Thơ Văn mới đăng báo (Thanh Trắc Nguyễn Văn)

Reply: Thơ mới in trên báo

Xin giới thiệu với các nhà thơ và các bạn bài thơ Gói của Thanh Trắc Nguyễn Văn đã được đăng trên báo Làm Bạn Với Máy Vi Tính số 702, ngày 2.5.2017. Bài thơ được viết theo phong cách thơ hiện đại: Thơ tự do có pha chút siêu thực.

****************************************




P4Pgmt.jpg


HkEPMt.jpg





GÓI

Đi về phía không anh
Công viên không người đợi
Quán cóc không ai chờ
Ly cà phê không hẹn đủ đôi
Chỉ còn một chiếc lá xoay
Rơi rụng
Xuống chân ngày.

Giữa đám người ồn ả
Em đơn độc chạm vào mùa thu...
Gói mùa thu vào lá
Gói lá vào khăn tay
Gói khăn tay vào nước mắt
Gói nước mắt vào ký ức
Gói ký ức vào khoảng không...

Thanh Trắc Nguyễn Văn


 
Reply: Thơ mới in trên báo

Xin được giới thiệu với các bạn thơ của Thanh Trắc Nguyễn Văn bài thơ vừa được đăng trên Tạp chí Dân Vận tháng 6 năm 2017. Bài thơ được viết tặng cho cô giáo xinh đẹp Thanh Trúc, giáo viên dạy môn vật lý trường Võ Thị Sáu khi Thanh Trắc Nguyễn Văn cùng một số bạn đồng nghiệp ghé thăm nhà cô ở Ba Tri (Bến Tre) năm 2012. Trong bài thơ đặc biệt có một khổ thơ lấy cảm hứng từ tên "Trúc" của cô:

“Trúc xinh trúc mọc đầu đình”
Em xinh áo lụa khăn tình vắt vai...
Bến Tre ai thả tóc dài
Để mây với gió thương hoài ngàn năm?


-----------------------------------------

vi0FbM.jpg


Xkmzjk.jpg




VỀ LẠI BA TRI

Viết tặng T.T.

Ba Tri có mộ cụ Đồ
Có câu hò vọng bến bờ Hàm Luông
Có ca dao gởi cánh chuồn
Chuồn chuồn bay mất nhưng buồn không bay!

Ngập ngừng chân bước tỉnh say
Lá quên hay nhớ rơi đầy nẻo xưa?
Nhà em vẫn chiếc cầu dừa
Vẫn vườn trái ngọt nắng đùa lung linh.

“Trúc xinh trúc mọc đầu đình”
Em xinh áo lụa khăn tình vắt vai...
Bến Tre ai thả tóc dài
Để mây với gió thương hoài ngàn năm?

Ta về phía biển xa xăm
Ngựa ô khớp bạc gọi thầm trong mơ
Em giờ đã thắm duyên tơ
Câu Trương Chi hát thôi chờ kiếp sau...

Tìm đâu má mận hồng đào
Lời sầu riêng ngọt gọi chào hôm mai
Ngậm ngùi tóc ngắn thôi bay
Mù u trái rụng từ ngày nào em?

2012
(Tập thơ Huyền Thoại Người Lái Đò - NXB Hội Nhà Văn năm 2013)


Thanh Trắc Nguyễn Văn
 
Reply: Thơ mới in trên báo

sPiCtu.jpg


VdD69K.jpg




THÁNG NĂM

Tháng năm nhớ mẹ mua trầu
Khói hương lệ ứa nhúng màu hương cau.

Tháng năm trăng bỗng lên cao
Mảnh sương rơi lại làm sao sân vườn.

Tháng năm nắng nửa con đường
Nửa kia mưa ướt lời thương cuối mùa.

Tháng năm quét lá sân chùa
Gặp ni cô lá hóa bùa tương tư!

Tháng năm bướm đậu mù u
Câu kinh mặc kệ đi tu một mình

Tháng năm thơ dán cột đình
Giọng hò, giọng lý rập rình tìm nhau.

Tháng năm em cởi yếm đào
Ta men cổ tích lạc vào thiên thai.

Tháng năm thả oán hận bay
Phóng sinh bóng tối
Hứng đầy bình minh!


