cho bọn mật sứ nhà Minh biết và nói rõ với chúng là con cháu nhà Trần hiện giờ không còn ai nữa. Nếu bọn chúng vẫn còn tiếp tục muốn gây khó dễ, hai ngươi cứ nói thẳng: Tuy đã tra vào vỏ khá lâu nhưng gươm của nghĩa quân Lam Sơn ta vẫn còn đủ sắc bén, vẫn còn đủ khả năng tạo nên những chiến công oanh liệt khác không kém gì trận thành Xương Giang, trận ải Chi Lăng… của hai năm trước! Đã đến lúc chúng ta phải dạy cho bọn người phương Bắc này phải biết điều hơn!

Ngừng một hồi lâu, nhà vua nghẹn ngào nói tiếp:

- Mười năm nằm gai nếm mật trẫm đã nhiều lần rơi nước mắt vì chứng kiến sự lần lượt ra đi của những dũng tướng như Lê Lai, Đinh Lễ, Lý Triện… Hôm nay, không ngờ trong khi thiên hạ đã thái bình, trẫm vẫn còn phải mất thêm một danh tướng Trần Nguyên Hãn… Có ai hiểu được nỗi đau này của trẫm?

Đình thượng hầu Đinh Liệt vội bước ra ngập ngừng tâu:

- Bẩm tấu Hoàng thượng, tuy bị giam trong ngục đã lâu nhưng Quan phục hầu Nguyễn Trãi vẫn luôn một mực giữ lòng trung với vua, không dám buông một lời oán thán...

Nhà vua thở dài hồi lâu rồi nói:

- Khanh hãy thay trẫm vào ngục ban chiếu chỉ truyền lệnh thả Nguyễn Trãi ra. Khanh cũng là bạn tri kỉ của Quan phục hầu, nên trẫm cũng lệnh cho khanh hãy tìm lời an ủi để Nguyễn Trãi được yên lòng!

Như chợt nhớ ra điều gì, nhà vua lẩm bẩm:

- Sau này con ta lên ngôi rất cần những người có tài năng đức độ như Nguyễn Trãi phò trợ...

Vua Lê Thái Tổ bất ngờ rời khỏi ngai vàng lững thững đi về phía hậu cung. Đám cận vệ quân và bọn thái giám đang đứng hốt hoảng vội hô “Hộ giá!”, rồi cùng chạy theo hộ tống nhà vua ra khỏi sân chầu. Các quan văn võ kính cẩn nghiêng mình vái chào hướng nhà vua vừa đi, trao đổi hồi lâu rồi từ từ giải tán.

Trong điện chỉ còn lại hai anh em phó tướng Trịnh Long, Trịnh Hổ đứng lặng lẽ nhìn nhau. Có một điều mà hai anh em Trịnh Long không nói cho vua Lê biết và cũng không dám nói cho một ai biết. Đó là ngày hôm ấy khi họ đã bơi được vào bờ, thuyền của Trần Nguyên Hãn và 40 lực sĩ khi đó đã chìm mất dưới dòng nước sâu thẳm, bỗng có một con dê với bộ lông trắng dài tuyệt đẹp lao vút lên khỏi mặt nước. Con dê nhẹ nhàng bay cao lên trời xanh, lượn một vòng rất xa rồi bay thẳng về hướng núi Yên Tử. Ngồi trên lưng con dê trắng là một vị võ tướng dáng thật lẫm liệt oai phong, người đó không ai khác hơn chính là Trần Nguyên Hãn…

2016


Thanh Trắc Nguyễn Văn
 
V6k71D.jpg


rDgViN.jpg


Rất cảm ơn tuần báo PC&Mobile đã cho đăng Truyện ngắn "Nàng và hắn" thành truyện ngắn nhiều kì trên báo. Đây là tự truyện (thật 90% và hư cấu 10%). Nhân vật chính trong truyện chính là Thanh Trắc Nguyễn Văn thời trẻ, một người không có năng khiếu văn chương. Bé Nơ cũng có thật (có điều tên thật của cô không phải là Thu Hương như trong truyện). Một chuyện tình buồn nhiều kỉ niệm không vui của Thanh Trắc Nguyễn Văn khi còn là sinh viên...

