Reply: Thơ hay về Tình Yêu (thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn)
Khi Thanh Trắc Nguyễn Văn viết bài thơ HÀ TIÊN HOÀNG HÔN thì thị trấn Hà Tiên vẫn còn cầu phao bắc tạm qua sông. Sau này, khi cầu Tô Châu được xây dựng xong (ngày 30.4.2003), cầu phao cũ bị tháo dỡ không còn dùng nữa...
***************************************
HÀ TIÊN HOÀNG HÔN
Tháng tám ta về gió gió lên
Đông Hồ bàng bạc khói lênh đênh
Câu thơ áo trắng chòng chành vỡ
Kỷ niệm mù sương bỗng bập bềnh.
Gió đùa mặt nước, gió đùa mây
Hoàng hôn chấp chới cánh chim bay
Thuyền ai neo vội bên sông vắng
Neo mảnh trăng chìm sóng lắt lay?
Em xa xóm núi bỏ trầu không
Bỏ phố chênh vênh nắng biển nồng
Bỏ ta ngơ ngác mờ mưa bụi
Cầu phao bập bỗng bước long bong.
Long bong sóng vỗ nhịp âm âm
Một khúc xôn xao, một khúc thầm
Vọng nghe câu hát mùa ly biệt
Đau đáu tìm nhau vượt tháng năm.
Em đã về đâu, biết đến đâu?
Trời chiều nhuộm tím bến Tô Châu
Người xưa bỗng nhớ người xưa cũ
Một bóng trên sông, bóng lặng sầu.
2000
(Tuyển tập thơ Thơ Tìm Người Thơ – NXB Văn Hóa Dân Tộc 2001)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Ghi chú: ảnh cầu phao Hà Tiên và ảnh minh họa sưu tầm từ internet
Reply: Thơ hay về Tình Yêu (thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn)
NÚI CÔ TIÊN
Khi đôi mình dừng ngắm núi Cô Tiên
Vầng mây bạc đã trôi dần, xa lăng lắc
Tiên nữ xõa tóc giữa trời ngân tiếng hát
Năm tháng rì rào...
Vọng sóng biển khơi.
Nếu lỡ vắng em rồi
Anh chỉ còn là giọt nắng chơi vơi
Lang thang mãi giữa bến bờ vô vọng
Như Nha Trang kia sẽ bốn mùa biển động
Khi Hòn Chồng chợt mất bóng Cô Tiên!
Hạnh phúc có ai ngờ bình dị đến thiêng liêng
Tiên nữ xuống chọn chồng nơi đất biển
Để từ đó cánh chim trời chao liệng
Cái đẹp muôn đời vời vợi với biển xanh.
Sao em lại trách hờn trong đôi mắt long lanh
Trách Cô Tiên ấy anh chưa nhìn thấy được
Anh chỉ thấy một cô tiên rất thực
Xõa tóc nhìn trời...
Giận dỗi nhìn anh...
Nha Trang 1996
(Tập thơ Hạ Nhớ - NXB Tổng hợp Đồng Nai 1999)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Ghi chú: ảnh núi Cô Tiên và ảnh minh họa sưu tầm từ internet
Reply: Thơ hay về Tình Yêu (thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn)
ĐỌC BÀI THƠ NỬA ĐỜI CỦA THANH TRẮC NGUYỄN VĂN
Tôi biết Thanh Trắc Nguyễn Văn hơn 10 năm nay! Rồi gặp anh với 2 nhà thơ Trần Ngọc Hưởng và Thái Thanh Nguyên năm 2006 tại thành phố Hồ Chí Minh. Lần gặp ấy, ba thi sĩ (hai nam, một nữ) đã để lại trong tôi ấn tượng không thể quên được, nhất là tác giả bài thơ NỬA ĐỜI này!