Thanh Trắc Nguyễn Văn
 
Reply: Thơ mới in trên báo

Nhân mùa hè, mời các bạn thơ của Thanh Trắc Nguyễn Văn đọc bài thơ Vẫn còn đây của Thanh Trắc Nguyễn Văn đã đăng trên báo Áo Trắng (báo Tuổi Trẻ). Trang báo ngoài việc in bài thơ còn có in ảnh và giới thiệu sơ lược tiểu sử của Thanh Trắc Nguyễn Văn


++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++


DnfgTn.jpg


0adSDz.jpg




VẪN CÒN ĐÂY

(Tặng Cảnh Tiên và lớp 11E)

Vẫn còn đây
Năm công chúa ngày xưa
Năm cô bé với năm cái cười rất "quái"!
Mùa xuân đi qua rộn ràng trong lớp ấy
Có chú ve sầu chợt thức khóc trên cây.

Vẫn còn đây
Năm tà áo trắng tung bay
Năm nhịp guốc cùng khua đều lóc cóc
Xe vẫn dựng quanh những hàng bún ốc
Hoa điệp rơi vàng trong nhịp muỗng leng keng.

Vẫn còn đây
Năm bài hát thân quen
Năm giọng "hú" của một thời tóc bím!
Những chiếc nơ xanh, trắng, vàng, đỏ, tím
Vẫn lúc lắc bay, ngúng nguẩy trong chiều…

Kỷ niệm vọng về từ năm tháng cô liêu
Trang giấy cũ bỗng nhớ nhung màu phượng cũ
Một chiếc lá rơi giữa sân trường nắng rũ
Mùa hạ đâu rồi
Áo trắng ấy
Ngày xưa?

Thanh Trắc Nguyễn Văn
 
Reply: Thơ mới in trên báo

Xin mời các bạn thơ của Thanh Trắc Nguyễn Văn xem thêm một bài thơ viết về mùa hè cũng đăng trên báo Áo Trắng (Tuổi Trẻ)

--------------------------------------------------------------------------------------

o8gAlS.jpg




CON THUYỀN GIẤY

Con thuyền xưa bằng giấy
Anh thả vào ước mơ
Thuyền trôi giữa dòng mưa
Bập bềnh trên sóng nước.

Em ngồi bên cửa lớp
Con thuyền ghé làm quen
Em đẩy. Thuyền lật nghiêng
Lắc lư rồi trôi tiếp!

Em cười đôi mắt biếc
Màu áo trắng như mơ
Con thuyền cũng ngẩn ngơ
Lặng trôi và trôi mãi...

Con thuyền nay bằng giấy
Anh thả về tuổi thơ
Thuyền trôi giữa dòng mưa
Cũng bồng bềnh sóng nước.

Nhưng người em thuở trước
Năm tháng ấy về đâu?
Con thuyền cũ nghiêng chao
Giữa đôi dòng thương nhớ.

Trời mưa bong bóng vỡ
Phượng rụng ướt mùa thi
Có một chiếc thuyền đi
Bên thềm xưa trôi mãi...


Thanh Trắc Nguyễn Văn
 
Reply: Thơ mới in trên báo

Nhân ngày kỷ niệm liệt sĩ 27.7, Thanh Trắc Nguyễn Văn xin được giới thiệu với các bạn thơ một bài thơ đã đăng trên báo Văn Nghệ tp.HCM những năm trước. Bài thơ được viết khi Thanh Trắc Nguyễn Văn đến nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị), thắp hương ở khu vực những người lính có quê Hà Nam Ninh đã hy sinh (quê cha của Văn). Chùm thơ được viết theo phong cách thơ cận đại: trừu tượng, siêu tưởng và rất cô đọng. Mỗi bài thơ đều là ba dòng như thơ Haiku của Nhật Bản.

--------------------------------------------------------------------------------------------------


M5V7oq.jpg


Y9qsXT.jpg




CHÙM THƠ BA DÒNG VIẾT Ở NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN

Nghĩa trang Trường Sơn
Những nén hương
Khói vươn cao hình đất nước.

Bên mộ người chiến sĩ vô danh
Chú chim câu
Mổ thóc.

Máu người lính
Lá cờ
Hoa hồng.

Đêm
Hồn tử sĩ nhớ mẹ
Khóc.

(Quảng Trị 2009)


Thanh Trắc Nguyễn Văn
 
Reply: Thơ văn mới in trên báo

Xin giới thiệu với các bạn thơ của Thanh Trắc Nguyễn Văn bài viết "Lễ hội đầu xuân và những hạt sạn" đã đăng trên báo Văn Nghệ tp.HCM số 437, ra ngày 16.2.2017.