------------------------------------------

NÀNG VÀ HẮN

1.
Họ đi học vẫn thường gặp nhau. Lúc thì chạy xe cùng chiều. Lúc thì chạy xe ngược chiều. Lúc thì cùng ngồi ăn ở một quán ăn, hoặc cùng ngồi uống ở một quán nước. Nhưng dù có mong muốn đến mấy hắn cũng vẫn chưa tìm được ra cách làm quen với nàng để có thể cùng nàng ngồi chung một bàn, trao đổi với nàng chung một câu chuyện.

Hắn vẫn thầm gọi nàng là Bé Nơ mặc dù từ lâu hắn đã biết tên nàng là Thu Hương. Bé Nơ thường cài trên tóc một chiếc nơ hoa màu trắng rất đẹp mỗi khi đi học. Có một lần mãi lo ngắm nàng và chiếc nơ mà hắn đã phải va đầu vào cột điện! Khỏi phải nói Bé Nơ xinh lắm. Chân dài, nước da trắng, má lúm đồng tiền. Mỗi khi Bé Nơ mặc áo dài trông nàng chẳng khác nào một hoa hậu vừa mới đăng quang!

Còn nàng, nàng không cần biết hắn là ai, nói chi là đến tên họ của hắn! Trong mắt của nàng, hắn chỉ là một tên phiền phức, không hiểu sao thỉnh thoảng nàng lại phải bị gặp để nàng ăn mất ngon, ngủ thấy toàn ác mộng. Nói đâu xa hôm qua nàng đang ăn cơm tấm vừa thoáng thấy bóng hắn dắt xe tới nàng đã nhai phải hột sạn làm ê ẩm hết hai hàm răng! Còn buổi chiều nàng cùng các cô bạn chung lớp đang đứng chụm nhau ăn táo trước cổng trường, hắn vừa lò dò đi qua cũng khiến nàng giật mình vì nàng phát hiện mình đã cắn đứt nửa con sâu táo! Nàng vẫn thường rủa thầm hắn là tên Bốn Mắt xui xẻo. Nàng học Đại học Tổng Hợp Văn. Còn hắn học Đại học Sư Phạm Lí. Hai trường nằm kề sát nhau nhưng không hiểu sao hắn thấy vẫn còn xa xôi quá!

Trưa nay, trời dịu mát, nhiều mây, không mưa, biển không động - nói chung là thời tiết rất tốt cho mọi cuộc hò hẹn. Nàng ngồi một mình trong quán nước nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Giọng ca sĩ Khánh Ly trầm buồn, đầy chất liêu trai. Hết Diễm xưa, Hạ trắng rồi đến Cát bụi. Âm nhạc thật tuyệt vời, nàng lim dim nhắm mắt thưởng thức. Bỗng nghe “rầm” một cái! Một gã bốn mắt vấp vào cái bàn của nàng khiến li nước trên bàn rung rinh suýt đổ. Nàng mở mắt ra thì lại thấy hắn:

- Này ông, đi đứng cái kiểu gì vậy?

- Xin lỗi bạn, mấy bàn kia không còn chỗ trống. Cho mình ngồi đây nghe?

(còn tiếp)
 
PoEnpN.jpg


HlG4u9.jpg


----------------------------------------------------

NÀNG VÀ HẮN

2. Nàng nhìn quanh, quả thật bàn nước nào cũng chật cứng người. Nàng miễn cưỡng gật đầu, thật phiền phức!

- Bạn tên là gì?

- Tôi tên Bạch Tuyết!

- Ủa, bạn tên Thu Hương mà?

- Ừ, trước kia tôi tên là Thu Hương nhưng từ bây giờ, sau khi gặp ông tôi quyết định đổi tên thành Bạch Tuyết, được chưa?