Tôi không loanh quanh kể lại chuyện gặp gỡ xúc động ấy nhưng tôi muốn nhớ lại để chiêm nghiệm với bài thơ mà nhân vật tâm trữ tình chính là tác giả - nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn - một người đã cầm bút hơn 10 năm kể từ “Hoa sứ trắng” (tập thơ đầu tay xuất bản năm 1997)… Thanh Trắc Nguyễn Văn sinh năm 1962 là một nhà giáo yêu văn học (tôi khẳng định như thế vì biết anh đã góp mặt rất nhiều thi tuyển và từ 1997 đến nay đã cho ra mắt độc giả 4 tập thơ riêng) vừa tham gia dạy học và sáng tác thơ, văn đặc biệt thơ anh được chọn vào “Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam” (NXB Văn học, 2000).
“Nửa đời” là bài thơ viết cho mình, mang tâm trạng như nhiều thi sĩ khác, viết để giải bày tâm trạng của người làm thơ. Bài thơ viết khi nhà thơ ngoài bốn mươi tuổi - cái tuổi đến độ chín của người thơ, đủ để trải nghiệm, đủ để biểu đạt triết lý ẩn chứa trong ngôn ngữ thi ca... Bằng thể lục bát vắt dòng nhấn ý thể hiện rõ nét tứ - ý, nhấn mạnh nội dung biểu đạt cô và sắc với cách lựa chọn ngôn từ cẩn trọng của một người cầm bút khá lâu:
Nửa đời
Nhỏ lệ làm sông
Thuyền yêu chèo mãi
Vẫn không thấy bờ.
Khổ thơ thứ nhất mở đầu bằng cách giới thiệu “Nửa đời nhỏ lệ làm sông/ Thuyền yêu chèo mãi vẫn không thấy bờ…”. Tôi cứ nghĩ mãi hình ảnh “nhỏ lệ làm sông?! Thi sĩ trời phú cho trái tim đa sầu đa cảm, buồn vui chợt đến, chợt đi để rồi từ trái tim ấy những câu thơ cất lên như xé ruột gan. Biện pháp tu từ nói quá của anh “nhỏ lệ làm sông” chấp nhận, nhưng xét trong mạch cảm, mạch nghĩ với câu thơ sau thì đó chính là gom góp yêu thương của con thuyền tình yêu hành trình trên con đường kiếp người. Viết được câu thơ này chắc hẳn người thơ có sự trải nghiệm trong tình yêu, đổ vỡ trong hôn nhân, xót xa cay đắng trước con đường đi tìm bến hạnh phúc cho tâm hồn mình! Tôi cảm như thế bởi câu thơ thứ hai trong khổ thứ nhất “vẫn không thấy bờ” của anh ngầm truyền vào tôi nỗi xa xót khi kết hợp với “nhỏ lệ làm sông”…
Khổ thứ hai cũng chỉ hai câu lục tách thành 4 dòng:
Nửa đời
xếp chữ làm thơ
Chữ “tình” đi mất
bỏ “khờ” chèo queo…
kéo tôi về với thực tại đắng đót của những người làm thơ. Thật ra có người làm thơ may mắn bởi tri âm tri kỷ, người bạn đời của mình cũng có trái tim đồng cảm sẻ chia thông cảm với họ; nhưng có người khó có sự đồng thuận khi làm thơ với gia đình. Có phải chăng đó là luật bù trừ mà “giời đày” cho các thi sĩ? Hay do sự “tỉnh táo” khác người của người làm thơ mà người thân yêu xa cách? Có phải trong thời buổi mà “cơm áo gạo tiền” đầy vất vả lo toan, khiến cho người vợ khó chấp nhận khi thấy chồng suốt ngày đam mê với văn chương? “Cơm áo không đùa với khách thơ”? Tôi đã nghe, thấy và chứng kiến nhiều thi sĩ mải đeo đuổi đam mê và cuối cùng phải chia tay với “người bạn trăm năm” trong nỗi niềm đau đớn khắc khoải đến cô độc cháy lòng! Chữ “tình” ở đây, trong khổ thơ này phải chăng là điều ấy? Người đi rồi để lại nỗi cô đơn! Cô đơn ngập tràn đến “khờ” để rồi “chèo queo “ với đời, “chèo queo” với thơ, “chèo queo” khắc khoải giữa đời…..