----------------------------------------------------------------------------------------------


EuzT7i.jpg

Nhiều du khách vào chùa vẫn mang dép



LỄ HỘI ĐẦU XUÂN VÀ NHỮNG HẠT SẠN

Lại một mùa xuân thanh bình nữa đã và đang đi qua trên đất nước ta. Đầu xuân đi lễ hội, đi chùa là một nét văn hóa rất đẹp của người Việt đã có từ thời xa xưa. Những người đi lễ hội đều có những ý nguyện rất chung: một là tham quan danh lam thắng cảnh của quê hương; hai là vì tín ngưỡng, ba là cầu cho quốc thái dân an, cầu phúc và cầu lộc cho gia đình. Rất tiếc do ý thức văn hóa của người dân quá kém và tệ hại hơn là ngày lại càng đi xuống nên vô tình nhiều người, trong đó đa phần là các bạn trẻ, đã bộc lộ những thể hiện rất xấu và rất phản cảm khiến nhiều người phải ngán ngẩm.

Chùa Linh Quy Pháp Ấn (Lâm Đồng) là một nơi nổi tiếng thanh tịnh với nét đẹp không gian tĩnh mịch và tôn nghiêm. Nhưng đầu năm nay các nhà sư trong chùa Linh Quy Pháp Ấn đã phải “khóc ròng” vì rất nhiều khách thập phương đi lễ chùa mà hoàn toàn không có cái tâm của một người Phật tử chân chính. Nhiều cô gái rất xinh đẹp, chân dài nhưng lại bận những chiếc váy ngắn “rất gợi cảm” khi vào chùa, mặc dù trước cổng chùa đã có bảng cấm. Một người bạn của tôi đã nói nửa đùa nửa thật: “Các cô xinh đẹp như thế sao không rủ nhau đi quyến rũ các đại gia, lại cứ đi gây “xao xuyến” làm chi cho những người đã tu hành?”. Tôi đã từng được nghe một vị cao tăng giảng: Khi đi lễ chùa nếu ăn mặc gợi cảm quá mức sẽ vừa phạm giới uế tạp Phật đường, vừa phạm giới bất kính, dù người đó có mất công thờ cúng cũng không có ích gì!



9Sxg40.png

Những người đẹp váy ngắn


Chưa hết rải rác trong sân chùa có rất nhiều cặp nam nữ “vô tư” ôm nhau để thể hiện tình cảm hoặc chụp hình tự sướng. Họ hầu như đã quên họ đang ở đâu và đến chùa để làm gì? Một vấn nạn nữa không phải riêng chỉ có ở chùa Linh Quy Pháp Ấn mà hầu hết các chùa trên đất nước Việt Nam khác đều bị ảnh hưởng đó là nạn du khách xả rác bừa bãi. Đầu năm, gia đình tôi có đến chùa Phước Hải (ở tp. Hồ Chí Minh, ngôi chùa đã được tổng thống Obama thăm viếng khi ông sang Việt Nam), tuy hầu hết người đi lễ chùa đều rất nghiêm túc nhưng do số lượng khách quá đông nên đã không tránh được nạn chen lấn, xô đẩy khi cùng xếp hàng vào chánh điện. Trong sân chùa có một cái hồ lớn nuôi cá và rùa, thật đáng buồn khi trên mặt nước vẫn còn có những chai lọ nước uống bằng nhựa không biết của ai đó đã tiện tay ném xuống mặc dù thùng rác đặt cạnh đó không xa!

Nổi cộm hơn, cũng đầu năm nay ở chùa Đồng Yên Tử (Quảng Ninh), nơi có pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được khánh thành vào đầu tháng 12 năm 2013. Theo các nhà nghiên cứu sử học Trần Nhân Tông là vị anh hùng dân tộc đã lãnh đạo dân quân nước Đại Việt hai lần đánh thắng quân Nguyên – Mông xâm lược. Khi về già ông đã từ bỏ ngôi báu để đi tu và ông cũng chính là vị tổ sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền Phật giáo mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Pho tượng của Phật hoàng được đúc bằng đồng nguyên khối, cao 15 m, nặng 138 tấn, tọa lạc trên đỉnh An Kỳ Sinh có độ cao 900 m so với mặt nước biển. Lễ hội ở chùa Đồng Yên Tử sẽ kéo dài suốt ba tháng trong mùa xuân và được dự kiến sẽ có hơn 2 triệu du khách đến viếng. Người đông nên chen lấn và hỗn loạn là điều không thể tránh khỏi. Điều đáng nói ở đây là có rất nhiều khách viếng chùa đem tiền xoa lên đại hồng chung và khánh đồng tại chân tượng Phật hoàng với ý nghĩ rất ngô nghê là cầu may! Tệ hơn cũng có rất nhiều người ném những tờ giấy tiền thật lên mái chùa hoặc giắt vào các kẽ dưới mái hoặc vách chùa tạo nên một bức tranh cực kỳ bôi bác và phản cảm. Để biết đúng hay sai chúng ta hãy cùng đọc những dòng sau đây nói về những quy định trong việc dâng lễ vật cúng dường tại chùa chiền do một trang web Phật giáo hướng dẫn:

“1. Khi đến dâng hương ở các chùa nên sắm các lễ chay như: hương, hoa tươi, quả chín, oản, xôi, chè… Không đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện tức là chính điện, tức là nơi thờ tự chính của ngôi chùa. Trên hương án của chính điện chỉ được dâng đặt lễ chay, tịnh.

2. Việc sắm sửa lễ mặn như cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt gà, giò, chả… chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Đức Ông, Thánh, Mẫu và chỉ dâng đặt tại bàn thờ hay điện thờ mà thôi.

3. Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa. Nếu có sửa lễ này thì đặt ở bàn thờ thần linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông.

4. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện mà nên bỏ vào hòm công đức. Tuyệt đối không nên đi “rải” tiền trên tất cả ban thờ, đặt vào tay tượng.”


(còn tiếp)
 
Reply: Thơ văn mới in trên báo

iX8jKc.jpg

Tệ nạn giắt tiền lên mái chùa để cầu may



LỄ HỘI ĐẦU XUÂN VÀ NHỮNG HẠT SẠN (tt)

Thánh Gióng hay Phù Đổng Thiên Vương là một trong bốn vị thánh bất tử (Tứ bất tử) của Việt Nam. Thánh Gióng tượng trưng cho tinh thần bất khuất, chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Hội Gióng mỗi năm thường được tổ chức ở đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Trong hội Gióng có nghi lễ dâng hoa tre lên đền Thượng của thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) được tổ chức đầu tiên. Hoa tre được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50 cm, đường kính khoảng 1 cm, đầu tre tuốt bông và nhuộm màu tượng trưng cho roi ngựa của Thánh Gióng. Sau khi dâng lên đền Thượng xong những hoa tre sẽ được rước xuống đền Hạ rồi phát cho người dự hội để cầu may. Tuy gọi là “phát” nhưng thật ra là “tung” ra giữa sân đền cho hàng nghìn người đang đợi sẵn xung quanh sân xông vào cướp giật để mong có được sự may mắn trong năm. Theo nhiều người đây là cảnh quen thuộc của hội Gióng hàng năm, người đi lễ gọi là “cướp lộc”! Cảnh tượng vẫn thường thấy trong khi xảy ra “cướp lộc” là hoàn toàn bát nháo. Một đám rất đông người đầu tóc rối bù, áo quần xốc xếch tranh giành hỗn độn, la hét ầm ỷ, giẫm đạp lên nhau khiến cho nét đẹp văn hóa của hội Gióng hầu như bị tổn hại rất nhiều… Tôi không hiểu sao cho đến bây giờ vẫn còn có nhiều người cạn nghĩ đến như vậy. “Lộc” phải dùng “bạo lực”, “mạnh được yếu thua” kiểu ăn cướp để có được, xin hỏi có còn xứng đáng là lộc của thánh ban cho hay không?

Chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chùa Hương là miền đất Phật, là nơi Bồ Tát Quan Thế Âm tu hành. Hương Sơn ngoài các chùa thờ Phật, còn có nhiều đền thờ các thần thánh khác như bà chúa Thượng Ngàn (đền Cửa Vòng), thần Hổ (đền Trình)… Sáng ngày 2 tháng 2 (mùng 6 Tết) năm nay, hội chùa Hương đã chính thức khai hội và cũng như những năm trước lại tái diễn cảnh khách thập phương leo tường, giẫm đạp cây cỏ xung quanh chùa - mặc dù đã có lực lượng bảo vệ kiên quyết ngăn cản - để tìm mọi cách lọt được vào trong chùa. Trước đó một ngày (ngày 1 tháng 2), chỉ vì chen lấn khi đi chùa Hương bà cụ Phạm Thị L. (ở phường Phúc La, quận Hà Đông) đã vô tình giẫm lên chân một cô gái trẻ. Thế là nhóm thanh niên đó gồm hai cô gái và một chàng trai đã lao vào xô xát với bà cụ khiến bà cụ bị ngất phải khiêng đi cấp cứu. Công an huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã phải vào cuộc và xử phạt hành chính nhóm thanh niên nói trên. Than ôi, đến đất Phật để một lòng hướng Phật mà tâm vẫn còn mang nặng Tham – Sân – Si như thế thử hỏi Phật, Trời nào chứng giám cho?