Hắn cười bẽn lẽn:

- Ý của bạn mình là chú lùn vì mình cao không bằng bạn đúng không?

- Ừ, ông cũng có chút ít thông minh đó! Nàng trả lời với bộ mặt quạu đeo.

Sau khi gọi nước hắn im lặng rất lâu. Nàng cũng cảm thấy dễ chịu vì không bị quấy rầy. Khi nàng sắp đứng lên ra về thì hắn lại ấp úng, miệng cứ như đang ngậm hột thị:

- Bạn này, mình có thể làm bạn với bạn được không?

Trời ạ, đĩa đen suy dinh dưỡng mà đòi đeo chân hạc vàng siêu mẫu! Nàng quan sát hắn. Chẳng có gì đặc biệt! Gương mặt thì thua xa diễn viên Singapore Lâm Chí Dĩnh, ăn nói thì lắp bắp thua xa MC Thanh Bạch, thân hình thì không bằng một phần mười của vận động viên thể hình Phạm Văn Mách. Thế mà cũng muốn làm quen ư? Hắn chỉ đáng xếp vào loại “fan cuồng” của nàng thôi!

- Ông học Đại học Sư Phạm phải không? Khoa gì?

- Mình học khoa vật lí.

- Còn tôi khoa văn. Nói thật với ông, tôi không thích có bạn là khoa toán hoặc khoa vật lí. Những người này tính tình khô khan, võ biền lắm.

- Bạn cho mình cơ hội đi. Mình hứa sẽ cố gắng sửa đổi những gì mà bạn muốn, bạn yêu cầu!

Nàng lẳng lặng đưa cho hắn xem tập san Áo Trắng:

- Tôi học văn nên thích sáng tác thơ lắm. Tờ báo này có đăng bài thơ của tôi nè! Ông về sáng tác cho tôi một bài thơ đi. Nếu tôi đọc được tôi sẽ cho ông làm bạn của tôi. Còn nếu bài thơ của ông không đạt, xem như tôi và ông không có buổi gặp gỡ ngày hôm nay!

Nàng không ngờ hắn lại hí hửng ra mặt và dễ dàng chấp nhận điều kiện của nàng. Hắn bảo hắn cũng thích làm thơ lắm. Ừ, làm thơ mà dễ ư? Cứ chờ xem!

(còn tiếp)
 
c8XBU3H.jpg


GoMHsy3.jpg



----------------------------------------------------

NÀNG VÀ HẮN

3. Cứ tưởng làm thơ là dễ, không ngờ làm thơ khó còn hơn vác đá leo núi! Chỉ riêng tựa bài thơ thôi, hắn cũng phải mất gần ba ngày mới đặt tên xong cho bài thơ của mình. Lúc đầu tên bài thơ của hắn là “Trường ca nhớ em”. Sến quá! Thôi đổi lại là “Chuyện tình chàng sinh viên khoa lí” đi! Cũng không ổn, mình chỉ mới xin làm bạn nàng thôi mà, “tình” gì ở đây? Hay đặt tên cho giống một tác phẩm văn học nổi tiếng nào đó, chẳng hạn “Dế mèn lang thang nhớ”! Nghe kì kì làm sao ấy! Hay “Tình nhặt”, “Tình mòn” ? Không được, nàng đâu phải là người mất giá đến nổi cứ ra đường muốn “nhặt” ở đâu cũng được! Nàng chửi cho không có lỗ mà chui! Cái khó ló cái khôn, hắn chợt nhớ đã từng nghe loáng thoáng một bài thơ “Hãy yêu người khoa Văn” gì đó. Vậy bài thơ của mình sẽ có tựa là “Hãy yêu người sinh viên khoa Lí” vừa nồng nàn, vừa phù hợp với hoàn cảnh hơn!