Đến khổ thứ ba, chất thi sĩ tài hoa thoắt hiện trong cái “chiêm nghiệm” thực tế phũ phàng:
Nửa đời
Bán mảnh trăng treo
Tháng năm rơi trắng
Cái nghèo còn mang…
Hàn Mặc Tử đã từng rao “Ai mua trăng tôi bán trăng cho…” Trăng là hình ảnh thiên nhiên vĩnh hằng! Không riêng ai, không sở hữu của ai phải mua bán! Có “bán” chăng là cách nói của thi sĩ, khát vọng và tình yêu; xót xa và hạnh phúc… tháng năm thi sĩ miệt mài lao động nghệ thuật chưng cất nên những câu thơ góp cho đời những “bông hoa” ngát hương trong “vườn văn học”. Người làm nghệ thuật chân chính, thường họ không nghĩ đến làm kinh tế, có khi cả đời chỉ viết được một tác phẩm hay. Nhưng không đam mê, không lao vào, tận tâm tận lực với văn chương liệu có thành công, có tác phẩm hay không? Trải qua nửa đời rồi ngẫm lại, người thơ thấy “cái nghèo còn mang”. Không phải đó là sự hối tiếc, ân hận; không phải là xót xa cái nghèo bám víu người thơ- còn có sự liên tưởng thú vị hơn nhiều với hình ảnh tưởng tượng khá độc đáo “tháng năm rơi trắng..” Tính từ “trắng” (theo cách ngắt nhịp của câu thơ) gợi lên ý thức sống- ý thức thời gian, khát khao dâng hiến nhưng chưa có được cái mà mình khao khát ước mơ rất chân thành không cao xa diệu vợi. Và chiêm nghiệm hành trình trên con đường thi ca đến đích trải qua bao thăng trầm gian khó, có khi trắng cả thời gian tâm huyết hoài bão của mình mà kết quả không thành!
Khổ cuối của bài thơ cũng lặp lại điệp khúc “nửa đời” khởi đầu câu lục, nhưng ý thơ làm tôi “ngộ” ra một điều mới phát hiện từ chiêm nghiệm của “anh” của “mình”!
“Sống trên đời cần có một tấm lòng” (Trịnh Công Sơn). Tấm lòng với tình yêu, với cuộc sống, với đam mê, với gia đình… Nhưng để làm được mơ ước hoài bão mình khao khát chỉ có một con đường “đi tới” trên con đường đầy chông gai trắc trở khó khăn, với quyết tâm và nghị lực phi thường! Trên con đường “nhặt giấc mơ hoang” đến “nửa đời” bỗng “một đêm” nhận ra tình yêu anh dành cho em, dành cho cái nửa của mình thật lớn lao ắp đầy nỗi nhớ, để rồi “bàng hoàng” đi tim “cái nửa” mình đã đánh mất lâu nay!
“Em”- chủ thể thứ hai- hiện lên cuối bài thơ đi kèm với một tính từ “bàng hoàng” và một động từ “tìm” cho thấy một tâm trạng vừa bàng hoàng vừa khắc khoải xa xót của một tâm hồn thi sĩ sau những “giấc mơ hoang”….
“Nửa đời” của Thanh Trắc Nguyễn Văn là một bài thơ hay! Thật khó có thể cảm nhận hết bằng ngôn ngữ. Những cảm nhận của tôi theo cách cảm của người làm thơ, yêu thơ, say thơ và có sự đồng cảm sẻ chia với người thơ! Hy vọng “nửa đời” còn lại của tác giả bài thơ này sẽ gặt hái hạnh phúc trên con đường “tìm em”- Em trong tình yêu và em tác phẩm nghệ thuật mà mọi người yêu thích!
Bình Định, 20.01.2010
(Giải nhất Bình thơ trong tháng tại trang web văn học Đất Đứng)