Để vào được chùa Hương, nếu đi theo đường thủy, khách phải đi thuyền từ bến Đục trên dòng Suối Yến khoảng 4km. Đi trên thuyền (chèo tay) cũng mất khoảng một tiếng, khá lâu và quãng đường sông cũng khá dài. Rảnh rỗi sinh nông nổi, nhiều nam thanh nữ tú khi ngồi trên thuyền đã rủ nhau mở sòng bài sát phạt cho mau qua thời gian. Tuy có nhóm bạn chỉ là đánh chơi cho vui, nhưng đến viếng đất Phật mà đem một trong “tứ đổ tường” ra để giải trí thì quả thật là “cạn lời”! Suối Yến Vĩ (tên khác của suối Yến) theo tôi là nước khá sâu, nhưng hầu hết các thuyền chở kín người (ngày 1 và ngày 2 tháng 2) đều không có áo phao phát cho khách. Nhiều khách rất lo sợ nhưng vẫn “uống thuốc liều” lên thuyền và thuyền vẫn xuất bến. Theo tin được biết năm nay những chiếc đò chở khách tham quan ở chùa Hương phải trang bị hệ thống áo phao, vật nổi mới được chở khách. Đến ngày 3 tháng 2, tình hình phát áo phao cho khách đã có phần khá hơn, đó cũng là nhờ sự kiểm tra quyết liệt của chính quyền địa phương.

Lễ hội đầu Xuân là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Điều này không một ai có thể phủ nhận được. Để cho những lễ hội đất nước ngày càng có ý nghĩa hơn, rất mong mỗi người trong chúng ta nên bớt cái tôi ích kỷ để cùng những người khác xây dựng một nếp sống cộng đồng văn hóa Việt: biết xếp hàng, biết nhường nhịn, biết tôn trọng phụ nữ, biết kính trọng người lớn tuổi, biết thương yêu trẻ em, biết tuân theo những quy định của nơi chúng ta sẽ đến, đừng tự biến mình thành những người Việt xấu xí (những điều này ai cũng biết nhưng lại không muốn thực hiện!). Ban tổ chức các lễ hội và chính quyền địa phương cũng cần nên phối hợp và điều nghiên những phương án sao cho những lễ hội của quê hương ngày càng
tạo thêm được nét hấp dẫn và sự yêu mến của các du khách trong và ngoài nước.

2017

Thanh Trắc Nguyễn Văn




hRIJPI.jpg

Thuyền đưa khách đi chùa không phát áo phao

Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet
 
CÔ GIÁO NGỌC GIANG VÀ MÓN XÔI TRẠNG NGUYÊN

Cứ đến tháng 5, cô Nguyễn Thị Ngọc Giang, giáo viên dạy môn địa lý Trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), lại làm vài đĩa xôi đem vào lớp đãi học sinh của mình.

Là giáo viên dạy môn địa nhưng cô Ngọc Giang rất thích nấu ăn, những món ăn cô làm vừa được trang trí rất khéo vừa rất ngon miệng, không kém gì những đầu bếp thực thụ ở các nhà hàng. Người viết là một trong những người đã may mắn được thưởng thức những “tuyệt phẩm ẩm thực” của cô. Chỉ là những món ăn dân dã, nguyên liệu thực phẩm rất dễ kiếm nhưng nói chung đều rất tuyệt vời!

“Đậu”, “đỗ” và sự tự tin

Món ăn cô đãi học trò vừa mang tính chúc phúc cho các em sẽ vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 đầy căng thẳng sắp tới, vừa giúp tình cô trò thêm đậm đà, vừa lưu lại một kỷ niệm khó quên cho các học sinh của cô sau ba năm gắn bó học tập đầy thân ái dưới một mái trường chung.