Hắn viết thơ tương đối cũng khá lưu loát. Nhưng đến câu thơ thứ 1067: “Anh nhớ em trong đêm trường tĩnh mịch” thì hắn bị bí vần đến mấy ngày. Hắn lẩm nhẩm tìm vần mãi: lịch kịch, sụt sịt, khúc khích, thình thịch, té cái bịch! Thật bó tay chấm com với mấy cái vần thơ nhức đầu này. Ban đầu hắn dự định là làm thơ tự do không có vần cho dễ viết. Nhưng không ngờ hình như nàng đã đoán được ý định của hắn nên bắt hắn phải làm thơ có vần, có điệu hẳn hoi. Nàng nói nàng rất thích thơ mới của Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính... Thơ mà không có vần điệu đối với nàng không thể nào gọi là thơ được. Thật là ép người quá đáng mà! Khìn khịt, khin khít, xúc xích, âm lịch, thuận nghịch, xê dịch, ăn hột mít bụng rúc rích ngồi nhúc nhích? Hu hu quả thật bó chiếu với thơ!

Rồi cái ngày trọng đại ấy cũng đã đến! Hôm đó Bé Nơ bận chiếc áo dài trắng có thêu mấy câu thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử trên tà áo trông rất đẹp. Còn hắn, hắn cũng diện bộ đồ oách nhất mới mượn của thằng bạn thân cùng lớp. Tên này có rất nhiều kinh nghiệm trong cách ăn mặc. Nó nói hắn phải bận bộ đồ này mới lãng mạn, mới chiếm được cảm tình của người đẹp. Có lí, khi gặp nàng, hắn thấy nàng khẽ cúi đầu mỉm cười. Điều lành đây! Hắn ưỡn người trân trọng trao cho nàng bản thảo trường ca “Hãy yêu người sinh viên khoa Lí” dày cộm viết tay gần năm mươi trang giấy học trò, rồi hồi hộp ngồi chờ đợi.

(còn tiếp)
 
cPoSFhv.jpg


gMsRd9P.jpg



----------------------------------

NÀNG VÀ HẮN

4. Nàng đọc rất lâu, kiên nhẫn và tẩn mẩn từng dòng thơ một. Thỉnh thoảng nàng lại dùng bút đỏ đánh dấu những đoạn thơ vừa xem. Ôi, những dòng thơ mĩ lệ làm xao xuyến lòng mĩ nhân! Hắn “tự sướng” khen thầm và bỗng thấy mình hình như cao được thêm mấy phân!

Bốn mươi lăm phút rồi cũng trôi qua... vừa đúng bằng một hiệp bóng đá! Nàng vẫn với cây bút màu đỏ vẽ hai ô Điểm và Lời phê. Trong ô Điểm nàng cho hắn không điểm! Còn trong ô Lời phê nàng phê “Thơ con nòng nọc”! Hắn giận run:

- Sao lại không điểm? Sao lại là thơ con nòng nọc?

Nàng trả lời không buồn nhìn mặt hắn:

- Con cóc cái đẻ ra trứng, trứng nở ra nòng nọc con. Nòng nọc lớn đứt đuôi thành cóc. Trình độ thơ của ông chỉ mới là thơ con nòng nọc thôi, cần có nhiều thời gian mới đạt được trình độ thơ con cóc!

- Nghĩa là bạn chê thơ tôi quá dở?

- Cũng gần như vậy! Rất tiếc chúng ta không thể làm bạn của nhau được! Nhưng ông vẫn còn có cơ hội. Nếu ông không muốn tôi đánh giá thơ ông nữa, ông cứ làm thơ đăng báo đi, sẽ khách quan hơn. Nếu tờ báo nào chịu đăng thơ của ông, ông cứ đem tờ báo đó đến tìm gặp tôi. Tôi sẽ xem lại!

Nàng nói xong quay lưng đi thẳng bỏ hắn ở lại với sự cay đắng ê chề vì... bị con gái đẹp chê! Hắn nói vọng theo:

- Bạn nói thì phải giữ lời đó. Mình hứa sẽ có bài thơ đăng báo sớm nhất làm quà tặng cho bạn!

Nàng cười như không nghe thấy những gì hắn nói, cứ lặng lẽ đi xa dần...

Sau khi tốt nghiệp ra trường và nhận nhiệm sở dạy học xong, hắn tiếp tục “sự nghiệp” sáng tác thơ đăng báo như đã hứa với nàng. Cho đến lúc này hắn mới cảm nhận được những tủi nhục của cái nghiệp cầm bút. Tuần nào hắn cũng gửi ít nhất là mười bài thơ cho các tờ báo hắn quen biết nhưng dù có cố gắng đến mấy cũng chỉ là ném đá vào khoảng không. Chẳng thấy tăm hơi các bài thơ đâu cả... Chắc là các bài thơ của mình đã làm bạn với các sọt rác hết rồi! Hắn cay đắng nghĩ thầm.

(còn tiếp)
 
7DckUSv.jpg


EbyhH2D.jpg




Xin mời các bạn xem tiếp Phần 5 truyện ngắn "Nàng và hắn"

Thanh Trắc Nguyễn Văn rất cảm ơn tuần báo PC&Mobile đã cho đăng Truyện ngắn "Nàng và hắn" thành truyện ngắn nhiều kì trên báo. Đây là tự truyện (thật 90% và hư cấu 10%). Nhân vật chính trong truyện chính là Thanh Trắc Nguyễn Văn thời còn trẻ, một người không có năng khiếu văn chương. Bé Nơ cũng có thật (có điều do tế nhị, tên thật của cô không phải là Thu Hương như trong truyện). Một chuyện tình buồn nhiều kỉ niệm không vui của Thanh Trắc Nguyễn Văn khi còn là sinh viên...

----------------------------------

NÀNG VÀ HẮN

5. Trong trường hắn dạy, cũng có một giáo viên trẻ dạy văn vẫn thường gởi thơ lên báo. Nhưng khác với hắn thơ của anh chàng giáo viên này lại được lên báo thường xuyên. Hắn liền nhờ người bạn đồng nghiệp ấy góp ý giùm các bài thơ của mình. Sau khi xem các bài thơ của hắn xong, anh chàng nhìn hắn hồi lâu rồi nói:

- Nói thật thầy đừng buồn, thơ của thầy dở lắm. Mà cũng chẳng có gì phải buồn, vì thầy là thầy giáo vật lý chứ có phải giáo viên văn đâu... Tốt hơn hết thầy không nên sáng tác nữa, tôi sợ thầy có cố sức lắm cũng chỉ là dã tràng xe cát mà thôi!

Hắn ngậm ngùi chợt hiểu ra trước đây Thu Hương đánh giá thơ của hắn là thơ con nòng nọc là hoàn toàn chính xác chứ không phải do thù ghét gì. Hắn muốn bỏ cuộc nhưng mỗi khi nhớ đến gương mặt xinh đẹp khinh khỉnh của nàng, hắn lại bực tức cầm lấy bút. Không lẽ suốt cả đời của mình không viết nổi một bài thơ nào cho ra hồn sao?

Sau này hắn gặp được một nhà thơ trẻ. Hắn hỏi có cách nào để thơ mau được lên báo không? Nhà thơ trẻ trả lời ngay, có rất nhiều cách, nhưng cách đúng đắn nhất vẫn là hãy tự vươn lên bằng bút lực của mình. Sỡ dĩ thơ của hắn chưa hay cũng vì hắn lúc nào cũng chỉ lo vội viết mà không chịu lo đọc, không chịu lo học hỏi để bồi dưỡng kĩ năng sáng tác của mình. Nếu tờ báo nào không đăng thơ của bạn, bạn hãy đọc và học những bài thơ đã được đăng trong tờ báo đó... Hắn nhớ mãi lời khuyên khá “sốc” của nhà thơ trẻ và thấy phần nào cũng có vẻ hợp lí!