Món xôi được cô đặt một cái tên khá ấn tượng, đó cũng là kỳ vọng của cô đối với các học trò cô yêu thương: xôi Trạng Nguyên. Nguyên liệu chính của món xôi Trạng Nguyên là đậu xanh được bóc vỏ, cho vào ngâm nước khoảng năm tiếng. Miền Nam gọi là “đậu”, còn miền Bắc gọi là “đỗ”.

Nhưng dù “đậu” hay “đỗ”, cái tên cũng vẫn hướng đến một ý nghĩa rất dễ thương là khi ăn món xôi này, các em sẽ có thêm tự tin, thêm may mắn để có thể đạt được kết quả tốt nhất trong thi cử. Ngoài đậu xanh, cô Ngọc Giang cho biết cần phải có thêm gạo nếp cái hoa vàng, nước cốt dừa để pha chế cùng với một ít muối và đường để làm xôi.

Xôi đã nấu xong, bày ra đĩa rồi nhưng vẫn chưa đủ. Theo cô Ngọc Giang, có những món ăn ngon nếu biết khéo léo bày biện và trang trí sẽ tạo cho người ăn có thêm nhiều trải nghiệm thú vị về ẩm thực. Cô rất mong muốn khi thưởng thức món xôi, các học trò của cô sẽ ít nhiều nhớ về cội nguồn của dân tộc.

Món ăn quý

Trong xôi có nếp, nếp chính là “hạt ngọc trời” mà trong truyện cổ tích Bánh chưng bánh giầy thời vua Hùng, một vị thần đã mách cho hoàng tử Lang Liêu làm nên món ăn truyền thống nổi tiếng bánh giầy (tròn tượng hình trời), bánh chưng (vuông tượng hình đất) của người Việt cổ.

Với đôi bàn tay tài hoa của mình, một củ su hào dùng làm đầu rùa, chả lụa và lạp xưởng dùng làm bốn chân và mai rùa, cô Ngọc Giang đã tạo hình đĩa xôi thành một chú rùa rất dễ thương. Tại sao lại là một chú rùa? Cô giải thích rùa là một trong tứ linh “long - lân - quy - phụng” của văn hóa dân gian. Rùa (quy) tượng trưng cho sức khỏe, tuổi thọ. Rùa còn tượng trưng cho sự nhẫn nại, chăm chỉ trong học tập của con người. Rùa cũng là linh vật tôn vinh các bậc tri thức nho học thời phong kiến.

Ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) có 82 tấm bia đá tiến sĩ, ở Văn Miếu Huế do chiến tranh nhiều năm tàn phá vẫn còn lại 32 tấm bia tiến sĩ làm bằng đá cẩm thạch. Và dưới những tấm bia đá mà người xưa tôn vinh truyền thống coi trọng người tài, coi trọng sự khuyến học của ông cha ta thời phong kiến là những chú rùa đá cần mẫn không quản ngày đêm, dãi dầu mưa nắng “đội” bia đã hàng mấy trăm năm.

Trong truyền thuyết, thần Kim Quy (thần Rùa Vàng) luôn là một vị thần hộ quốc, luôn gắn bó với dân tộc Việt của chúng ta. Thời vua An Dương Vương, thần Kim Quy đã giúp vua dựng nước và đặc biệt giúp vua xây dựng thành Cổ Loa (thành Ốc) vừa độc đáo vừa kiên cố. Thần cũng giúp vua chế tạo nỏ thần có thể bắn ra một phát với hàng trăm mũi tên đồng khiến quân cướp nước phải run sợ.

Khi vua An Dương Vương bại trận mất nước, thần Kim Quy lại hiện lên cảnh tỉnh nhà vua cũng như nhắn nhủ người đời sau với câu nói nổi tiếng: “Giặc ở sau lưng nhà vua đó”.

Và hơn một ngàn năm sau, thần Kim Quy cũng đã vâng lệnh Lạc Long Quân dâng gươm thần Thuận Thiên cho vua Lê Lợi, giúp ông đánh đuổi giặc Minh ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, chấm dứt một thời kỳ đen tối của nước Đại Việt...

Được thưởng thức một đĩa xôi đậm đà hương vị dân tộc, lại được biết thêm những triết lý sâu sắc mà người nấu xôi đã gửi gắm trong món ăn thật là thú vị. Cô Ngọc Giang đã tặng cho học trò một món ăn rất quý, một món ăn đầy đủ cả ý nghĩa vật chất lẫn tinh thần. Nhiều học sinh cũ thành đạt về thăm lại trường, mỗi khi nhắc đến cô Ngọc Giang lại nhắc đến món xôi Trạng Nguyên mà họ đã được ít nhất một lần nếm qua ngày xưa.