Thế là ròng rã bốn năm sau cái ngày “thơ con nòng nọc” đầy định mệnh đó, hắn vẫn kiên nhẫn sáng tác. Thơ của hắn vẫn tiếp tục làm bạn với sọt rác, hoặc bị cân kí bán ve chai là chuyện thường ngày của huyện. Hắn nhờ một số người có am hiểu về văn học chỉ bảo giúp. Nhưng nhiều khi có nhiều “thầy” quá hắn cũng bị rối, phân vân chẳng biết nghe lời chỉ đạo của ai mới thật là đúng? Đang tự dò dẫm từng bước trên con đường sáng tác thì đùng một cái hắn được tin Thu Hương lấy chồng! Nghe đâu nàng lấy chồng là một đại gia giàu có. Bầu trời gần như sụp đổ dưới chân của hắn! Đau đớn và phẫn uất khiến hắn bị mắc chứng trầm cảm đến mấy tuần mới khỏi.

(còn tiếp)
 
ZeMpvga.jpg


crluSPF.jpg




Xin mời các bạn xem tiếp Phần 6 truyện ngắn "Nàng và hắn"

Thanh Trắc Nguyễn Văn rất cảm ơn tuần báo PC&Mobile đã cho đăng Truyện ngắn "Nàng và hắn" thành truyện ngắn nhiều kì trên báo. Đây là tự truyện (thật 90% và hư cấu 10%). Nhân vật chính trong truyện chính là Thanh Trắc Nguyễn Văn thời còn trẻ, một người không có năng khiếu văn chương. Bé Nơ cũng có thật (có điều do tế nhị, tên thật của cô không phải là Thu Hương như trong truyện). Một chuyện tình buồn nhiều kỉ niệm không vui của Thanh Trắc Nguyễn Văn khi còn là sinh viên...

----------------------------------

NÀNG VÀ HẮN

6. Thời gian cũng là liều thuốc nhiệm màu làm hắn nguôi ngoai được phần nào nỗi đau đang gặm nhấm. Cầm bút viết thơ tiếp hay từ nay bẻ bút vĩnh viễn đây? Dù sao nàng cũng đã có chồng rồi mà? Sau khi suy nghĩ kĩ hắn quyết định vẫn tiếp tục theo đuổi con đường “mộng làm thi sĩ” còn đang dang dở. Muốn nói gì đi nữa nàng hoàn toàn không có lỗi. Còn hắn, chỉ có một lời hứa với người đẹp thôi mà hơn bốn năm trời vẫn không thực hiện xong. Người ta không đi lấy chồng cũng uổng! Phải tiếp tục thôi! Tiếp tục hành trình vì danh dự của một lời đã hứa!

Trồng cây rồi cũng có ngày ra quả. Thêm sáu năm nữa, khi Thu Hương đã có đứa con thứ ba, hắn mới có bài thơ được đăng báo đầu tiên! Rồi cũng thêm sáu năm nữa, hắn mới có một bài thơ đoạt được giải khuyến khích trong một cuộc thi thơ! Và đúng 23 năm sau, kể từ ngày có lời hứa oan nghiệt của hắn, hắn được vinh dự kết nạp vào Hội nhà văn...

Cô gái Việt kiều hẹn nhà thơ Phi Vũ lúc 6 giờ chiều. Nhưng chỉ mới hơn 5 giờ cô đã đến trước cổng nhà nhấn chuông. Đó là một cô gái cực kỳ xinh đẹp, dáng dấp sang trọng, tuổi chừng hai mươi ba, hai mươi bốn. Theo lời tự giới thiệu, cô từ Mỹ mới về nước chiều hôm qua.

- Thưa nhà thơ, nhà thơ đã xuất bản tất cả bảy tập thơ riêng rồi phải không ạ? Em muốn mua hết tất cả các tập thơ đó.

- Rất tiếc là sách đã bán hết rồi. Hiện giờ chỉ còn vài cuốn thơ bìa cứng để tôi dành tặng cho các nhà phê bình, các người bạn thân thiết nhất của tôi mà thôi. Không còn tập thơ dư nào để bán nữa đâu.

- Thưa nhà thơ, em sẵn sàng trả giá cao cho bảy tập thơ đó!