Năm nay khi ngày thi Tốt nghiệp đã gần kề, ngoài việc ôn tập cho học sinh, cô Ngọc Giang có lẽ lại đang chuẩn bị tất bật để nấu lại món xôi mà cô đã tốn rất nhiều tâm huyết: món xôi Trạng Nguyên!

2017
(Báo Tuổi Trẻ ngày 10.5.2017)

Thanh Trắc Nguyễn Văn


ExPYoC.jpg


igzX7v.jpg

 
Sửa lần cuối:
Kính mời các bạn xem bài thơ vừa mới đăng trên báo PC & Mobile số 714, ra ngày 25.7.2017

----------------------------------------

NÁO ĐỘNG

Ta buồn náo động thời gian
Phím đàn vọng giữa tay ngoan ngủ vùi
Tìm em ngày chủ nhật cười
Lời ca gởi gió
Gió lười không đưa!

Ta buồn náo động âm xưa
Lá trăng rộp rốp vỡ mùa heo may
Mưa rơi ướt bóng hình hài
Bước chân hóa thạch một ngày không em!


Thanh Trắc Nguyễn Văn




f8aCIf.jpg


TcZSvS.jpg
 
MƯA THÁNG SÁU

Tháng Sáu mưa
Những mảng trời vỡ rơi gõ vang nền ký ức
Đêm lăn màu mực
Thả mảnh liềm trăng lắt lẻo lưng trời.

Tháng Sáu dại khờ
Tháng Sáu của xa xôi
Mưa giăng trên vòm cây những dây đàn thương nhớ
Ta cùng em một thuở
Bàn tay nắm
Bàn tay mở
Hứng khẽ từng nốt nhạc lạnh tan
Kìa ai dưới hiên trường gió miên man
Tà áo trắng trinh nguyên
Trang vở màu nguyệt bạch
Hẹn hóa bướm bay tìm một ước mơ xa...

Em – cô gái Cẩm Mỹ thích cỏ hoa
Thích khắc lên hạt mưa những khát khao cháy bỏng
Rồi sẽ có một ngày...
Em sẽ là cô giáo trường làng nho nhỏ
Sẽ cùng ta giảng bài:
“Ai bảo chăn trâu là khổ? ”
Chiếc lá sân trường rụng xuống xôn xao...

Tháng Sáu chưa về
Màu mực tím đã trôi mau
Mưa để lại ước mơ nhòe trên nét chữ
Em gói trả hạt mưa bỏ theo chồng xa xứ
Trả lại ta
Nửa trang giáo án
Chỉ còn ta
Nửa ly cà phê đắng
Và một bóng hình em
Khuấy mãi không tan!


Thanh Trắc Nguyễn Văn



ddg1JT.jpg


KwSUhs.jpg
 
Xin giới thiệu đến các bạn thơ của Thanh Trắc Nguyễn Văn bài thơ đã đăng trên báo Quảng Nam Cuối Tuần số 4797(8019), ra ngày 6 và 7 tháng 5.2017. Bài thơ được viết khi một bạn thơ tên là Nguyệt Thảo qua đời

----------------------------------------------

BIỆT KHÚC

(Khóc bạn thơ Nguyệt Thảo)

Tạm biệt nhé
Vành trăng ngoan của cỏ
Áo mỏng em bay tha thướt về trời
Ta ở lại với nỗi buồn của gió
Mãi lang thang tìm từng mảnh sao rơi.

Mong manh thế?
Những vần thơ nạm ngọc
Bỗng vỡ tan trong bão táp vô thường
Thiên thần hát
Hay thiên thần bật khóc?
Cung đàn trầm lấp lánh những hạt sương.

Em đi mãi
Với nụ cười trong mắt
Dẫu nhánh cỏ thơm sớm gãy vụn xa lìa
Bóng nguyệt ấy sáng nay vừa lặn tắt
Sẽ lại sáng bừng
Nửa quả đất
Phía bên kia...

2008
(Tập thơ Giọt Lệ Trăng - NXB Văn Nghệ 2010)


Thanh Trắc Nguyễn Văn




CtpQmA.jpg



LJ16DH.jpg
 
Xin giới thiệu vơi các bạn thơ bài thơ tứ tuyệt đã đăng trên Tạp chí Cửa Việt năm 2017

---------------------------------------------------------------

PHÁO HOA

Giao thừa ai bắn pháo hoa?
Mảnh thương, mảnh nhớ, mảnh nhòa, mảnh xa
Pháo hoa là của người ta
Của tôi là vệt sao sa cuối trời.


Thanh Trắc Nguyễn Văn




WbT0iZ.jpg


iXv07f.jpg
 
Xin được giới thiệu đến các bạn thơ bài thơ Ký Ức Tháng Tư đã đăng trên Tạp chí Văn Nghệ Tiền Giang số 79 năm 2017

----------------------------------------------

KÝ ỨC THÁNG TƯ

Tháng tư
vòm trời phượng đỏ
mặt cỏ hoa vàng
nhặt lên từng tiếng ve sầu rỉ rả
thả vào trang giáo án
tìm lại tuổi thơ xưa...

Thiên đường tuổi thơ
có nụ cười em thanh khiết nắng ban mai
có dòng sông đi học dài hơn nỗi nhớ
có lá me rơi
ngọt ngào
trăn trở
nửa trên tóc em
nửa khắc khoải cuối sân trường.

Thiên đường tuổi thơ
có trang vở trắng thơm những ngày học cuối cấp
có lời yêu ai cất sâu trong cặp
có ánh mắt tìm nhau
rủ mơ về một giảng đường xa…
thương lắm đôi cánh chim bay
thương lắm những dòng thơ xanh lấp lánh.

Tháng tư
từng em học sinh lại vào bài học mới
tiếng cười trong veo
trang giấy lao xao
thiên đường tuổi thơ vẫn còn đó
thiên đường của thầy xưa...


Thanh Trắc Nguyễn Văn




YruWfC.jpg


AG0Mqr.jpg
 
Xin giới thiệu với các bạn thơ bài thơ vừa được đăng trên báo PC & Mobile số 717 năm 2017. Bài thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn viết tặng cho một người bạn học nữ lớp 12 cũ cách nay đã 37 năm...

----------------------------------------

NHỚ BẠN CŨ

Đâu rồi người ấy ngày xưa
Môi hồng
Tóc ngắn
Tuổi vừa tròn trăng?

Người đi biền biệt tháng năm
Giọt mưa trường cũ
Vỡ thầm
Tên ai...


Thanh Trắc Nguyễn Văn




nYgzw3.jpg


4YVEx8.jpg
 
Bài thơ viết tặng cô giáo xinh đẹp Thanh Trúc, giáo viên vật lý trường THPT Võ Thị Sáu, bất ngờ lại được đăng trên báo PC & Mobile năm 2017. Thanh Trắc Nguyễn Văn không nhớ là bài thơ này đã gởi cho tòa soạn lúc nào (?), chắc có lẽ tòa soạn đã để trong phần lưu trữ. Cách đây mấy tháng cũng vậy, tương tự bài thơ Van em đừng qua cổng (viết tặng cô giáo Yến Phương) đã gởi từ hơn 2 năm trước bất ngờ báo Cần Thơ Cuối Tuần lại cho đăng!

------------------------------------

VỀ LẠI BA TRI

(Viết tặng T.T.)

Ba Tri có mộ cụ Đồ
Có câu hò vọng bến bờ Hàm Luông
Có ca dao gởi cánh chuồn
Chuồn chuồn bay mất nhưng buồn không bay!

Ngập ngừng chân bước tỉnh say
Lá quên hay nhớ rơi đầy nẻo xưa?
Nhà em vẫn chiếc cầu dừa
Vẫn vườn trái ngọt nắng đùa lung linh.

“Trúc xinh trúc mọc đầu đình”
Em xinh áo lụa khăn tình vắt vai...
Bến Tre ai thả tóc dài
Để mây với gió thương hoài ngàn năm?

Ta về phía biển xa xăm
Ngựa ô khớp bạc gọi thầm trong mơ
Em giờ đã thắm duyên tơ
Câu Trương Chi hát thôi chờ kiếp sau...

Tìm đâu má mận hồng đào
Lời sầu riêng ngọt gọi chào hôm mai
Ngậm ngùi tóc ngắn thôi bay
Mù u trái rụng từ ngày nào em?

Thanh Trắc Nguyễn Văn



RyR0US.jpg


o8TRt5.jpg
 

Thống kê

Chủ đề
100,759
Bài viết
467,597
Thành viên
339,858
Thành viên mới nhất
ffbbtopnhacai
Top