Nhà thơ Phi Vũ mỉm cười:

- Đã nói là không bán được rồi mà cô bé!

- Nói thật với nhà thơ em muốn mua làm quà tặng cho mẹ em. Mẹ em năm nay tuy đã lớn tuổi rồi nhưng vẫn rất ái mộ thơ của nhà thơ nhiều lắm. Ngày nào bà cũng lên mạng tìm đọc thơ rồi ghi chép vào blog của mình. Cách đây một tuần em vào Blog của mẹ em, ngoài thơ của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận,.. em thấy thơ của nhà thơ Phi Vũ chiếm đầy Blog của bà.

(còn tiếp 1 phần nữa là Hết)

 
n8ypAR2.jpg


NqK3vg8.jpg




Xin mời các bạn xem tiếp Phần 7 (Phần cuối) truyện ngắn "Nàng và hắn"

Thanh Trắc Nguyễn Văn rất cảm ơn tuần báo PC&Mobile đã cho đăng Truyện ngắn "Nàng và hắn" thành truyện ngắn nhiều kì trên báo. Đây là tự truyện (thật 90% và hư cấu 10%). Nhân vật chính trong truyện chính là Thanh Trắc Nguyễn Văn thời còn trẻ, một người không có năng khiếu văn chương. Bé Nơ cũng có thật (có điều do tế nhị, tên thật của cô không phải là Thu Hương như trong truyện). Một chuyện tình buồn nhiều kỉ niệm không vui của Thanh Trắc Nguyễn Văn khi còn là sinh viên...

----------------------------------

NÀNG VÀ HẮN

7. - Thế ư? Thôi, để tôi tặng cho bà ấy bảy tập thơ làm quen vậy. Cô không cần phải mua.

- Nhà thơ làm em khó xử quá. Hay là nhà thơ cứ nhận tiền đi...

Nhà thơ Phi Vũ xua tay rồi lẳng lặng lấy bảy tập thơ bìa cứng và kí tặng:

- Tên mẹ cô là gì?

- Dạ Thu Hương... Lê Thị Thu Hương....

- Lê Thị Thu Hương nào? Có phải Lê Thị Thu Hương của trường Đại học Tổng Hợp Văn?

- Vâng, mẹ em nói có biết nhà thơ mà... Em là con gái út của mẹ em...

Nhà thơ Phi Vũ ngỡ ngàng nhìn cô gái ngồi trước mặt. Quả thật cô bé có rất nhiều nét đẹp giống Bé Nơ của ngày xưa. Mới thế mà đã hơn bốn mươi năm... Bằng giọng ngùi ngùi cô gái kể về những nỗi cô đơn hiện giờ của mẹ mình. Hai mươi năm trước, sau khi cùng chồng qua Mĩ định cư, Thu Hương và chồng li dị nhau. Họ có ba đứa con, chỉ có cô gái út là chịu ở lại với mẹ. Những năm gần đây sức khỏe của Thu Hương đã sa sút rất nhiều, bà luôn đau đáu nhớ về quê hương xứ sở. Đặc biệt bà rất thích những bài thơ của nhà thơ Phi Vũ viết về con người, viết về đất nước Việt Nam thân yêu.

Nhà thơ Phi Vũ khẽ thở dài, ông phóng bút viết ngay một bài thơ bốn dòng lên tập thơ tặng:

THU HƯƠNG

Mùa thu trong gió có hương
Một người trong nhớ có thương một người
Em đi ném vỡ tiếng cười
Chạy theo tôi nhặt đúng mười mảnh yêu.

Bên dưới bài thơ ông ghi một dòng chữ nguệch ngoạc để chú thích: Kỷ niệm ngày xưa "thơ con nòng nọc"! Bỗng nhiên một giọt nước mắt của ông rơi xuống, lành lạnh, lăn dài và làm nhòe nhoẹt đi những dòng chữ run rẩy vừa mới viết...


Thanh Trắc Nguyễn Văn
 
Top